Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

- CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015






          CUNG kỉnh lễ nghi rước chúa xuân
          CHÚC toàn Hội Thánh được vui mừng
          TÂN niên chuyển lập cơ Hoằng Pháp
          XUÂN đến nhơn hòa pháp lý tuân
          HỘI hiệp cùng nhau trau đạo hạnh
         THÁNH thần chiếu điển phải thừa vưng
         HUỲNH khai cơ tuyển kỳ ngươn hạ
         ĐẠO chuyển linh căn hiệp thánh quân
*****
        Xuân v mai n trước hành lang,
        Xuân đến Xuân đi cũng vi vàng,
        Xuân chúc Đo Huỳnh thêm v đp,
        Xuân cu thế gii được bình an.
        Xuân ny tt c đng tâm nguyn,
        Xuân chuyn Đo Huỳnh được vẻ vang,
        Xuân nguyn cu Cha ban phước hu,
        Xuân nng tình Đo được huy hoàng.





- LỄ PHÁT QUÀ TỪ THIỆN XUÂN ẤT MÙI 2015


Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

- BẠCH Y THẦN CHÚ ( KINH CỨU KHỔ )

  KINH CU KHỔ

******

                                        


I/. KINH VĂN:
 KINH CỨU KHỔ
         Nam mô Đại Từ, đại Bi Quảng Đại Linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát. (đọc 3 lần)
         Nam mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ, cứu nạn Linh Cảm  Quán Thế Âm Bồ Tát, bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật. Phật cáo A Nan ngôn, thử kinh Đại Thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ.
         Nhược hữu nhơn tụng đắc nhất thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn, tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn.
         Nam mô Phật lực oai, Nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm linh nhơn thân đắc độ, hồi quang Bồ Tát, hồi thiện Bồ Tát, A Nậu Đại Thiên Vương chánh điện Bồ Tát, ma kheo ma kheo thanh tịnh tỳ kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu, chư Đại Bồ Tát, ngũ bá A La Hớn, cứu hộ đệ tử..….nhứt thân ly khổ nạn, tự ngôn Quan Thế Âm. Anh lạc bất tu giải, cần đọc thiên vạn biến tai nạn tự nhiên đắc giải thoát, tín thọ phụng hành tức thuyết, Chơn ngôn viết: Kim Ba Kim Ba Đế, Cầu Ha Cầu Ha Đế, Đà La Ni Đế, Ni Ha La Đế, Tì Lê Ni Đế, Ma Ha Dà Đế, Chơn Lăng Càn Đế, Ta Bà Ha.






II/. VIẾT RA CHỮ HÁN:
  
             
                                               .
                            .
                 使                    殿                         ...............                              :
                                  .
III/.CHÚ GIẢI:
         Vào thời Hạ nguơn này, đời càng đi sâu vào mạt pháp, nhơn loại càng sống trong dầu sôi lửa bỏng: Chiến tranh khốc liệt ở nhiều nước trên thế giới; thiên tai tàn phá như bão lụt, sống thần, hạn hán…; bệnh chướng hoành hành nhiều thứ dịch bệnh phát sinh...làm cho con nguời phải chịu nhiều điêu linh, khổ sở.
         Như chúng ta biết, sở dĩ đời nhiều khổ đau là do tâm niệm và hành vi hung dữ của con người. Muốn làm dịu bớt thảm trạng này, mỗi con người phải tự tỉnh ăn năn và cầu xin Đức Quan Thế Âm giảm trừ nghiệp chướng, tiêu tai miễn họa. Vì vậy, bài Kinh Cứu Khổ rất cần thiết cho người biết tu để tụng niệm trong hiện cảnh ngày nay.
      Kinh Cứu khổ   : Kinh cứu khổ là một bài kinh tụng cầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh khi gặp tai ương hay bệnh tật. Bởi vì Đức Quan Thế Âm là vị Bồ Tát có hạnh nguyện “Tầm thinh cứu khổ    ”, tức là nơi nào chúng sanh có sự khổ đau, tai ách mà có lòng thành cầu xin cứu giúp, thì Đức Ngài liền ban ơn cho tiêu tai miễn họa. Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm Phổ Môn, hễ ai thờ Ngài ắt được phước đức, ai cầu nguyện và niệm danh hiệu Ngài thì được Ngài chở che cứu giúp qua khỏi nạn tai.
         Đạo Cao Đài thường tụng bài kinh Cứu khổ để cầu siêu cho Cửu Huyền Thất Tổ, thượng Tượng, cầu an (An vị Thánh Tượng), hay cầu giải bệnh cho người bịnh tật.
         A- CHÚ THÍCH:
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát
             
