Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

- KINH TUẦN CỬU & TIỂU ĐẠI TƯỜNG

 KINH TUẦN CỬU & TIỂU ĐẠI TƯỜNG

Triết lý của đạo Cao Đài cho rằng con người sống ở thế gian có thân xác và linh hồn, nên khi chết, không phải là hết, mà chỉ là cái thể xác hoại diệt, nhưng linh hồn thì vẫn tồn tại mãi mãi. Hay nói cách khác, chết chỉ là thay đổi trạng thái sống: Sống bằng thân xác hữu hình ở thế gian và sống bằng linh hồn, không hình thể ở cõi giới vô vi.
         Sự sống của thể xác thì hữu hạn, nhưng sự sống của linh hồn mới thực sống vĩnh viễn, bất diệt. Vì thế, tôn chỉ của đạo Cao Đài là khi con người sống nơi thế gian, phải mượn thân xác hữu hình lo tu hành: Làm phải làm lành, lập công bồi đức để chuẩn bị một con đường trong cõi giới vô vi, cho linh hồn có một cuộc sống an nhàn, cực lạc.
         Ngoài ra, để thực hiện đại ân xá kỳ ba, đạo Cao Đài còn có ban cho bí pháp Độ thăng và cầu rỗi cho linh hồn được nhẹ nhàng thanh cao mà vào từng cõi giới mới. Muốn vậy, người tín đồ khi sống ở thế gian phải giữ giới luật Đạo, lập công bồi đức, và phải được vị chức sắc thọ truyền bửu pháp làm phép độ thăng cho và những người thân phải thành tâm cầu siêu cho linh hồn người chết.
         Phương thức độ hồn cho vong linh sau khi chết được tiếp tục diễn ra trong vòng 581 ngày. Đó là các tuần cửu và tiểu, đại tường.
         Những người đã quá vãng, sau khi an táng xong, kể từ ngày chết, đếm tới 9 ngày thì tang gia hiếu quyến đem linh vị đến Thánh Thất sở tại làm tuần Nhứt Cửu, đếm tới 18 ngày (tức 9 ngày sau) thì làm tuần Nhị Cửu...cho đến 81 ngày thì làm tuần Cửu Cửu.
         Kể từ sau một ngày chung cửu (hay Cửu Cửu), đếm tới 200 ngày thì làm tuần Tiểu Tường. Rồi kể từ sau một ngày làm tuần Tiểu Tường đếm tới 300 ngày thì làm tuần Đại Tường, hay là tuần mãn tang.
         Như vậy, theo nghi lễ của đạo Cao Đài, một tín đồ giữ thập trai, kể từ ngày chết cho đến ngày làm tuần Đại Tường tất cả là 581 ngày, phải dâng 9 lá sớ khi cúng chín tuần cửu, một lá sớ cúng tuần Tiểu Tường và một lá sớ cúng tuần Đại Tường. Tổng cộng là mười một lá sớ cùng với lá sớ Tân Cố thượng khi vừa mới chết nữa là mười hai lá sớ.
         Những bài Kinh tụng Cửu, Tiểu và Đại tường trong quyển Kinh Thiên Thế Đạo do Đức Quan Âm Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Nội dung các bài Kinh nhắc nhở vong linh xa lánh tục trần, lìa khỏi Phong đô, hướng về nguồn cội của Chơn linh là Thượng Đế, để được đi qua từng cõi giới càng ngày càng nhẹ nhàng và thanh cao hơn.
         Khi chú giải những bài Kinh Cửu, Tiểu, Đại tường, chúng tôi dựa theo Kinh Phật, lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp và các Đấng Thiêng Liêng để dẫn giải, và nhứt là chú trọng đến những ngôn ngữ thế gian của bài Kinh mà chú giải một cách bì phu, còn những tư tưởng có tính cách huyền linh, hay những cõi giới vô vi mà Chơn linh sống và đi qua, chắc hẳn con người chúng ta còn sống nơi cõi thế gian này không thể nào tưởng tượng và hiểu thấu được.
         Những bài Kinh Khai Cửu, Kinh Đệ Nhứt cho đến Đệ Cửu Cửu, Tiểu và Đại Tường chúng tôi cho vào một chương, tức chương thứ mười nhằm thể hiện giáo lý đặc trưng của Cao Đài: Một Chơn linh đắc đạo, sau khi đã qui liễu được Cửu Vị Tiên Nương, Phật Mẫu và chư Phật dẫn dắt đi qua chín cõi Trời, tức Cửu Trùng Thiên. Và muốn về với Đức Chí Tôn, còn phải qua ba cõi Trời nữa, đó là Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên và Hỗn Nguơn Thiên, cộng lại 12 cõi Trời, tức Thập Nhị Khai Thiên. Đây là hàng Phật vị.
                       
KINH CÚNG TUẦN CỬU
*******


Khi hữu sự ,mọi chi tiết về việc tang tế đều do ban Nghi Lễ hoàn toàn chịu trách nhiệm .
Ban Nghi Lễ gồm :
- 1 vị chứng đàn .
- Lưỡng phái Hoàng Chí , Huỳnh Hoa do một trưởng ban điều hành .
Vị chứng đàn do Hội Thánh đề cử trong hàng thiên Phong Chức Sắc mà phẩm vị phải cao hơn người quy liễu .
Lúc hành sự , Ban nghi lễ phải thể hiện đầy đủ.
Khởi đầu : Thiết lễ dâng Đức Thượng Hoàng cùng Kim Mẫu Chứng Minh .
Trước kim bàn trì kinh :
- Niệm Hương .
- Lạy Thầy.
- Tưởng Công Đức Vô Cực Đại Từ Tôn .
- Phật Tổ Di Đà Vô Thượng Y Vương 
- Dâng Tứ Bửu .
- Ngũ Nguyện .
NIỆM HƯƠNG .
Minh châu hiển thế hiệp hòa ,
Thân này nguyện khỏi đọa sa luân trầm .
Kim cung Bạch ngọc Lôi âm ,
Thừa nhàn giá ngự chứng tâm lễ bày .
Hào quang hiện tỏa Liên đài ,
Khói trầm thanh khiết nhẹ bay chín tầng .
Thành lòng thừa nguyện Thiên ân ,
Cao phi viễn thấu tường vân hạ phàm .
ĐẠO HUỲNH thống ngũ quy tam ,
Nguyện cùng Tiên Phật Việt Nam xuất trần .
Hương quang cảm ứng Thánh , Thần ,
Hộ trì chánh pháp tân dân Thượng kỳ.
Các con chung kỉnh hiện quỳ ,
Tâm thành nương khói hương phi diệu đài .
Thượng tòa thương cõi trần ai ,
Hồng ân mạc trắc linh oai phê truyền .
Nam mô HUỲNH ĐẠO khai nguyên ,
LONG HOA tiếp dẫn QUẦN TIÊN lập ĐỜI .
( lạy 3 lạy ) .
TÂM NIỆM :
- NAM MÔ HUYỀN KHUNG CAO THƯỢNG ĐẾ NGỌC HOÀNG 
 ĐẠI THIÊN TÔN .
- NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC ĐẠI TỪ TÔN .
- NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT  
****

