Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

- THIỀN ĐỊNH


THIỀN-ĐỊNH 

    Thiền : Theo các Từ-điển Khang-Hy (Trung-Quốc) Đào-Duy-Anh và Thanh-Nghị (Việt Nam) đều có nghĩa là yên-lặng, suy tưởng.
    Thiền là gọi tắt, chứ nói đủ tiếng theo Trung-Hoa là Thiền-Na, phiên âm từ chữ Dhyana của Ấn-Độ. Nhật-Bản gọi là Zen.
    Dhyana (chữ Ấn-độ) có nghĩa là trầm-tư về một chân-lý, triết-lý hay Đạo-lý đến chỗ thấu- triệt  in sâu vào tâm-thức.
    Định: Theo các Từ-điển nêu trên đều có nghĩa yên-lặng, xếp đặt được yên-ổn không bị lay động. Dẹp cho yên. Còn có nghĩa là Tỉnh. Nhà Phật có phép tu khiến cho thân-tâm yên-tỉnh không vọng-động gọi là “ nhập định”. Ấn-độ gọi là Samaddhi.
    Thiền-định : Thiền (Dhyana) Định (Samadhi) trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với nhau và thường dùng lẫn lộn, Trung-Hoa ghép lại thành danh từ kép “Thiền-định” để chỉ một trạng-thái yên-tỉnh bằng phép Định hoặc Thiền. Chứ đúng nghĩa thì Định là một trạng-thái tâm-lý chứng được bằng Thiền. Thiền là một tiến trình, Định là cứu cánh. (Theo Thiền luận của Suzuki/ Trúc-Thiên dịch).
    Trong văn-học Phật-giáo cũng như giáo-lý của các hệ-thống tôn-giáo Ấn-Độ thì Thiền-định là phương tu để lắng đứng hết vọng-tưởng tán-loạn đưa đến cảnh-giới thuần-nhất để tâm đễ ngộ-nhập vào chân-lý.
    Trên đây là nghĩa đen hai chữ Thiền-Định theo Đạo-học. Còn tùy theo trường-phái họ phân chia Thiền-định thành nhiều cấp bậc khác nhau, như có bốn cấp Thiền, tám cấp định v.v... nhưng đại-khái gồm các cách thực hành sau đây trong các tiết-mục kế tiếp.                              
      Phương-pháp thiền-định này giữ cho tinh-thần ở trạng-thái yên-tĩnh, loại trừ mọi tạp-niệm giữ tâm ở trạng-thái không-không, không suy nghĩ bất cứ điều gì. Dạng thiền định này Yoga gọi là một trạng thái tinh-thần tỉnh-lặng, chứ không phải là một chuỗi nối tiếp các hoạt-động tinh-thần như suy-tưởng quán-chiếu vào một vấn-đề. Phép thiền-định này tạo một sự thư giản thân tâm. Phép thiền-định này thường áp-dụng trong những trường-hợp làm việc nhiều về trí-não, cần tìm một sự thư-giản nghỉ-ngơi, hoặc áp-dụng trong lúc luyện khí-công, quán-chiếu vào hơi thở, giữ tâm ở trạng-thái hư-vô, Nho giáo còn gọi là Tọa-vong. Vì bước đầu tiên của thiền là sự nghỉ-ngơi, sau đó tiến lần đến nhiếp-tâm tịnh-ý, và cứ làm như vậy thì một điều gì đó tự nó sẽ đến không cần phải mong-ước cượng-cầu.
      Phương-pháp này ngày nay còn gọi là nảo tỉnh-công, giúp cho tính ổn-định của vỏ não ở một trạng-thái tối ưu, khiến não mạnh lên, còn gọi là kiện- não pháp, có tác-dụng tăng-cường năng-lực chuyển-hóa các quá-trình hưng- phấn và ức-chế, phát-huy hết năng-lực tiềm-ẩn của não, cũng như kích thích óc sáng tạo của con người, từ đó thần-huệ sẽ phát-triển, nên Đạo thơ có câu :
      “Biển có lặng thì minh châu mới hiện ”.
      Phép tham-thiền này có thể áp-dụng tiếp theo bất kỳ một sinh hoạt trí- lực hoặc thể-lực nào vừa kết-thúc, để tạo một sự yên-tĩnh nghỉ-ngơi cho thân tâm.
      Phép thiền này nếu kết-hợp với hơi-thở (khí công) có thể chữa được một số bệnh thần-kinh căng-thẳng đưa đến suy-nhược, nhất là mất ngủ. Vì giấc ngủ cốt tạo sự nghỉ-ngơi cả thân-thể và hồn-phách, nếu thực-hiện phép thiền này là đã giải-quyết được hơn hai phần ba mục-đích đó, nên cũng giúp người dễ đi vào giấc ngủ một cách ổn-định. Bởi vì nếu ngủ với một thần-kinh căng- thẳng trăn-trở bất-an, với những cơ-bắp co-rút, với những giấc mộng nặng-nề thì giấc ngủ đó chưa phải là một hình-thức ngủ toàn-vẹn. Còn nếu ứng-dụng cách tham-thiền này tuy không ngủ nhưng mục-đích của giấc ngủ đã đạt được, đó là sự nghỉ-ngơi cả thể-xác lẫn hồn-phách. Để đạt được mục-đích nêu trên, không những hành-giả giữ tâm-tư ở trạng-thái hư-không, mà tất cả các cơ bắp cũng phải được thư-giản, mềm-mại, từ cơ bắp ở mặt cho đến tứ chi cần phải để cho nhủn ra như một con mèo nằm sải dài thoải-mái trong tư-thế nghỉ-ngơi.
      Phương-pháp thiền này có thể nằm ngữa buông xuôi tay chân, hoặc ngồi ở một tư-thế thoải-mái, giữ cột sống thẳng đứng, ta chỉ cần theo dõi hơi thở, còn bao nhiêu thứ còn lại đều buông thả tự-do. Vì theo dõi hơi thở cốt  giữ cho tạp-niệm khỏi lẻn vào khuấy động, còn thư-giản tất cả bắp thịt trong châu thân là để đạt đến sự tĩnh lặng. Hành giả hãy xem mình như hạt minh-châu dưới đáy hồ phẳng lặng, hãy tự-nhủ rằng nếu mình không hưởng được sư an-lạc ngay trong giờ phút này, thì nó cũng sẽ trôi đi, và mình cũng không thể hưởng được khi tương-lai trở thành hiện-tại. Sự an-lạc chỉ có trong hiện-tại mà thôi, nếu mình không hưởng được trong lúc này, thì cũng không tìm được bất cứ lúc nào. Cứ làm một hạt minh-châu nằm yên tỏa sáng dưới đáy hồ nước trong phẳng lặng. Cứ thực hiện như thế, thì mình sẽ cảm thấy được sự an-lạc hoàn-toàn.
      Khi chúng ta tập-trung tư-tưởng thực-hiện 12 bài luyện-tập thân thể do Đức Hộ-pháp chỉ-giáo, không suy-nghĩ đến bất-cứ điều gì, là thực-hiện phép thiền-định này, theo khoa Năng-lượng sinh-học (Bioénergetics) gọi là thiền-định đứng, để tiếp-thu năng-lượng vũ-trụ. Nhưng nhiều người lại cứ khăng-khăng ngồi sững, đắm-chìm trong ảo-giác mới cho là Thiền. Sự kiện này Đức Hộ-pháp đã ví như : “ Người nhà quê đưa gói bánh cho lại nói ăn không được...”. Lời ví-dụ này quả đúng y như trường-hợp của nhiều người, thấy những bài tập này quá đơn-giản nên xem thường, không chịu thực-hành, nhưng không ngờ đó là một môn tập-luyện mà theo lời của Đức Ngài: “ Nếu luyện đặng thành-thuộc theo bậc hạ thừa cũng sẽ đặng trường-sinh bất lão”.
      Trong phép lễ-bái Tứ-thời cũng nằm trong phương-pháp Thiền này, nếu thực-hiện cá-nhân là Thiền đơn-độc một mình, còn thực-hiện cộng-đồng là Thiền tập thể, buổi Thiền này còn tuỳ theo sự tiến-hoá trong chơn-thần mỗi người mà đạt những bước khác nhau như :
      - Tư-tưởng duyên theo cảnh-giới tôn-nghiêm nơi thờ-phụng lễ-bái để phát-huy lòng thành-tín, tăng-trưởng đạo-tâm.