         Nam Mô  : Kính lễ, đãnh lễ (cúi đầu làm lễ).
         Chữ Nam Mô có sáu ý nghĩa:
         - Quy y: Trở về nương tựa Phật, Bồ Tát.
         - Quy mạng: Quy gởi thân mạng của mình.
         - Cung kính: Hết lòng chí thành cung kính.
         - Cứu ngã: Mong được cứu độ.
         - Đãnh lễ: Lòng thành kính lễ.
         - Độ ngã: Ngưỡng mong tu tập được qua bờ giác ngộ.
         Tín đồ Cao Đài, người tu theo Phật thường đặt từ Nam Mô trước danh hiệu của Đức Chí Tôn hay chư Phật với ý nghĩa là nguyện đem lòng thành kính hướng về Chí Tôn, chư Phật để nương tựa, cầu mong được cứu độ, và được giải thoát.
         Đại Từ Đại Bi    : Có lòng Từ bi to lớn.
         Từ bi là lòng thương yêu, lo lắng mong giúp đỡ cho chúng sanh được an lành và cứu vớt chúng sanh ra khỏi tai ương, khổ não. Lòng Từ bi phải là một chân tâm, xuất phát từ lòng trắc ẩn thành thật, không vụ lợi, không phân biệt thân sơ hay sang hèn. Từ bi là một thứ tình thương đem đến niềm an vui cho kẻ khác. Người có Từ tâm, thì lúc nào cũng muốn tạo và dâng hiến sự an lành, hạnh phúc cho kẻ khác, còn người có lòng bi thì bao giờ cũng mong xoa dịu hay làm vơi bớt những nỗi đau của kẻ khác.
         Ban cho điều sung sướng, cứu giúp sự khổ não, mà làm sao tự ta không thấy mình là kẻ ban ơn, người là kẻ thọ ơn, như thế mới thật là lòng từ bi.
         Đại Từ Đại Bi là lòng Từ bi tối thượng, chỉ đạt được khi đã đạt được Trí huệ tối thượng, tức là tâm Từ bi tuyệt đối, vô điều kiện, chỉ có được nhờ sự giác ngộ rốt ráo về chân lý. Đó là lòng Từ Bi của Đức Thượng Đế và chư Phật, chư Tiên.
         Quảng đại  : Rộng lớn, tức là chỉ lòng thương yêu vô biên, rộng lớn.
         Linh : Thiêng liêng.
      Quan Thế Âm Bồ Tát     
         Quan Thế Âm hay Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát có lòng Đại Từ Đại Bi và thường hay cứu khổ cứu nạn, cho nên chúng sanh đâu đâu cũng thờ và tụng niệm đến danh hiệu của Ngài. Ba chữ Quán Thế Âm nói lên được lòng thương vô lượng vô biên của Ngài, lúc nào Ngài cũng lắng nghe âm thanh ở thế gian, nơi nào, lúc nào có tiếng kêu đau, kêu khổ của chúng sanh thì Ngài đều đến cứu giúp, hóa độ.
         Trong kinh Pháp Hoa có câu:                       (Khổ não chúng sinh, nhất tâm xưng danh, Bồ Tát tức thì quan kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát. Dĩ thị danh Quan Thế Âm).
         Nghĩa là chúng sanh bị khổ não mà nhứt tâm niệm đến tên Bồ Tát, tức thì Ngài xem âm thanh của chúng sanh mà độ cho được giải thoát. Vì thế, nên gọi Ngài là Quan Thế Âm.
         Người Đời thường gọi tắt là Quan Âm. Ngài còn có hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát, có nghĩa là quán chiếu thâm sâu, giác ngộ tự tại mà cứu độ chúng sinh.
         Đức Quán thế Âm có phép thần thông quảng đại, thường hay biến hiện nhiều sắc tướng để cứu giúp chúng sanh, nên người đời thường thờ Ngài bằng nhiều tượng khác nhau.
- Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát          tượng có nghìn tay nghìn mắt.
- Chuẩn Đề Quan Âm    : Tượng có ba mắt và mười tám tay.
- Nam Hải Viên Thông Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi, Tầm Thanh Cứu Khổ, Linh Cảm Quan Âm Bồ Tát                 : Danh hiệu nầy có nghĩa là Đức Quan Thế Âm làm Giáo Chủ Đạo Viên Thông ở miền Nam Hải, thường tìm tiếng kêu mà cứu khổ, rất cảm ứng và rất Thiêng liêng.
- Quan Âm Nữ Phật    : Tượng là một người phụ nữ, cho nên còn gọi là Phật Bà Quan Âm, do hai sự tích : Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính.
         Trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Thế Âm là một tướng nữ, tượng trưng cho tình thương của một bà mẹ hiền, đứng trên hoa sen, tay cầm cành dương liễu để tiếp dẫn chúng sanh và bình nước cam lồ để rưới tắt các phiền não. Trụ Xứ của Ngài là Nam Hải, nên còn được gọi Nam Hải Quan Âm hay Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai. Ngài được Đức Chí Tôn phong làm Nhị Trấn Oai Nghiêm Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai để đại diện cho Phật trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Bát Nương có giáng cơ cho biết về Đức Quan Âm như sau: “Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về cơ giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về cơ Phổ Độ mà Quan Thế Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu. Quan Thế Âm Bồ Tát ngự tại Cung Nam Hải, ở An Nhàn Động, còn Cung Diêu Trì thì ở tại Tạo Hóa Thiên”. Sau đây là bài Thánh thi của Đức Quan Âm Như Lai:
                              Khán đắc phù sinh nhứt thế không,
                                     
                              Điền viên sản nghiệp diệc giai không.
                                             
                    Thê nhi phụ tử chung ly biệt,
                                             
                              Phú quý công danh tổng thị không.
                                             
                              Cổ ngữ vạn ban đô thị giả,
                                             
                              Kim ngôn bá kế nhứt trường không.
                                             
                              Tiền tài thâu thập đa tân khổ,
                                             
                              Lộ thượng huỳnh tuyền lưỡng thủ không.
                                             
