Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

- THIỀN ĐỊNH


THIỀN-ĐỊNH 

    Thiền : Theo các Từ-điển Khang-Hy (Trung-Quốc) Đào-Duy-Anh và Thanh-Nghị (Việt Nam) đều có nghĩa là yên-lặng, suy tưởng.
    Thiền là gọi tắt, chứ nói đủ tiếng theo Trung-Hoa là Thiền-Na, phiên âm từ chữ Dhyana của Ấn-Độ. Nhật-Bản gọi là Zen.
    Dhyana (chữ Ấn-độ) có nghĩa là trầm-tư về một chân-lý, triết-lý hay Đạo-lý đến chỗ thấu- triệt  in sâu vào tâm-thức.
    Định: Theo các Từ-điển nêu trên đều có nghĩa yên-lặng, xếp đặt được yên-ổn không bị lay động. Dẹp cho yên. Còn có nghĩa là Tỉnh. Nhà Phật có phép tu khiến cho thân-tâm yên-tỉnh không vọng-động gọi là “ nhập định”. Ấn-độ gọi là Samaddhi.
    Thiền-định : Thiền (Dhyana) Định (Samadhi) trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với nhau và thường dùng lẫn lộn, Trung-Hoa ghép lại thành danh từ kép “Thiền-định” để chỉ một trạng-thái yên-tỉnh bằng phép Định hoặc Thiền. Chứ đúng nghĩa thì Định là một trạng-thái tâm-lý chứng được bằng Thiền. Thiền là một tiến trình, Định là cứu cánh. (Theo Thiền luận của Suzuki/ Trúc-Thiên dịch).
    Trong văn-học Phật-giáo cũng như giáo-lý của các hệ-thống tôn-giáo Ấn-Độ thì Thiền-định là phương tu để lắng đứng hết vọng-tưởng tán-loạn đưa đến cảnh-giới thuần-nhất để tâm đễ ngộ-nhập vào chân-lý.
    Trên đây là nghĩa đen hai chữ Thiền-Định theo Đạo-học. Còn tùy theo trường-phái họ phân chia Thiền-định thành nhiều cấp bậc khác nhau, như có bốn cấp Thiền, tám cấp định v.v... nhưng đại-khái gồm các cách thực hành sau đây trong các tiết-mục kế tiếp.                              
      Phương-pháp thiền-định này giữ cho tinh-thần ở trạng-thái yên-tĩnh, loại trừ mọi tạp-niệm giữ tâm ở trạng-thái không-không, không suy nghĩ bất cứ điều gì. Dạng thiền định này Yoga gọi là một trạng thái tinh-thần tỉnh-lặng, chứ không phải là một chuỗi nối tiếp các hoạt-động tinh-thần như suy-tưởng quán-chiếu vào một vấn-đề. Phép thiền-định này tạo một sự thư giản thân tâm. Phép thiền-định này thường áp-dụng trong những trường-hợp làm việc nhiều về trí-não, cần tìm một sự thư-giản nghỉ-ngơi, hoặc áp-dụng trong lúc luyện khí-công, quán-chiếu vào hơi thở, giữ tâm ở trạng-thái hư-vô, Nho giáo còn gọi là Tọa-vong. Vì bước đầu tiên của thiền là sự nghỉ-ngơi, sau đó tiến lần đến nhiếp-tâm tịnh-ý, và cứ làm như vậy thì một điều gì đó tự nó sẽ đến không cần phải mong-ước cượng-cầu.
      Phương-pháp này ngày nay còn gọi là nảo tỉnh-công, giúp cho tính ổn-định của vỏ não ở một trạng-thái tối ưu, khiến não mạnh lên, còn gọi là kiện- não pháp, có tác-dụng tăng-cường năng-lực chuyển-hóa các quá-trình hưng- phấn và ức-chế, phát-huy hết năng-lực tiềm-ẩn của não, cũng như kích thích óc sáng tạo của con người, từ đó thần-huệ sẽ phát-triển, nên Đạo thơ có câu :
      “Biển có lặng thì minh châu mới hiện ”.