      - Tư-tưởng tập-trung vào âm-ba kinh-kệ để gom thần định trí, tiêu-trừ vọng-niệûm.
      - Quên hẳn âm-ba để chơn-thần hoà-nhập vào dòng thầìn-lực vô-biên của Thượng-đế để phẳt-triển thần huệ.
      Nên Đức Hộ-pháp đã dạy về sự hữu-ích của sự lễ-bái  rằng :
      “...Bữa ăn của linh-hồn là buổi chúng ta vô đền thờ cúng đấy...Bần-đạo khuyên một điều: đừng để quá đói mà chết đa !...”
      (Thuyết đạo của Đức Hộ pháp tại Đền Thánh đêm 01-11 Mậu-tý / 01-12-1948). 
      Trong chúng ta có người chưa am-tường chân-lý đó, lại cho lễ-bái Tứ-thời là việc tầm-thướng không chịu thực-hiện, mà lại cứ muốn ngồi “sững” lim dim với tràng hạt trên tay mới cho là Thiền, là tu-luyện  cao, thật là môt sự lầm lẫn tai-hại.
        Trong đời sống người tu sự  “Yên tĩnh tâm hồn” là một cứu-cánh, muốn có được nó thì trong các pháp-môn tu luyện có nhiều cách, mà cách thông- thường dễ thực-hiện nhất, mà lại có nhiều kết-quả cho thân tâm đó là “tập thở đúng cách”, biết nắm lấy hơi thở để chế-ngự vọng-tâm tạp-niệm, khoa khí-công còn gọi là thở có chỉ-huy. Đứng về phương-diện sinh-lý thì đã có nhiều trường-phái, nhiều tác-giả đã trước-tác sách vở để nói về lợi ích lớn-lao của sự tập thở đúng phương-pháp. Ngay trong cửa Đạo Cao-Đài các đấng thiêng liêng cũng như các vị tiền-bối đã dạy phương-pháp thở để điều trị tật bệnh, để tăng cường sức khỏe, kéo dài mạng sống, hỗ-trợ trực-tiếp cho việc tu hành. Như trong 12 bài luyện tập thân thể do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chỉ-giáo cũng có dạy về cách thở.
        Về phương-diện sinh-học, người biết thở là biết sử-dụng kho- tàng sinh-lực vô-tận để thanh-lọc đổi mới cả cơ-thể. Hơi thở còn quan-trọng hơn cả thức ăn bằng vật-chất, nên trong Thánh giáo của Đức Lý Giáo tông có câu :
        “Hỏi ăn chi đặng sống, Rằng hớp khí thanh không”.
                                                                          (Trích Ngụ Đời)
        Đứng về mặt huyền-học thì hơi thở cũng là cây cầu bắt từ sinh-lý sang tâm-lý, nối liền thể-chất với tinh-thần, nên trong các môn tu-luyện họ dùng hơi thở để điều-hợp thân tâm loại trừ vọng-niệm đưa đến cả sự tĩnh-lặng và sáng chiếu cả hai, còn gọi là định huệ.
        Trong phạm-vi khảo-luận này chúng ta chỉ đề-cập đến sự vận-dụng hơi thở trong tham-thiền cho bậc hạ-thừa mới tập-luyện mà thôi:
        Trong bài Tập thở căn-bản Đức Hộ-pháp Phạm-công-Tắc dạy thực-hành như sau:
        “Nằm ngửa xuôi tay chân, miệng ngậm, hít vô bằng mũi, dem khi trời vô phổi dẫn đến rún, tới đơn-điền. Khi hít vào, bụng phình ra trước, ngực nở ra sau, khi không thể hít vào được nửa thì nín một chút xíu, chừng năm ba giây đồng-hồ rồi thở ra bằng miệng, lúc thở ra bụng thóp vào, khi khí trời ra hết rồi, tiếp tục hít lại như trước. Thực-hành chẫm-rãi cho đủ 12 hơi như vậy thì ngồi dậy”.
        Cách thở nầy theo khoa khí-công là cách thở vận-hành toàn thân, gồm cả ba phần: thở bụng, thở ngực và thở vai. Sự thở tuy là nhiệm-vụ của phổi nhưng trước hết có sư tham-gia của bụng, nên người xưa nói rằng hơi thở bắt đầu từ bụng và chấm dứt ở mủi. Khi ta hít không-khí vào phần dưới phổi trước, đẩy hoành cách mạc xuống, thì bụng phình lên, khi tiếp-tục hít vào phần trên phổi, ngực và vai cao lên, thì bụng bắt đầu hạ xuống dần, khi thở ra thì bụng thóp lại, sự vận-hành nầy có tác dụng xoa-bóp cả nội tạng tống xuất khí huyết tồn đọng dư thừa ra ngoài để đổi mới tạng-phủ, hoành cách-mạc đóng vai tró bít-tông để đem hơi lên xuống.
        Trên đây là Đức Hộ-Pháp dạy chung cho nhiều người, còn trên phương- diện thực-hành thì tuỳ theo thể trạng mỗi người mà có thể châm-chước, nên chúng ta cần tìm hiểu thêm những điều thiết-yếu sau dây:
        Ở cơ-thể người bình-thường lúc nghỉ-ngơi thì thở khoản chừng 15 đến 20 nhịp trong 1 phút, tức là mỗi hơi thở khoản 3 dến 4 giây đồng-hồ, nhưng cũng tuỳ theo giới-tinh, thể-trạng và tuổi-tác mà đôi khi cũng có sự khác biệt, như đàn ông thường khoản 16 nhịp / 1 phút, đàn bà khoản 18 nhịp / 1 phút, người ốm thở nhanh hơn người mập, trẻ em thở nhanh hơn người lớn (trẻ sơ-sinh khoản 40 đến 50 nhịp / 1 phút, trẻ em chừng 1 tuổi khoản 30 nhịp/ 1 phút), khi lao-động mệt nhọc thở nhanh hơn lúc nghỉ-ngơi, nhưng dù sao đối với người bình-thường (không lao-động nhọc) mà có nhịp thở trên 25 nhịp /1 phút, hoặc dưới 10 nhịp / 1 phút, là chứng tỏ trạng-thái cơ-thể bất an.
        Để bắt đầu luyện thở, hành-giả nằm ngữa, xuôi tay chân như sự chỉ dẫn của Đức Hộ-Pháp, cơ thể thư giản hoàn toàn, thở vài hơi tự nhiên, rồi khởi sự  “đo” chiều dài của hơi thở ra tự-nhiên của mình, có thể đếm thầm trong trí: mộât, hai, ba....hoặc nghe tiếng tích tắc của đồng hồ, sau vài lần như thế là ta biết được “chiều dài” của hơi thở ra là bao nhiêu. Ví dụ chiều dài ấy là 5, bây giờ ta dự tính thêm vào một hay hai tiếng nữa để cho hơi thở ra dài tới 6 hoặc 7. Thế là thở ra lần này bắt đầu đếm từ 1 đến 5, thay vì hít vào, thì tiếp tục đếm thêm là 6 hoặc đến 7, như vậy là ta đem thêm số không khí từ phổi ra ngoài hơn mức bình thường mọât chút chứ không phải thật cạn-kiệt, xong rồi ta buông thả để phổi tự động hít vào, đem khí trời vô phổi, dẫn đến rún tới đơn-điền, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không nên cố gắng hít vào quá căn,  thường là chiều dài của hơi thở tự-nhiên theo tỷ lệ hít vào bằng 1/3 thời gian chung, hơi thở ra bằng 2/3 thời gian chung, nhưng ta cũng nên đếm xem hơi hít vào tự nhiên dài bao nhiêu. Người mới tập chỉ nên làm như vậy chừng năm bảy hơi dần dần cho đến 12 hơi là tối đa, nếu thấy mệt thì bớt lại, nên lấy cảm giác thoả-mái ở lồng ngực và nhịp tim làm chuẩn. Người mới tập thì chỉ nên làm như thế trong nhiều tuần, chừng một tháng sau sẽ kết-hơp với nín hơi, nhưng chỉ nín khoản 3 đến 5 giây đồng-hồ theo lơi chỉ dẫn của Đức Hộ-Pháp làû vừa với phép luyện-tập nầy không nên nín lâu hơn. sẽ gây ra những phản-ứng bất lợi cho cơ thể. Khi quen dần ta có thể điều-chỉnh thêm bớt một chút để hơi hít vào và thở ra bằng nhau. Số-lượng hơi thở cũng chỉ đến 12 hơi là tối đa (vì con số 12 là con số Thập nhị thời thần của Đức Chí-Tôn), không nên thở nhiều hơn con số nầy. Theo lời Bác-sĩ Peter J. Stencrohn nói rằng: “ thở bình-thường theo tự-nhiên thì có một sự quân-bình giữa oxy và Carbon ở trong máu, trái lại hít vô sâu quá, thở ra dài quá thì sinh ra mất Carbon, lúc đó hồng-cầu phải giữ lại Oxy nhiều hơn, nếu kéo dài thời-gian, hậu-quả là các bộ-phận trong cơ-thể bị mất Oxy, đặc-biệt là óc,  hể óc thiếu oxy là phản-ứng lại liền. Người nào mà cố-ý hít dài và sâu chừng 30 hơi trở lên sẽ bị chóng mặt, mệt mỏi, tay chân tê cóng, thậm chí có thể yếu sức, tinh-thần đâm ra lo-lắng...