                                                      (Quan Âm Như Lai)
DỊCH NGHĨA
                              Được thấy phù sinh vốn cõi không,
                              Ruộng vườn sự nghiệp cũng đều không.
                              Vợ con cha mẹ rồi ly biệt,
                              Danh lợi sang giàu rốt cũng không.
                              Lời cổ: muôn điều toàn giả tạm,
                              Câu nay: trăm kế một trường không.
                              Tiền tài gom góp nhiều lao khổ,
                              Nẽo đến Suối Vàng, tay sạch không.
(Thiên Vân dịch).
         Nam mô Đại Từ, Đại Bi Quảng Đại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát              : Vị Bồ Tát Quán Thế Âm Thiêng Liêng có lòng Đại Từ Đại Bi rộng lớn.
Nam Mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
          
       Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát        : Đức Quán Thế Âm là một vị cổ Phật trong đời quá khứ, cách nay vô lượng kiếp Ngài đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì hạnh nguyện đại bi muốn cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh và làm chúng sanh được an lạc, nên Ngài hiện thân làm Bồ Tát qua lời giới thiệu của Đức Thích Ca Mâu Ni được ghi chép trong nhiều kinh Phật.
         Phẩm Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về hạnh nguyện cứu độ chúng sanh như sau: “…Phật bảo Vô Tận Ý: Này Thiện Nam Tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn ức chúng sanh bị bao khổ não, được nghe danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, mà nhứt tâm xưng danh hiệu của Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời quán sát những âm thanh đó thì những chúng sanh kia đều được giải thoát khổ não. Người thường trì tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu gặp nạn lửa lớn, lửa chẳng đốt cháy được, vì do oai thần lực của Bồ Tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát, liền được đến chỗ cạn…”.Tóm lại, hễ ai thờ Ngài, có lòng cầu nguyện và niệm tưởng thì được Ngài phù hộ và cứu giúp qua khỏi nạn tai.
         Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni cũng có chép rằng: “Đại oai thần lực của Bồ Tát Quán Thế Âm không thể nào suy xét bàn luận được. Bồ Tát Quán Thế Âm phát lời thệ nguyện rằng: Nếu tôi về đương lai có thể làm nổi những việc lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh thì ngay bây giờ đây thân tôi hãy phát sanh đủ ngàn tay ngàn mắt. Quả như vậy, Ngài phát lời nguyện vừa xong bèn hiện đủ ngàn tay, ngàn mắt”. Thật là Đấng Đại từ bi cứu khổ cứu nạn!
Bá thiên vạn ức Phật
    
         Bá thiên  : Trăm và ngàn.
         Vạn ức  : Muôn và trăm ngàn.
         Bá thiên vạn ức    : Chỉ một con số nhiều.
Hằng hà sa số Phật
    
         Hằng hà sa   : Cát sông Hằng, tức là cát của con sông Gange ở Ấn Độ.
         Hằng hà sa số    : Số nhiều như cát sông Hằng. Đây là từ dùng để ví dụ một số lượng rất nhiều, không thể đếm được.
Vô lượng công đức Phật     
      Công đức  : Công đức là những công việc làm lành, có công năng tạo phước và đem lại phước đức cho mình, cho người khác. Những công việc như in kinh, bố thí, lễ bái, tụng kinh, ủng hộ những người tu hành chân chính là những việc làm tạo ra công đức, đây là một điều quan trọng của người tu hành. Nếu không có phương tiện tài chánh thì ta có thể dùng thời giờ của mình đến Thánh thất làm công quả hoặc giúp đỡ cho mọi người để tạo dựng thêm công đức.
         Trong Kinh Phật có nói: Công đức phải là nơi tự tánh thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu có được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau.
         Vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn lập Đạo kỳ nầy là mở một trường thi công quả. Thầy dặn: “Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế để làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo, phải có công quả”.
         Vô lượng công đức Phật     : Hạnh nguyện Đức Phật Quan Thế Âm thật là vô biên, nên công đức của Ngài thật là vô lượng, , không thể nào nghĩ bàn được.
Phật cáo A Nan ngôn     
         Cáo : Kẻ trên bảo người dưới là cáo, kẻ dưới thưa cùng người trên là bạch, nhằm biểu thị sự tôn kính.
      Phật cáo A Nan ngôn     : Phật bảo cho Ông A Nan biết rằng.
         A Nan  : Còn gọi là A Nan Đà    (Ananda), dịch nghĩa Khánh Hỷ, là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Ngài sinh ở Ca Tì La Vệ, em họ sinh cùng ngày nhưng nhỏ tuổi hơn Đức Phật. Năm 20 tuổi, Ngài xuất gia theo Phật, và luôn ở cạnh Đức Phật để làm thị giả, nên Ngài được nghe thuyết giảng nhiều kinh và có trí nhớ rất giỏi, vì vậy, trong các đệ tử, Ngài là bậc đa văn (nghe nhiều) nhất. Chính tôn giả Ca Diếp đã nói về Ngài như sau: “Nước trong biển cả Phật pháp rót hết vào trong tâm A Nan”.
         Tên Ngài đôi khi còn được dịch là Vô Nhiễm, vì những khi theo hầu Phật vào Thiên cung, Long cung…thuyết pháp, tâm Ngài không hề nhiễm trước nơi sắc cảnh. Nữ giới được Đức Phật chấp nhận cho xuất gia làn ni cũng nhờ Ngài đặc biệt thỉnh cầu. Trong các ni viện Trung Hoa, thường thờ Ngài A Nan tại Tổ đường để tưởng niệm ân đức là vì lẽ đó.
         Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, và Ngài chứng được quả A La Hán, Đại Ca Diếp Tôn Giả mới đề cử Ngài đứng ra kết tập Bộ Kinh Tạng.
         Sau Ngài được Đại Ca Diếp truyền y bát cho làm tổ thứ nhì bên phái Thiền Tông.
         Phật cáo A Nan ngôn     : Phật bảo cho Ông A Nan biết rằng.
Thử kinh Đại Thánh    
         Thử kinh  : Là kinh nầy, tức là bài kinh Cứu khổ. Bài kinh nầy đặc biệt cầu nguyện Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh.
         Bài kinh nầy, trong Đạo Cao Đài thường dùng để tụng khi cầu an, cầu bệnh, hay cầu siêu Cửu Huyền Thất Tổ (Cáo Từ Tổ). Như trên ta đã biết chỉ cần nghe âm thanh kêu cầu cứu khổ của chúng sanh là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ thị hiện cứu giúp. Do đó, theo lời Kinh dạy: Nếu tụng bài kinh này được một ngàn lượt thì một thân lìa khỏi khổ nạn; một muôn lượt thì cả nhà lìa khỏi khổ nạn. Tóm lại, khi tụng cầu bài kinh Cứu Khổ với lòng thành làm cảm ứng Bồ Tát thì Ngài sẽ phò trợ tiêu tai thoát nạn, giải trừ bệnh chướng, siêu sanh Tịnh độ…
         Đại Thánh  : Là vị Thánh lớn. Ở đây ý chỉ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
         Thử kinh Đại Thánh có nghĩa là quyển kinh nầy của vị Đại Thánh Quan Âm Bồ Tát.
Năng cứu ngục tù
   