      Phép tham-thiền này có thể áp-dụng tiếp theo bất kỳ một sinh hoạt trí- lực hoặc thể-lực nào vừa kết-thúc, để tạo một sự yên-tĩnh nghỉ-ngơi cho thân tâm.
      Phép thiền này nếu kết-hợp với hơi-thở (khí công) có thể chữa được một số bệnh thần-kinh căng-thẳng đưa đến suy-nhược, nhất là mất ngủ. Vì giấc ngủ cốt tạo sự nghỉ-ngơi cả thân-thể và hồn-phách, nếu thực-hiện phép thiền này là đã giải-quyết được hơn hai phần ba mục-đích đó, nên cũng giúp người dễ đi vào giấc ngủ một cách ổn-định. Bởi vì nếu ngủ với một thần-kinh căng- thẳng trăn-trở bất-an, với những cơ-bắp co-rút, với những giấc mộng nặng-nề thì giấc ngủ đó chưa phải là một hình-thức ngủ toàn-vẹn. Còn nếu ứng-dụng cách tham-thiền này tuy không ngủ nhưng mục-đích của giấc ngủ đã đạt được, đó là sự nghỉ-ngơi cả thể-xác lẫn hồn-phách. Để đạt được mục-đích nêu trên, không những hành-giả giữ tâm-tư ở trạng-thái hư-không, mà tất cả các cơ bắp cũng phải được thư-giản, mềm-mại, từ cơ bắp ở mặt cho đến tứ chi cần phải để cho nhủn ra như một con mèo nằm sải dài thoải-mái trong tư-thế nghỉ-ngơi.
      Phương-pháp thiền này có thể nằm ngữa buông xuôi tay chân, hoặc ngồi ở một tư-thế thoải-mái, giữ cột sống thẳng đứng, ta chỉ cần theo dõi hơi thở, còn bao nhiêu thứ còn lại đều buông thả tự-do. Vì theo dõi hơi thở cốt  giữ cho tạp-niệm khỏi lẻn vào khuấy động, còn thư-giản tất cả bắp thịt trong châu thân là để đạt đến sự tĩnh lặng. Hành giả hãy xem mình như hạt minh-châu dưới đáy hồ phẳng lặng, hãy tự-nhủ rằng nếu mình không hưởng được sư an-lạc ngay trong giờ phút này, thì nó cũng sẽ trôi đi, và mình cũng không thể hưởng được khi tương-lai trở thành hiện-tại. Sự an-lạc chỉ có trong hiện-tại mà thôi, nếu mình không hưởng được trong lúc này, thì cũng không tìm được bất cứ lúc nào. Cứ làm một hạt minh-châu nằm yên tỏa sáng dưới đáy hồ nước trong phẳng lặng. Cứ thực hiện như thế, thì mình sẽ cảm thấy được sự an-lạc hoàn-toàn.
      Khi chúng ta tập-trung tư-tưởng thực-hiện 12 bài luyện-tập thân thể do Đức Hộ-pháp chỉ-giáo, không suy-nghĩ đến bất-cứ điều gì, là thực-hiện phép thiền-định này, theo khoa Năng-lượng sinh-học (Bioénergetics) gọi là thiền-định đứng, để tiếp-thu năng-lượng vũ-trụ. Nhưng nhiều người lại cứ khăng-khăng ngồi sững, đắm-chìm trong ảo-giác mới cho là Thiền. Sự kiện này Đức Hộ-pháp đã ví như : “ Người nhà quê đưa gói bánh cho lại nói ăn không được...”. Lời ví-dụ này quả đúng y như trường-hợp của nhiều người, thấy những bài tập này quá đơn-giản nên xem thường, không chịu thực-hành, nhưng không ngờ đó là một môn tập-luyện mà theo lời của Đức Ngài: “ Nếu luyện đặng thành-thuộc theo bậc hạ thừa cũng sẽ đặng trường-sinh bất lão”.
      Trong phép lễ-bái Tứ-thời cũng nằm trong phương-pháp Thiền này, nếu thực-hiện cá-nhân là Thiền đơn-độc một mình, còn thực-hiện cộng-đồng là Thiền tập thể, buổi Thiền này còn tuỳ theo sự tiến-hoá trong chơn-thần mỗi người mà đạt những bước khác nhau như :
      - Tư-tưởng duyên theo cảnh-giới tôn-nghiêm nơi thờ-phụng lễ-bái để phát-huy lòng thành-tín, tăng-trưởng đạo-tâm.