LẠY THẦY.
*********
 Hương trầm nhẹ thoảng cao phi ,
Tâm thành con cúi đầu quỳ niệm kinh .
LẠY THẦY cao viễn huyền linh ,
Thừa nhàn giá ngự quang khinh chứng lòng .
Tam Thiên cảm thấu trần hồng ,
Minh Châu ứng hiện lục Long hạ phàm .
LẠY THẦY thương xót kỳ tam ,
Chỉ tan ác trược trời Nam thái bình .
Nay con thọ sắc đạo Huỳnh ,
Nguyện cầu Tông Tổ siêu sinh Liên tòa .
LẠY THẦY nhuần gội MA HA ,
Cúi nhờ luợng cả KIM SA  pháp truyền .
Tam tài luân thống diệu huyền ,
Giao đài phưởng phất chiêu liên hộ đằng .
Nhụy châu chơn võ kim thằng ,
Phúc hồng vạn tải lương năng hộ triều .
Dụng hòa từ huệ LINH TIÊU ,
Kim Cung Viết Thượng nhiệm siêu hội kỳ .
LẠY THẦY điểm hóa huyền vi ,
Rộng lòng thương cõi mê si lỗi lầm .
Con đà thọ pháp chí tâm ,
Cuộc trần thức tỉnh hôn trầm đắng cay ,
LẠY THẦY ân tứ hội này ,
Con tan nghiệp chướng hiệp vầy chơn duyên .
Thân phàm giũ sạch oan khiên ,
Từ bi Ngọc Đế bách niên tạo thành .
Thương con THÀY điểm Đạo lành ,
Hào quang chiếu diệu Tam Thanh quản truyền .
Nam Mô Thượng Tổ cao nhiên ,
Long Hoa Đại Hội quy nguyên Đạo Huỳnh .
( 3 lạy ) .
TÂM NIỆM :
- NAM NÔ HUYỀN KHUNG CAO THƯƠNG ĐẾ NGỌC HOÀNG ĐẠI THIÊN TÔN .
- NAM MÔ HỒNG QUÂN THƯỢNG TỔ CHƯỞNG GIÁO TAM NGƯƠN .
DIÊU TRÌ KIM MẪU CHƠN KINH .
********
Cúi đầu mừng đức Diêu Trì ,
Hóa sanh vạn vật MẪU NGHI THƯỢNG TÒA .
Động lòng thương cõi giới ba ,
Siêu nhiên mật pháp truyền ra tuyệt vời .
Cha lành con thảo trọn đời ,
Tâm nguyền giữ vẹn vạn lời Mẹ khuyên .
Các con vì bởi nghiệp duyên ,
" Hồng Ân Đại Xá Tam Niên " chuyển trần .
Ngày nay kỉnh lễ ân cần ,
Cầu xin VÔ CỰC hồng ân ban truyền .
Lạy THẦY điểm hóa diệu huyền ,
Xót thương trần tục là miền tao tân .
Xin cho Phật Thánh Tiên Thần ,
Ra tay tế độ hồng trần khổ đau .
Nghiệp con xin dứt trước sau ,
Cầu xin KIM MẪU vạch mầu pháp duyên .
Hạ ngươn Huỳnh Đạo Khai Nguyên ,
Chúng con hầu kỉnh Thượng Thiên hội này .
Thánh Thần Tiên Phật hiệp vầy ,
Chuyển lời khẩn vái đến Thầy Cao Thiên .
Hóa hoằng chơn pháp Tam Niên ,
Từ Tôn Thượng Đẳng phước duyên ngàn đời .
Nguyện rằng lãnh pháp của Trời ,
Năng hành chẳng bỏ , chẳng lơi mật bày .
Nam mô HUỲNH ĐẠO THIÊN KHAI ,
QUY NGUYÊN TAM GIÁO trần ai lập đời .
( 3 lạy ) .
TÂM NIỆM :
- NAM MÔ DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC ĐẠI TỪ TÔN .
Vía đức DIÊU TRÌ KIM MẪU : Rằm tháng 8.
A DI ĐÀ PHẬT CHƠN KINH .
*******
Lạy mừng Vô Thượng Y  Vương,
DI ĐÀ nguyện độ mười phương tận cùng .
Chiết thân KIM MẪU DIÊU CUNG ,
Tình thương như Mẹ bao dung diệu huyền .
Từ bi chan chứa thiêng liêng ,
Mỏi mòn đợi chốn Hoa Liên Niết bàn .
Hữu hình mộng huyễn Dương gian ,
Mấy ai tỏ ngộ linh quang cội nguồn .
Nương theo câu kệ hồi chuông ,
Tịnh lòng mới rõ nghiệp buồn trần ai .
Cúi đầu PHẬT TỔ NHƯ LAI ,
Tôn sư ứng hóa hoằng khai Đạo vàng .
Ban cho mật chỉ Kim Cang ,
Tuyển người đức cả chọn trang Thánh Hiền .
Mượn lằn từ điển cao nhiên ,
Pháp Tâm chơn giáo Đạo huyền gia ân .
Nay đây kỉnh lễ thừa vâng ,
Lòng thành nguyện dứt bụi trần nghiệp oan .
Tôn sư thương chứng tâm vàng ,
Độ con vững chí trên đàng Long Hoa .
Nam mô PHẬT TỔ DI ĐÀ ,
Tôn sư VÔ CỰC THƯỢNG TÒA chứng minh .
( 3 lạy )
Ngày đại lễ đức DI ĐÀ : 17/11 âm lịch.
DÂNG TỨ BỬU.
Tửu Thiền : Tiên nhập pháp Vô Ưu .
Cúi kỉnh thiêng liêng điểm huệ từ .
Nhất nguyện thoát sinh hồi cực lạc .
Chơn linh hiển hóa ngộ Cung Hư .
( 1 lạy ).
  Trà Thanh : Khấu bái , kỉnh tâm thiền .
Thọ pháp mầu siêu Phật Thánh Tiên .
Cảm ứng lâm đàn truyền điển huệ .
  Chơn Như Thánh Thể hiện KIm Liên .
( 1 lạy ) .
Huê tươi : Hương tỏa thị  cao thanh
Pháp Chánh Hoàng Môn điểm Đạo lành .
Đắc ngộ trầm luân hồi bĩ ngạn ,
Phật Vương chiếu ngự lập tinh anh .
( 1 lạy ).
Quả Xinh : Căn vị tạo cơ huyền ,
Khấu bái thành tâm trước bệ tiền ,
Cảm ứng Như Lai đồng chuyển hóa.
Cứu đời qua khỏi cảnh truân chuyên .
( 1 lạy ).

