Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

- KINH CÚNG ĐỨC PHẬT MẪU

       PHẬT MẪU CHƠN KINH
      *****








                    
Tạo Hóa Thiên Huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.
Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình.
Thiên cung xuất Vạn linh tùng pháp,
Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh.
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.
Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,
Lập Tam Tài định kiếp hòa căn.
Chuyển luân định phẩm cao thăng,
Hư vô Bát quái trị thần qui nguyên.
Diệt tục kiếp trần duyên oan trái,
Chưởng Đào tiên thủ giải trường tồn.
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí công định vị vĩnh tồn Thiên cung.
Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng,
Độ chơn thần nhứt vãng nhứt lai.
Siêu thăng phụng liễn qui khai,
Tiên cung Phật xứ Cao Đài xướng danh.
Hội Nguơn hữu Chí Linh huấn chúng,
Đại Long Hoa nhơn chủng hoà ki (là cơ)
Tam kỳ khai hiệp Thiên thi,
Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên.
Trung khổ hải độ thuyền Bát nhã,
Phước Từ bi giải quả trừ căn.
Huờn hồn chuyển đọa vi thăng,
Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn Chưởng Âm,
Thập Thiên can bao hàm vạn tượng,
Tùng Địa Chi hóa trưởng Càn Khôn.
Trùng huờn phục vị Thiên môn,
Nguơn linh hóa chủng quỉ hồn nhứt thăng.
Vô siêu đọa quả căn hữu pháp,
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
Vô Địa ngục, vô Quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt tràng qui nguyên.
Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Độ anh nhi nam, bắc, đông, tây.
Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài,
Diệt hình tà pháp cường khai Đại Đồng.
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,
Qui thiên lương quyết sách vận trù.
Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu,
Hiệp qui Tam Giáo hữu cầu chí chơn.
Phục nguyên nhơn huờn tồn Phật tánh,
Giáo hóa hồn hữu hạnh hữu duyên.
Trụ căn quỉ khí Cửu tuyền,
Quảng khai Thiên thượng tạo quyền chí công.
Lịnh Mẫu Hậu khai Tông định Đạo,
Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài,
Càn Khôn Tạo Hóa sánh tài,
Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.

Niệm: “Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa
Huyền Thiên Cảm Bái”


Phật Mẫu Chơn Kinh    : Bài Chơn kinh nói về nguồn gốc và quyền hành của Đức Phật Mẫu.
          Theo Đức Hộ Pháp, bài “Phật Mẫu Chơn Kinh” nầy được Bát Nương Diêu Trì Cung, thay quyền Đức Phật Mẫu giáng cơ cho tại Kim Biên Tông Đạo (Nước Cao Miên), nơi Báo Ân Đường, do chính Đức Hộ Pháp phò loan.
          Bài “Phật Mẫu Chơn Kinh” là một bài kinh gồm đủ mọi quan niệm: Quan niệm về Vũ trụ, quan niệm về nhân sinh, triết lý Tôn giáo, và con đường cứu rỗi của Cao Đài.
          Khi chú giải bài Phật Mẫu Chơn Kinh này, chúng tôi dựa theo ý lời giải nghĩa tổng quát của Đức Hộ Pháp trong bài thuyết đạo tại Báo Ân Từ vào ngày Vía Đức Phật Mẫu 15 tháng 8 năm Đinh Hợi (1947). Chúng tôi chú giải chi tiết về từng chữ, từng câu, và luận thêm cho dễ hiểu.

Tạo Hóa Thiên Huyền vi Thiên Hậu
      
          Tạo hóa Thiên   : Là tầng trời Tạo Hóa, một tầng Trời rất huyền diệu, nên còn gọi là Tạo Hóa Huyền Thiên. Đây là tầng Trời do Đức Diêu Trì Kim Mẫu chưởng quản.
          Theo Đức Hộ Pháp: “Từng Trời thứ chín gọi là cung Tạo Hoá Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu, nắm cả Kim Bàn tức là nắm Đẳng cấp Thiêng liêng điều khiển chơn linh gọi là Phật Mẫu Diêu Trì”.
          Như vậy Tạo Hóa Thiên là chỗ ngự của Đức Phật Mẫu và là nơi cấu tạo, hóa sinh ra muôn loài vạn vật.
          Căn cứ theo bài kinh Đệ Cửu Cửu thì tầng Trời Tạo Hóa rất mầu nhiệm, luôn luôn lúc nào cũng có sự biến hóa, không lúc nào ngừng nghỉ:
                              Vùng thoại khí bát hồn vận chuyển,
                              Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng.
          Theo Di Lặc Chơn Kinh, tầng Tạo Hóa Thiên là một Tầng Trời huyền diệu, có các vị Phật như: Quảng Sanh Phật, Dưỡng Dục Phật, Chưởng Hậu Phật, Thủ Luân Phật, cùng với Cửu Vị Nữ Phật tùng theo mệnh lệnh của Kim Bàn Phật Mẫu, có thể tạo hóa ra vạn linh, có thể dạo khắp Ta Bà Thế Giới , để nuôi dưỡng chúng sanh, cứu độ trở về với ngôi vị Phật.
          Huyền vi  : Sâu kín nhỏ nhặt, mầu nhiệm.
          Thiên Hậu  : Một Thánh hiệu của Đức Phật Mẫu.
          Phật Mẫu có rẩt nhiều danh hiệu khác nhau, tùy theo địa phương, dân tộc hay Tôn giáo, được kể như sau:
                        -Mẹ sanh.
                        -Mẹ Thiêng Liêng.
                        -Địa Mẫu.
                        -Thiên Hậu.
                        -Cửu Thiên Huyền Nữ.
                        -Phật Mẫu.
                        -Đại Từ Mẫu.
                        -Kim Bàn Phật Mẫu.
                        -Diêu Trì Kim Mẫu.
-…...
Câu 1: Đức Phật Mẫu là Đấng huyền vi ngự nơi tầng Tạo Hóa
Thiên.

Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì
      
          Chưởng : Nắm giữ, chưởng quản.
          Kim Bàn  : Là cái mâm vàng hay cái chậu vàng.
          Theo Kinh “Ngọc Lộ Kim Bàn”, khi Trời đất đã được hình thành, Phật Mẫu mới đem Chơn tánh phân ra một hột. Từ một hột đó, Ngài mới thổi hơi chân khí biến thành 100 ức Linh căn chân tánh (tức Nguyên nhân), rồi Ngài đem chứa trong Kim Bàn. hay nói cách khác, Kim Bàn là nơi chứa các linh căn chơn tánh.
          Căn cứ kinh Đệ Cửu Cửu, Kim Bàn (Kim bồn) cũng là nơi chứa các nguyên chất (nguơn chất) mà Đức Kim Bàn Phật Mẫu dùng để tạo các hình hài của các bậc nguyên nhân:
                          Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
                          Tạo hình hài các bậc nguyên nhơn.
          Diêu: Hay dao  một thứ ngọc tốt, quí.
          Trì : Cái ao.
          Diêu Trì  : Hay Dao Trì là một cái ao được làm thành toàn bằng ngọc dao. Ao Diêu trì nằm nơi Cung ngự của Đức Phật Mẫu, nên Cung này được gọi là Diêu Trì Cung, và Phật Mẫu được gọi là Diêu Trì Phật Mẫu hay Diêu Trì Kim Mẫu. Ngoài ra, do Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn, nên còn được gọi là Kim Bàn Phật Mẫu.
Câu 2: Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn, nơi Diêu Trì Cung ở tầng Tạo Hóa Thiên.

Sanh quang dưỡng dục quần nhi
     
          Sanh : Sanh là sự sống,
          Quang : Là ánh sáng.
          Sanh quang   là một chất khí có khả năng nuôi sống cho muôn loài vạn vật. Thảo mộc, thú cầm, nhơn loại nhờ khí sanh quang (sanh khí) mà có được sự sống nơi thế gian, dứt khí sanh quang thì mọi vật đều phải chết.
          Đối với con người và loài vật ở trên quả Địa cầu này, có thể sống được là nhờ Dưỡng khí và Dương khí (Ánh sáng mặt Trời), nhưng dù có đầy đủ các loại khí này mà khí sanh quang (sanh khí) tuyệt thì cũng phải chết. Vì vậy, chúng ta phải hiểu, khí sanh quang là một loại khí vô vi, mà Phật Mẫu ban cho chúng sanh từ lúc mới hóa sinh. Khí sanh quang này của Đức Phật Mẫu phân tánh ra đã có: Đó là Khí Thái Cực hay Nguyên khí.
          Dưỡng dục  : Nuôi nấng.
          Quần nhi  : Nhiều đứa con. Đây chỉ các con cái của Đức Phật Mẫu.
Câu 3: Phật Mẫu lấy khí sanh quang mà nuôi dưỡng con cái của Ngài.

Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình
       
          Chơn linh  : Là một phần vô vi của con người, đem kết hợp với phần hữu hình là thể xác thì con người mới có sự sống. Phần này thông thường được gọi là linh hồn.
          Theo triết lý Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn từ khí Hỗn Độn hóa sinh ra thành một khối, được gọi là khối Đại Linh Quang. Từ khối Đại Linh Quang nầy, Ngài mới chiết ra thành các Tiểu Linh Quang để hóa sanh ra Thần, Thánh, Tiên, Phật và vạn vật. Như vậy, mỗi con người là một Tiểu Linh Quang hay là một Chơn linh được chiết ra từ Thượng Đế.
          Phối nhứt  : Phối hợp với nhau thành một.
          Thân : Thân thể.
          Vi : Làm.
          Thánh hình  : Hình thể Thiêng Liêng. Đây có thể hiểu là hình thể của một bậc nguyên nhân.
          Như trên ta đã biết, Chơn linh là một Tiểu Linh Quang được chiết ra từ Đức Chí Tôn, Phật Mẫu mới đem phối hợp với Chơn thần do Ngài tạo ra nơi Kim Bàn để làm thành một Thánh hình, hay một hình thể Thiêng Liêng. Đó là bậc nguyên nhân vậy.
          Sau đó, Nguyên nhân mới đầu kiếp xuống phàm trần, kết hợp với nhục thể do cha mẹ nơi thế gian này tạo ra để thành một con người phàm trần.
Câu 4: Chơn linh phối hợp với Chơn thần của Phật Mẫu để tạo thành một Thánh hình (Hình thể Thiêng Liêng).