         Bởi vì theo kinh-nghiệm lâm-sàng, có những người vì một lý-do nào đó trong đời sống như thất-bại, chán-nản, bức-xúc, phải thở sâu dài hơi liên-tục để giải-toả, hoặc hiểu lầm rằng càng thở sâu dài hơi càng nhiều càng tốt, làm cho hơi thở thiên-lệch tạo ra sự mất quân bình giữa oxy và Carbon trong cơ-thể lâu ngày  dẫn đến bệnh hoạn mà không ngờ đến. Do đó Đức Hộ-Pháp dạy phương-pháp thở nầy chỉ thực-hiện  chỉ trong 12 hơi mà thôi, điều nầy rất quan-trọng hành-giả cần lưu-ý. Vì đã có nhiều người bị phản-ứng bất-lợi vì đã thực-hiện lời dạy này một cách tuỳ-tiện trong lúc tập thở rồi. Còn khi hít vào cứ như lời dạy của Đức Hộ-Pháp là khi nào không hít vô được nữa thì thôi, có nghĩa là khi hít vào cảm thấy hơn mức bình thường một chút, không nên ráng hít quá căn, thở ra cũng đừng ráng quá cạn-kiệt. Phương pháp thở phải thật nhẹ, đều, chậm, sâu, uyển-chuyển nhẹ-nhàng như dòng nước chảy trên cát mịn, chỉ cần để ý hít dài hơi sâu xuống bụng dưới, gọi là dụng ý để điều khí còn mọi phản-ứng của cơ-thể đều để tự-nhiên. Tư-tưởng tập-trung vào hơi thở. 
        Vận dụng hơi thở trong thiền-định :
        Thiền-định là một phương tu cốt lắng đứng vọng-tưởng, tạp-niệm, đặt tâm ý ở một trạng-thái thuần-nhất vào một chủ-đề, hay ở một trạng-thái không không, để tìm một sự nghỉ-ngơi thư-giãn cả tâm-hồn lẫn thể-xác. Nhưng mỗi khi tâm bị phân-tán, thì vận-dụng hơi thở để chế-ngự sự vọng-động để tâm an-tịnh hoặc tập-trung tư-tưởng trở lại. Phương-pháp này có nhiều cách như  quán-chiếu vào hơi thở, theo dõi hơi thở... Vì khi chủ-động được hơi thở là chủ-động được thân tâm mình, theo Thiền-Sư Khương-Tăng-Hội thì quán-niệm hơi thở là đại-thừa (cổ xe lớn) của chư Phật để cứu vớt chúng-sanh đang trôi chìm trong sinh tử. Đếm hơi thở, theo dõi hơi thở là những phương-pháp để nhiếp-tâm tịnh-ý (Theo Cẩm-nang tu thiền của Thượng-toạ Thích Nhất Hạnh). Nên trong các trường-hợp sau đây hơi thở có thể giúp ta đạt đến yêu-cầu mong muốn.
        - Trong lúc tham thiền, tâm trí bị phân-tán, khó tập-trung, ta nắm ngay lấy hơi thở, vì hơi thở là một phương-tiện thần-diệu để nắm lấy tâm ý.
        - Khi tỉnh-tọa bị rơi vào hôn-trầm (ngủ gục) thì ta cũng vận-dụng hơi thở để phục hồi sự tỉnh-thức, đem lại sự minh-mẫn cho tâm-thần.                                      
        - Khi ta đang bị tức giận, hơi thở có thể bị dồn-dập, tâm thần xáo trộn, thì ta có thể hít cho sâu đến bụng dưới, lấy lại hơi thở chậm, đều, và chừng năm bảy hơi thì ta trở lại được trạng-thái bình-tỉnh.                                             
        - Khi đang bị một kích-động của thể xác hãy tập-trung vào hơi thở, tai như nghe được nó, mắt như thấy được sự chuyển-vận của nó, quán-niệm suốt chiều dài của hơi thở, chuyển góc nhìn cảm-giác kích-động của mình như thể từ ngoài nhìn vào, để cảm-giác kích-động trở thành thứ yếu, không cho nó chính là ta nữa, tuy ta không giết nó trực tiếp, nhưng nó không thể khiến thể xác ta kích-động thì nó tự chết dần dần, như vậy sau 12 hơi thở nó sẽ mất dần chỗ đứng trong ta, cường-độ sự kích-động yếu dần và từ từ lắng xuống, trả lại cho ta một sức sống thuần-lương yên-tĩnh, không khuấy rầy thân-xác và tinh- thần mình nữa.
        Muốn vận-dụng hơi thở một cách có hiệu-quả thì cần tập-trung tâm-ý theo dõi suốt chiều dài hơi thở gọi là “tùy tức”, hoặc là đếm số hơi thở gọi là “sổ tức” hoặc niệm một câu thần-chú nào đó trong lúc thở, tỷ như niệm câu chú Thầy :”Nam mô Cao Đài Tiên ông Đai Bồ tát Ma Ha tát” (Khi hít vào niệm : Nam-mô Cao-Đàì Tiên-Ông, thở ra niệm  Đại Bồ-Tát Ma-ha-tát  mỗi câu chú là một hơi hít vào và thở ra, niệm 12 câu chú là ta sẽ thở được 12 hơi, thì tâm ý sẽ lắng xuống, tâm-hồn không còn bị xao-động nữa.
        Thực-hiện phương-pháp này theo khoa khí-công gọi là thở có chỉ huy, hơi hít vào bằng hơi thở ra, theo cách này ta chỉ thực hiện trong 12 hơi là vừa. Còn trong tất cả các dịp khác ta nên sử-dụng hơi thở tự-nhiên gần như theo quán-tính đó là thời gian hít vào bằng 1/3 thời gian chung, thời gian thở ra bằng 2/ 3 thời gian chung, chỉ cần để ý thở nhẹ và đều dẫn khí tới đơn-điền, cách thở này có thể áp-dụng trong mọi trường hợp như khi nghe nhạc, khi nói chuyện, lúc đi bách bộ, nghĩa là mình làm chủ hơi thở trong khi vẫn nhận-thức được sự-kiện bên ngoài chung quanh mình, nghĩa là không để các tình-tiết làm ảnh hưởng đến quyền chủ-động hơi thở của mình. Phương-pháp này thở buông lỏng theo tự-nhiên nên có thể kéo dài bao lâu tùy ý mà không sợ xảy ra sự phản-ứng bất lợi nào cho cơ thể.