TÂM NIỆM :
NAM MÔ DI LẶC THIÊN TÔN KHAI MÔN CHUYỂN PHÁP .
NGŨ NGUYỆN .
- Nam mô Đại nguyện : Huỳnh Đạo hoằng khai , vạn thù quy nhất bổn .
- Nhị nguyện : Cứu khổ chúng sanh . Tỏ ngộ chơn duyên , hồi nguyên chánh giác .
- Tam nguyện : Cửu Huyền Thất Tổ tịnh độ siêu thăng ..
- Tứ nguyện : Khai triển LONG HOA PHẬT VƯƠNG trị  chúng Thế giới bình an .
- Ngũ nguyện : Hộ trì độ tử . Tuệ giác khai thông. Đắc thành Đạo quả .
( 3 lạy ).

1- KINH KHAI CỬU
ĐẠI TƯỜNG VÀ TIỂU TƯỜNG
*******




I.-KINH VĂN: 


THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUÁN THẾ ÂM NHƯ LAI 

                 
Đã quá chín từng Trời đến vị,
Thần đặng an, Tinh, Khí cũng an.
Tầng Trời gắng bước lên thang,
Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa.
Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi,
Quên trần ai mong mỏi Động Đào.
Ngó chi khổ hải sóng xao,
Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.
Giọt lụy của Cửu huyền dầu đổ,
Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân.
Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây.

THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUAN ÂM NHƯ LAI

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
        
         Bài Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường là một bài Kinh do Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cơ ban cho.
         Bài Kinh Khai Cửu được đồng nhi tụng trong những đàn cúng tuần cửu tại Thánh Thất hay tư gia để mở đầu cho các bài kinh Cửu, Tiểu Tường, hay Đại Tường. Bài Kinh này được coi như một bài Kinh dẫn cửu, Tiểu Tường hay Đại Tường.

III.-CHÚ GIẢI:

Đã quá chín từng Trời đến vị,
Thần đặng an, Tinh, Khí cũng an.

         Đã quá: Đã qua.
         Chín tầng Trời: Chín cõi Trời, tức là Cửu Trùng Thiên.
         Đến vị: Đến được ngôi vị.
         Tinh Khí Thần   : Là Tam bửu, tức là ba món báu tạo nên tinh thần, thể xác con người.
         Tinh là xác thân phàm, khí là Chơn thần hay đệ nhị xác thân, thần là Chơn linh. Trong ba thể đó chỉ có xác thân phàm là trọng trược, vì vậy người tu hành phải có một thân phàm tinh khiết mới có thể xuất một Chơn thần tinh khiết được.
         Tam bửu của người tu đắc Đạo hiệp một được tinh khí thần và tinh tấn nhẹ nhàng hơn không khí đặng ra ngoài Càn khôn mà về với Đức Chí Tôn thì lúc ấy Tinh Khí trong sạch được an, thì Thần cũng được an ngôi vị.
Câu 1: Chơn linh đã qua khỏi chín tầng Trời (Cửu Trùng Thiên).
Câu 2: Chơn linh có tam bửu tinh tấn nhẹ nhàng thì tinh khí được yên ổn, và Thần thì được về với Chí Tôn mà an ngôi vị.

Tầng Trời gắng bước lên thang,
Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa

         Tầng Trời: Khoảng từ hạ giới, tức cõi phàm của con người đang sinh sống lên đến Bạch Ngọc Kinh chia ra nhiều cảnh giới hay tầng Trời khác nhau, từ thấp lên cao: Hạ giới, Trung giới và Thượng giới.
         Con người khi giải thể thì Chơn linh đi lên theo từng cõi, mỗi cõi từ thấp dần dần lên cao tựa như từng nấc thang vậy. Các Chơn thần phải vượt qua từng cõi một cách cố gắng, bởi vì nó phát xuất từ quả nghiệp mà chúng ta tạo ra nơi cõi phàm. Hay nói cách khác, ngôi vị thiêng liêng của chúng ta là do quyền định đoạt của mình, đó là cái kết quả của những hành vi thiện lương hay hung ác khi còn tại thế.
         Trông mây: Nhìn theo những vầng mây.
Câu 3: Chơn linh phải cố gắng đi lên các tầng Trời từ thấp lên cao như theo từng nấc thang.
Câu 4: Trông theo những vầng mây nhìn lại cảnh nhàn nhã của quê xưa cảnh cũ nơi cõi Thiêng Liêng .
         Quê hương của chơn hồn vốn dĩ là cõi Thiêng Liêng, là nơi mà Thượng Đế ban cho Điểm Linh Quang để thác sinh xuống cõi phàm với mục đích học hỏi kinh nghiệm và tấn hóa. Khi đến cõi phàm, Chơn hồn tạo nghiệp quả nên phải chịu sự luân hồi chuyển kiếp mãi. Đến chừng Chơn hồn ở thế biết giác ngộ mà tu hành chơn chánh, khi qui liễu thì sẽ được trở lại ngôi xưa vị cũ, tức là quê hương mà trước đây Chơn hồn đã từng sống an nhàn thanh tịnh.
         Chính vì thế khi thoát xác, Chơn linh thấy nhẹ nhàng, bay bổng, nhìn theo những vầng mây nơi quê xưa cảnh cũ một cách thung dung, nhàn hạ.

Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi,
Quên trần ai mong mỏi Động Đào.

         Cõi thảm khổ: Chỉ cõi trần gian.
         Sở dĩ trần gian là cõi thảm khổ bởi vì nơi đây là cõi tạm bợ, uế trược và nhiều phiền não...
         Sống ở cõi trần, con người có nhiều loại khổ đau như:
         Khổ về thân tâm: Con người sống cõi trần thường bị khổ về hoàn cảnh ngang trái, cảm thọ bất an hay khổ về bệnh, chết.
         Khổ về hoại diệt: Những thứ sắc đẹp, của cải vật chất mà mình ưa thích không bền lâu, thường bị mất nên sinh khổ.
         Khổ do tâm bị dục vọng sai khiến, thúc đẩy từng giây từng phút làm cho tâm không yên ổn, tự do.
         Khổ gây ra bởi sự mâu thuẩn giữa con người và thiên nhiên, cuộc sống.
         Đã vừa qua khỏi: Đã được thoát khỏi.
         Trần ai  : Bụi bặm, chỉ cõi trần là cõi nhơn loại đang sinh sống.
         Động đào: Chỉ Động Tiên ở. Do từ Đào nguyên  , hay Đào hoa nguyên   : Suối hoa đào.
         Ông Đào Tiềm có viết bài “Đào Hoa Nguyên Ký    ”kể lại một người đánh cá ở Võ Lăng đi thuyền lạc vào Động Đào nguyên. Trong đó, có một nhóm người mà tổ tiên của họ trốn loạn đời nhà Tần, sống nơi suối hoa Đào cách biệt hẳn với người đời đã từ lâu.
         Sau khi ra khỏi Động Đào, người đánh cá có tìm cách chèo thuyền trở lại, nhưng không tìm được lối vào nữa
         Do vậy, Đào nguyên hay Động đào thường được dùng để chỉ nơi Tiên ở, hay động Tiên.
Câu 5: Chơn linh đã vừa thoát khỏi cõi thảm khổ nơi trần gian.
Câu 6:Và mong mỏi được vào chốn Đào nguyên là nơi cõi Thiêng Liêng để quên đi cõi trần tục đầy uế trược này.
         Khi giải thể rồi, Chơn hồn cởi bỏ được thân tứ đại, cái thân vật chất, tạm bợ và đầy phiền não, tức là thoát ra khỏi được những thảm khổ nơi cõi trần để trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống là cõi an vui và hạnh phúc. Đức Hộ Pháp thuyết về chữ khổ như sau: “Khổ thì nhiều, vui vốn ít, sống càng lâu khổ chất càng dày, khổ nội thân tứ khổ quả không sai, cầu bất tử là cầu đày thân cõi tội. Ta nghĩ đến đó mới hiểu rằng kiếp chết là kiếp giải khổ thì mới biết mặt cân công bình thiêng liêng nhắc không sai chạy”.