         Năng cứu  : Có thể cứu giúp.
         Ngục tù  Ngục là nhà giam.  là giam giữ. Ngục tù là bị bắt giữ lại nơi nhà giam.
         Năng cứu ngục tù    : Có thể cứu khỏi cảnh bị giam giữ nơi nhà ngục.
         Thế gian đã là một biển khổ, mà con người bị cảnh tù ngục nơi cõi ấy, thì ta tưởng tượng sự khổ đau không biết là ngần nào! Con người bị tù ngục, tức là phải chịu cảnh lao lung, quanh năm suốt tháng mất tự do, bốn bức tường bao kín, không thấy được mặt trời, mặt trăng, huống chi lại bị đày đọa thân xác, thiếu phương tiện, thiếu cơm ăn áo mặc. Người ta thường nói: “Nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại       có nghĩa là một ngày ở tù, bằng ngàn thu ở ngoài.
         Người bị hàm oan, hay người bị tù tội do lầm lỡ gây ra tội lỗi và biết ăn năn hối cải, khi tụng đọc bài kinh này, Bồ Tát Quan thế Âm cũng có thể giải trừ tù ngục cho người có lòng thành sám hối ăn năn. Điều này Bồ Tát cũng đã nói trong Phổ Môn như sau: “…nếu người có tội hay vô tội, bị cầm tù xiềng xích, mà xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì xiềng xích liền bị đứt đoạn, khiến được giải thoát…”. Có bài kệ rằng:
                                 Hoặc tù cấm xiềng xích,
                                 Tay chân bị gông cùm.
                                 Do sức niệm Quán Âm,
                                 Tháo rã đặng giải thoát.
Năng cứu trọng bịnh    
         Trọng bịnh  : Bị bệnh nặng.
         Năng cứu trọng bịnh    : Có thể cứu được bệnh nặng.
         Con người thường dùng tâm giả để mà sinh hoạt sống còn, từ lúc sanh đến lúc chết, chưa từng có một niệm giác để được thấy lại tự tâm hay bản lai diện mục. Vì chưa giác ngộ nên không biết gốc rễ bịnh tật. Do nước lửa xung đột, bốn đại công phá, đó là thân bịnh, bịnh có thể dùng thuốc trị, nếu chẳng hết thì có thể dùng tứ vô lượng tâm để điều trị, hoặc cầu các Đấng giải bịnh oan khiên. Còn nếu do vọng tưởng, phiền não nhiễm tâm, đó là tâm bịnh, bịnh nầy thì không có thuốc để trị.
         Chí Tôn và chư Phật là Đấng lương y ở thế gian, có thể điều trị tâm bịnh của chúng sanh. Các Ngài sẽ dùng Chánh giác để phá vọng tưởng vô tánh, đó là lương dược để hoàn sinh rất huyền diệu.
         Hay nói cách khác, nếu biết phá trừ tâm vọng tưởng hay tâm phiền não, không để chúng trói buộc xoay chuyển thì tự khắc diệt trừ được tâm bịnh.
         Kinh Cứu Khổ là một bài Kinh dùng để chư tín đồ có lòng thành tụng niệm cầu xin Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giải trừ các loại thân và tâm bị bệnh.
Năng cứu tam tai bá nạn khổ
      
         Tam tai  : Ba thứ tai họa xảy đến: Hỏa tai  , Phong tai  và Thủy tai   .

      Hỏa tai  : Tai họa do lửa như cháy nhà cửa...