Thiên cung xuất Vạn linh tùng pháp
      
          Thiên Cung  : Cung Trời. Ý chỉ Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.
          Xuất : Đi ra.
          Vạn linh  : Muôn chơn linh, tức là các chơn linh trong Càn khôn Vũ trụ này.
          Tùng : Theo.
          Pháp : Là những quy luật diễn bài chân lý tuyệt đối bao quát tất cả. Phật theo pháp mà sinh ra, tức là người hành giả nhờ tu hành theo pháp mà thành Phật, vì thế bên Phật giáo gọi Phật Mẫu là Pháp.
          Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Chí Tôn có giải thích về pháp như sau: “Thầy khai bát quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giái nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sinh ra Càn Khôn Vạn vật, rồi mới có người nên gọi là tăng.
          Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy”.
          Như vậy, Đức Chí Tôn là Phật, tạo ra pháp để sinh ra Càn Khôn Vũ trụ và vạn linh.
Câu 5: Tùng theo Pháp của Đức Chí Tôn mà vạn loại được sinh ra.

Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh
      
          Hiệp : hợp lại.
          Âm Dương  : Khí Âm và khí Dương, tức lưỡng nghi.
          Như ta đã biết, khí Hư vô sinh ra Thái cực, rồi Thái cực sinh lưỡng nghi, tức là khí âm và khí dương. Hai khí này phối hiệp nhau lại mà sinh hóa ra Càn Khôn Vũ trụ và vạn vật.
          Điều này, một triết gia Trung Quốc, ông Chu Liêm Khê có nói rằng: Vì hai khí Âm Dương giao cảm với nhau mà hóa sinh muôn vật, muôn vật sinh rồi lại tiếp tục sinh nữa, cho nên cuộc biến hóa trở nên vô cùng (Nhị khí giao cảm, hóa sinh vạn vật, vạn vật sinh sinh nhi biến hóa vô cùng yên                ).
          Đạo Cao Đài đã quan niệm sự tạo thành Âm dương cùng sự biến hóa ra Âm dương như sau:
          Sau khi ngôi Thái Cực được hình thành thì Đức Chí Tôn đã ngự trên ngôi ấy. Sau đó, ngôi Thái Cực bèn phóng ra một vầng quang minh phân định khí khinh thanh nhẹ nhàng bay lên làm Trời, khí trọng trược nặng nề ngưng giáng xuống làm đất, đó là hai khí Dương và khí Âm (lưỡng nghi).
          Hai khí Âm dương quanh lộn, đun đẩy nhau trong khoảng không gian rồi hỗn hiệp cùng nhau mà sinh ra Tứ tượng (lưỡng nghi sinh tứ tượng). Tứ tượng mới lăn quay như chong chóng để tạo thành bát quái. Bát quái mới biến hóa vô cùng vô tận để tạo nên Càn khôn Vũ trụ.
          Âm dương chính là cơ động tịnh mầu nhiệm của Trời đất. Nếu không có Âm dương, muôn vật sẽ không thể hóa sanh. Nhờ có Âm dương tác động lẫn nhau nên mới tạo ra mọi cuộc biến hóa trên đời, Trời đất và vạn vật cũng nhờ đó mà sinh thành. Nếu chỉ có Âm mà không có Dương, hay ngược lại, có Dương mà không có Âm thì cuộc biến hóa cũng không thành hình, một Âm ấy rồi cũng tiêu, một Dương ấy rồi cũng diệt, vì cô Dương bất sinh, độc Âm bất trưởng       . Vậy Âm dương là hai yếu tố đi đôi với nhau, dung hòa nhau, tương phản nhau, bổ túc cho nhau. Chính nhờ sự tương hòa, tương phản nhau như nóng, lạnh, sáng tối, cứng mềm, ngày đêm...mà vạn vật biến chuyển không ngừng. Hệ Từ Thượng viết: Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa        (Cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh ra biến hóa).
          Hữu hạp: Tức hữu hợp hay hữu hiệp  , nghĩa là có hiệp lại.
          Biến sanh  : Biến hóa sanh ra.
Câu 6: Lấy hai khí Âm và khí Dương hiệp nhau lại mà biến sinh ra vạn vật.

Càn Khôn sản xuất hữu hình
     
          Càn Khôn  : Quẻ Càn và quẻ Khôn trong Bát Quái, được tượng trưng cho Trời và đất.
          Sản xuất  : Làm ra, chế tạo ra.
          Hữu hình  : Có hình thể, có sắc tướng.
Câu 7: Âm Dương (Càn khôn) là phần vô vi hiệp lại với nhau tạo ra thành vạn vật có hình thể.
          Càn Khôn hay Dương Âm, thuộc về phần hình nhi thượng, tức là vô vi, không có hình sắc. Hai nguyên lý huyền vi mầu nhiệm của Âm Dương là phần vô hình mới phối hiệp nhau lại mà sinh hóa ra vạn vật là vật loại có hình thể.
          Chính Đức Lão Tử trong Đạo Đức Kinh cũng có viết: Trời đất vạn vật từ cái “Có” mà sinh ra, cái “Có” ấy được sinh ra từ cái “Không” (Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô          ).

Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh
       
          Bát hồn  : Tám loại chơn hồn: Kim thạch hồn là loài kim loài đá; Thảo mộc hồn là loài cây cối; Thú cầm hồn là loài chim thú; Nhơn hồn là con người, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Tám đẳng cấp chơn hồn này được gọi là bát phẩm chơn hồn, theo Đức Hộ Pháp là do trong Kim Bàn của Phật Mẫu mà hóa sanh ra, được gọi chung là chúng sanh.
          Tám phẩm chơn hồn này được Đức Phật Mẫu cho đầu kiếp xuống trần, phải tu hành nhiều kiếp để tiến hóa lên, từ phẩm nầy lên phẩm kia, cho đến nhơn hồn, rồi tiếp tục tu mãi để lên đến hàng Tiên, Phật hồn.
          Vận chuyển  : Dời động, đem từ nơi này đến nơi khác.
          Chúng sanh  : Gồm các vật có hồn như kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại gọi chung là Chúng sanh.
Câu 8: Phật Mẫu đem bát hồn cho đầu kiếp xuống trần tạo thành chúng sanh.

Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp
      
          Cộng : Gộp lại, tổng cộng.
          Vật loại  : Loài vật, gọi chung là chúng sanh.
          Cộng vật loại   : Gộp tất cả các loài vật hữu sanh.
          Huyền linh  : Chơn linh huyền diệu.
          Đồ nghiệp  : Lo tính sự nghiệp, mưu tạo sự nghiệp. Ý chỉ sự nghiệp Thiêng liêng.
          Các Chơn linh xuống trần đều phải lo tu hành để tạo sự nghiệp Thiêng liêng, hầu lập vị cho chính mình. Muốn tạo nghiệp Thiêng liêng chỉ có con đường là công quả, Thánh giáo Thầy có dạy: “ Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo, phải có công quả”.
          Việc tạo sự lập nghiệp nơi cõi Thiêng liêng rất khó hành vì thuộc vô vi, nên trong Thánh ngôn hiệp tuyển có thi dạy như sau:
                          Sắm nghiệp trần gian còn phải khó,
                          Lựa là nghi trưởng tại Bồng Sơn.
Câu 9: Hiệp cả thảy chơn linh loài vật hữu sanh để lo tính sự nghiệp lập vị cho chính mình.

Lập Tam Tài định kiếp hòa căn
      
          Tam tài  : Gồm Thiên , Địa Nhơn , tức là Trời, đất và người, là ba yếu tố quan trọng nhứt, cao quí nhứt trong vũ trụ. Đổng Trọng Thư cho biết về Tam tài như sau: Người với Trời tương đồng từng điểm cho nên vũ trụ mà không có người thì vũ trụ không còn hoàn toàn, không thành được vũ trụ nữa vậy. Bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu Tam tài: Thiên , địa, nhân, nếu mất một yếu tố thì hòa điệu cũng không còn.
          Lập Tam tài   : Là lập ra Trời đất và con người. Đây chỉ việc Đức Phật Mẫu tạo lập ra Càn khôn Vũ trụ và con người.
          Kiếp : Chỉ một khoảng thời gian con người từ lúc được sinh ra đến lúc chết.
          Căn : Cái gốc rễ.
          Do gốc rễ đó, mà kiếp sống hiện tại của con người phải thọ lãnh cái nghiệp, nếu kiếp trước làm những điều thiện, thì tạo căn lành cho kiếp sống hiện tại, nếu bây giờ ta làm những việc ác, thì tạo ác căn cho kiếp lai sinh. Như vậy, căn hay gốc rễ tạo thành cái nghiệp cho con người, vì thế người ta thường gọi căn quả hay căn nghiệp.
          Thiện căn hay ác căn có khả năng ăn sâu và lớn mạnh lên vào gốc rễ mà tạo thành nghiệp báo. Kinh Giải Oan có câu:
                              Bước đường sanh tử đã chồn,
                        Oan oan nghiệt nghiệt dập dồn trái căn.
Câu 10: Phật Mẫu lập ra tam tài (Trời, đất, người) và định kiếp căn của con người sống ở cõi trần nầy.

Chuyển luân định phẩm cao thăng
     
          Chuyển : Xoay vần, quay chuyển.
          Luân : Bánh xe xoay vòng.
          Chuyển luân  : Hay luân chuyển là sự chuyển động như một cái bánh xe quay tròn, từ vòng này đến vòng khác.
          Phật cho rằng sự sống chết qua nhiều kiếp của con người giống như một cái bánh xe quay tròn vòng này trở lại vòng khác, cứ thế mà xoay mãi.
          Tuy nhiên sự xoay chuyển đó phải đi vòng trong sáu cõi (Phật gọi là Lục đạo), sanh tử, tử sanh, tiếp nối nhau mãi không ngừng, cho đến khi nào đạt được giải thoát, hay chứng ngộ Niết bàn (Đắc Đạo) mới thôi.
          Bánh xe sanh tử nầy không có điểm khởi đầu, vì nó bị nghiệp lực cuốn hút vào vòng sống chết, nên phải lên xuống trong sáu cõi, không bao giờ dừng nghỉ.
          Muốn giải thoát con người ra khỏi vòng luân chuyển, chấm dứt sanh tử, thì chúng ta phải phá được bức màn vô minh, dứt được ba căn bất thiện, và tạo nhân lành để được hưởng quả tốt.
          Kinh Lăng Nghiêm có viết: “Tất cả chúng sinh vì vô minh che lấp mất chân tánh, bị dục vọng, phiền não sai khiến, tạo ra muôn ngàn nghiệp ác, vì đó phải trôi nổi trong biển khổ luân hồi”.
          Định phẩm  : Định ngôi thứ cao thấp.
          Cao thăng  : Thăng lên ngôi vị cao.
          Sự luân hồi chuyển kiếp về sinh tử của con người là để trả nợ căn kiếp theo luật nhơn quả, và cũng là một trường thi công quả để các chơn linh đạt ngôi vị cao thăng.
          Đức Hộ Pháp giảng: “Sự luân hồi chuyển kiếp của chúng ta, nẻo sanh tử là con đường đạt vị cao thăng: Sanh ra đặng trả căn kiếp ở thế gian theo luật nhơn quả, sanh đặng lập nghiệp đạt vị cũng có, mượn kiếp hữu sanh này lập vị cao thăng cũng có”.
Câu 11: Mượn việc luân hồi chuyển kiếp, mà các chơn linh có thể đạt ngôi vị cao thăng.