Ngó chi khổ hải sóng xao,
Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.

         Ngó chi: Nhìn làm chi.
         Khổ hải  : Biển khổ.
         Đạo Phật cho cõi trần gian này là một biển khổ mênh mông, bát ngát, con người bị những cơn sóng khổ đau ấy nhồi dập, đang lặn hụp, chìm đắm hằng muôn ngàn kiếp luân hồi sinh tử. Đạo tựa như con thuyền chèo khắp mọi nơi trong biển khổ ấy mà cứu vớt chúng sanh để đưa qua bên kia bờ giác ngộ.
         Sóng xao: Lượn sóng xao động.
         Đoạn tình  : Cắt đứt các thứ tình cảm.
         Tình cảm của con người từ nơi tâm mà phát khởi. khi tâm tiếp xúc với ngoại vật mà dao động gây cảm giác sinh ra thất tình.
         Thất tình là bảy thứ tình cảm: Mừng, giận, buồn, sợ, thương, ghét, muốn, cũng là bảy thứ cảm giác từ trong tâm con người phát ra. Những thứ cảm giác này nếu vì thỏa mãn theo xác thịt đê hèn thì sẽ xa đường đạo đức mà gây nhiều phiền não, tội lỗi. Chúng ta phải cắt đứt những thứ dục tình thấp hèn này để chuyển hóa theo tinh thần cao thượng. Có như thế chúng ta mới thoát khỏi oan khiên, nghiệt chướng.
         Yểm dục  : Đè nén lòng ham muốn.
         Lòng dục hay lòng ham muốn của con người có sáu thứ gọi là lục dục: Sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, xúc dục và ý dục.
         Mắt ưa sắc đẹp, tai thích âm thanh, mũi ham ngửi mùi thơm tho, lưỡi thèm vị ngon ngọt, thân ưa cảm xúc êm ái, ý thích lòng thỏa mãn. Tất cả đều gây nên nghiệp thức rồi lôi kéo con người đắm chìm vào luân hồi sinh tử mà thọ khổ nghiệp triền miên.
         Đặng vào cõi Thiên: Để được vào cõi Thiêng Liêng.
Câu 7: Nhìn làm gì những lượn sóng xao động nơi biển khổ.
Câu 8: Mà nên cắt đứt những tình cảm và đè nén lòng dục thì mới vào cõi Thiên được.
         Khi thoát xác Chơn hồn đừng nên luyến tiếc mà nhìn lại làm gì cái cõi thế gian này đầy những cơn sóng đau thương dồi dập kiếp con người đắm chìm trong biển khổ.
         Khổ đau do thất tình và lục dục là động cơ gây cho con người nhiều phiền não, chính nó sai khiến con người vào đường mê luyến tiền tài danh vọng, say đắm vợ đẹp con xinh, ham muốn nhà cao cửa rộng mà làm cho tinh thần hao tổn, khí phách tiêu mòn. Như vậy, để giải thoát con người ra khỏi tình cảm và dục vọng, trước hết ta phải đoạn lìa những tình cảm xấu xa đê tiện và đè nén lòng ham muốn thấp hèn để chuyển hóa theo đường cao thượng, đạo đức. Có như thế thì mới mong Chơn linh khi thoát xác bước vào đường Thiên cảnh được.

Giọt lụy của Cửu huyền dầu đổ,
Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân.
         Giọt lụy: Giọt nước mắt.
         Cửu huyền  : Tổ tiên ông bà chín đời.
         Thuận nợ: Bằng lòng theo nợ.
         Trầm luân  : Chìm đắm vào biển khổ.
         Thuận nợ trầm luân: Thuận theo nợ oan khiên mà phải chìm đắm vào biển khổ luân hồi.
         Muốn thoát khỏi luân hồi trong biển khổ thì phải làm sao?
         Trong bài Thuyết Đạo ngày 14/2/ Mậu Thìn của Đức Hộ Pháp có giải thích như sau: “Phải đoạt cho đặng cơ bí mật siêu phàm nhập Thánh. Cơ bí mật ấy, nếu không phải Thầy cho thì chưa ắt xin ai mà đặng.
         Ấy vậy, Đạo là cơ bí mật làm cho kể phàm có thể đoạt đặng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.
         Thầy đến qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi để cho chúng sanh hiểu cơ mầu nhiệm mà luyện Tinh, Khí, Thần”.
Câu 9: Giọt nước mắt của Cửu Huyền dầu có đổ, ý nói dầu Cửu Huyền đau buồn thương tiếc.
Câu 10: Thì cũng đừng đau xót mà phải chịu trầm luân vào biển khổ muôn đời ngàn kiếp.

Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây.