         Phong tai  : Tai họa do gió gây ra như bão lụt, cuồng phong…

         Thủy tai  : Tai họa do nước gây nên như hồng thủy, lụt ngập, sóng thần...
         Bá nạn khổ   : Hằng trăm thứ tai nạn khổ sở.
         Thế gian là biển khổ, một phần cũng do con người từ vô thủy đến nay, bị hạt giống ái căn, vọng tuởng ô nhiễm thâm sâu, nên che mờ tự tánh vi diệu, khiến cuộc sống dựa trên tâm vọng tưởng, và thế giới hư huyễn, nên cứ mãi trôi theo vòng sinh tử luân hồi. Vì vậy, trăm ngàn thứ tai ương, khổ sở do nghiệp trước tạo ra, mãi triền miên trói buộc kiếp hiện tại, không bao giờ giải ra được. Nếu con người biết ăn năn hối lỗi, thành tâm tụng niệm bài kinh Cứu khổ này, tức thì Đức Quan Thế Âm liền hóa giải trăm ngàn nạn khổ cho chúng sanh.
Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn
           
         Nhược hữu nhơn   : Nếu như có người.
         Tụng đắc  : Tụng kinh được.
         Nhứt thiên biến   : Là một ngàn lượt, tức là tụng một ngàn lần bài Kinh Cứu Khổ ấy.
         Nhứt thân ly khổ nạn     : Một thân mình lìa khỏi khổ nạn.
         Nhứt thiên biến nhứt thân ly khổ nạn        : Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có hứa với chúng sanh, nếu thành tâm mà tụng được một ngàn biến (tức 1000 lượt) kinh Cứu Khổ thì một thân người sẽ được lìa khỏi khổ sở tai nạn.
Tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn
        
         Nhứt vạn biến   : Một muôn biến hay mười ngàn biến, tức là tụng được mười ngàn lượt bài Kinh Cứu Khổ.
         Hiệp gia ly khổ nạn     : Cả nhà lìa khỏi khổ sở hoạn nạn.
         Nhứt vạn biến hiệp gia ly khổ nạn        : Nếu nhứt tâm bất loạn mà người công phu tụng được mười ngàn biến kinh cứu khổ thì Bồ Tát Quan Thế Âm sẽ cứu giúp cho cả nhà lìa khỏi khổ nạn.
Nam Mô Phật lực oai, Nam Mô Phật lực hộ
        
         Oai lực  : Hoặc uy lực là oai phong, tức là uy quyền sức mạnh.
         Phật lực oai   : Hay là oai lực của Đức Phật, có nghĩa là sức mạnh uy quyền của đức Phật.
         Đối với chúng sanh đang bị khổ não, Đức Phật thường hiện tướng hiền lành, từ bi ra để cứu giúp cho chúng sanh đang bị khổ nạn. Đối với ma vương, tà quái, Đức Phật phải hiện tướng uy nghi, bởi vì sức hay tướng uy nghi của Đức Phật có thể khiến cho ma vương, tà quái kinh sợ mà hàng phục chúng. Chính vì thế, tượng Đức Quan Thế Âm thường hiện tướng oai nghi Thiên thủ thiên nhãn, tức nghìn tay nghìn mắt, hay khi Ngài cai quản các âm hồn thì Ngài hiện ra tướng có lưỡi dài, mặt xanh như tàu chuối, vì thế Ngài được gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ     (Tiêu diện: Mặt xanh như tàu lá chuối).
         Hộ lực  : Là sức che chở, sức bảo vệ, sức giữ gìn.
         Phật lực hộ   : Nghĩa là sức bảo vệ giữ gìn của Đức Phật.
         Thánh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát gồm đủ hết thảy công đức và lòng đại từ bi, chẳng cần biết hạng chúng sanh nào đang bị đau khổ, nạn tai mà có lòng xưng niệm, thì sẽ được hộ lực của Đức Ngài. Chỉ có đều do công lực của tâm trì niệm sai khác, nên tự nhiên cảm thọ hộ lực của Phật sâu cạn cũng sai khác. Như vậy, người có lòng thành tụng niệm, nhất tâm bất loạn, thì sẽ đạt được cảm ứng từ hộ lực của Đức Phật.
Sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ
使        
         Sử nhơn 使 : Sai khiến người, làm cho người.
         Vô ác tâm   : Không có lòng hung ác.
         Linh nhơn  : Khiến cho người.
      Đắc độ  : Được cứu giúp, được tế độ.
         Đức Phật Quan Âm là Đấng Đại Từ bi, khi nghe chúng sanh kêu cầu liền ra tay cứu khổ cứu nạn. Muốn được Đức Phật độ trì thì người niệm Phật phải có lòng thành, lòng có thành thì Phật mới cảm mà cứu giúp cho.
Hồi quang Bồ Tát, Hồi thiện Bồ Tát
      