      - Tư-tưởng tập-trung vào âm-ba kinh-kệ để gom thần định trí, tiêu-trừ vọng-niệûm.
      - Quên hẳn âm-ba để chơn-thần hoà-nhập vào dòng thầìn-lực vô-biên của Thượng-đế để phẳt-triển thần huệ.
      Nên Đức Hộ-pháp đã dạy về sự hữu-ích của sự lễ-bái  rằng :
      “...Bữa ăn của linh-hồn là buổi chúng ta vô đền thờ cúng đấy...Bần-đạo khuyên một điều: đừng để quá đói mà chết đa !...”
      (Thuyết đạo của Đức Hộ pháp tại Đền Thánh đêm 01-11 Mậu-tý / 01-12-1948). 
      Trong chúng ta có người chưa am-tường chân-lý đó, lại cho lễ-bái Tứ-thời là việc tầm-thướng không chịu thực-hiện, mà lại cứ muốn ngồi “sững” lim dim với tràng hạt trên tay mới cho là Thiền, là tu-luyện  cao, thật là môt sự lầm lẫn tai-hại.
        Trong đời sống người tu sự  “Yên tĩnh tâm hồn” là một cứu-cánh, muốn có được nó thì trong các pháp-môn tu luyện có nhiều cách, mà cách thông- thường dễ thực-hiện nhất, mà lại có nhiều kết-quả cho thân tâm đó là “tập thở đúng cách”, biết nắm lấy hơi thở để chế-ngự vọng-tâm tạp-niệm, khoa khí-công còn gọi là thở có chỉ-huy. Đứng về phương-diện sinh-lý thì đã có nhiều trường-phái, nhiều tác-giả đã trước-tác sách vở để nói về lợi ích lớn-lao của sự tập thở đúng phương-pháp. Ngay trong cửa Đạo Cao-Đài các đấng thiêng liêng cũng như các vị tiền-bối đã dạy phương-pháp thở để điều trị tật bệnh, để tăng cường sức khỏe, kéo dài mạng sống, hỗ-trợ trực-tiếp cho việc tu hành. Như trong 12 bài luyện tập thân thể do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chỉ-giáo cũng có dạy về cách thở.
        Về phương-diện sinh-học, người biết thở là biết sử-dụng kho- tàng sinh-lực vô-tận để thanh-lọc đổi mới cả cơ-thể. Hơi thở còn quan-trọng hơn cả thức ăn bằng vật-chất, nên trong Thánh giáo của Đức Lý Giáo tông có câu :
        “Hỏi ăn chi đặng sống, Rằng hớp khí thanh không”.
                                                                          (Trích Ngụ Đời)
        Đứng về mặt huyền-học thì hơi thở cũng là cây cầu bắt từ sinh-lý sang tâm-lý, nối liền thể-chất với tinh-thần, nên trong các môn tu-luyện họ dùng hơi thở để điều-hợp thân tâm loại trừ vọng-niệm đưa đến cả sự tĩnh-lặng và sáng chiếu cả hai, còn gọi là định huệ.
        Trong phạm-vi khảo-luận này chúng ta chỉ đề-cập đến sự vận-dụng hơi thở trong tham-thiền cho bậc hạ-thừa mới tập-luyện mà thôi:
        Trong bài Tập thở căn-bản Đức Hộ-pháp Phạm-công-Tắc dạy thực-hành như sau:
        “Nằm ngửa xuôi tay chân, miệng ngậm, hít vô bằng mũi, dem khi trời vô phổi dẫn đến rún, tới đơn-điền. Khi hít vào, bụng phình ra trước, ngực nở ra sau, khi không thể hít vào được nửa thì nín một chút xíu, chừng năm ba giây đồng-hồ rồi thở ra bằng miệng, lúc thở ra bụng thóp vào, khi khí trời ra hết rồi, tiếp tục hít lại như trước. Thực-hành chẫm-rãi cho đủ 12 hơi như vậy thì ngồi dậy”.