Hư vô Bát quái trị thần qui nguyên
       
          Hư vô  : Khí Hư vô, còn gọi là Hỗn nguơn khí, nguyên khí.
          Bát quái  : Tám quẻ trong Kinh Dịch: Càn: Trời, Khôn: đất, Chấn: sấm Tốn: gió, Ly: lửa, Khảm: nước, Cấn: núi, Đoài: đầm.
          Theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn: “Khí Hư vô là khí có trước khi có Trời đất, gọi là Tiên Thiên Chánh khí, hay Hạo Nhiên chi khí”.
          Khí Hư vô này hóa sinh ra một ngôi, gọi là Thái cực, là một khối Đại Linh Quang, tức là Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Thái cực mới phân âm dương, rồi sanh tứ tượng, biến bát quái mà tạo thành Càn Khôn Vũ trụ và vạn vật.
          Trị thần  : Sắp đặt Thần hồn.
          Qui nguyên  : Trở về nguồn cội, trở lại gốc.
          Nói theo Phật, mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, theo Cao Đài, mỗi môn đệ của Đức Chí Tôn là một Tiểu Linh Quang được chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Thượng Đế, nên chi Thầy có nói: “Thầy là các con, các con là Thầy”.
          Nguồn cội của chúng sanh từ Chí Tôn hay Phật, nhưng vì chúng sanh bị mê mờ mà phải chìm trong luân hồi sanh tử. Vì thế, Phật Mẫu thường nhắc nhỡ con cái của Ngài lo lập vị, rồi Ngài đem từng chơn linh trở về nguồn cội (Qui nguyên) là Chí Tôn.
Câu 12: Phật Mẫu lấy khí Hư vô trong lò Bát quái để đem các chơn linh trở lại nguồn cội là Chí Tôn.

Diệt tục kiếp trần duyên oan trái
      
          Diệt : Tiêu diệt.
          Tục kiếp  : Kiếp sống của con người ở cõi trần tục.
          Nơi chúng sinh đang sống là một cõi đầy dẫy ô trược, rối rắm, phiền não, đau khổ, nên có nhiều danh từ để chỉ cõi nầy như trần tục, trần cấu, tục lụy, thế tục, trần gian, trần thế, hồng trần...Tất cả các từ trên đều hàm ý trong cõi ấy có nhiều uế trược, nhiều cám dỗ, nhiều tranh danh đoạt lợi, và nhiều phiền não và đau khổ.
          Trần duyên  : Có căn duyên nơi cõi trần, tức là có mối dây ràng buộc một con người với cõi thế gian. Do có trần duyên này, nên con người phải chịu sự luân hồi sinh tử.
          Oan trái  : Mối nợ oan khiên.
          Tự thân gây thù chuốc oán tạo nên một món nợ thì trước sau gì mình cũng phải đền trả. Ông Thái Công có nói rằng: “Khuyên ngươi chớ có gieo thù kết oán, thù thâm thì khó giải cho ra. Thù kết thành trong một ngày, thì dù ngàn năm mở cũng không dứt. Nếu đem ơn mà trả oán thì ví như đem nước nóng đổ vào tuyết, nếu đem thù mà trả thù, thì cũng như chó sói gặp bò cạp. Ta thấy kẻ hay kết oán gây thù, hết thảy đều bị hư thân mà thôi (Khuyến quân mạc kết oan, oan thâm nan giải kết; nhất nhựt kết thành oan, thiên nhựt giải bất triệt; nhược tương ân báo oán, như thang khử bát tuyết; nhược tương oán báo oán, như lang trùng kiến yết, Ngã kiến kết oán nhân, tận bị oan ma chiết                                        ).
Câu 13: Chấm dứt oan trái và tiêu diệt hết những mối dây ràng buộc của con người ở cõi trần, tức đã trả quả trong kiếp này

Chưởng Đào tiên thủ giải trường tồn
      
          Chưởng : nắm giữ, chưởng quản.
          Đào tiên  : Một loại quả nơi cõi Tiên.
          Theo Đức Hộ Pháp, “nơi Diêu Trì Cung, Phật Mẫu trụ sanh quang lại thành một khối gọi là quả Đào Tiên, đủ phép sống vĩnh viễn trường tồn nơi cõi Hư linh. Phật Mẫu cầm quyền phép huờn Chơn thần cho ta đạt kiếp nơi cửa Hư linh”.
          Thủ giải trường tồn    : Nắm giữ cái lâu dài. Đây chỉ sự hằng sống, vĩnh cửu.
Câu 14: Phật Mẫu chưởng quản vườn Đào Tiên, tạo quyền phép để các chơn linh được hằng sống nơi cõi Hư linh.

Nghiệp hồng vận tử hồi môn
     
        Nghiệp hồng: Hay Hồng nghiệp  , sự nghiệp to lớn.
          Vận : Vận chuyển. Theo nghĩa của câu là đem về.
          Tử : Con cái. Đây chỉ chúng sanh.
          Hồi môn  : Trở lại nhà. Ý chỉ trở về ngôi xưa vị cũ.
Câu 15: Phật Mẫu đem con cái của Ngài về cõi Thiêng Liêng tạo thành một sự nghiệp to tát.

Chí Công định vị vĩnh tồn Thiên cung
       
          Chí Công  : Rất công bình. Đây chỉ Đức Chí Tôn, bởi vì Ngài là Đấng công bình tuyệt đối.
          Định vị  : Sắp đặt ngôi vị.
          Vĩnh tồn  : Còn mãi mãi, vĩnh viễn trường tồn.
          Thiên Cung  : Cung Trời, chỉ cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Câu 16: Tùy theo công nghiệp của mỗi Chơn linh mà Chí Tôn định vị cho vĩnh viễn ở nơi Thiên Cung.

Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng
      
          Chủ Âm quang   : Làm chủ khí Âm quang. Ở đây chỉ Đức Phật Mẫu.
          Ta đã biết Thái Cực phân Âm Dương. Khí Dương quang do Chí Tôn chưởng quản, khí Âm quang do Phật Mẫu làm chủ. Phật Mẫu mới đem khí Âm quang phối hợp với khí Dương quang của Chí Tôn để tạo hóa ra muôn vật.
          Thường tùng  : Luôn luôn tùng theo.
          Thiên mạng  : Mạng lệnh của Trời, ở đây chỉ mạng lệnh của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Câu 17: Làm chủ Âm quang, Phật Mẫu thường tùng theo mạng lệnh của Đức Chí Tôn.

Độ chơn thần nhứt vãng nhứt lai
      
          Độ : Cứu giúp.
          Chơn Thần  : Đệ nhị xác thân.
          Một con người ở cõi thế gian gồm có ba thể:
          Phàm thân hay nhục thể là Đệ nhứt xác thân, do cha mẹ đào tạo ra bằng xương thịt, Phật giáo cho là thân tứ đại do: Đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Thể này hữu hình, trọng trược, không thường tồn, bị hoại, nên có câu: “Nhục thể thổ sanh hoàn tại thổ”.
          Chơn linh hay linh hồn là một Tiểu Linh Quang được chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Thượng Đế ban cho con người, nên khi chết chơn linh sẽ trở về cõi Thiêng Liêng: “Linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên”.
          Chơn Thần hay Đệ nhị xác thân, theo Thánh giáo, là một xác thân Thiêng liêng do Phật Mẫu dùng nguơn khí tạo thành. Thể này thuộc khí chất, bán hữu hình, vì nó có thể thấy đặng, mà cũng không có thể thấy đặng. Khi ra khỏi xác phàm, thì chơn thần lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập.
          Khi còn sống, chơn thần không thể xuất ra đặng vì bị xác phàm níu kéo, chỉ bậc chân tu mới có thể xuất chơn thần đặng.
          Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Chí Tôn có dạy về Chơn thần như sau: “Nó vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên hằng có điển quang. Cái Chơn Thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn Khôn đặng.
          Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
          Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn thần tinh khiết”.
          Nhứt vãng nhứt lai    : Lúc đến lúc về. Ý chỉ lúc chơn thần đầu kiếp xuống trần hay mãn kiếp trở về cõi Thiêng liêng.
Câu 18: Phật Mẫu dẫn độ Chơn thần của chúng sanh xuống trần đầu kiếp hay qui nguyên về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Siêu thăng phụng liễn qui khai
     
             Siêu thăng  : Siêu thoát và cao thăng.
          Con người sống nơi cõi tục, vì bị mê vọng và phiền não mà cứ mãi bị chìm trong luân hồi sanh tử. Đạo Thầy ra đời đem giáo lý phá bức màn vô minh của chúng sanh, và chuyển hóa mọi phiền não thành thanh tĩnh, tức là siêu độ con người thoát khỏi con đường sanh tử. Ngoài ra, Chí Tôn còn dạy con người phải lập vị bằng công quả để tạo ngôi vị nơi Thiêng liêng, hay nói cách khác là phải cao thăng Thiên vị.
          Phụng liễn  : Xe Tiên có hình chim phụng. Theo Đức Hộ Pháp, Phụng liễn là chiếc xe Tiên dùng để rước các Chơn linh về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
          Qui khai  : Mở cửa để trở về.
Câu 19: Chơn linh được siêu thăng thì xe phụng liễn sẽ mở cửa rước trở về.

Tiên cung Phật xứ Cao Đài xướng danh
       
          Tiên Cung  : Cung Trời, cung của chư Tiên.
          Phật xứ  : Xứ Phật, cõi của chư Phật.
          Cao Đài  : Một danh xưng của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ mở Đạo tại Việt Nam trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Đạo của Đức Chí Tôn khai mở, được gọi là Đạo Cao Đài.
          Hai chữ Cao Đài còn là tên của một cái đài cao ở Linh Tiêu Điện, ngọc Hư Cung, là nơi ngự của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
          Bài thi nói về Tháp Cao Đài như sau:
                          Linh tiêu nhất tháp thị Cao Đài,
                          Đại hội quần Tiên thử ngọc giai.
                          Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
                          Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai.
          (Đọc phần giải nghĩa nơi phần chú thích bài kinh Niệm Hương.).
          Xướng danh  : Nêu tên họ.
Câu 20: Do Phật Mẫu độ rỗi, Đức Cao Đài Ngọc Đế xướng danh để ban cho về nơi cõi Tiên cung, Phật xứ.