         Hồi quang  : Là ánh sáng quay về trở lại, ánh sáng phản chiếu.
         Hồi Quang Bồ Tát    : Vị Bồ Tát đem Linh Quang là nguồn ánh sáng huyền diệu của trí tuệ bát nhã trở lại cho chúng sanh để được xa lìa cuộc đời khổ đau, đen tối.
         Phật quang hay ánh sáng của Phật có thể chiếu một cách triệt để, xuyên thấu mọi nơi, tột cùng chốn sâu kín để trừ tà ma, trị bệnh tật hay cứu khổ nạn.
         Hồi thiện  : Là trở về điều lành, quay về điều lành.
         Hồi Thiện Bồ Tát    : Vị Bồ Tát Đại Từ bi giáo hóa chúng sanh giác ngộ để quay về với điều thiện lành.
         Theo Mạnh Tử, “Nhân chi sơ tánh bản thiện      . Có nghĩa là con người khi xưa bản tính vốn lành, nhưng vì tập nhiễm thói xấu trong xã hội nên trở thành người hung ác. Phật giáo thì cho rằng chúng sanh đều có Phật tính: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính        ”. Riêng Cao Đài thì quan niệm rằng mỗi con người đều có Thiên tánh của Thượng Đế ban cho.
         Vì thế, cứu cánh của Bồ Tát Quan Thế Âm là mong muốn giáo hóa chúng sanh hầu đem con người trở lại tính thiện của ban đầu: Đó là Phật tánh hay Thiên tánh. Vì thế, danh hiệu Ngài cũng xưng tụng là Hồi Thiện Bồ Tát.
A Nậu Đại Thiên Vương chánh điện Bồ Tát
      殿  
         A Nậu  : A Nậu do phiên âm từ chữ Phạn ngữ là Anout, có nghĩa là vô thượng.
         Thiên Vương  : Các vị Thần ở bốn phương có nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp.
         Đại Thiên Vương   : Các vị Đại Thiên Vương.
         Trong Kinh nói Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Đại thần thông nên thường hiện nhiều tướng để cứu độ chúng sanh, có khi hiện ra làm Phạm Thiên Vương, hoặc làm Đế Thích, có khi Ngài hiện ra làm một vị Thiên Vương hoặc làm một vị Thiên Tướng. Nên còn gọi là Vô Thượng Đại Thiên Vương.
         Chánh Điện  殿: Còn gọi là Bửu Điện là nơi Đền chánh thờ Chí Tôn hoặc thờ Phật.
         Nơi Chánh điện thờ Đức Chí Tôn được gọi là: “Linh Tiêu Bửu Điện”. Chánh điện thờ Phật thường được gọi là: “Đại Hùng Bửu Điện”.
         A Nậu Đại Thiên Vương chánh điện Bồ Tát       殿  : Là vị Vô Thượng Đại Thiên Vương hộ trì nơi Chánh Điện.
Ma kheo ma kheo thanh tịnh tỳ kheo
       
         Ma kheo  : Hay Ma khưu do chữ Ma ha Tỳ kheo (tỳ khưu) tức là một vị Tỳ kheo lớn, một vị Đại Tỳ Kheo.
         Tỳ kheo là những người xuất gia đã thọ Đại giới hay Giới Cụ túc, giữ 250 điều giới luật.
         Tỳ kheo gồm ba nghĩa:
                  Khất Sĩ: Là người trên xin giáo pháp của Phật để dưỡng huệ thân, dưới xin thức ăn của đàn việt để dưỡng nhục thân.
                  Phá ác: Diệt trừ các phiền não tham sân si, đoạn trừ nghiệp ác.
                  Bố ma: Nhờ công đức thọ giới luật, do chuyên tâm tu hành mà khiến cho các loài ma đều phải khiếp sợ.
         Người Nữ tu theo hạnh Tỳ kheo được gọi là Tỳ kheo ni.
         Ma kheo tức Ma Ha Tỳ kheo là vị Tỳ kheo lớn, vị Đại Tỳ kheo nhằm tỏ lòng tán tụng hạnh đức lớn lao, siêu việt của Đấng Tỳ kheo.
         Thanh tịnh tỳ kheo    : Là vị Tỳ kheo thanh tịnh.
Quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu
       
         Quan sự  : Công việc thuộc về quan.
         Quan Sự đắc tán `   : Là chỉ những điều rắc rối cần đến quan, những công việc dính dấp với quan, phải đến cửa quan đều được tiêu tán, chấm dứt.
         Tụng sự  : Việc thưa kiện, việc tố tụng.
         Tụng sự đắc hưu    : Việc kiện tụng đều được dẹp bỏ hết.
         Quan sự và tụng sự là những việc dính líu với quan quyền và việc kiện tụng, tức hai việc rất phiền não của chúng sanh. Người có Đạo đức hay trí thức thì phải biết tự xử lý công việc của mình không để phạm luật, không để cho kẻ khác hay quan lại phân xử, bởi Nho gia thường nói: “Người trí thì tự xử lấy mình, kẻ ngu mới nhờ quan phân xử” (Trí giả tự xử, ngu giả quan phân       ).
         Nếu lỡ như mang lấy quả nghiệp nầy thì phải thành tâm trì tụng bài Kinh Cứu Khổ để Đức Quan Thế Âm hộ trì cho việc quan được tiêu tan, điều kiện tụng được chấm dứt. Lời Kệ trong Phổ Môn Giảng Lục có viết như sau:
                                 Kiện tụng qua chỗ quan,
                                 Trong quân trận sợ sệt.
                                 Do sức niệm Quán Âm,
                                 Cừu oán đều tiêu tan.
Chư Đại Bồ Tát, Ngũ bá A La Hán cứu hộ
         