        Cách thở nầy theo khoa khí-công là cách thở vận-hành toàn thân, gồm cả ba phần: thở bụng, thở ngực và thở vai. Sự thở tuy là nhiệm-vụ của phổi nhưng trước hết có sư tham-gia của bụng, nên người xưa nói rằng hơi thở bắt đầu từ bụng và chấm dứt ở mủi. Khi ta hít không-khí vào phần dưới phổi trước, đẩy hoành cách mạc xuống, thì bụng phình lên, khi tiếp-tục hít vào phần trên phổi, ngực và vai cao lên, thì bụng bắt đầu hạ xuống dần, khi thở ra thì bụng thóp lại, sự vận-hành nầy có tác dụng xoa-bóp cả nội tạng tống xuất khí huyết tồn đọng dư thừa ra ngoài để đổi mới tạng-phủ, hoành cách-mạc đóng vai tró bít-tông để đem hơi lên xuống.
        Trên đây là Đức Hộ-Pháp dạy chung cho nhiều người, còn trên phương- diện thực-hành thì tuỳ theo thể trạng mỗi người mà có thể châm-chước, nên chúng ta cần tìm hiểu thêm những điều thiết-yếu sau dây:
        Ở cơ-thể người bình-thường lúc nghỉ-ngơi thì thở khoản chừng 15 đến 20 nhịp trong 1 phút, tức là mỗi hơi thở khoản 3 dến 4 giây đồng-hồ, nhưng cũng tuỳ theo giới-tinh, thể-trạng và tuổi-tác mà đôi khi cũng có sự khác biệt, như đàn ông thường khoản 16 nhịp / 1 phút, đàn bà khoản 18 nhịp / 1 phút, người ốm thở nhanh hơn người mập, trẻ em thở nhanh hơn người lớn (trẻ sơ-sinh khoản 40 đến 50 nhịp / 1 phút, trẻ em chừng 1 tuổi khoản 30 nhịp/ 1 phút), khi lao-động mệt nhọc thở nhanh hơn lúc nghỉ-ngơi, nhưng dù sao đối với người bình-thường (không lao-động nhọc) mà có nhịp thở trên 25 nhịp /1 phút, hoặc dưới 10 nhịp / 1 phút, là chứng tỏ trạng-thái cơ-thể bất an.
        Để bắt đầu luyện thở, hành-giả nằm ngữa, xuôi tay chân như sự chỉ dẫn của Đức Hộ-Pháp, cơ thể thư giản hoàn toàn, thở vài hơi tự nhiên, rồi khởi sự  “đo” chiều dài của hơi thở ra tự-nhiên của mình, có thể đếm thầm trong trí: mộât, hai, ba....hoặc nghe tiếng tích tắc của đồng hồ, sau vài lần như thế là ta biết được “chiều dài” của hơi thở ra là bao nhiêu. Ví dụ chiều dài ấy là 5, bây giờ ta dự tính thêm vào một hay hai tiếng nữa để cho hơi thở ra dài tới 6 hoặc 7. Thế là thở ra lần này bắt đầu đếm từ 1 đến 5, thay vì hít vào, thì tiếp tục đếm thêm là 6 hoặc đến 7, như vậy là ta đem thêm số không khí từ phổi ra ngoài hơn mức bình thường mọât chút chứ không phải thật cạn-kiệt, xong rồi ta buông thả để phổi tự động hít vào, đem khí trời vô phổi, dẫn đến rún tới đơn-điền, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không nên cố gắng hít vào quá căn,  thường là chiều dài của hơi thở tự-nhiên theo tỷ lệ hít vào bằng 1/3 thời gian chung, hơi thở ra bằng 2/3 thời gian chung, nhưng ta cũng nên đếm xem hơi hít vào tự nhiên dài bao nhiêu. Người mới tập chỉ nên làm như vậy chừng năm bảy hơi dần dần cho đến 12 hơi là tối đa, nếu thấy mệt thì bớt lại, nên lấy cảm giác thoả-mái ở lồng ngực và nhịp tim làm chuẩn. Người mới tập thì chỉ nên làm như thế trong nhiều tuần, chừng một tháng sau sẽ kết-hơp với nín hơi, nhưng