         Huệ : Hay tuệ là trí sáng suốt nhận biết được chân tướng của mọi sự vật, sự hiểu biết rốt ráo đúng sự vật.
         Trí huệ là sự chứng ngộ chân lý của vạn hữu, là sự nhận thức sáng tỏ về thực tại sau khi mọi vô minh, phiền não đã được diệt trừ.
         Huệ kiếm  : Cây kiếm trí huệ.
         Trí huệ được so sánh như một lưỡi kiếm (gươm) sắc bén có thể chiến thắng được thất tình lục dục, và có thể cắt đứt mọi phiền não trói buộc vào con người.
         Gươm thần: Gươm Thiêng liêng huyền diệu, chỉ cây huệ kiếm.
         Dứt tan: Dứt hẳn.
         Sự thế  : Việc ở trên cõi đời.
         Nợ trần: Những món nợ ở nơi cõi trần.
Câu 11: Nắm chặt cây kiếm trí huệ Thiêng liêng huyền diệu.
Câu 12: Dẹp hẳn việc đời và dứt những mối nợ oan khiên ràng buộc con người vào cõi trần gian kể từ đây.
         Thật vậy, chúng sanh vì vô minh che lấp mất chân tánh, bị dục vọng, phiền não sai khiến, tạo ra muôn ngàn nghiệp ác, vì đó mà phải chơi vơi trong biển khổ luân hồi.
         Để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, con người phải có một hùng lực để tự chiến thắng tâm mình và dùng cây huệ kiếm, cây gươm thần diệu dẹp tan giặc thất tình, lục dục, chặt đứt mọi thứ dây trói buộc con người, dứt trừ oan khiên phiền não. Nếu đạt được như thế, thì con người mới mong thoát khỏi mọi điều khổ não, mọi oan khiên nghiệt chướng, hầu có thể trở lại cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

____________________________________________
  
THIÊN THỨ NHÌ

 KINH ĐỆ NHỨT CỬU
******




 I.-KINH VĂN:

NHỨT NƯƠNG

                    
Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo,
Khối hình hài đã chịu rã tan.
Bảy dây oan nghiệt hết ràng,
Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.
Kìa Thiên cảnh con đường vọi vọi,
Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu,
Cung Thiềm gắng bước cho mau,
Thoát ba Thần phẩm đứng đầu Tam Thiên,
Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại,
Đoạn cho rồi oan trái buổi sanh,
Đem mình nương bóng Chí Linh,
Định tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa.
Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh,
Phách anh linh ắt phải anh linh.
Quản bao thập ác lục hình,
Giải thi thoát khổ diệt hình đoạt căn.


NHỨT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

II.-NGUỒN GỐC Ý NGHĨA:

         Kinh Đệ Nhứt Cửu là một bài Kinh do Nhứt Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Nhứt Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ nhứt trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Nhứt Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay ôm đàn Tỳ bà. Nhứt Nương còn được gọi là Huỳnh Hoa Tiên Nữ.
         Nhiệm vụ của Nhứt Nương là cai quản vườn Ngạn Uyển nơi Diêu Trì Cung. Nơi vườn Ngạn Uyển có một bông hoa nở tức là một Chơn linh xuống trần đầu kiếp, có một bông hoa héo tàn thì có một Chơn linh thoát xác.

III.-CHÚ GIẢI:

Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo,
Khối hình hài đã chịu rã tan.
         Ngạn uyển  : Vườn hoa của Đức Diêu Trì Kim Mẫu do Bà Nhứt Nương Diêu Trì Cung trông coi.
         Sanh hoa đã héo: Một cánh hoa được sanh ra ở vườn Ngạn uyển nay đã héo tàn, tức là có một sanh mạng ở thế gian vừa mới chết.
         Khi có một Chơn linh giáng kiếp xuống trần thì trên vườn Ngạn uyển có một bông hoa vừa nở ra. Chơn linh làm điều thiện lương chân chánh thì sắc hoa tươi thắm, Chơn linh làm điều tà mị, gian ác thì hoa sẽ héo ủ xấu xa, khi thân xác của Chơn linh chết nơi cõi trần thì đóa hoa héo tàn.
         Bà Nhứt Nương Diêu Trì Cung đã giải thích trong Bài giáng cơ ngày 12-10-1934 như sau: “...mỗi cái hoa là một Chơn hồn của cả kẻ nguyên nhân, thạnh suy, thăng đọa chi cũng do nơi khối sanh hoa khi ấy, định sanh mạng của mỗi người”.
         Khối hình hài: Hay hình hài khối    là khối thân xác của con người bằng thịt xương.
         Rã tan: Tan rã ra từng phần rồi tiêu dứt.
Câu 1: Trong vườn Ngạn Uyển của Đức Phật Mẫu có một bông hoa đã héo (Ở thế gian một mạng người đã chết).
Câu 2: Khi con người đã chết thì khối hình hài thân xác phải rã tan thành đất.
         Theo Phật giáo, sự vật ở thế gian, tuy chúng ta trông thấy thật tướng, song nó chẳng thường tồn, mà vốn do nhơn duyên cấu sanh. Hễ nhơn duyên hiệp thì sanh, mà nhơn duyên tan thì mất.
         Thân xác con người cũng vậy, do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) duyên hiệp lại mà thành; khi tứ đại tan thì con người chết, hình hài tiêu rã để trở về với đất.

Bảy dây oan nghiệt hết ràng,
Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.
         Oan nghiệt  : Oan trái và ác nghiệt.
         Bảy dây oan nghiệt: Theo Đầu Sư Thượng Sáng Thanh trong quyển Bí Truyền Chơn Pháp, sự sống của con người do nơi khí Sanh quang nuôi nấng, khí sanh quang nơi mình chúng ta tụ tại 7 khiếu làm nên điễn lực, gọi là Thất khiếu sanh quang, phàm gọi là bảy dây oan nghiệt (hay bảy sợi từ khí).
         Bảy dây oan nghiệt là 7 dòng điễn lực nối liền giữa Chơn thần và thể xác, hễ điễn lực còn thì thi hài còn vận chuyển, sanh hoạt, điễn lực dứt thì thi hài phải chết. Khi sắp sửa chết thì thi hài phải chịu một phen khổ sở, đau đớn, vì bảy dây oan nghiệt này vẫn còn ràng buộc thể xác và Chơn thần, không bứt rời ra được.
         Chính vì lòng Đại từ bi, Chí Tôn mới ân xá, ban cho Đạo Cao Đài bí tích Cắt Dây Oan Nghiệt, tức là dùng diệu pháp cắt bảy cái mối năng lực đặng cho Chơn thần xa lìa xác tục, rồi cũng dùng diệu pháp mà đưa vào cõi Hư linh.
         Ấy vậy, làm phép xác cốt yếu là tắm gội xác tục và hồn với giọt nước Cam Lồ, cắt đứt bảy dây oan nghiệt cho Chơn thần lìa khỏi xác rồi đưa Chơn thần vào cõi Hư linh, nghĩa là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng, Tứ Đại Bộ Châu và Tam Thập Lục Thiên.
         Bợn trần: Những thứ dơ bẩn nơi cõi trần, làm thân tâm con người bị uế trược.
         Trần gian tánh vốn không trược (dơ bẩn), vì bị ngũ trược ô nhiễm, trở nên ô uế, không khiết tịnh. Tỉ như nước, tánh vốn sạch, trong trẻo, bị ô nhiễm đất, bùn vào sẽ trở thành đục, bẩn thỉu, nhưng khi lóng, gạn hết bụi đất, tánh trong của nước hiện ra.
         Nước ví như chân tánh,đất bụi ví như phiền não. Bản tánh con người luôn trong sạch, do vọng niệm, tham dục, mê mờ che lấp, khiến tánh thuần nhiên thanh tĩnh không hiển hiện được, nên cứ chìm sâu vào luân hồi sanh tử.
         Nếu muốn trở lại chân tánh thì phải giống như lóng nước đục: Gạn sạch hết bụi đất đi rồi thì chỉ còn nước trong, sạch. Ở đây, chúng ta gạn hết những phiền não ra khỏi bản tâm thì lúc ấy ta đã đoạn trừ được vô minh, mầm của luân hồi sanh tử.
         Rửa sạch muôn ngàn đau thương: Làm sạch hết những nỗi đau thương đã ô nhiễm vào Chơn thần.
Câu 3: Khi thân xác chết, bảy dây oan nghiệt bị cắt đứt đi, không còn buộc ràng Chơn thần nữa.
Câu 4: Và những thứ dơ bẩn nơi cõi trần được phủi sạch, nên cũng dứt được những nỗi đau thương.