        Trong sự tu-hành, người tu cần biết sử-dụng hơi thở để nắm lấy thân-tâm, gìn-giữ sự yên-tĩnh tâm-hồn, hầu phát-triển thần-huệ. Trong bài này hoàn-toàn không có mục-dích phổ-biến phương luyện thở của Thượng-thừa, như vận-hành hơi thở theo Nhâm-mạch, Đốc-mạch chẳng hạn, vì phương-pháp nầy phải có Chơn-sư trực-tiếp hướng-dẫn và theo dỏi, mới không xảy ra những tai biến. Nội-dung cách luyện thở nầy chỉ cốt giúp  cho người tu hạ-thừa biết cách sử-dụng hơi thở hằng ngày nhất là trong lúc tham-thiền. Vì theo Yoga thì phương-pháp thở nầy “ không nhằm thực-hiện một điều gì ” mà chính để một “ điều gì đó sẽ tự hiện-thực”. Tham-thiền có kết-hợp với hơi thở ở đây cốt để đễ đạt một trạng-thái tinh-thần tỉnh-lặng, chứ không phải thực-hiện một chuổi nối tiếp các hoạt-động tinh-thần như suy-tư quán-tưởng .
        Nên sự kết-hợp chặc-chẽ hơi thở trong lúc luyện khí-công, luyện tập thân-thể, đó cũng là Thiền, sẽ giúp cho hành-giả dễ-dàng thành-công hơn là không có kết-hợp với hơi thở


        Tóm lại phần nêu trên tuy là dành cho bậc hạ-thừa, để cho những môn-sinh chưa làm tròn nhơn-đạo thực-hành trong khi đang sinh-hoạt với đời, nhưng đây cũng là phương-pháp vừa trau dồi tâm tánh, lập công bồi đức, vừa đào-luyện thể-lực để phát-triển thần-huệ, tức là tu Phước lẫn tu Huệ song hành, còn gọi là Tâm Mạng song tu; nếu chúng ta thực-hiện tinh-tấn, thì chẳng những góp phần vào sự hoàn-thiện của đời mình, của xã-hội nhân-sinh và trời đất bao-la, tức là mình đã sống đúng với thiên-chức  của  mình là đến thế-gian để tiến-hoá và giải-thoát. Từ đó cuộc đời mình cũng cảm thấy được giải-thoát nửa. Giải-thoát đây có nghĩa là mình sống và làm công việc thế-gian một cách chánh-tâm thành-ý, với một tâm-hồn vượt lên trên danh-lợi bon-chen của phàm-ngã. Giải-thoát đây tức là mình sẽ cảm thấy sự an vui tự tại trong mọi công việc xoay quanh phụng-sự cho đời, chứ không phải làm việc với môt tâm-trạng đầy phiền-nảo với môt cảm-giác trả nợ đời, hoặc tâm-trí luôn luôn mơ-màng muốn thoát ra ngoài giới hạn của cuộc đời một cách ảo-huyền.
        Nói cho cùng dù cho số phận có dành cho ta sự thuận-lợi hay ngang-trái, hữu-hạnh hay bất-hạnh. thì mọi sự giải-thoát dù dưới hình-thức nào đi nữa cũng phải tìm kiếm trong cái hữu-hạn của sự ăn mặc và làm việc ngay trong đời sống thường tục, nên có triết-gia đã nói rằng ý-nghĩa của cuộc đời nằm ngay trong cuộc đời. Nên dù cố công bao nhiêu thì niết-bàn vẫn phải tìm trong bánh xe sanh-tử luân-hồi. Nói như vậy không có nghĩa là cuộc sống rút lại cũng chỉ nằm trong cỏi vật-chất hữu-hạn, mà sự giải-thoát đây là ở cái tinh-thần, là ánh linh-tâm rọi soi vào cuộc sống vật-chất đó. Bởi vì  phiền-nảo và giải-thoát là hai mặt của một vấn-đề, không thể vứt cái nầy để lấy cái kia, mà nó nội-chuyển trong tự-thể để phát-xuất ra, vì đứng về phương-diện sinh-học thì hạnh-phúc và khổ-đau thuộc lãnh-vực cảm-xúc của giác-quan có sẵn trong mỗi ngưòi, vì thế nên mới có câu: “vạn pháp do tâm tự tín”. Nên thiền-định phải luôn luôn tiếp-xúc với những việc làm cụ-thể bằng môt tâm-địa bình-thường, nên Thiền-môn mới có câu:
        “Bình thường tâm thị đạo”.



Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

- 33 PHÁP TƯỚNG ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT



33 ỨNG THÂN CỦA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị đại sĩ vạn năng, thân thương của loài người ở Ta Bà mà bất cứ đệ tử nào của đức Phật cũng đều hướng tâm kính lễ, và cầu nguyện Ngài.
Trong Diệu pháp liên hoa kinh, đức Phật Thích ca đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì bèn tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát.
Cũng theo kinh này thì Quán Thế Âm Bồ tát có 32 hóa thân khác là thân Phật, Bích Chi, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la–môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phụ nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Thiên , Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, Thần chấp Kim Cang.
Sau này lại có thêm 33 hóa thân khác của Quán Âm, những hóa thân này không dựa vào Kinh sách mà chỉ dựa vào tư tưởng hóa độ lục đạo kết hợp với 33 Ứng hóa thân trên pha trộn với tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản và Trung Hoa mà tạo thành, đó là các hồng danh:
1Dương Liễu Quán Âm: còn có tên gọi khác là Dược Vương Quán Âm, bổn nguyện của Ngài là bạt trừ cứu độ những bệnh khổ của chúng sanh, vì chúng sanh thân nhiều khổ nạn nên Ngài cầm cành dương. Dương liễu mềm mại biểu trưng cho đức tướng ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ tát. Thân mặc y màu trắng ngà, hình tượng của Ngài biểu hiện sự kỳ nguyện phước đức.
2) Long Đầu Quán Âm: là Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên lưng rồng. Rồng là vua trong các loài thú để biểu thị cho uy lực của Quán Thế Âm Bồ tát; Long Vương đến mang mây mưa sấm chớp chiếu diệu khắp trời đất, thấm nhuần muôn vật, tất cả đều tán thán uy lực của Long vương. Ngài hiện thân ngồi kết già trên mình rồng thuyết pháp cho chúng sanh.
3) Trì Kinh Quán Âm: còn gọi là Thanh Văn Quán Âm. Thanh Văn là nghe Phật thuyết pháp được khai ngộ mà xuất gia. “người đáng dùng thân Thanh Văn được độ thoát Ngài liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”. Hình tượng của Ngài biểu hiện sự an tường.
4) Viên Quang Quán Âm: đây là Quán Thế Âm Bồ tát lòng từ ái viên mãn, biểu trưng bằng ánh quang minh quanh thân. “sáng thanh tịnh không nhơ, huệ nhựt phá các tối, hay tiêu tai khói lửa, khắp soi sáng thế gian”. Thân Ngài được cảm thọ qua đoạn kinh này, hiện tướng thuyết pháp.
5) Du Hý Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát giáo hóa chúng sanh viên thông vô ngại, không câu nệ vào thời gian và nơi chốn, biểu hiện tướng du hý tự tại. Thân màu hồng, Ngài ngoảnh mặt chăm chú nhìn chúng sanh.
6) Bạch Y Quán Âm: còn gọi là Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu. Toàn thân Ngài mặc y trắng, ngồi kết già trên hoa sen trắng, đầu đội khăn, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết dữ nguyện ấn. Màu trắng biểu ý Thanh Tịnh và Tâm Bồ đề, xưa nay mọi người lễ bái Ngài để cầu tiêu tai, trường thọ.
7) Liên Ngọa Quán Âm: là Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện tọa ngọa trên lá sen. Ngài hiện thân Tiểu Vương trong phẩm Phổ Môn, để thí dụ cho thân Tiểu Vương tôn quý ngồi trên lá sen. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi kết già hiệp chưởng, đầu đội mão hoa, hiện tướng từ bi nhu hòa, cổ đeo anh lạc, mặc thiên y, bi nhãn nhìn chúng sanh.
8) Lang Kiến Quán Âm: còn gọi là Phi Bộc Quán Âm. Nước là vật mềm mại nhất nhưng có thể đối trị sự cứng chắc của đá, từng giọt nước có thể xuyên thủng đá. Sức nước suối từ trên cao chảy xuống rất lớn, tuy nhỏ cũng có thể chảy thành sâu rộng. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi nhìn dòng thác, nhưng tâm tư Ngài như tinh thần của dòng nước.