chỉ nín khoản 3 đến 5 giây đồng-hồ theo lơi chỉ dẫn của Đức Hộ-Pháp làû vừa với phép luyện-tập nầy không nên nín lâu hơn. sẽ gây ra những phản-ứng bất lợi cho cơ thể. Khi quen dần ta có thể điều-chỉnh thêm bớt một chút để hơi hít vào và thở ra bằng nhau. Số-lượng hơi thở cũng chỉ đến 12 hơi là tối đa (vì con số 12 là con số Thập nhị thời thần của Đức Chí-Tôn), không nên thở nhiều hơn con số nầy. Theo lời Bác-sĩ Peter J. Stencrohn nói rằng: “ thở bình-thường theo tự-nhiên thì có một sự quân-bình giữa oxy và Carbon ở trong máu, trái lại hít vô sâu quá, thở ra dài quá thì sinh ra mất Carbon, lúc đó hồng-cầu phải giữ lại Oxy nhiều hơn, nếu kéo dài thời-gian, hậu-quả là các bộ-phận trong cơ-thể bị mất Oxy, đặc-biệt là óc,  hể óc thiếu oxy là phản-ứng lại liền. Người nào mà cố-ý hít dài và sâu chừng 30 hơi trở lên sẽ bị chóng mặt, mệt mỏi, tay chân tê cóng, thậm chí có thể yếu sức, tinh-thần đâm ra lo-lắng...
         Bởi vì theo kinh-nghiệm lâm-sàng, có những người vì một lý-do nào đó trong đời sống như thất-bại, chán-nản, bức-xúc, phải thở sâu dài hơi liên-tục để giải-toả, hoặc hiểu lầm rằng càng thở sâu dài hơi càng nhiều càng tốt, làm cho hơi thở thiên-lệch tạo ra sự mất quân bình giữa oxy và Carbon trong cơ-thể lâu ngày  dẫn đến bệnh hoạn mà không ngờ đến. Do đó Đức Hộ-Pháp dạy phương-pháp thở nầy chỉ thực-hiện  chỉ trong 12 hơi mà thôi, điều nầy rất quan-trọng hành-giả cần lưu-ý. Vì đã có nhiều người bị phản-ứng bất-lợi vì đã thực-hiện lời dạy này một cách tuỳ-tiện trong lúc tập thở rồi. Còn khi hít vào cứ như lời dạy của Đức Hộ-Pháp là khi nào không hít vô được nữa thì thôi, có nghĩa là khi hít vào cảm thấy hơn mức bình thường một chút, không nên ráng hít quá căn, thở ra cũng đừng ráng quá cạn-kiệt. Phương pháp thở phải thật nhẹ, đều, chậm, sâu, uyển-chuyển nhẹ-nhàng như dòng nước chảy trên cát mịn, chỉ cần để ý hít dài hơi sâu xuống bụng dưới, gọi là dụng ý để điều khí còn mọi phản-ứng của cơ-thể đều để tự-nhiên. Tư-tưởng tập-trung vào hơi thở. 
        Vận dụng hơi thở trong thiền-định :
        Thiền-định là một phương tu cốt lắng đứng vọng-tưởng, tạp-niệm, đặt tâm ý ở một trạng-thái thuần-nhất vào một chủ-đề, hay ở một trạng-thái không không, để tìm một sự nghỉ-ngơi thư-giãn cả tâm-hồn lẫn thể-xác. Nhưng mỗi khi tâm bị phân-tán, thì vận-dụng hơi thở để chế-ngự sự vọng-động để tâm an-tịnh hoặc tập-trung tư-tưởng trở lại. Phương-pháp này có nhiều cách như  quán-chiếu vào hơi thở, theo dõi hơi thở... Vì khi chủ-động được hơi thở là chủ-động được thân tâm mình, theo Thiền-Sư Khương-Tăng-Hội thì quán-niệm hơi thở là đại-thừa (cổ xe lớn) của chư Phật để cứu vớt chúng-sanh đang trôi chìm trong sinh tử. Đếm hơi thở, theo dõi hơi thở là những phương-pháp để nhiếp-tâm tịnh-ý (Theo Cẩm-nang tu thiền của Thượng-toạ Thích Nhất Hạnh). Nên trong các trường-hợp sau đây hơi thở có thể giúp ta đạt đến yêu-cầu mong muốn.