Kìa Thiên cảnh con đường vọi vọi,
Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu.
         Thiên cảnh  : Cõi Trời, cõi Thiêng Liêng.
         Con đường vọi vọi: Con đường cao và xa vô cùng tận.
         Hồng Quân  : Cái khuôn lớn dùng để nặn ra các đồ vật. Nghĩa bóng chỉ Đấng Tạo Hóa, hay Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
         Ngọc Lầu: Tòa lầu bằng ngọc, chỉ Bạch Ngọc Kinh, tòa lầu đài thường ngự của Đức Chí Tôn.
         Đương chói: Đang chiếu sáng.
Câu 5: Kìa nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống con đường đi lên cao và xa không cùng tận.
Câu 6: Ánh sáng hào quang của Đức Chí Tôn chiếu sáng lòa rực rỡ tòa Bạch Ngọc Kinh.
         Về Bạch Ngọc Kinh nơi Thiên cảnh, Chơn hồn phải nhẹ nhàng bay vào con đường cao và xa vô tận.
         Bạch Ngọc Kinh được Đức Hộ Pháp thuyết Đạo trong Thiêng Liêng Hằng Sống như sau: “Lại gần tới, còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một tòa Thiên Các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả thoại khí bao quanh, làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy”.

Cung Thiềm gắng bước cho mau,
Thoát ba Thần phẩm đứng Tam Thiên.
         Cung Thiềm: Hay Thiềm cung  : Cung trăng. Thiềm là con thiềm thừ   tức con cóc. Tương truyền rằng nơi cung trăng có con thiềm thừ to lớn, sống rất lâu năm.
         Thần phẩm  : Phẩm vị Thiêng Liêng.
         Ba Thần phẩm: Ba phẩm cấp Thiêng Liêng (còn gọi thừa phẩm), đó là Thần, Thánh, Tiên.
         Ba Thần phẩm này mỗi phẩm lại chia làm ba phẩm cấp tạo thành 9 phẩm cấp gọi là Cửu phẩm Thần Thiên gồm: Địa Thần, Nhơn Thần, Thiên Thần, Địa Thánh, Nhơn Thánh, Thiên Thánh, Địa Tiên, Nhơn Tiên, Thiên Tiên (          ).
         Tam Thiên  : Ba ngôi Thiên. Đó là Thiên Thần  , Thiên Thánh  , Thiên Tiên  .
         Đứng đầu Tam Thiên: Đứng trên ba ngôi Thiên, là Thiên Thần, Thiên Thánh, Thiên Tiên, tức vào hàng Phật vị.
Câu 7: Kìa là Cung Thiềm (Cung Trăng), Chơn thần gắng bước cho mau.
Câu 8: Vượt qua ba Thần phẩm thì được đứng đầu Tam Thiên: Thiên Thần, Thiên Thánh, Thiên Tiên, tức vào hàng Phật vị.
         Bản thân con người là nửa người nửa Phật. Khi thoát xác rồi nếu đầy đủ công đức thì hoàn nguyên Phật vị. Trong bài Kinh Khai Cửu có câu “Đã quá chín tầng Trời đến vị”, tức là Chơn linh đi qua được Cửu Trùng Thiên thì đến ngôi vị Phật. Ở đây, lời Kinh nhắc nhở Chơn linh hãy mau cố gắng bước vào Cung Thiềm, phải vượt qua ba Thần phẩm là Thiên Thần, Thiên Thánh, Thiên Tiên, tức nhiên sẽ đắc hàng Phật vị.

Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại,
Đoạn cho rồi oan trái buổi sanh.
         Khá: Nên.
         Tỉnh thức: Hay thức tỉnh là tỉnh và biết rõ, không còn mê lầm nữa.
         Tiền duyên  : Duyên trước, tức là những mối duyên đã được định trước.
         Đoạn : Cắt đứt.
         Oan trái  : Mối nợ oan khiên.
         Buổi sanh: Hay sinh tiền, tức là lúc còn sống nơi cõi Trần
Câu 9: Nên thức tỉnh để nhớ lại duyên từ kiếp trước của mình.
Câu 10: Rồi cắt đứt những món nợ oan khiên do mình đã gây ra lúc sinh tiền nơi cõi thế gian.
         Khi Chơn thần vừa mới thoát xác, thần thức còn mê man, nay đã được chín ngày, thì khá nên thức tỉnh, để nhớ lại tiền duyên của mình là Phật tánh, đã luân hồi sinh tử biết bao kiếp để Chơn linh mượn nơi ấy mà tiến hóa. Đến nay căn nghiệp vừa mãn thì phải cắt đứt hết những mối nợ oan khiên do mình gây tạo lúc sinh tiền, hầu trở về với ngôi xưa vị cũ.