9) Thí Dược Quán Âm: ngoài việc trị bệnh khổ của chúng sanh về thân và tâm, Quán Thế Âm Bồ tát còn ban bố cho chúng sanh lương dược. Bài kệ trong phẩm Phổ Môn ghi rằng: “Quán Âm bậc Tịnh Thánh, nơi khổ não nạn chết, hay vì làm nương cậy”. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát nhìn hoa sen cảm thương chúng sanh nhiều bệnh khổ.
10) Ngư Lam Quán Âm: là Quán Thế Âm tay cầm giỏ cá và nhánh lá. Do Ngài thấy con sông không có cầu, người qua sông rất dễ ngã xuống. Vì vậy Ngài hóa thân thành một mỹ nữ bán cá, nhưng có điều kiện rằng ai có nhiều tiền ném vào trong giỏ cá thì sẽ cưới làm chồng, nếu ném không trúng thì phải bỏ ra khoản tiền để xây cầu, kết quả chẳng có ai ném trúng. Những người không ném trúng đều phải mang tiền đến, tiền chất thành đống che khuất không còn nhìn thấy Ngài, khi nhìn lại thì mọi người thấy Ngài hóa thân đứng trên sông.
11) Đức Vương Quán Âm: trong phẩm Phổ Môn chép rằng: “người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”. Phạm Vương là chủ cõi trời sắc giới, công đức rất lớn, nên còn gọi là Đức Vương. Hình tượng thông thường trong nhân gian là đầu đội bảo quan, ngồi kết già, tay phải cầm nhánh lá, tay trái để trên đầu gối.
12) Thủy Nguyệt Quán Âm: tức là Thủy Cát Tường Quán Thế Âm Bồ tát trong Thai Tạng Mạn trà la, mật hiệu của Ngài là Nhuận Sanh Kim Cang, Quán Thế Âm Bồ tát nhất tâm quán thủy tướng, nhập thủy định. Vì vậy hình tượng của Ngài ngồi kết già trên hoa sen nổi trong đại hải, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết thí vô úy ấn, trong lòng bàn tay chảy xuống một dòng nước có hình mặt trăng nên gọi là Thủy Nguyệt Quán Âm.
13) Nhất Diệp Quán Âm: nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, liền được đến chỗ cạn. Có thể thấy hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát hiện trên nước. Ngài ngồi trên hoa sen nổi trên mặt nước, ngắm nhìn nước tâm suy nghĩ sâu sắc đến những nơi tối tăm không ánh sáng (địa ngục).
14) Thanh Cảnh Quán Âm: có các vị thần muốn tìm lấy Cam Lộ nên khuấy động nhũ hải, nhưng phát hiện trong biển có lọ thuốc độc, Quán Thế Âm Bồ tát vì sợ thuốc độc hại chúng sanh, mới phát tâm đại từ bi uống hết lọ thuốc độc, vì vậy mà cổ Ngài biến thành màu xanh. Hình tượng đặc trưng của Ngài là tay trái cầm hoa sen, lòng bàn tay phải hướng lên trên, ngồi kết già trên bệ đá.
15) Uy Đức Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát có đầy đủ uy đức để chiết phục và hộ trì chúng sanh. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn: “người đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì đó thuyết pháp”. Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ uy đức nên được gọi là Uy Đức Quán Âm. Hình tượng của Ngài là tay trái cầm kim cang xử biểu hiện uy thế để chiết phục tâm cang cường của chúng sanh, tay phải cầm hoa sen ngồi trên bệ đá.
16) Diên Mạng Quán Âm: là Quán Thế Âm Bồ tát bảo hộ thọ mạng chúng sanh. Phẩm Phổ Môn chép: “nguyền rủa các thuốc độc, muốn hại đến thân đó, do sức niệm Quán Âm, trở hại nơi bổn nhơn”. Có thể tiêu trừ chú thuật nguyền rủa và độc dược thêm tuổi thọ, cho nên gọi là Diên Mạng Quán Âm. Ngài đội bảo quan, mặc Thiên y, anh lạc trang nghiêm, 20 cánh tay để dìu dắt và cứu hộ chúng sanh.
17) Chúng Bảo Quán Âm: là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm vàng bạc vật báu. Nếu có chúng sanh vì tìm cầu báu vật như vàng bạc, lưu ly, mã não, san hô, hổ phách, trân châu… vào trong thâm sơn đại hải, giả sử gió lớn thổi trôi dạt đến nước quỷ La Sát, nếu có một người xưng danh hiệu Ngài, thì đều được giải thoát. Hình tượng của Quán Thế Âm Bồ tát biểu hiện sự an ổn.
18) Nham Hộ Quán Âm: là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trong hang đá. phẩm Phổ môn chép: “Rắn độc cùng bò cạp, hơi độc khói lửa đốt, do sức niệm Quán Âm, theo tiếng tự bỏ đi”. Thường trong hang động có nhiều chướng khí và trùng độc, là chỗ có nhiều nguy hiểm đối với những người qua núi, Quán Thế Âm hiện ra thì mọi nguy hiểm đều tiêu tan hết. Quán Thế Âm Bồ tát hiệp chưởng tĩnh tọa trên hoa sen, trong hang hiểm tối tăm hiện ra ánh sáng.
19) Năng Tĩnh Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát cứu giúp thủ hộ những người gặp nạn được an ổn. Hoặc trôi dạt biển lớn, các nạn quỷ cá rồng, do sức niệm Quán Âm, sóng mòi chẳng chìm đặng. Quán Thế Âm Bồ tát là thần thủ hộ trên biển. Hình tượng của Ngài biểu hiện tướng tĩnh lặng.
20) A Nậu Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên bệ đá quán sát mọi động tĩnh của đại hải. Thệ nguyện của Ngài như bài kệ:“ông nghe hạnh Quán Âm, khéo ứng các nơi chỗ, thệ rộng sâu như biển, nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn”. Hình tượng của Ngài đầu búi tóc thiên kế, mặc Thiên y màu vàng, tay trái cầm mảnh y trước bụng, tay phải thả trên gối phải, mắt nhìn đại hải, hạnh nguyện của Ngài xua tan những hiểm nạn trên biển làm cho tất cả định tĩnh không còn tai ương.
21) Vô Úy Quán Âm: Hình tượng của Ngài rất đặc thù có ba mắt bốn tay, ngồi trên lưng sư tử trắng, đội bảo quan, hai tay bên phải, một tay cầm hoa sen trắng, một tay cầm con chim cát tường trắng; hai tay bên trái, một tay cầm pháp khí hình con phượng 3 đầu, một tay cầm con cá. Khắp thân có ánh sáng, mặc thiên y đeo anh lạc, diên mạo rất đoan nghiêm.
22) Diệp Y Quán Âm: Ngài hiện thân Thiên nữ, đội bảo quan, trên bảo quan có hóa thân Vô Lượng Thọ Phật. Quanh thân có vòng lửa, ánh sáng trong suốt khắp thân. Có bốn tay, hai tay bên phải, một tay cầm quả cát tường để trước ngực, một tay kết thí nguyện ấn; hai tay bên trái, một tay cầm rìu, một tay cầm sợi dây, ngồi trên hoa sen. Diệp Y Quán Âm là vị Bồ tát của nông dân cầu nông cụ và cầu không bệnh dịch, tai nạn, trùng độc. 22) Lưu Ly Quán Âm.
23) Lưu Ly Quán Âm: Tương truyền vào thời Bắc Ngụy, Tôn Kính Đức trấn giữ biên cương, ông tạo tượng Quán Thế Âm Bồ tát để tôn thờ. Sau bị Di Địch bắt xử cực hình. Ông nằm mộng thấy thầy Sa Môn dạy phải trì tụng một ngàn biến kinh “Diên Mạng Thập Cú Quán Âm”, lúc tử hình ông ba lần chém nhưng không chút thương tích, nên ông được tha chết. Vì phụng thờ lễ bái Quán Thế Âm Bồ tát mà đầu ông còn hiện ba vết sẹo. Hình tượng Ngài cầm bình lưu ly xanh, đứng trên cánh hoa sen du hóa trên mặt nước.