        - Trong lúc tham thiền, tâm trí bị phân-tán, khó tập-trung, ta nắm ngay lấy hơi thở, vì hơi thở là một phương-tiện thần-diệu để nắm lấy tâm ý.
        - Khi tỉnh-tọa bị rơi vào hôn-trầm (ngủ gục) thì ta cũng vận-dụng hơi thở để phục hồi sự tỉnh-thức, đem lại sự minh-mẫn cho tâm-thần.                                      
        - Khi ta đang bị tức giận, hơi thở có thể bị dồn-dập, tâm thần xáo trộn, thì ta có thể hít cho sâu đến bụng dưới, lấy lại hơi thở chậm, đều, và chừng năm bảy hơi thì ta trở lại được trạng-thái bình-tỉnh.                                             
        - Khi đang bị một kích-động của thể xác hãy tập-trung vào hơi thở, tai như nghe được nó, mắt như thấy được sự chuyển-vận của nó, quán-niệm suốt chiều dài của hơi thở, chuyển góc nhìn cảm-giác kích-động của mình như thể từ ngoài nhìn vào, để cảm-giác kích-động trở thành thứ yếu, không cho nó chính là ta nữa, tuy ta không giết nó trực tiếp, nhưng nó không thể khiến thể xác ta kích-động thì nó tự chết dần dần, như vậy sau 12 hơi thở nó sẽ mất dần chỗ đứng trong ta, cường-độ sự kích-động yếu dần và từ từ lắng xuống, trả lại cho ta một sức sống thuần-lương yên-tĩnh, không khuấy rầy thân-xác và tinh- thần mình nữa.
        Muốn vận-dụng hơi thở một cách có hiệu-quả thì cần tập-trung tâm-ý theo dõi suốt chiều dài hơi thở gọi là “tùy tức”, hoặc là đếm số hơi thở gọi là “sổ tức” hoặc niệm một câu thần-chú nào đó trong lúc thở, tỷ như niệm câu chú Thầy :”Nam mô Cao Đài Tiên ông Đai Bồ tát Ma Ha tát” (Khi hít vào niệm : Nam-mô Cao-Đàì Tiên-Ông, thở ra niệm  Đại Bồ-Tát Ma-ha-tát  mỗi câu chú là một hơi hít vào và thở ra, niệm 12 câu chú là ta sẽ thở được 12 hơi, thì tâm ý sẽ lắng xuống, tâm-hồn không còn bị xao-động nữa.
        Thực-hiện phương-pháp này theo khoa khí-công gọi là thở có chỉ huy, hơi hít vào bằng hơi thở ra, theo cách này ta chỉ thực hiện trong 12 hơi là vừa. Còn trong tất cả các dịp khác ta nên sử-dụng hơi thở tự-nhiên gần như theo quán-tính đó là thời gian hít vào bằng 1/3 thời gian chung, thời gian thở ra bằng 2/ 3 thời gian chung, chỉ cần để ý thở nhẹ và đều dẫn khí tới đơn-điền, cách thở này có thể áp-dụng trong mọi trường hợp như khi nghe nhạc, khi nói chuyện, lúc đi bách bộ, nghĩa là mình làm chủ hơi thở trong khi vẫn nhận-thức được sự-kiện bên ngoài chung quanh mình, nghĩa là không để các tình-tiết làm ảnh hưởng đến quyền chủ-động hơi thở của mình. Phương-pháp này thở buông lỏng theo tự-nhiên nên có thể kéo dài bao lâu tùy ý mà không sợ xảy ra sự phản-ứng bất lợi nào cho cơ thể.