Đem mình nương bóng Chí Linh,
Định tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa.
         Nương: Tựa vào.
         Bóng: Ánh sáng.
         Chí Linh  : Chỉ Đức Chí Tôn.
         Định tâm  : Tập trung tâm vào một nơi, không để cho tâm bị tán loạn.
         Người ta thường ví “Tâm viên ý mã”    , tức là chỉ tâm ý cũng như con vượn và ngựa, lúc nào cũng chạy nhảy lăng xăng, không an định.
         Lại nữa, con người thường bị hoàn cảnh và vọng niệm sai sử, tâm ý không yên ổn, lúc nào cũng bị phân tán, cho nên thường sống trong lãng quên, thất niệm. Định tâm là thu nhiếp tâm ý vào một chỗ, chuyên chú vào một đối tượng, một cảnh, không để tâm bị tán loạn, hay chạy theo duyên ở quá khứ, hiện tại, tương lai. Tâm có định thì mới giúp cho con người sáng suốt, sống tỉnh thức, không còn đeo đuổi vọng niệm.
         Chí Thánh  : Rất Thánh thiện.
         Mới gìn ngôi xưa: Mới có thể giữ gìn ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng được.
Câu 11: Đem mình nương theo ánh sáng Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn dìu dắt.
Câu 12: An định tâm ý cho Thánh thiện thì mới có thể gìn giữ ngôi vị nơi Thiêng Liêng được.
         Người có duyên phần mới được gặp gỡ Đức Chí Tôn giáng cơ mở một mối Đạo, như lời Thánh giáo dạy: “Đạo Trời dìu bước nhơn sanh, đường Thánh dẫn người phàm tục. Sanh nhằm lối may mắn đặng gặp một Đạo Chánh, nếu chẳng lo dưỡng tánh trau mình, để bước vào đường Cực Lạc, thoát đọa Tam Đồ, một mai cảnh ủ bông tàn, rốt lại ăn năn vô ích”.
         Gặp đặng thời Đức Thượng Đế vì thương xót sanh linh, Đại khai ân xá kỳ ba để mở cơ tận độ, chúng sanh cần phải biết nhận thức điều đó mà nên đem mình nương theo ánh sáng của Đức Chí Tôn đã soi rọi, hầu thoát khỏi khổ luân hồi mà trở về quê xưa cảnh cũ. Thực vậy, bài Khai Kinh Kệ trong Di Lặc Chơn Kinh có câu: Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, tức là trăm ngàn muôn kiếp mà không duyên cũng khó mong gặp đặng Phật.
         Trong đàn cơ lúc 21 giờ đêm 12-1-Quí Dậu, một Chơn linh xưng là Thanh Tâm Tài Nữ cho Đức Hộ Pháp biết là Bà đi tái kiếp ở Hồng mao (nước Anh). Bà than rằng không duyên may mắn để gặp được Đức Chí Tôn. Bà nói rằng: “Em nghe Chí Tôn nơi này, chạy theo nơi nầy không gặp. Em nghe nói nơi khác, chạy nơi khác, cũng không gặp.
         Hỏi ra thì em khiếm khổ hạnh nên khó phép thấy Người, nên quyết luân hồi chịu khổ hạnh hầu gặp cho đặng, kẻo ức. Thương quá đỗi thương mà chưa từng thấy mặt.
         Thưa mấy chị,
         Đã may duyên gần gũi hình bóng của Người, ráng đặng gặp Người, kẻo sau ăn năn uổng lắm!
         Cái oan nghiệt kiếp sanh đáng ghê sợ chưa bằng không gặp mặt Chí Tôn, vì lẽ ấy mà biết bao nhiêu Tiên, Phật hạ trần chịu khổ. Xin mấy chị nghe:

THI

                     Phải đủ căn sanh mới thấy Trời,
                     Ai ai đừng tưởng dễ như chơi.
                     Nghe danh như chất chồng bên gối,
                     Cổ Phật không duyên khó gặp Người.
                                       Xin kiếu” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh.
Phách anh linh ắt phải anh linh.

         Định tỉnh  : Tập trung tinh thần để nhận biết mọi sự việc.
         Phách : Chơn thần, là một khí thể, bao bọc chung quanh xác thân con người. Nhờ Chơn thần mà xác thân con người được sống, và không bị tan rã.
         Anh linh  : Thiêng liêng sáng suốt.
Câu 13: Chơn hồn đã thoát xác, sau thời gian mê loạn, giờ được an trụ, tỉnh giác trở lại.
Câu 14: Chơn thần là thể Thiêng Liêng sáng suốt, bởi nhục thân sai sử, nay được thoát xác, thì phải trở lại anh linh sáng suốt.

Quản bao thập ác lục hình,
Giải thi thoát khổ diệt hình đoạt căn.
         Quản bao: Hay bao quản là sá chi, chẳng ngại.
         Thập ác  : Mười điều ác, tức mười ác nghiệp do bởi thân, khẩu, ý tạo ra. Thân nghiệp thì có ba điều ác: Giết hại, trộm cắp, tà dâm; ngữ nghiệp có bốn điều: Nói dối, nói thêu dệt, nói chia rẽ, lời mắng chửi độc ác; ý nghiệp có ba: Tham lam, giận dữ, si mê.
         Lục hình 六 形:Sáu hình tượng hay sáu ngoại cảnh chung quanh con người làm đối tượng tiếp xúc cho lục căn. Sáu hình tượng đó là: Sắc (hình sắc), thinh (âm thinh), hương (mùi thơm), vị (vị nếm), xúc (đụng chạm), pháp (mọi sự vật). Sáu hình tuợng này còn gọi là lục trần.
         Lục căn là sáu giác quan của con người: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (Nhãn , nhĩ , tỵ , thiệt , thân , ý ).
         Khi lục căn (hiện tượng sinh lý) tiếp xúc với lục trần (hiện tượng vật lý) thì phát sinh ra lục thức (hiện tượng tâm lý). Do có lục thức, tức là sáu cái biết phân biệt này mà con người khởi tâm mê đắm cái đẹp, mùi thơm, ngon ngọt, êm ái...
         Giải thi  : Cởi bỏ hình hài thi thể.
         Thoát khổ  : Thoát khỏi cảnh khổ.
         Diệt hình  : Tiêu diệt hình thể sắc tướng.
         Sắc tướng là cái hữu hình, mà hữu hình là hữu hoại. Như vậy sắc tướng, hình thể thì bị hư hoại, có thể diệt được. Trái lại với sắc tướng là vô tướng, vô sắc hay vô hình là thể thường tồn, bất diệt. Thân xác là sắc tướng nên dễ bị diệt, linh hồn là thể vô tướng nên thường còn, sống mãi.
         Đoạt căn  : Tìm cách chiếm lại căn gốc khi xưa. Đó là ngôi vị cũ nơi Thiêng Liêng.
Câu 15: Chẳng ngại gì mười ác nghiệp và sáu hình thức (lục trần) làm mê đắm ở cõi trần tục.
Câu 16: Vì giờ đây đã cởi bỏ hình hài thân xác rồi, tất nhiên cũng thoát khỏi cảnh khổ não nơi trần gian và hình thể bị diệt do đó Chơn linh đoạt lại ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng.
         Mang lấy thi hài hình thể, con người gây ra nhiều oan khiên nghiệt chướng. Nếu biết chọn đường tu thì chẳng e ngại gì về mười điều ác nghiệp hay sáu trần cảnh làm mê đắm Chơn thần, bởi vì lúc sinh tiền đã biết sợ, xa lánh nó rồi, khi chết đã cởi bỏ được thi hài, tức nhiên là thoát khỏi cảnh khổ bị đọa trần. Đến khi hình hài bị diệt, thì Chơn linh là thể vô vi lại nhẹ nhàng, nên có thể tìm trở lại nguyên căn của mình.

__________________________________________

THIÊN THỨ BA

 KINH ĐỆ NHỊ CỬU
*******




 I.-KINH VĂN:

NHỊ NƯƠNG 

                      
Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,
Chén trường sanh có lịnh ngự ban,
Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,
Chơn Thần khá đến hội hàng chư linh.
Đã thấy đủ Thiên đình huyền pháp,
Cổi giác thân lên đạp Ngân Kiều.
Đẩu tinh chiếu thấu Nguyên Tiêu,
Kim quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư.
Khí trong trẻo dường như băng tuyết,
Thần im đìm dường nét thiều quang.
Xa chừng thế giái Địa Hoàn,
Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.