Hội Nguơn hữu Chí Linh huấn chúng
      
          Hội : Giao hội. Từ thượng nguơn qua trung nguơn, đến hạ nguơn, rồi trở lại nhứt nguơn nữa, gọi là Hội.
          Nguơn : Là khoảng một thời gian dài trong sự hình thành Càn Khôn Vũ Trụ, vạn vật và sự tiến hóa của nhơn loại. Ba nguơn là một Chuyển, hay nói rõ hơn một Chuyển gồm Thượng nguơn hay nguơn Thánh đức, Trung nguơn hay nguơn Tranh đấu (Tấn hóa), Hạ nguơn hay Tái tạo (Bảo tồn). Hiện nay nhơn loại đang ở vào thời kỳ Hạ nguơn Tam chuyển, sắp bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển.
          Chí Linh  : Rất linh thiêng. Chỉ Đức Chí Tôn.
          Huấn chúng  : Dạy dỗ chúng sanh.
Câu 21: Cuối thời Hạ nguơn Tam chuyển, bắt đầu Thượng nguơn Tứ chuyển, có Đức Chí Tôn đến giáo hóa chúng sanh.

Đại Long Hoa nhơn chủng hoà ki (là cơ)
      
          Đại Long hoa   : Đại hội Long hoa.
          Long hoa là một loại cây hình giống như một con rồng, có nở hoa. Do Đức Phật Di Lặc đắc Đạo tại cội cây Long hoa này, nên Ngài mở và làm chủ một Đại hội, được gọi là Đại hội Long hoa. Đại hội có nhiệm vụ tuyển chọn những bậc hiền lương, đạo đức, không phân biệt chủng tộc, nòi giống, hiệp nhau làm một trong cuối thời kỳ Hạ nguơn tam chuyển để tạo dựng lại đời Thượng nguơn Tứ chuyển, tức là Thượng nguơn Thánh đức.
          Từ xưa đến nay, Đức Chí Tôn đã mở được ba thời kỳ phổ độ cho nhơn sanh, mỗi thời kỳ phổ độ đều có mở một hội thi.
                  - Nhứt Kỳ Phổ Độ có Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật là chủ khảo.
                  - Nhị Kỳ Phổ Độ có Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Đại Hội, Đức Phật A Di Đà làm chủ khảo.
                  - Tam Kỳ Phổ Độ có Tam Hội Long Hoa Bạch Vương Đại Hội, Đức Di Lặc Vương Phật làm chủ khảo.
          Nhơn chủng  : Giống người. Trên thế giới ngày nay, người ta căn cứ vào màu da mà chia ra làm bốn giống dân: Da vàng, da trắng, da đen, da đỏ.
          Hòa ky  : tức là hòa cơ, nghĩa là có được một cơ hội (một dịp) để hoà hợp với nhau.(Chứ không phải hiểu chữ cơ này theo nghĩa là cơ quan).
Câu 22: Đại Hội Long Hoa là một dịp làm cho các giống dân trên thế giới được sống hòa hợp với nhau.

Tam kỳ khai hiệp Thiên thi
     
          Tam kỳ  : Kỳ thứ ba. Đây chỉ Đạo Cao Đài, một tôn giáo được khai mở trong thời kỳ thứ ba để phổ độ chúng sanh.
          Khai hiệp  : Khai mở ra để hiệp với.
          Thiên Thi: Hay Thiên thư (Thiên thơ)  , là quyển sách Trời. Trong đó ghi chép về luật pháp, thiên cơ, nguyên lý vận hành vũ trụ và sự tiến hóa của vạn vật.
          Tam Kỳ khai hiệp Thiên thi: Việc khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở nước Việt Nam cũng do Thiên thơ tiền định. Đức Chí Tôn có nói: “Đại Đạo Tam Kỳ hoằng khai tại cõi Nam, đã chiếu theo Thiên thơ, Hội Tam Giáo, mà vớt chúng sanh thoát vòng ly khổ, thiệt thiệt, hư hư, một mảy chi, cũng chẳng qua là máy thiên cơ mà thôi”. Thánh thi có bài:
                            Ký thành một cuốn gọi Thiên Thơ,
                            Khai Đạo muôn năm trước định giờ.
                            May bước phải gìn cho mạnh trí,
                            Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.
                                                            (Thánh Ngôn)
Câu 23: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được khai mở hiệp với thiên thơ tiền định.

Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên
       
          Khoa môn  : Cửa khoa cử. Đây chỉ một trường thi để chọn người tài đức.
          Trong thời loạn, nước nào muốn được bình trị thì phải chọn người tài giỏi ra điều hành việc nước. Do đó, mới tổ chức khoa cử tuyển lựa sĩ tử ra giúp nước an trị.
          Trong thời Hạ nguơn mạt pháp, Thiên thơ cũng có định sẵn cho các Đấng Thiêng Liêng mở Đại hội Long hoa để tuyển chọn người hiền đức hầu tạo lập lại đời Thượng nguơn Thánh đức.
          Tiên vị  : Ngôi vị Tiên.
          Ngộ kỳ  : Gặp gỡ thời kỳ.
          Theo thiển ý, câu kinh này phải hiểu chữ Ngộ kỳ   là gặp gỡ thời kỳ, chứ không phải Ngộ kỳ  : Gặp gỡ lạ lùng.
          Phật duyên  : Có mối duyên với Phật. Đây phải hiểu là có mối duyên với nền Đại Đạo.
          Thật vậy, trong hằng hà sa số kiếp luân hồi sanh tử, chúng ta có duyên may mới gặp được thời kỳ Đại Ân xá của Đức Chí Tôn, nhứt là gặp được thời kỳ mà Đức Ngọc hoàng Thượng Đế, vị sáng tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, dùng huyền diệu cơ bút dẫn dắt các vị Thiên sứ mở ra nền Đại Đạo để tận độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi, đưa các chơn linh trở về ngôi xưa vị cũ. Đây có thể nói là rất may duyên mới gặp được.
          Đức Lý Đại Tiên có cho biết như sau: “Mở một mối Đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sinh nhằm đời đặng gặp mối Đạo cũng chẳng dễ”.
Câu 24: Trường thi Tiên là dành cho những người có duyên gặp gỡ nền Đại Đạo.

Trung khổ hải độ thuyền Bát nhã
      
          Trung khổ hải: Tức là khổ hải trung    (Vì luật bằng trắc nên phải đảo ngữ), có nghĩa là trong biển khổ.
          Đức Phật coi chúng sanh sống ở thế gian này như là những con người đang trôi nổi, lặn hụp nơi biển khổ mênh mông, bát ngát. Muốn cứu vớt những sanh linh chìm đắm đó, phải có một con thuyền đưa họ vào bờ. Thuyền đó, Đức Phật ví như thuyền Đạo hay thuyền Bát nhã.
          Bát nhã  : Do chữ Phạn là Prajna, Hán dịch là Trí huệ (Trí tuệ)  . Trí huệ là trí sáng suốt nhận biết được chân tướng của mọi sự vật, chứng ngộ được chân lý của vạn hữu, tức là trí đã sáng tỏ khi đã diệt trừ được mọi vô minh, phiền não, có nghĩa là giác ngộ hoàn toàn.
          Bát nhã được Phật ví như một con thuyền chở chúng sanh vượt qua khỏi biển luân hồi sanh tử, để sang đến bờ Niết bàn, giải thoát.
          Thuyền Bát nhã: Hay Bát Nhã thuyền   , tức là thuyền trí huệ.
Câu 25: Chúng sanh đang đắm chìm trong biển khổ, Đức Phật Mẫu đem chiếc thuyền Bát nhã vào trong ấy để cứu vớt nhơn sanh.

Phước Từ bi giải quả trừ căn
      
          Phước : Phước đức, điều may mắn tốt lành.
          Từ bi  : Lòng từ bi, lòng thương người.
          Giải quả  : Cổi bỏ nhưng nghiệp quả.
          Trừ căn  : Tiêu trừ căn nghiệt.
          Căn quả  : Gốc rễ từ những hành vi thiện của kiếp trước gây thành quả báo trong kiếp hiện tại.
          Những hành vi thiện ác trong kiếp trước là cái gốc rễ thọ lãnh mọi quả báo trong kiếp nầy và cái kết quả ở hiện tại là do nguyên nhân gốc ở kiếp vừa qua.
          Như vậy, giàu sang, hạnh phúc hay phiền não, khổ sở trong cuộc sống hiện nay là gốc bởi chính mình đã tạo ra từ kiếp trước, mà kiếp này ta đang hưởng hay đền trả.
          Thánh giáo Đức chí Tôn cho biết về căn xưa quả cũ như sau: “Than ôi ! Đường Thánh ít kẻ tìm, mà nẻo tà nhiều người đến. Trò đời lăng xăng, cõi thế biết bao người chìm đắm vào biển khổ, mang nặng xác phàm, miếng đỉnh chung, mồi danh lợi, giành giựt phân chia, mà chẳng kể đạo lý, luân thường khiến cho mối đạo quí báu ngàn năm, đã thành nấc thang để dắt người xuống hang sâu vực thẳm.
          Nhơn loại dùng thế lực mà cấu xé nhau, giành giựt nhau, quên lửng cõi trần này, nhơn sanh lãnh mỗi đứa một vai tuồng đặc biệt mà trả cho xong căn xưa quả cũ”.
Câu 26: Ban cho phước đức và do lòng từ bi Phật Mẫu giải trừ cho căn xưa quả cũ.

Huờn hồn chuyển đọa vi thăng
     
          Huờn hồn: Hay hoàn hồn  , là hoàn trả linh hồn.
          Chuyển đọa vi thăng    : Ân xá Chơn linh bị đoạ được thăng ngôi vị.
          Trong thời cuối hạ nguơn mạt pháp, lập lại đời Thượng nguơn Thánh đức, Chí Tôn giáng cơ mở nền Đại Đạo, ban cho ân huệ lớn lao là đại xá cho các chơn linh biết hồi tâm hướng thiện, lo việc tu hành, lập công bồi đức, thay vì bị đọa lạc cõi Âm quang, nhưng Phật Mẫu ân xá tội tình cho chơn linh để được siêu thăng.
Câu 27: Những Chơn linh bị tiêu hồn phách, nay được Phật Mẫu cho huờn hồn trở lại và Đức Phật Mẫu cũng ân xá những chơn linh bị đọa nay được siêu thăng.

Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn Chưởng Âm
       
          Cửu Tiên  : Chín vị Nữ Tiên, tức là Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung.
          Hồi phục  : Quay trở về.
          Chưởng âm  : Chưởng quản các âm linh hay âm hồn.
          Vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đạo Cao Đài khai mở mục đích tận độ các nguyên nhân và chúng sanh còn mê muội trong kỳ Hạ nguơn mạt pháp nầy, nên “Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về cơ giáo hóa cho vạn linh” (Trích Luật Tam Thể). Ngoài ra căn cứ theo những bài Kinh tụng Cửu, mỗi vị Tiên Nương còn có nhiệm vụ dẫn dắt các Chơn linh giác ngộ, khi qui vị ở thế gian được đưa lên từng cõi của Cửu Trùng Thiên. Như vậy, Cửu Vị Tiên Nương thay Phật Mẫu nơi Diêu Trì Cung chưởng quản các âm linh.
Câu 28: Nơi Diêu Trì Cung, Cửu Vị Tiên Nương trở lại Kim Bàn để phụ giúp Đức Phật Mẫu chưởng quản Âm linh.