        Trong sự tu-hành, người tu cần biết sử-dụng hơi thở để nắm lấy thân-tâm, gìn-giữ sự yên-tĩnh tâm-hồn, hầu phát-triển thần-huệ. Trong bài này hoàn-toàn không có mục-dích phổ-biến phương luyện thở của Thượng-thừa, như vận-hành hơi thở theo Nhâm-mạch, Đốc-mạch chẳng hạn, vì phương-pháp nầy phải có Chơn-sư trực-tiếp hướng-dẫn và theo dỏi, mới không xảy ra những tai biến. Nội-dung cách luyện thở nầy chỉ cốt giúp  cho người tu hạ-thừa biết cách sử-dụng hơi thở hằng ngày nhất là trong lúc tham-thiền. Vì theo Yoga thì phương-pháp thở nầy “ không nhằm thực-hiện một điều gì ” mà chính để một “ điều gì đó sẽ tự hiện-thực”. Tham-thiền có kết-hợp với hơi thở ở đây cốt để đễ đạt một trạng-thái tinh-thần tỉnh-lặng, chứ không phải thực-hiện một chuổi nối tiếp các hoạt-động tinh-thần như suy-tư quán-tưởng .
        Nên sự kết-hợp chặc-chẽ hơi thở trong lúc luyện khí-công, luyện tập thân-thể, đó cũng là Thiền, sẽ giúp cho hành-giả dễ-dàng thành-công hơn là không có kết-hợp với hơi thở


        Tóm lại phần nêu trên tuy là dành cho bậc hạ-thừa, để cho những môn-sinh chưa làm tròn nhơn-đạo thực-hành trong khi đang sinh-hoạt với đời, nhưng đây cũng là phương-pháp vừa trau dồi tâm tánh, lập công bồi đức, vừa đào-luyện thể-lực để phát-triển thần-huệ, tức là tu Phước lẫn tu Huệ song hành, còn gọi là Tâm Mạng song tu; nếu chúng ta thực-hiện tinh-tấn, thì chẳng những góp phần vào sự hoàn-thiện của đời mình, của xã-hội nhân-sinh và trời đất bao-la, tức là mình đã sống đúng với thiên-chức  của  mình là đến thế-gian để tiến-hoá và giải-thoát. Từ đó cuộc đời mình cũng cảm thấy được giải-thoát nửa. Giải-thoát đây có nghĩa là mình sống và làm công việc thế-gian một cách chánh-tâm thành-ý, với một tâm-hồn vượt lên trên danh-lợi bon-chen của phàm-ngã. Giải-thoát đây tức là mình sẽ cảm thấy sự an vui tự tại trong mọi công việc xoay quanh phụng-sự cho đời, chứ không phải làm việc với môt tâm-trạng đầy phiền-nảo với môt cảm-giác trả nợ đời, hoặc tâm-trí luôn luôn mơ-màng muốn thoát ra ngoài giới hạn của cuộc đời một cách ảo-huyền.
        Nói cho cùng dù cho số phận có dành cho ta sự thuận-lợi hay ngang-trái, hữu-hạnh hay bất-hạnh. thì mọi sự giải-thoát dù dưới hình-thức nào đi nữa cũng phải tìm kiếm trong cái hữu-hạn của sự ăn mặc và làm việc ngay trong đời sống thường tục, nên có triết-gia đã nói rằng ý-nghĩa của cuộc đời nằm ngay trong cuộc đời. Nên dù cố công bao nhiêu thì niết-bàn vẫn phải tìm trong bánh xe sanh-tử luân-hồi. Nói như vậy không có nghĩa là cuộc sống rút lại cũng chỉ nằm trong cỏi vật-chất hữu-hạn, mà sự giải-thoát đây là ở cái tinh-thần, là ánh linh-tâm rọi soi vào cuộc sống vật-chất đó. Bởi vì  phiền-nảo và giải-thoát là hai mặt của một vấn-đề, không thể vứt cái nầy để lấy cái kia, mà nó nội-chuyển trong tự-thể để phát-xuất ra, vì đứng về phương-diện sinh-học thì hạnh-phúc và khổ-đau thuộc lãnh-vực cảm-xúc của giác-quan có sẵn trong mỗi ngưòi, vì thế nên mới có câu: “vạn pháp do tâm tự tín”. Nên thiền-định phải luôn luôn tiếp-xúc với những việc làm cụ-thể bằng môt tâm-địa bình-thường, nên Thiền-môn mới có câu:
        “Bình thường tâm thị đạo”.