         Chư Đại Bồ Tát    : Các vị Đại Bồ Tát.
         Ngũ bá A La Hớn     : Ngũ bá A La Hớn hay ngũ bá A La Hán là năm trăm vị A La Hán.
         A La Hán dịch từ phạn ngữ Arahat, là bậc Thánh đã đoạn trừ được tâm tham ái, chấp thủ và vô minh. A La Hán là một quả cao nhất trong bốn quả Thánh của Phật giáo Nam Tông, gồm có ba nghĩa:
         * Ứng cúng: Bậc xứng đáng được cúng dường. A La Hán là bậc Phạm hạnh đã lập, siêu xuất tam giới, đáng thọ lãnh sự cúng dường, tôn kính của Trời người, nên gọi là ứng cúng.
         * Sát tặc: Sát là giết chết, đoạn diệt. Tặc là trộm cướp. Dùng trộm cướp ví kiến hoặc hay tư hoặc thường cướp đoạt Pháp tài công đức của chúng sanh, khiến họ vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử luân hồi. Bậc A La Hán đã đoạn sạch phiền não Kiến Hoặc, Tư Hoặc nên gọi là Sát tặc.
         * Vô sinh: Bậc không còn sinh tử luân hồi nữa.
         Ở đây, Ngũ bá A La Hán là chỉ năm trăm vị Thánh Tăng đã đắc được A La Hán, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, họp nhau lần đầu tiên gần Thành Vương Xá để kết tập kinh điển do lời Đức Phật thuyết pháp thành Tam Tạng kinh.
         Cứu hộ  : Cứu giúp và bảo vệ.
         Sau chữ cứu hộ bài Kinh này chừa một khoảng trống để ta điền thêm vào:
            - Nếu tụng Kinh Cứu Khổ trong đàn Thượng Tượng, An vị, cầu an…thì điền: Chúng sanh thoát ly khổ nạn.
            - Nếu tụng Kinh Cứu Khổ để cầu giải bệnh thì điền: Đệ tử…(Họ tên và tuổi người bệnh)…nhứt thân ly khổ nạn.
            - Nếu đọc Cứu Khổ trong nghi cáo Từ tổ thì điền: Chơn linh Cửu Huyền Thất Tổ siêu thăng Tịnh độ.
Tự ngôn Quan Thế Âm
    
         Tự ngôn Quan Thế Âm     : Là từ lời nói của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, nói một cách rõ hơn, đó là lời hứa của Ngài với chúng sanh.
         Quan Thế Âm Bồ Tát là một bậc Đại Bồ Tát có lòng đại từ đại bi, có thần thông quảng đại, chỉ vì trông thấy chúng sanh đau đớn khổ sở ở chốn trần gian, nên Ngài có phát lời thệ nguyện là cứu cho hết mọi loài, rồi mới thành Phật. Ngài nói: “Hễ ở đâu có con ruồi con muỗi phải đau khổ là có Ta ở đó”. Trong bài kinh này, chính lời nói của Bồ Tát đã ký hứa cho những ai có lòng thành trì niệm danh hiệu Ngài thì Ngài sẽ cứu hộ cho. Vì thế, khi gặp nạn tai, tật bệnh hay khổ cảnh, chúng sanh thường cầu đảo Ngài.
         Hình tượng và công đức của Phật Quan Thế Âm đã ăn sâu vào tâm khảm mọi chúng sanh, dù có Tôn giáo hay không. Ta thường thấy, trên các xe khách hay tàu thuyền đều có vọng bàn thờ Ngài để cầu: “Thượng lộ bình an”. Như vậy, do căn cơ của chúng sanh chẳng đồng, nên Quan Thế Âm phải thị hiện trong khắp cả pháp giới, Kinh có câu:
                           Xứ xứ trì trung hữu minh nguyệt,
                                          
                           Gia gia môn hội hữu Quán Âm.
                                          
         Nghĩa là:
Ao nào cũng có ánh trăng,
Nhà nào cũng có Quan Âm hiện hình.
Anh lạc bất tu giải
    
         Anh lạc  : Xâu chuỗi ngọc, lấy ngọc châu xâu từng chuỗi đeo vào cổ cho đẹp gọi là Anh lạc.
         Tục người phụ nữ sang trọng Ấn Độ thường trang sức bằng xâu chuỗi ngọc Anh lạc. Ở đây chỉ xâu chuỗi thần thông của Đức Quan Thế Âm. Trong Kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, nơi phần quán thân tướng Đức Quan Thế Âm, Phật có nói về xâu chuỗi Anh lạc như sau: “Cánh tay của Bồ Tát như sắc hoa sen hồng, có tám mươi ức tia sáng nhiệm mầu dường như chuỗi Anh lạc, trong ấy hiện ra tất cả việc trang nghiêm…
         Anh lạc bất tu giải     : Không cần phải lấy xâu chuỗi Anh lạc để giải (khổ sở, bệnh tật, tai nạn…).
Cần độc thiên vạn biến tai nạn tự nhiên đắc giải thoát
           
         Cần độc 勤讀: Là siêng năng tụng đọc, tuy nhiên cũng cần phải chí thành tụng đọc để đạt đến nhứt tâm bất loạn.
         Tụng kinh Cứu Khổ là đọc kinh với giọng trầm bổng, nhịp nhàng, để âm thanh vi diệu lắng sâu vào lòng mà xoa dịu đi mọi phiền não, khổ đau, tham muốn. Ngoài ra, tụng kinh còn nhận được hộ lực nhiệm mầu của Đức Quan Thế Âm khiến cho người tụng dứt trừ ma chướng, tiêu tai giải nạn.
         Thiên vạn biến 千萬遍: Ngàn muôn biến, tức là cần tụng đọc ngàn muôn lượt lần.
         Cần độc thiên vạn biến 勤讀千萬遍: Nên siêng năng tụng niệm ngàn muôn lượt kinh.
         Anh lạc bất tu giải. Cần độc thiên vạn biến tai nạn tự nhiên đắc giải thoátĐức Quan Thế Âm Bồ Tát không cần phải lấy xâu chuỗi Anh lạc để giải khổ nạn hay bịnh tật… mà chỉ cần siêng năng tụng niệm ngàn muôn biến kinh, ắt được giải thoát.
Tín thọ phụng hành tức thuyết chơn ngôn viết
        