Thập Thiên can bao hàm vạn tượng
      
          Thập Thiên Can   : Mười Thiên Can là Giáp, Ất , Bính , Đinh , Mậu , Kỷ , Canh , Tân , Nhâm, Quí .
          Bao hàm  : Gồm chứa.
          Vạn tượng  : Muôn hình trạng.
Câu 29: Mười Thiên Can bao gồm muôn hình trạng.

Tùng Địa Chi hóa trưởng Càn Khôn
      
          Tùng : Theo.
          Địa chi  : Có tất cả mười hai Địa chi, gọi là Thập nhị Địa chi, đó là Tý , Sửu , Dần , Mão , Thìn , Tỵ , Ngọ , Vị , Thân , Dậu , Tuất , Hợi .
          Thập Thiên can và thập nhị Địa chi gọi chung là Can chi. Về xuất xứ hệ Can chi, người ta dựa vào ghi chép trong Sử Ký Tư Mã Thiên đời nhà Hán. Theo Sử Ký, người sáng lập Can chi là Đại Nhiêu, lấy Thiên can là “Thân”, lấy Địa chi là “Cành, Nhánh” để chia thời gian Năm, Tháng, Ngày, Giờ.
          Ý nghĩa Can chi do người xưa quan sát sự sinh thành và phát triển của vạn vật mà đặt ra lịch số để chăn nuôi hay trồng trọt thích hợp với thời tiết, mùa màng.
          Người xưa ghép 10 Can vào 12 Chi, cứ Can dương (lẻ) ghép với Chi dương (lẻ), Can âm (chẳn) ghép với Chi âm (chẳn) tạo thành một hệ thống 60 cặp cố định, có tên khác nhau, bắt đầu từ Giáp Tý và tận cùng là Quý Hợi. Người ta dùng hệ thống này để gọi Giờ, Ngày, Tháng, Năm, đi hết một vòng là 60 Giờ, 60 Ngày, 60 Tháng, 60 Năm. Hết một vòng rồi trở lại Can chi ban đầu.
          Hóa trưởng  : Sanh thành và lớn lên.
          Càn Khôn  : Trời đất.
Câu 30: Mười Thiên Can tùng theo mười hai Địa Chi sanh thành  và làm rộng lớn Càn Khôn Thế giới.

Trùng huờn phục vị Thiên môn
     
          Trùng huờn  : Hoàn trả lại nhiều lần.
          Phục vị  : Trở lại ngôi vị.
          Thiên môn  : Chỉ cõi Trời, tức cõi Thiêng Liêng Hằng sống.
Câu 31: Cho trở lại nhiều lần về ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Nguơn linh hóa chủng quỉ hồn nhứt thăng
       
          Nguơn linh  : Những chơn linh đầu tiên nhứt, tức là các chơn linh được chiết từ khối Đại linh quang của Chí Tôn giáng trần. Đây chỉ các Đấng nguyên nhân.
          Hóa chủng  : Biến đổi thành các loài.
          Quỉ hồn  : Những linh hồn bị đọa nơi quỉ vị.
          Nhứt thăng  : Tất cả đều siêu thăng.
Câu 32: Các Nguyên linh được biến hóa thành các loài cùng với quỉ hồn, tất cả đều được siêu thăng.

Vô siêu đọa quả căn hữu pháp
      
          Siêu đọa  : Siêu thăng hay đọa lạc, tức là được siêu thăng lên cõi trên hay đọa lạc xuống cõi thấp kém hơn.
          Quả căn  : Cái gốc rễ và cái kết quả.
          Hữu pháp  : Có hình pháp định.
Câu 33: Không siêu, không đọa, căn quả đều có hình pháp định rõ.

Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan
      
          Khổ : Tiếng Hán có nghĩa là đắng, khó chịu. Khổ còn có nghĩa là sự đau khổ về vật chất hay tâm thức của con người. Những điều dễ chịu, vui sướng trong thế gian nầy Phật cũng cho là khổ, bởi vì chúng sẽ bị hoại diệt, không thường tại.
          Trong kinh Phật dạy: Cái khổ trong địa ngục bị thiêu đốt cũng chưa phải là khổ, cái khổ bị làm ngạ quỉ đói khát cũng chưa phải là khổ, cái khổ làm súc sanh kéo cày bị đánh cũng chưa phải là khổ, mà cái khổ vô minh không biết đường đi mới là khổ. Vì thế, Tiên Phật thường dạy cho chúng sinh diệt trừ vô minh, trở nên tỉnh giác mà biết được đường tu hành để thoát vòng luân hồi sanh tử.
          Vô khổ hình   : Không có hình phạt khổ sở.
          Nhơn kiếp  : Kiếp của con người.
          Lưu oan  : Lưu lại các oan trái.
Câu 34: Các oan nghiệt của kiếp sống con người để lại được Phật Mẫu ân xá, nên không có hình phạt khổ sở.

Vô Địa ngục, vô Quỉ quan
     
          Vô Địa ngục   : Không có Địa ngục.
          Vô Quỉ quan   : Không có quỉ môn quan   , là không có cửa Quỉ, tức là không có Diêm Đình hay Diêm Cung.
Câu 35: Không có Địa ngục, không có cửa ải của Quỉ (Tức là không có Địa ngục A Tỳ).

Chí Tôn đại xá nhứt tràng qui nguyên.
       
          Chí Tôn  : Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
          Đại xá  : Hay Đại ân xá, nghĩa là ban bố đại ân tha tội cho tất cả những người phạm tội lỗi nơi thế gian, không hạn định.
          Đức Chí Tôn mở nền Đại Đạo Cao Đài ở phương Đông, ban ân huệ lớn lao là Đại ân xá cho tất cả chúng sanh và các đẳng linh hồn. Vì thế, khi mới khai Đạo, Hội Thánh thường gọi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là “Đại ân xá kỳ ba của Thượng Đế ở Phương Đông” và dịch ra pháp văn như sau: Troisième Amnistie de Dieu en Orient.
          Theo các kinh sách của Đạo Cao Đài, kỳ Đại ân xá này Chí Tôn cho chúng sanh được hưởng những đặc ân như:
          - Tha thứ các tội lỗi và oan khiên của kiếp trước
                                    Ăn năn sám hối tội tình,
                          Xét câu minh thệ gởi mình cõi thăng.
Hay:
                                    Chí Tôn xá tội giải oan,
                        Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ vong.
                                                (Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối)
          - Đóng Địa ngục, Phong đô và mở cửa Thiên đường để các con cái Chí Tôn được về hội hiệp cùng Ngài.
                                  Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
                      Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây Phương.
                                                            (Kinh Giải Oan)
          - Tu một kiếp có thể đắc Đạo mà trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “ Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại trong Càn Khôn Vũ Trụ, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng”.
          Nhứt trường  : Một trường.
          Qui nguyên  : Trở về nguồn cội.
          Nguồn cội hay là cái gốc ban đầu của con người là khối Đại linh quang của Đức Chí Tôn. Con người xuất phát từ nguồn cội đó, luân hồi sanh tử hằng hà sa số kiếp nơi cõi thế gian, nếu mê mờ thì mãi bị chìm sâu vào khổ não, còn nếu giác ngộ chịu học hỏi, tu hành thì có thể đoạt được phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tùy theo công đức. Đến ngôi Phật vị con người còn phải tu nữa để được qui nguyên, tức là trở về cùng Khối Đại Linh Quang của Đức Thượng Đế.
Câu 36: Đức Đại Từ Phụ đại ân xá cho toàn thể chúng sanh và dìu dắt con cái của Ngài trở về hội hiệp cùng Ngài.

Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc
      
          Chiếu : Căn cứ theo.
          Nhũ : Vú mẹ, sữa mẹ. Đây chỉ Phật Mẫu.
          Chiếu Nhũ lịnh   : Căn cứ theo lịnh của Mẹ, tức là theo lịnh Phật Mẫu.
          Từ : Lòng thương yêu.
          Huyên : Một loại cỏ ăn được. Khi ăn vào có thể quên phiền muộn, nên còn được gọi là vong ưu thảo. Cỏ huyên thường được người xưa ví như người mẹ, vì lấy điển ở Kinh Thi: Yên đắc huyên thảo ngôn thụ chi bối (        ước gì được cỏ huyên mà trồng thềm bắc). Do đó người ta gọi mẹ bằng huyên đường, hay huyên đình, nhà huyên.
          Từ Huyên  : Bà mẹ nhơn từ hằng thương yêu con cái. Đây chỉ Đức Phật Mẫu.
          Thọ sắc  : Nhận lãnh sắc lịnh. Đây chỉ Phật Mẫu lãnh sắc lịnh của Đức Chí Tôn.
Câu 37: Căn cứ theo lịnh Phật Mẫu, thì Đức mẹ đã thọ sắc của Chí Tôn.

Độ anh nhi nam, bắc, đông, tây
      西
          Anh nhi  : Đứa trẻ còn nhỏ dạy.
          Phật Mẫu là Đấng mẹ hiền Thiêng liêng, tạo hóa ra toàn thể chúng sanh, Ngài thường coi chúng sanh như những đứa con còn ngây thơ nhỏ dạy, nên Ngài hằng dạy dỗ và dìu dẫn chúng sanh mong sao được trở lại cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
                              Ngồi trông con đặng phi thường,
                          Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.
                                    (Tán Tụng Công Đức DTKM)
          Nam, Bắc, Đông, Tây    西: Chỉ bốn hướng của cõi thế gian.
Câu 38: Cứu độ con cái thơ dại của Phật Mẫu khắp bốn phương ở cõi thế gian.

Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài
     
          Kỳ khai  : Mở ra trong một thời kỳ.
          Tạo nhứt  : Tạo ra một.
          Linh Đài  : Theo Từ Điển Đào Duy Anh, linh đài là tâm linh của con người.
          Tâm không phải là khối thịt. Phàm chỗ nào có tri giác là tâm, như tai mắt biết trông, biết nghe, biết đau, biết mỏi, cái tri giác ấy được gọi là tâm.
          Người là tâm của Trời đất muôn vật. Tâm là chủ của Trời đất muôn vật. Tâm tức Trời, nói tâm là nói cả Trời đất muôn vật rồi. (Nhân giả thiên địa vạn vật chi tâm dã, tâm giả thiên địa vạn vật chi chủ dã. Tâm tức Thiên, ngôn tâm tắc thiên địa vạn vật giai cử chi hĩ                           ). (Dương Minh).
          Tâm của con người rất thiêng liêng sáng suốt, muôn lý muôn việc đều căn bản ở đó cả. Tâm cai quản hết thảy, bao gồm hết thảy: Tâm là bản căn của vũ trụ (Hư linh bất muội, chúng lý cụ nhi vạn vật xuất          ). (Dương Minh).
          Lão Tử nói: Muốn tu đạo, phải nhìn vào tâm (nội quan). Muốn nhìn vào tâm, cái hay là phải biết Linh Quan Nhất Khiếu (Nê Hoàn Cung hay Linh Đài).
          Con người từ khi thụ sinh, đã bẩm thụ được một điểm “Nguyên Dương”, nên sinh ra khiếu này để tàng trữ Nguyên Thần. Khiếu này rỗng không, chí hư, chí linh, là Chủ tể con người chúng ta. Cho nên có nó thì sống, không có nó thì chết. Sinh tử thịnh suy đều do nó định đoạt.
          Nho gọi “Linh Đài”, Đạo gọi “Linh Quan”, Phật gọi “Linh Sơn”. Bên Phật có bài thi như sau:
                                Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
                                              
                                Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
                                              
                          Nhơn nhơn hữu cá Linh sơn tháp,
                                              
                          Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.
                                              
        Nghĩa là:
                             Phật tại Linh Sơn, khỏi tìm đâu.
                                    Linh Sơn ở tại nhữ tâm đầu,
                                    Ai ai cũng có Linh Sơn tháp,
                                    Hãy hướng Linh Sơn tháp mà tu.
            (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Nhân Tử)
Câu 39: Thời kỳ khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn tạo ra một linh đài qui tụ tín ngưỡng của toàn nhơn loại lại thành một khối gồm đủ Tam giáo, Ngũ chi.

Diệt hình tà pháp cường khai Đại Đồng
       
        Diệt hình  : Diệt bỏ những hình thức.
          Tà pháp  : Những giáo pháp, đạo lý hay luật lệ không ngay thẳng, không chơn thật.
          Cường khai  : Khai mở mạnh mẽ.
          Đại đồng  : Có nghĩa là hết thảy đều như nhau. Đây chỉ một xã hội lý tưởng của Nho giáo, trong đó nhơn loại đều là anh em, không phân biệt không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo. Mọi người đều sống bình đẳng, không có kẻ giàu người nghèo, không có người bốc lột người, chung nhau làm, chung nhau ăn, cuộc sống thanh bình, thánh đức.
          Trong Kinh Lễ, thiên Lễ vận chép rằng Khổng Tử buồn bã, thở dài về việc Vua nước Lỗ cúng tế không đủ lễ, rồi nói với môn đệ là Tử Du rằng:
          “Thực hành đại đạo cùng với các bậc anh tuấn đời Tam đại thì Khâu này không làm được, nhưng vẫn có chí đó.
          Ở thời Đại đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, người ta chọn kẻ hiền năng, giảng điều tín thực, sửa điều hòa mục. cho nên người ta không riêng thân cha mẹ mình, không riêng yêu con mình, kẻ già được nuôi dưỡng trọn đời, trai tráng có chỗ dùng, trẻ con được săn sóc đến trưởng thành; người ta thương kẻ góa, con côi, người già cô độc; người tàn tật được chu cấp, con trai có phận, con gái có nơi chốn để nương cậy. Người ta ghét của bỏ phế trên đất mà lượm lên, chứ không chủ ý lo lợi riêng cho mình. Vì vậy những ngón cơ mưu không thi thố được, kẻ trộm cắp, người làm loạn, làm giặc không nổi lên, cho nên cửa ngõ không cần đóng. Đó là thời Đại đồng.
          (Đại đạo chi hành dã, dữ Tam đại chi anh, Khâu vị chi đãi dã nhi hữu chí yên.
          Đại đạo thành dã, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục. Cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, căng quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu quy. Hóa ố kỳ khí vu địa dã, bất tất tàng vu kỷ; lực ố kỳ bất xuất ư thân dã, bất tất vị kỷ. Thị cố mưu bế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bế. Thị vị Đại đồng.
                                                使                                                              ).
Câu 40: Tiêu diệt những tà pháp để đem nhơn loại đến thế giới Đại đồng.

Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch
      
          Hiệp vạn chủng   : Hợp mọi chủng tộc.
          Nhứt môn  : Một cửa, nói rộng ra là một nhà.
          Đồng mạch  : Cùng một mạch máu, hay cùng một mạch nước chảy. Mạch nước có thể hiểu nguồn Đạo, tức là trong câu này ý chỉ cùng một tín ngưỡng, hay cùng một Đạo.
Câu 41: Hiệp các chủng tộc làm một nhà, một tín ngưỡng duy nhất, không phân biệt Quốc gia, dân tộc.
          Sống trong một xã hội, con người phải biết sự tương quan của cá nhân mình với tập thể, giữa cá thể với đại thể vũ trụ, hầu làm thế nào dung hợp được mọi dị biệt nhỏ hẹp để có một đời sống tâm linh đích thực.
          Như ta đã biết chúng sanh, dù là đất đá, cỏ cây, thảo mộc, thú cầm hay nhơn loại, tất cả đều từ nguồn gốc của Tạo hóa sinh thành, con chung trong một đại gia đình Thượng Đế, trong một tình thương yêu của Chí Tôn, Phật Mẫu, mà con người là loài tối linh hơn hết. Vì vậy, chúng ta phải có một tình thương yêu ruột thịt, con chung một cha, anh em một nhà, không phân biệt màu da, sắc tóc, sang hèn, khôn dại. Đó là thể hiện được lòng từ bi và đức háo sanh của Thượng Đế.
                        Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
                        Cùng nhau một Đạo tức một Cha.
                        Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
                        Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
                                                (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

Qui thiên lương quyết sách vận trù
      
          Thiên lương  : Trời sinh ra con người bao giờ tánh cũng tốt, nên Thiên lương là bản tính tốt của con người. Đây là lương tâm, tức là tâm thiện lương, chơn chánh.
          Con người được Chí Tôn ban cho một Thiên tánh, hay Thiên lương, là phần chủ tể trong con người. Nhưng vì bị nghiệp lực lôi kéo, dẫn dắt, đắm chìm trong tài sắc, danh lợi, rồi gây nên nhiều tội lỗi. Do đó từ lâu con người đã đánh mất, hay bỏ quên cái Thiên lương của mình đi. Vì vậy, Đức Phật Mẫu đến giáo hóa con cái của Ngài biết ngộ đường tu hành mà trở lại với Thiên lương hay Thiên tánh.
          Quyết sách  Quyết là nhất định. Sách là kế sách. Quyết sách: Quyết định kế sách.
          Vận trù  : Vận động và trù liệu.
Câu 42: Đức Phật Mẫu tìm cách qui Thiên lương về với con cái của Ngài.

Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu
     
          Xuân thu  : Kinh Xuân Thu, là một bộ sử của Đức Khổng Tử chép truyện của nước Lỗ, các việc nhà Chu và việc các nước chư hầu từ thời Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công.
          Hình thức là bộ sử biên niên, vắn tắt, nhưng nếu xét về tinh thần thì bộ kinh Xuân Thu là sách để tâm truyền cái đại nghĩa danh và phận, đường luân lý đạo đức và chánh trị của Đức Khổng Tử.
          Mạnh Tử có nói: “Kinh Xuân Thu, việc thì chép những việc như của vua Hoàn Công nước Tề, vua Văn Công nước Tấn, văn thì là lời của quan chép sử. Khổng tử có bảo rằng: Về nghĩa lý thì Khưu này trộm lấy để khen việc thiện, chê việc ác” (Kỳ sự tắc Tề Hoàn, Tấn Văn, kỳ văn tắc sử. Khổng Tử viết: Kỳ nghĩa tắc Khưu thiết thủ chi hỹ         .         ).
          Do vậy, Kinh Xuân Thu có chủ đích như sau:
            - Chính danh tự: Cách dùng chữ của Ngài trong kinh Xuân Thu đều có mang ý nghĩa chính danh, tức là định rõ người chánh kẻ tà, người hiền kẻ ác...
          Ví như chữ “Chết” được chép trong kinh, Ngài dùng cho Thiên tử là băng , vua các chư hầu là hoăng , ông vua soán ngôi là tồ , người làm quan ngay chính là tốt , quan gian nịnh là tử .
            - Định danh phận: Những người có danh phận chính đáng thì Ngài chép phẩm tước và tên tự rõ ràng; kẻ nào danh phận không chính đáng, dù có chức phẩm gì, Ngài chỉ chép có tên tục mà thôi.
            - Ngụ bao biếm: Một tiếng chê của Ngài trong kinh có thể làm cho người ta mang tiếng xấu muôn đời, một lời khen của Ngài có thể thành tiếng thơm muôn thuở.
          Người đời sau nói về kinh Xuân Thu như sau: Một chữ khen, thì vinh hơn cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục hơn là tội bị rìu búa (Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhất tự chi biếm, nhục ư phủ việt            ).
        Xem thế, quyển kinh Xuân Thu nói lên chí của Đức Khổng Tử là định rõ việc ngay thẳng, việc gian tà, để làm khuôn phép lớn lao cho các vua đời sau. Vì đó, Đạo Cao mới mượn quyển kinh Xuân Thu để làm biểu tượng cổ pháp của Nho giáo.
          Phất chủ  : Còn gọi phất trần là một thứ vật dụng gồm có cây cán ở đầu có chùm đuôi lông dùng để phủi bụi hoặc đuổi ruồi muỗi. Cũng là một vật của các Tiên gia.
          Theo Tự điển Thiều Chửu, chủ  là một giống thú thuộc loài nai, như con hươu mà to, lúc đi đàn hươu theo sau, đuôi nó phẩy sạch bụi, ngày xưa thường dùng làm cái phất trần; vì thế nên có khi gọi cái phất trần là chủ vĩ  .
          Cây phất trần là bửu vật, có phép thuật rất huyền diệu của Thái Thượng Lão Quân, nên các Tiên gia thường có cầm cây phất chủ. Chính vì vậy, đạo Cao Đài mượn cây Phất chủ làm cổ pháp để chỉ Tiên giáo.
          Bát vu  : Cái bình đựng đồ ăn và nước uống của các vị tăng ni phái khất sĩ bên Phật giáo. Bình bát và chiếc áo Ca sa tượng trưng cho Phật pháp, cho nên các tông đồ bên Phật giáo vị nào được thầy truyền lại hai món báu nầy (Y và bát) tức là coi như làm tổ của tông phái đó: Bên Phật, gọi là truyền y bát.
          Đạo Cao Đài mượn bình bát vu làm cổ pháp để chỉ Phật Giáo.
Câu 43: Kinh Xuân Thu, Cây Phất Chủ, Bình Bát Vu.
          Kinh Xuân Thu tượng trưng cho Nho giáo, Phất chủ tượng trưng cho Tiên giáo, Bát vu tượng trưng cho Phật giáo, ba cổ pháp nầy hiệp lại tạo thành tạo thành cổ pháp của Tam giáo gồm: Bình Bát vu ở giữa, quyển Kinh Xuân thu bên phải bình Bát vu, và Phất chủ nằm bên trái bình Bát vu.
          Trong bài cơ cầu tại cung Đạo Đền Thánh, hồi 20 giờ 15 phút, đêm 25 tháng 6 năm Nhâm Tý (dl 04-08-1972), Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa có hỏi Đức Hộ Pháp như sau: “Cổ pháp ở Tòa Thánh và các nơi để bình Bát vu ở giữa, Phất chủ bên mặt và Xuân thu bên trái; còn ở Địa Linh Động thì để phất chủ bên trái, Xuân thu bên mặt. Xin Đức Ngài dạy lẽ nào?”.
          Đức Hộ Pháp giáng cơ dạy: Tùng nhất luật. Có nghĩa là phải tùng theo Cổ pháp của Tòa Thánh, vì nếu chẳng vậy thì loạn Đạo (Lời dạy của Đức Hộ Pháp).