24) Đa La Quán Âm: dùng vật báu vô giá trang nghiêm thân để trừ khổ não cho chúng sanh, tất cả chúng sanh vui ưa vào pháp giới chư Phật. Ngài hiện thân người con gái, tướng mạo từ bi, mặc y trắng, hai tay hiệp chưởng cầm hoa sen xanh; quanh thân có hào quang thanh tịnh, đầu búi tóc. Trước ngực đeo anh lạc ngồi trên bệ đá ngắm nhìn chúng sanh.
25) Cáp Lỵ Quán Âm: Vua Đường Văn Tông thích ăn thịt con hàu, một ngày nọ vua bắt được một con sò lớn, vua dùng dao mổ hoài mà không mở được vỏ sò, ông mới đốt hương cầu nguyện, con sò hóa thành Quán Âm Đại Sĩ. Nhà Vua triệu vị thiền sư đến nói: người đáng dùng thân đặng được độ, thì hiện thân này mà nói pháp. Hiện thân Đại Sĩ là việc hy hữu không tin hay sao. Nhà vua rất vui liền ban chiếu chùa chiền trong khắp thiên hạ tạo tượng Đại Sĩ để tôn thờ. Đây là sự tích của Cáp Lỵ Quán Âm.
26) Lục Thời Quán Âm: là vị Bồ tát ngày đêm từ bi thủ hộ chúng sanh. Thời xưa miền Bắc Ấn Độ một ngày đêm chia làm sáu thời, một năm cũng chia làm sáu thời là: “nắng ít, nắng nhiều, mưa, mát, lạnh ít, lạnh nhiều”; Do đó mà nói thành “Quán Thế Âm thường trông chúng sanh”.
27) Phổ Bi Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát từ bi thương tất cả chúng sanh, khắp trong tam thiên đại thiên thế giới. “Người đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà vì đó nói pháp”. Vì lòng từ bi và uy đức của Ngài rất lớn phổ chiếu tất cả tam giới cho nên có tên gọi là Phổ Bi Quán Âm.
28) Mã Lang Phụ Quán Âm: Đời Đường có một mỹ nữ mà những người con trai đều tranh nhau cưới, nàng nói trong một đêm nếu đọc thuộc được phẩm Phổ Môn sẽ lấy làm chồng, đêm ấy có hai mươi người thuộc, lại một đêm tụng trọn bộ kinh Kim Cang cũng sẽ lấy làm chồng, đêm ấy còn lại mười người, sau ba ngày có thể tụng thuộc Kinh Pháp Hoa thì sẽ kết ước. Trong số đó chỉ có người thanh niên họ Mã được chọn. Ngày kết hôn người con gái bỗng dưng chết biến thành ánh sáng bay lên không trung biến mất. Hình tượng Ngài cầm quyển Kinh Pháp Hoa và cây gậy có hình đầu lâu.
29) Hiệp Chưởng Quán Âm: là hình tượng Quán thế Âm Bồ tát chắp tay cung kính lễ biểu thị tu thiện tích đức. Nếu có chúng sanh nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì liền được ly dục, nếu người nhiều sân nhuế, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì liền được ly sân, nếu người nhiều ngu si thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát, thì liền được ly si.Tâm không vô niệm thì liền hiển hiện cảnh giới tam muội. Ngài mặc y trắng chấp tay ngồi trên bệ đá.
30) Nhất Như Quán Âm: Quán Thế Âm Bồ tát cưỡi mây bay trong hư không chinh phục lôi điện sấm sét. Phẩm Phổ Môn chép: “mây sấm nổ sét đánh, tuông giá xối mưa xuống, do sức niệm Quán Âm, liền đặng tiêu tan cả”. Nhất như có nghĩa là bất nhị, bất dị; Bất Nhị Bất Dị là Chơn Như. Chơn Như là sự sự vô ngại biến mãn khắp pháp giới. Quán Âm diệu trí lực chính là pháp quán nhất như.
31) Bất Nhị Quán Âm: là biểu tượng bổn và tích bất nhị của Quán Thế Âm. Phẩm Phổ Môn chép: “người đáng dùng thân chấp kim cang Thần đặng độ thoát, liền hiện Chấp Kim Thần mà vì đó nói pháp. Quán Thế Âm là vị thủ hộ cho Phật, cũng là ứng hóa thân của Phật, vì bổn và tích đều chẳng phải hai nên gọi là Bất Nhị Quán Âm. Hình tượng Ngài ngồi trên bệ đá hai tay chấp trì kim cang xử.
32) Trì Liên Quán Âm: Là Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm hoa sen. Quán Thế Âm Bồ tát lấy hoa để biểu trưng cho bổn thệ, vì cầm hoa sen đã nở hay chưa nở nên còn gọi là liên hoa thủ. Vì hoa sen có nhiều nhơn duyên đặc thù nên cũng lấy hoa sen làm đài. Hình tượng Quán Âm đứng trên lá sen, hai tay cầm hoa sen, đầu đội bảo quan, mặc thiên y, viên mãn trang nghiêm.
33) Sái Thủy Quán Âm: là Quán Thế Âm Bồ tát đứng trên tường vân tay cầm chén nước rưới xuống. Lòng bi răn như sấm, ý từ diệu dường mây, như mưa pháp cam lộ, dứt trừ lửa phiền não. Sái thủy là rưới một loại nước thơm, là pháp tu tụng niệm gia trì làm cho thanh tịnh. Đây là bổn thệ của Quán Thế Âm để khai ngộ Phật tánh của tất cả chúng sanh.
Trong hệ thống Thuần Mật của Mật giáo thì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát được nhận định qua nhiều hình tượng và danh từ khác nhau.
Căn cứ vào Kim Cương Giới Man Đà La (Vajra dhàtu mandala) thì vị Bồ Tát này được nhận biết dưới danh hiệu Kim Cương Pháp Bồ Tát (vajra dharma bodhisatva) là một trong bốn vị Bồ Tát thân cận của Đức Phật A DI ĐÀ ở phương Tây. Tôn này được sinh ra từ trí tự tại vô nhiễm của tất cả Như Lai nên nói rằng vị Bồ Tát này và Đức Phật A DI ĐÀ nguyên chỉ khác nhau về Nhân Quả, hễ tìm được Bản Giác tức đồng với Vô Lượng Thọ xong do Bản Thệ nên thị hiện thành Bồ Tát Đại Bi.
Tâm chú của Tôn này là: “OM VAJRA DHARMA HRÌH “và câu xưng tán là: “Nam mô Nhất Thiết Như Lai Trí Tuệ Môn Kim Cương Pháp Bồ Tát đẳng xuất sinh tận hư không biến pháp giới nhất thiết Bà La Mật Bồ Tát Ma Ha Tát“.
Trong Nhiếp Chân Thật kinh phần thượng thì ghi nhận Tôn này là Kim Cương Nhãn Bồ Tát (Vajra Caksu Bodhisatva).
Căn cứ vào Thai Tạng Giới Man Đà La (Garbha dhàtu mandala) thì vị Bồ tát này được an vị trong các viện: Trung Đài bát diệp viện, Biến Tri viện, Quán Âm viện,
Thích Ca viện, Văn Thù viện , Hư Không Tạng viện, Tô Tất Địa viện. Tùy theo vị trí được an lập, vị Bồ Tát này biểu thị cho các phẩm Đức khác nhau.
Trong Trung đài bát diệp Viện: Vị Bồ Tát này biểu thị cho Tịnh Đức là Đức thứ tư trong 4 Đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh . Hoặc biểu thị cho hạnh chứng ngộ Bồ Đề tâm là một trong 4 hạnh của Như Lai là Phát Tâm Bồ Đề, Tĩnh Tâm Bồ đề, Chứng Ngộ Tâm Bồ Đề, Nhập Tâm Bồ Đề.
Trong Biến Tri Viện: Vị Bồ tát này được nhận biết qua danh hiệu Chuẩn Đề Phật Mẫubiểu thị cho Tĩnh Đức và là Mẫu của tất cả các Tôn thuộc Liên Hoa Bộ trong PHẬT BỘ.