          Tín : Hay tín tâm, tức là lòng tin tưởng, đức tin.
          Bất cứ một Tôn giáo nào cũng lấy lòng tin tưởng làm gốc. Lòng tin rất cần thiết cho người theo Đạo và giữ Đạo. Có được lòng tin con người mới vững vàng tu học, không có lòng tin sớm muộn gì cũng ngã.
          Song lòng tin phải có trí phán xét, chỉ nên hướng về nẻo chánh, điều lành. Chớ không nên bạ đâu tin đó, tin một cách cực đoan, không phân biệt chánh tà thì rất hại cho đức tin ta lắm vậy.
          Có lòng tin vào Trời, Phật và các Đấng Thiêng Liêng, tin tưởng có linh hồn bất tiêu bất diệt thì chúng ta mới sùng bái, học theo đức háo sinh của các Đấng, không dám tạo ác nghiệp mà phải gieo nghiệp lành để được thoát ra luân hồi sinh tử.
         Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là căn nguyên của Đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết Bàn”.
         Thọ : Hay Thụ, chỉ việc tiếp nhận thế giới hữu hình để đưa nó vào ý thức, là tin tưởng, vui thích nhận lãnh.
         Tín thọ  : Tin tưởng và nhận giữ. Tín thọ ở đây có nghĩa không những tin tưởng, ghi nhớ kỹ vào tận đáy lòng, lại còn đúng như giáo pháp mà hành trì.
         Phụng hành  : Vâng theo rồi thi hành.
         Tín thọ phụng hành    : Tin tưởng và nhận lãnh lời các Đấng dạy bảo rồi vâng lệnh thi hành đúng như Chơn pháp.
      Tức thuyết  : Tức thì giảng hay nói ra, liền nói ra. Trong bài kinh nầy do chính Đức Quan Âm Như Lai giảng ra.
         Chơn ngôn  : Chơn ngôn hay Chân ngôn do từ chữ Phạn Dharani, Hán dịch là Đà La Ni, có nghĩa là tổng trì tức là sự nắm giữ các pháp. Chân ngôn hay Chú là những lời bí mật của Chư Phật không nói rõ ra bằng lời. Những câu Thần Chú, Mật Chú khi trì tụng có sức mạnh huyền bí có thể diệt trừ khổ ách, tiêu tai giải nạn một cách kỳ diệu, không thể nào nghĩ bàn được.
         Thường những câu Chân ngôn, Chú hay Thần Chú đều bằng chữ Phạn, nên trong các bài kinh có Mật Chú đều được phiên ra âm Hán, chỉ đọc âm chứ không hiểu nghĩa. Ví dụ như bài kinh Vãng Sanh Thần Chú”.
         Theo Phật giáo Việt Nam, các Đạo sư thấy không cần thiết phải giải thích ý nghĩa của những câu Thần chú hay mật chú, vì nghĩ rằng thần chú không phải là để tìm hiểu, mà là để trụ tâm trì tụng hầu có sự cảm ứng với chư Phật và Bồ Tát.
         Viết : Rằng, là.
         Ta Bà Ha : Do từ Phạn ngữ Svaha. Đây là câu nguyện mật ngữ ở cuối những câu Thần chú có nghĩa là: Thành tựu, kiết tường, tiêu tai, tăng phước, xin được như nguyện.
      B- DỊCH NGHĨA:
         Nam mô Đức Bồ Tát Thiêng Liêng Đại từ bi, quảng đại Quan Thế Âm.
         Nam mô cầu Đấng cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, trăm ngàn muôn ức Phật, hằng hà sa số Phật, các vị Phật có công đức không thể đo lường được.
         Đức Phật bảo Ông A Nan rằng: Kinh nầy là của vị Đại Thánh là Đức Quan Thế Âm, có thể cứu được người ra khỏi ngục tù, có thể cứu người hết bịnh nặng, có thể cứu được người bị ba tai họa và trăm điều hoạn nạn khổ sở.
         Nếu có người nào tụng được một ngàn lượt kinh thì chính thân mình sẽ lìa được nạn tai khổ ách, tụng được một muôn lượt kinh thì cả nhà sẽ lìa khỏi khổ nạn.
         Nam Mô nguyện cầu oai lực của Đức Phật, Nam Mô nguyện cầu sức che chở của Đức Phật, làm cho lòng của con người hết hung ác, khiến cho thân con ngườl được cứu độ.
         Hồi Quang Bồ Tát, Hồi Thiện Bồ Tát, A Nậu Đại Thiên Vương Chánh Điện Bồ Tát, các vị Đại Tỳ Kheo, Thanh tịnh Tỳ Kheo, cứu giúp cho việc dính dấp đến quan được tiêu tán, việc kiện thưa được bãi bỏ.
         Chư vị Đại Bồ Tát, cùng với năm trăm vị A La Hán cứu hộ, chở che cho ................ lìa xa những khổ nạn. Đây là lời của chính Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
         Không phải cần lấy xâu chuỗi Anh lạc để giải khổ ách, chỉ cần siêng năng tụng đọc ngàn muôn lượt kinh, thì tai nạn tự nhiên được giải thoát.
         Phải tin theo, nhận lấy  và  thi hành, bèn đọc câu Chơn ngôn rằng: Kim Ba Kim Ba Đế, Cầu Ha Cầu Ha Đế, Đa La Ni Đế, Ni Ha La Đế, Tì Lê Ni Đế, Ma Ha Dà Đế, Chơn Lăng Càn Đế, Ta Bà Ha”.
Thiên Văn Hiền Tài QUÁCH  VĂN HÒA