Hiệp qui Tam Giáo hữu cầu chí chơn
       
          Hiệp qui  : Hiệp trở về.
          Tam Giáo  : Ba nền Tôn giáo trên thế giới: Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo.
          Hữu cầu  : Có những mong muốn.
          Chí chơn  : Rất chân thật.
Câu 44: Qui hiệp Tam giáo lại thành một nền Chơn Đạo của Đức Chí Tôn.

Phục nguyên nhơn huờn tồn Phật tánh
      
          Phục Nguyên nhân   : Đem bậc Nguyên nhân trở về.
          Nguyên nhân là các Chơn hồn do Chí Tôn, Phật Mẫu sai xuống có nhiệm vụ độ rỗi chúng sanh. Khi đầu kiếp xuống thế, họ mê luyến hồng trần, nên Chí Tôn đem Phật tánh phổ hóa cho họ, nhờ vậy mà họ có thể về được ngôi xưa vị cũ. Đức Phật Mẫu cho xuống trần 100 ức nguyên nhân, Phật độ đặng 6 ức, Lão độ đặng 2 ức, còn 92 ức vẫn đọa lạc nơi trần. Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Phật Mẫu đến giáo hóa, định đem hết về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
          Huờn tồn  : hay hoàn tồn nghĩa là hoàn trả và bảo tồn.
          Phật tánh  : Còn gọi là Như lai tánh, giác tánh hay chân tánh. Tánh này vốn thường hằng, bất biến. Kinh Pháp Hoa có câu: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính        ). Do đó, mầm móng giác ngộ vốn có sẵn trong tất cả chúng sanh. Hay nói cách khác, tất cả chúng sanh đều có khả năng tu thành Phật trong tương lai.
          Phật tánh vốn thanh tịnh, viên mãn, không sinh không diệt, chỉ vì chúng sanh tham dục, chấp trước, mê mờ tự tâm nên không thấy được. Nếu tu hành giác ngộ, phá bỏ chấp trước, thì Phật tánh sẽ hiển hiện ra.
Câu 45: Đức Phật Mẫu hoàn trả Phật tánh lại cho các nguyên nhân và đem họ về với ngôi xưa vị cũ.

Giáo hóa hồn hữu hạnh hữu duyên
      
          Giáo hóa  : Dạy dỗ từ một người không biết chữ hóa ra người biết chữ nghĩa, người hung dữ thành một người thật thà, hiền lương.
          Hữu hạnh  : Có may mắn.
          Trong vô lượng kiếp sanh, nếu con người có may mắn, có duyên thì gặp được mối Đạo Trời khai mở để cứu giúp thoát khỏi luân hồi sinh tử mà trở về với ngôi xưa cảnh cũ. Trong thánh thi có câu:
                        Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
                        Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
          Lý Đại Tiên Trưởng, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cho biết như sau: “Mở một mối Đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sinh nhằm đời đặng gặp mối Đạo cũng chẳng dễ”.
          Hữu duyên  : Có duyên phần.
          Ngày nay có được hưởng cái duyên phần tốt đẹp là do kết quả của việc làm đạo đức từ trong kiếp trước. Do vậy, kiếp nầy ta cũng lo tạo lập công đức để có duyên phần trong kiếp lai sinh. Thánh giáo Chí Tôn có dạy: “Thầy vì đức háo sinh, nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền Thế giới, đến lập Đại Đạo Tam Kỳ trong lúc hạ ngươn này mà vớt sinh linh khỏi vòng khổ hải. Ai biết Đạo tức là có duyên phần, ai vô đạo tức là số chịu hình khổ luân hồi”.
Câu 46: Dạy dỗ và dìu dẫn các linh hồn có may mắn và duyên phần gặp được mối Đạo để lo tu hành.

Trụ căn quỉ khí Cửu tuyền
     
          Trụ căn  : Ở nơi cái gốc.
          Quỉ khí  : Chỉ Quỉ hồn, tức là những chơn linh thuộc quỉ vị.
          Cửu tuyền  : Chín dòng suối, chỉ cõi Âm ty hay âm phủ. Tương truyền rằng nơi Âm phủ có chín dòng suối, nên gọi Âm phủ là Cửu tuyền tức Chín suối, hay huỳnh tuyền, suối vàng.
Câu 47: Tất cả quỉ hồn, Phật Mẫu đều trụ nơi tuyền đài (Âm phủ).

Quảng khai Thiên thượng tạo quyền chí công
       
          Quảng khai  : Mở rộng ra.
          Thiên thượng  : Trên cõi Trời, cõi Thiêng Liêng.
          Tạo quyền  : Tạo ra quyền hành.
          Chí công  : Rất công bình.
          Mọi việc nơi thế gian đều có tính cách tương đối: Từ luật pháp, luân lý đạo đức, sự ứng xử của con người đối với nhau chỉ có công bình một cách tương đối, vì mọi quan niệm, mọi phán xét đều bị thiên kiến, bị giới hạn của thời gian và không gian. Còn sự công bình nơi Thiêng Liêng thì tuyệt đối, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian, không bị thiên lệch, không bị khuất lấp...Để thể hiện sự công bình tuyệt đối của Thiêng liêng, nơi Toà Thánh Tây Ninh, trên cửa bước vào có đấp một bàn tay sơn màu trắng nắm cán cân, tượng trưng bàn tay Chí Tôn cầm cân công bình đo tội phước của chúng sanh. Do vậy, người ta còn gọi Đức Thượng Đế là Đấng Chí Công.
Câu 48: Đức Phật Mẫu mở rộng cõi Thiêng Liêng đặng thật hành cái quyền công bình của Chí Tôn nơi mặt thế.

Lịnh Mẫu Hậu khai Tông định Đạo
      
          Lịnh : Mệnh lệnh.
          Mẫu hậu  : Hay Thiên Hậu là một danh hiệu của Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
          Khai tông  : Mở ra một nền Tông giáo.
          Định Đạo  : Sắp đặt một nền Đại Đạo.
Câu 49: Phật Mẫu ban lịnh khai mở và sắp đặt một nền Đại Đạo.
          Căn cứ những câu trong bài Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu:
                              Đắc truyền khai mối Tam Kỳ,
                        Dưới tay cậy có Diêu Trì Cửu Nương.
          Hoặc:
                            Thất Nương khêu đuốc Đạo đầu,
                      Nhờ Người gợi ánh nhiệm mầu huyền vi.
          Và Đạo Sử, ta biết rằng Bà Thất Nương Diêu Trì Cung đắc lệnh của Đức Phật Mẫu giáng huyền cơ thâu phục ba vị phò loan là Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang để Đức Chí Tôn và Phật Mẫu dìu dẫn ba vị này khai mở nền Đại Đạo.
          Trong quyển Đạo Sử của bà Hương Hiếu, Cửu Thiên Huyền Nữ, tức là Phật Mẫu có giáng cơ ngày 27/10 năm Ất sửu như sau: “Mùng một này, tam vị đạo hữu Vọng Thiên cầu Đạo”.
          Đến ngày mùng 1 tháng 11, Đức Chí Tôn mới dạy ba vị phò loan “phải Vọng Thiên Cầu Đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa Trời, cầm 9 cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế, ban ơn đủ phước lành cho ba tôi cải tà qui chánh”.
          Nhờ sự dìu dắt của Thất Nương, lời dạy của Cửu Thiên Huyền Nữ và nhứt là lệnh của Đức Chí Tôn, kể từ ngày ấy, ba vị phò loan trở thành Thiên sứ khai nền Đại Đạo.

Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài
      
          Ân dưỡng sinh   : Ân đào tạo và nuôi dưỡng.
          Đảm bảo  : Nguyện gìn giữ.
          Hồn hài  : Linh hồn và hình hài.
          Hình hài này là hình hài Thiêng liêng do Phật Mẫu tạo ra, tức là Chơn thần.
Câu 50: Ơn tạo hóa ra, nuôi dưỡng và gìn giữ linh hồn, hình hài (Chơn thần) của Đức Phật Mẫu thật là to lớn.

Càn Khôn Tạo Hóa sánh tài
     
          Càn Khôn  : Trời đất.
          Tạo hóa  : Đào tạo, hóa sinh ra vạn vật.
          Sánh (): Từ Hán Việt không có âm “Sánh”. Đây có thể là một từ Nôm, có nghĩa so sánh, bằng.
          Sánh tài : Sánh cái tài bằng.
Câu 51: Ơn tạo hóa và nuôi dưỡng của Đức Phật Mẫu sánh bằng Càn Khôn (Trời đất).

Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang
       
          Nhứt triêu nhứt tịch    : Một buổi sáng và một buổi chiều.
          Kính bài  : Thành kính mà sắp xếp.
          Mộ khang  : Thăm viếng sức khoẻ buổi chiều.
Câu 52: Buổi mai, buổi chiều chúng ta đến thăm viếng Đức Mẹ
như đấng từ thân nơi thế gian vậy.
          Câu Kinh này ý muốn nói: Tất cả con cái Đức Phật Mẫu phải thường siêng năng lo cúng bái sáng, trưa, chiều, khuya. Đó cũng như là sớm thăm tối viếng Mẹ Thiêng liêng vậy. Hay nói cách khác, mỗi ngày, người con hiếu đạo của Phật Mẫu phải đem tâm hồn mình hồi hướng, giao cảm cùng Ngài trong bốn thời cúng mà nâng bước tiến tâm linh mình ngày một thêm thánh thiện.

Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa Huyền Thiên Cảm Bái
           
          Tạo Hóa Huyền Thiên    : Tầng Trời Tạo Hóa huyền diệu.
          Cảm bái  : Bái lạy với tấm lòng cảm ơn cảm đức.
Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa Huyền Thiên Cảm Bái: Với tấm lòng cảm ân cảm đức, chúng con xin cầu nguyện và kính lạy Đức Diêu Trì Kim Mẫu ở Tầng Tạo Hóa Thiên huyền diệu.

Nam mô Đại Từ Bi Năng Hỷ Xả Thiên Hậu Chí Tôn, Đại Bi, Đại Ái
               
          Đại Từ bi   : Lòng Từ bi to lớn.
          Năng Hỷ Xả    Có thể vui vẻ mà tha thứ cho người làm lỗi với mình.
          Hỷ : Vui nhưng ở đây không phải là vui riêng cho cá nhân mình, cho gia đình mình. Tâm hỷ ở đây là lòng vui thích khi thấy người khác giàu sang, người khác hạnh phúc, người khác thành công hay hoan lạc. Muốn có lòng hỷ, chúng ta phải dẹp bỏ lòng đố kỵ.Chính lòng đố kỵ làm cho tâm hồn ta trở thành hẹp hòi ích kỷ, trở nên xấu xa, đê tiện, khiến ta ghét người khác vì họ phú quý, thù oán người khác khi họ thành công.
          Xả : Buông bỏ. Nhưng ở đây không có nghĩa là lạnh lùng lãnh đạm, không màng đến thế sự, hay không vui thích, không sung sướng, không buồn khổ. Xả ở đây là giữ cái tâm bình thản, an tịnh, không xúc động khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ, không bị vướng mắc vào phiền não. Người có tâm xả lúc nào cũng thản nhiên khi bị khinh rẻ, phỉ báng, cũng như khi được ca tụng đề cao.
          Người có tâm xả là không chấp trước, nghĩa là đối với thuận cảnh không sanh tâm luyến ái, vướng mắc và đối với nghịch cảnh thì không sanh tâm oán hận người.
          Do có tâm xả mà ta bỏ được tính ngã mạn, luôn lắng nghe và tiếp nhận những tri kiến đúng đắn mới để tiến bộ trên đường tu tập. Khiến ta cũng không còn thất vọng, buồn phiền hay tự mãn trước sự khen chê của thế gian.
          Thường thì những thứ ta mang là tham, sân, si, đố kỵ, ganh ghét, ngã mạn, thù hiềm…Như thế thì làm sao mà ta an lạc cho được? Khi ta không xả được tức là phiền não, sân hận. Xả là bỏ qua, không chấp kể, có bỏ qua được mới có vui, mới có thanh tịnh.
          Thiên Hậu  : Một Hồng danh của Đức Phật Mẫu.
          Chí Tôn   Rất tôn kính.
          Đại bi Đại ái    : Lòng thương yêu chúng sanh của Phật rất to lớn.
          Nam mô Đại Từ Bi Năng Hỷ Xả Thiên Hậu Chí Tôn, Đại Bi, Đại ÁiNam mô con cầu nguyện Đức Phật Mẫu là Đấng tôn kính, có lòng Từ bi Bác ái to lớn, có thể tha thứ tội tình cho chúng sanh.


IV/ GIẢI NGHĨA:

            PHẬT MẪU CHƠN KINH
          Câu 1: Đức Phật Mẫu là Đấng huyền vi ngự nơi tầng Tạo Hóa Thiên.
          Câu 2: Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn, nơi Diêu Trì Cung ở tầng Tạo Hóa Thiên.
          Câu 3: Phật Mẫu lấy khí sanh quang mà nuôi dưỡng con cái của Ngài.
          Câu 4: Chơn linh phối hợp với Chơn thần của Phật Mẫu để tạo thành một Thánh hình (Hình thể Thiêng Liêng).
          Câu 5: Tùng theo Pháp của Đức Chí Tôn mà vạn loại được sinh ra.
          Câu 6: Lấy hai khí Âm và khí Dương hiệp nhau lại mà biến sinh ra vạn vật.
          Câu 7: Âm Dương (Càn khôn) là phần vô vi hiệp lại với nhau tạo ra thành vạn vật có hình thể.
          Câu 8: Phật Mẫu đem bát hồn cho đầu kiếp xuống trần tạo thành chúng sanh.
          Câu 9: Hiệp cả thảy chơn linh loài vật hữu sanh để lo tính sự nghiệp lập vị cho chính mình.
          Câu 10: Phật Mẫu lập ra tam tài và định kiếp căn của con người sống ở cõi trần nầy.
          Câu 11: Mượn việc luân hồi chuyển kiếp, mà các chơn linh có thể đạt ngôi vị cao thăng.
          Câu 12: Phật Mẫu lấy khí Hư vô trong lò Bát quái để đem các chơn linh trở lại nguồn cội là Chí Tôn.
          Câu 13: Chấm dứt oan trái và tiêu diệt hết những mối dây ràng buộc của con người ở cõi trần, tức đã trả quả trong kiếp này.
          Câu 14: Phật Mẫu chưởng quản vườn Đào Tiên, tạo quyền phép để các chơn linh được hằng sống nơi cõi Hư linh.
          Câu 15: Phật Mẫu đem con cái của Ngài về cõi Thiêng Liêng tạo thành một sự nghiệp to tát.
          Câu 16: Tùy theo công nghiệp của mỗi Chơn linh mà Chí Tôn định vị cho vĩnh viễn ở nơi Thiên Cung.
          Câu 17: Làm chủ Âm quang, Phật Mẫu thường tùng theo mạng lệnh của Đức Chí Tôn.
          Câu 18: Phật Mẫu dẫn độ Chơn thần của chúng sanh xuống trần đầu kiếp hay qui nguyên về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
          Câu 19: Chơn linh được siêu thăng thì xe phụng liễn sẽ mở cửa rước trở về.
          Câu 20: Do Phật Mẫu độ rỗi, Đức Cao Đài Ngọc Đế xướng danh để ban cho về nơi cõi Tiên cung, Phật xứ.
          Câu 21: Cuối thời Hạ nguơn Tam chuyển, bắt đầu Thượng nguơn Tứ chuyển, có Đức Chí Tôn đến giáo hóa chúng sanh.
          Câu 22: Đại Hội Long Hoa là một dịp làm cho các giống dân trên thế giới được sống hoà hợp với nhau.
          Câu 23: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mở ra hiệp với thiên thơ tiền định.
          Câu 24: Trường thi Tiên là dành cho những người có duyên gặp gỡ nền Đại Đạo.
          Câu 25: Chúng sanh đang đắm chìm trong biển khổ, Đức Phật Mẫu đem chiếc thuyền Bát nhã vào trong ấy để cứu vớt nhơn sanh.
          Câu 26: Ban cho phước đức và do lòng từ bi Phật Mẫu giải trừ cho căn xưa quả cũ.
          Câu 27: Những Chơn linh bị tiêu hồn phách, nay được Phật Mẫu cho huờn hồn trở lại và Đức Phật Mẫu cũng ân xá những chơn linh bị đọa, nay được siêu thăng.
          Câu 28: Nơi Diêu Trì Cung, Cửu Vị Tiên Nương trở lại Kim Bàn để phụ giúp Đức Phật Mẫu chưởng quản Âm linh.
          Câu 29: Mười Thiên Can bao gồm muôn hình trạng.
          Câu 30: Mười Thiên Can tùng theo mười hai Địa Chi sanh thành và làm rộng lớn Càn Khôn Thế giới.
          Câu 31: Cho trở lại nhiều lần về ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
          Câu 32: Các Nguyên linh được biến hóa thành các loài cùng với quỉ hồn, tất cả đều được siêu thăng.
          Câu 33: Không siêu, không đọa, căn quả đều có hình pháp định rõ.
          Câu 34: Các oan nghiệt của kiếp sống con người để lại được Phật Mẫu ân xá, nên không có hình phạt khổ sở.
          Câu 35: Không có Địa ngục,  không có cửa ải của Quỉ.
          Câu 36: Đức Đại Từ Phụ đại ân xá cho toàn thể chúng sanh và dìu dắt con cái của Ngài trở về hội hiệp cùng Ngài.
          Câu 37: Căn cứ theo lịnh Phật Mẫu, thì Đức mẹ đã thọ sắc của Chí Tôn.
          Câu 38: Cứu độ con cái thơ dạy của Phật Mẫu khắp bốn phương ở cõi thế gian.
          Câu 39: Thời kỳ khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn tạo ra một linh đài qui tụ tín ngưỡng của toàn nhơn loại lại thành một khối gồm đủ Tam giáo, Ngũ chi.
          Câu 40: Tiêu diệt những tà pháp để đem nhơn loại đến thế giới Đại đồng.
          Câu 41: Hiệp các chủng tộc làm một nhà, một tín ngưỡng duy nhất, không phân biệt Quốc gia, dân tộc.
          Câu 42: Đức Phật Mẫu tìm cách qui Thiên lương về với con cái của Ngài.
          Câu 43: Kinh Xuân Thu, Cây Phất Chủ, Bình Bát Vu.
          Câu 44: Qui hiệp Tam giáo lại thành một nền Chơn Đạo của Đức Chí Tôn.
          Câu 45: Đức Phật Mẫu hoàn trả Phật tánh lại cho các nguyên nhân và đem họ về với ngôi xưa vị cũ.
          Câu 46: Dạy dỗ và dìu dẫn các linh hồn có may mắn và duyên phần gặp được mối Đạo để lo tu hành.
          Câu 47: Tất cả quỉ hồn, Phật Mẫu đều trụ nơi tuyền đài (Âm phủ).
          Câu 48: Đức Phật Mẫu mở rộng cõi Thiêng Liêng đặng thật hành cái quyền công bình của Chí Tôn nơi mặt thế.
          Câu 49: Phật Mẫu ban lịnh khai mở và sắp đặt một nền Đại Đạo.
          Câu 50: Ơn tạo hóa ra, nuôi dưỡng và gìn giữ linh hồn, hình hài (Chơn thần) của Đức Phật Mẫu thật là to lớn.
          Câu 51: Ơn sanh hóa và nuôi dưỡng của Đức Phật Mẫu sánh bằng Càn Khôn (Trời đất).
          Câu 52: Buổi mai, buổi chiều chúng ta đến thăm viếng Đức Mẹ như đấng từ thân nơi thế gian vậy.

          Niệm: Với tấm lòng cảm ân cảm đức, chúng con xin cầu nguyện và kính lạy Đức Diêu Trì Kim Mẫu ở Tầng Tạo Hóa Thiên huyền diệu.

                  “Nam mô Đại Từ Bi Năng Hỷ Xả Thiên Hậu
                                    Chí Tôn, Đại Bi, Đại Ái