Tại Quán Âm Viện: Vị Bồ Tát này biểu thị cho Đức Giải Thoát là một trong 3 Đức của Niết Bàn là Pháp thân đức , Bát nhã đức, Giải thoát đức.
Trong Văn Thù ViệnVị bồ Tát này biểu thị cho Đức Quyền Trí
Trong Thích Ca Viện: Vị Bồ Tát này biểu thị cho Đức Chân Tướng
Trong Hư Không Tạng Viện: Vị Bồ Tát này được nhận biết qua danh hiệu Thiên Thủ Quán Thế Âm, biểu thị cho Đức Pháp Tài.
+ Trong Tô Tất Địa Viện : Vị Bồ Tát này được nhận biết qua danh hiệu Thập Nhất Diện Quán Thế Âm, biểu thị cho dụng của TỪ BI.
Ngoài ra trong Thai Tạng Giới Man Đà La còn liệt kê thêm nhiều vị Quán Âm tu trì Pháp Quán Âm.
* Trong Quán Âm Viện :
– Bạch Y Quán Âm ( Pàndura Vàsinì ) Tôn này trú ở tâm Bồ Đề trắng tịnh nên xưng là Đại Bạch Y Quán Âm, Bạch Xứ Tôn Bồ Tát, Bạch xứ Quán Âm, Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu. Tôn này biểu thị cho BỘ MẪU của Liên Hoa Bộ hay sinh ra các Tôn thuộc Liên Hoa Bộ. Tôn tượng có một mặt hai tay. Tay phải duỗi các ngón ngửa ra hướng xuống dưới thành Ấn Dữ Nguyện, tay trái co lại cầm cành hoa sen.
Ngoài ra còn có tượng 3 mặt 6 tay, phần nhiều là tượng nuôi con nít nên là đối tượng của những người cầu con. Do đó Tôn này còn có tên là Tống Tử Quan Âm .
– Bạch Thân Quán Tự Tại ( ‘sveta bhagavatì ) Tôn này biểu thị cho sự tu tập Đại Bi trắng tịnh.Tay trái cầm hoa sen biểu thị cho Đức thanh tịnh xưa nay, dùng sự tu hành thành tựu Đức ấy mà hiển Phật trí.Tay phải để ngang vai biểu thị cho sự phổ hóa chúng sinh.
– Cát Tường đại Minh Quán Tự Tại (‘Sri mahà vidya) Tôn này biểu thị cho sự chẳng nhiễm sinh tử, trong sạch không nhơ. Tức dùng Pháp môn thanh tịnh vô nhiễm phá trừ sự ưu ám của chúng sinh. Tay trái cầm hoa sen biểu thị cho sự thanh tịnh vô cấu nhiễm, tay phải dựng đứng chưởng co 3 ngón vô danh, giữa, trỏ sao cho ngón trỏ vịn vào đốt thứ nhất của ngón cái, ngón út duỗi thẳng chỉ lên trên.
– Đại Tùy Cầu Bồ Tát (Mahà pratisàra) Tôn này là thân biến hóa của Quán Thế Âm, thường tùy theo sự nguyện cầu của chúng sinh mà ban cho đầy đủ bản nguyện, do vậy mà có tên là Đại Tùy Cầu.
Tôn hình có một mặt 8 tay, ngồi bán già trên tòa sen. Bên trái : Tay thứ nhứt cầm hoa sen , bên trên hoa sen có bánh xe rực lửa, tay thứ hai cầm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, tay thứ ba cầm cây lộng Như Ý, tay thứ tư cầm vòng dây. Bên phải : Tay thứ nhất ngửa chưởng cầm Chày Tâm Cổ đặt nằm ngang, tay thứ hai cầm cây kích có 3 lưỡi, tay thứ ba cầm cây búa, tay thứ tư cầm cây kiếm.
– Mã Đầu Quán Âm (Hayagriva) Tôn này là một hiện thân của Quán Thế Âm với hình dáng to lớn , tóc dựng đứng lên, đôi mắt đầy phẫn nộ. Tôn tượng có 3 mặt, mỗi mặt có 3 mắt. Hiện tướng lộ 2 nanh cong lên hai bên mép miệng. Trên đỉnh trán của mặt chính có hình vị Hóa Phật, và đội đầu con ngựa ngay giữa đỉnh. Do đó Tôn này có tên là Quán Âm Đầu Ngựa (Mã Đầu Quán Âm).
Tôn này có đầy đủ tính cách của một vị Minh Vương nên được kể vào 8 đại Minh Vương và gọi là Mã Đầu Minh Vương. Tôn này do nhân Đại Bi nên không trú ở Niết Bàn mà trụ trong cảnh giới Vô minh để đoạn tận các nẻo ác. Nói cách khác, Quán Thế Âm hiện thân Mã Đầu là để tượng trưng cho sức tinh tiến của các vị Bồ Tát không bao giờ ngưng nghỉ ở bất cứ chỗ nào trong vòng sinh tử, cương quyết anh dũng đánh dẹp vô minh khổ nãochẳng kể đến thân mệnh mình. Vì thế Tôn này có mật hiệu là Tấn Tốc Kim Cương.
– Bất Không Quyến Sách Quán Âm (Amogha pa’sa) Tôn này do tâm nguyện Bất Không nên xưng là Bất Không. Quyến Sách tượng trưng cho lưới bắt chim dùng cứu độ tất cả chúng sinh trong Đại Thiên thế giới .
Theo Ý nghĩa khác, Bất Không là Chuẩn, Quyến Sách là Đề và Chuẩn Đề (Cundhe) tượng trưng cho tâm tính thanh tịnh (‘suddhe) nên ba danh tự Bất Không Quyến Sách, Chuẩn Đề và Thanh Tịnh Quán Âm bằng Chuẩn Đề quán Âm.
Tôn tượng có 3 mặt 4 tay, mỗi mặt có 3 mắt. Mặt chính diện màu thịt, mặt bên phải màu xanh, mặt bên trái màu đen. Ba mặt biểu thị cho 3 Đức. Bên trái: Tay thứ nhất cầm hoa sen, tay thứ hai cầm dây lụa, bên phải: tay thứ nhất cầm tràng hạt, tay thứ hai cầm bình Quân Trì.
– Như Ý Luân Quán Âm (Cinta mani chakra)
Cinta: Là Như ý bảo châu
Chakra: Là pháp luân
Tôn này trụ ở Như ý bảo châu Tâm Muội , chuyển Pháp luân cứu độ chúng sinh trong lục đạo thoát khỏi khổ não và hay làm cho tất cả chúng sinh được thành tựu ước nguyện , vì thế Ngài được hợp xưng là Cứu Khổ Cứu nạn Cứu Thế Bồ Tát .
Tôn này có 6 tay, toàn thân màu vàng, trên đầu kết báu quanh đỉnh tóc biều thị sự trang nghiêm. Trong mão có Đức Phật A Di Đà trụ tướng thuyết pháp. Bên phải: tay thứ nhất nâng mặt làm dạng suy tư biểu thị cho sự mẫn niệm chúng hữu tình, tay thứ hai cầm báu Như ý biểu thị cho sự làm mãn túc ước nguyện của tất cả chúng sinh . Tay thứ ba cầm Tràng hạt biểu thị cho sự cứu khổ chúng sinh. Bên trái:Tay thứ nhất duỗi thẳng xuống ấn núi Quang Minh biểu thị cho sự khiến chúng sinh chẳng dao động.
Tín hạnh, tay thứ hai cầm hoa sen biểu thị cho sự hay trừ các phi pháp, tay thứ ba cầm bánh xe biểu thị cho sự chuyển pháp Vô Thượng.
Tôn này thường dạo chơi trong lục đạo, dùng phương tiện Đại Bi giải trừ các khổ não cho chúng sinh.
– Bi Diệp Y Quán Âm (PàlàsÂmbarì) Tôn này là một thân biến hóa của Quán Thế Âm, chuyên trừ các loại bệnh tật, cầu trường thọ, đảo bệnh, an trấn phòng ốc. Tôn này có 2 tay :Tay trái cầm dây lụa, tay phải cầm hoa sen mới nở.
– Đa La Bồ tát (Tàrà) Tàrà là con mắt hay con mắt tĩnh diệu. Tôn này là một thân Hóa hiện của Quán Thế Âm được sinh ra bởi ánh quang minh phóng ra từ mắt của ngài. Tôn này luôn nhìn tất cả chúng sinh giống như bà mẹ hiền theo dõi chăm sóc con thơ. Mục đích của Ngài là cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử. Do chủ về hai Đức đại Bi và hàng phục nên Tôn này được xem là Phật Mẫu của Liên Hoa Bộ.
Tôn hình có hai tay chắp lại để ngang ngực , trên đỉnh đầu hiện Đức Phật A Di Đà đang trụ tướng thuyết pháp.
Một Hóa thân của Thánh Mẫu Tàrà là Tỳ Lý Câu Đê Bồ Tát (Bhrkuti) Tôn này là chủ về sự kính vâng theo Pháp Cứu độ thanh tịnh và nhằm chặn đứng sự tàn phá của trí Đại Không để hoàn thiện phước báu diệu hữu. Tôn hình có búi tóc hình mũ giống như đất giữ gìn vạn vật, chung quanh kết bởi các báu, chính giữa có hình Đức Phật A Di Đà trụ tướng thuyết pháp . Điều này biểu thị cho sự kính vâng theo Trí Tuệ Phổ Môn của Như Lai để hoàn thiện phước đức .Thân hình có 4 tay. Bên phải: Tay thứ nhất rũ xuống thành An Dữ Nguyện , tay thứ hai co ngửa lên cầm Tràng hạt. Bên trái: tay thứ nhất co lên cầm hoa sen ,tay thứ hai cầm Bình Quân Trì.
– Thủy Cát Tường Bồ Tát (Arya Ryudaka’ sri) Tôn này được xem là quyến thuộc của Đa La Bồ Tát. Tôn hình màu vàng lợt, tay trái dựng đứng bàn tay, co 3 ngón: cái, trỏ, giữa lại, cầm hoa sen mới nở biểu thị cho phương tiện Đại Bi hay làm cho muôn điều lành tốt đẹp thêm lên.Tay phải duỗi các ngón xuống dưới thành ấn Dữ Nguyện biểu thị cho sự làm thỏa mãn các nguyện của chúng sinh.
* Trong Hư Không Tạng Viện
– Thiên Thủ Quán Âm Bồ tát (Sahasra bhuja avalokite’ svara) Tôn hình màu vàng, có 27 mặt, 1000 tay mỗi tay có một con mắt nên gọi là Thiên Thủ Thiên Nhãn. Ngàn tay ngàn mắt tượng trưng cho phạm vi cứu độ của Ngài với phương pháp rộng lớn vô biên. Thật ra tôn tượng chỉ có 42 tay, hai tay chính giữa chắp lại, hai bên phải trái mỗi bên có 20 tay. 40 tay này mỗi tay cứu độ 25 giới chúng sinh nên tổng cộng là 1000 tay. Quyến thuộc của Tôn này là Bà tẩu Tiên Nhân, Phong Thần, Lôi Thần với chúng Bát bộ.
– Phẫn Nộ Câu Quán Tự Tại Bồ Tát (Amogha krodha jnã’ sa Raja) Tôn hình có 3 mặt 4 tay, mỗi mặt có 3 mắt, trên trái mỗi mặt có một vị Hóa Phật đỉnh đầu có một vị Bồ Tát ngồi kiết già, hai tay cầm hai cây kiếm. Bên phải: Tay thứ nhất co lên cầm Phẫn Nộ TÂm Xoa Câu , tay thứ hai co cánh tay duỗi ngửa các ngón hướng xuống. Bên trái: tay thứ nhất co lên cầm hoa sen , tay thứ hai duỗi ngửa cầm dây lụa. Tôn này chủ về sự hàng phục ma chướng.
– Bất Không Câu Quán Tự Tại (Aryàmogha jnã sa) Tôn hình có 3 mặt 4 tay, mỗi mặt có 3 mắt, trên mỗi đỉnh trán có một vị Hóa Phật , hai mặt hai bên màu xanh . Bên phải : tay thứ nhất nâng cánh tay cao lên cầm Tâm Cổ Câu, tay thứ hai rũ ngửa cầm Tâm Cổ Chử .Bên trái : tay thứ nhất co lại cầm hoa sen bên trên có móc câu, tay thứ hai hạ xuống dựng đứng bàn tay cầm vòng dây (Luân sách). Tôn này chủ về sự Cậu triệu, dẫn nhiếp chúng sanh vào Phật đạo.
* Trong Tô Tất Địa Viện:
– Thập Nhất Diện Quán Âm (Edaka’ sa mukha avalokite’ svara). Tôn hình có 11 mặt và 4 tay. Mặt chính có 2 mặt hai bên, phía trên có 5 mặt và trên cùng có 3 mặt. 11 mặt này biểu thị cho 11 Địa của Phật quảBên phải : tay thứ nhất dựng đứng bàn tay co ngón vô danh, tay thứ hai hạ xuống ngửa lòng bàn tay co ngón trỏ. Bên trái: tay thứ nhất dựng đứng bàn tay co hai ngón trỏ, ngón giữa cầm hoa sen, tay thứ hai rũ xuống ngửa bàn tay co 4 ngón lại cầm Táo bình .
Ngoài các mục ghi trên đây. Phật giáo còn ghi nhận thêm 4 vị Bồ Tát Đa La tu trì thành tựu Pháp Quán Âm là:
– Thanh Cảnh Quán Âm (Nìlakanthì) Tôn này có 4 tay hoặc 2 tay. Niệm Tôn này có thể giải thoát được tất cả sự sợ hãi ách nạn.
– Hương Vương Quán Âm (Gandha ràja) Tôn này có 2 tay. Tay phải duỗi trên gối thành tay Thí Vô Úy, tay trái co khuỷu tay cầm hoa sen. Tôn này hay giáng mưa Cam lộ bố thí cho chúng sinh trong 5 đạo.
– A Ma Hai Quán Âm (Abhetrì) Tôn này có tên là Vô Úy Quán Tự Tại. Tôn tượng có 3 mắt 4 tay ngồi trên lưng con sư tử trắng. Niệm Tôn này có thể mãn túc các nguyện, đắc túc mệnh trí, được chúng sinh yêu quý, chứng đắc Tất Địa.
– Thủy Nguyệt Quán Âm (Daka cadra) Tôn này có hai tay, tay trái cầm báu Như Ý, tay phải kết ấn Dữ Nguyện. Tôn này đồng thể với Thủy Cát Tường Bồ Tát. Niệm Tôn này có thể đầy đủ tất cả ước nguyện một cách mau chóng.
Tóm lại, do nhân ứng hóa các phương mà danh hiệu và hình tượng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có nhiều tướng trạng khác nhau. Thông thường người ta dùng hồng danhChính Quán Âm để chỉ Đức Quán Âm bản nhiên . Hình tượng của Ngài rất tự do không có quy định theo đặc tính nào cả.
Hồng danh Thánh Quán Âm dùng để chỉ Đức Quán Âm cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát theo hầu cận Đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc và xưng là Tây Phương Tam Thánh.
Hồng danh Quán Tự Tại Bồ Tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang tu hành pháp môn QUÁN CHIẾU THẬT TẠI để hoàn thành Tuệ giác siêu việt, hoặc danh hiệu này dùng để chỉ vị Bồ Tát ở cảnh Lý Sự Vô Ngại, quán đạt tự tại.
Hồng danh Quán Thế Âm Bồ Tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang thực hành pháp môn VIÊN THÔNG NHĨ CĂN để hoàn thành 4 tâm vô lượng TỪ, BI, HỶ, XẢ. Hoặc danh hiệu này dùng để chỉ vị Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi quan sát âm thanh cầu cứu của tất cả chúng sinh trong Đại Thiên thế giới mà nhanh chóng hiện thân đến cứu tế ách nạn.
Tôn tượng của vị Bồ Tát này đều có một mặt hai tay và có màu thịt trắng hay màu vàng ròng. Còn các Tôn tượng và danh hiệu khác đều là thân thị hiện theo lực dụng của Pháp thần biến tự tại nên mỗi mỗi đều có ý nghĩa và nghi quỹ riêng biệt.