NHỊ NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Nhị Cửu do Nhị Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Nhị Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ nhì trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Nhị Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay ôm Lư hương.
         Nhị Nương có nhiệm vụ cai quản vườn đào Tiên của Phật Mẫu, mở tiệc trường sanh thết đãi Chơn hồn rồi dìu dắt các Chơn hồn đến Ngân Kiều để cỡi Kim quang bay lên Ngọc Hư Cung chầu Thượng Đế.

III.-CHÚ GIẢI:

Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,
Chén trường sanh có lịnh ngự ban,

         Tây Vương Mẫu 西  : Tức là Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
         Vườn Đào: Vườn trồng cây Đào Tiên nơi Diêu Trì Cung. Đào Tiên là một loại cây có trái rất quí, chín ngàn năm mới có trái chín một lần, nên khi ăn được trái Đào Tiên thì được trường sanh bất tử.
         Theo Đức Hộ Pháp, nơi Diêu Trì Cung, “Phật Mẫu trụ sanh quang lại thành một khối gọi là quả Đào Tiên, đủ phép sống vĩnh viễn trường tồn nơi cõi Hư Linh”.
         Hội Yến Bàn Đào là một bữa tiệc mà Đức Phật Mẫu dành ban thưởng cho các Chơn linh đắc quả về hội hiệp cùng Ngài.
         Ướm chín: Sắp sửa chín.
         Chén: Một vật để đựng rượu, từ Hán Việt gọi là bôi .
         Trường sanh  : Sống lâu dài. Đây là một loại rượu nơi cõi Thiêng Liêng, uống vào thì được trường thọ.
         Chén trường sanh: Chén rượu trường sanh.
         Ngự ban  : Là một tiếng tôn xưng để chỉ Tây Vương Mẫu ban tặng.
Câu 1: Nơi Diêu Trì Cung có vườn Đào Tiên của Phật Mẫu, trái vừa sắp sửa chín.
Câu 2: Chơn hồn được Đức Phật Mẫu ban cho chén rượu trường sanh.

Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,
Chơn Thần khá đến hội hàng chư linh.

         Hồng : Lớn.
         Tiệc hồng: Yến tiệc to lớn, tiệc long trọng.
         Khá đến hội: Nên đến dự hội.
         Chư linh  : Chư vị Thiêng Liêng.
Câu 3: Yến tiệc long trọng đã chuẩn bị sẵn sàng.
Câu 4: Chơn Thần khá đến hội hiệp cùng các Đấng Thiêng Liêng.
         Đức Phật Mẫu thương xót chúng sanh đang trầm luân trong khổ hải, nên Ngài cùng Cửu Vị Tiên Nương hằng tìm cách tận độ tất cả chúng sanh về với cung Diêu Trì, bên Bà Mẹ Thiêng Liêng. Trong bài Kinh “Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu” có câu:
                           Ngồi trông con đặng phi thường,
                     Mẹ đưa con đến tận đường hằng sanh.
         Chính vì thế, Chơn linh nào đắc Đạo sẽ được Phật Mẫu ban thưởng, được Nhị Nương tiếp rước vào nhập tiệc Bàn Đào, cùng dự với chư Thiêng Liêng. Theo Đức Hộ Pháp, Hội Yến Diêu Trì là ăn được quả Đào Tiên, uống được Tiên tửu, mới nhập vô cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống gọi là Nhập Tịch. Đây là phần thưởng cao trọng cho các Chơn linh đắc quả.

Đã thấy đủ Thiên đình huyền pháp,
Cổi giác thân lên đạp Ngân Kiều.
         Thiên đình  : Triều đình nơi cõi Thiêng Liêng. Chỉ cõi Trời.
         Huyền pháp  : Phép huyền diệu.
         Cổi: Giải bỏ.
         Giác thân  : Cái thân có sự hiểu biết, có ngũ giác quan. Đó là chỉ thân phàm.
         Ngân kiều  : Cây cầu bắc qua sông Ngân Hà.
         Ngân Hà   là một con sông nơi cõi Thiêng Liêng. Tương truyền Ngưu Lang Chức Nữ bị phạt, chia cách tình yêu giửa sông Ngân, mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần mà thôi. Vì thế, Ngân Hà được coi như là một dòng sông đau khổ.
Câu 5: Đến đây Chơn hồn mới thấy đủ các huyền phép của cõi Thiêng Liêng.
Câu 6: Giải bỏ xác thân phàm, Chơn thần mới bước chân lên cầu bắt qua sông Ngân.

ĐẩuTinh chiếu thấu Nguyên Tiêu,
Kim Quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư.
         Đẩu Tinh  : Ngôi sao Bắc Đẩu. (Xem chú thích Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối)
         Nguyên Tiêu  : Từng Trời đầu tiên.
         Kim quang  : Ánh sáng màu vàng.
         Kiệu : Cái đồ dùng để khiêng người đi.
         Kim quang kiệu đỡ: Ánh sáng màu vàng làm như chiếc kiệu để đỡ Chơn hồn đi.
         Đến triều: Tới để chầu lễ.
         Ngọc Hư  : Ngọc Hư Cung, cung ngự của Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Câu 7: Sao Bắc Đẩu chiếu sáng thấu đến tầng Trời đầu tiên.
Câu 8: Ánh sáng màu vàng (hào quang) làm thành chiếc kiệu đỡ gót cho Chơn thần để đưa đến chầu Đức Chi Tôn nơi Ngọc Hư Cung.

Khí trong trẻo dường như băng tuyết,
Thần im đìm dường nét thiều quang.
         Khí Thần  : Là hai trong ba thể Tam bửu của con người. Tinh là xác thân đã bị giải thể, khí là Chơn thần và thần là Chơn linh.
         Băng tuyết  : Giá và tuyết. Chỉ sự trong sạch.
         Im đìm: Im lặng.
         Thiều quang  : Ánh sáng tốt đẹp. Ánh sáng mùa xuân.
Câu 9: Chơn thần trong suốt và tinh khiết như là băng giá.
Câu 10: Chơn linh lặng lẽ im đìm dường như ánh sáng mùa xuân đẹp.
         Chơn thần và Chơn linh của người tu hành khi thoát khỏi hình hài trọng trược nơi thế gian rồi, Chơn thần là một thể khí trong sạch như băng tuyết và đặng nhẹ nhàng thanh thoát, cùng với Thần hay Chơn linh là một lằn ánh sáng đẹp đẽ, im đìm, cả hai đều cùng trở về với cõi Hư linh, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Xa chừng thế giới Địa hoàn,
Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.
         Xa chừng: Xa độ khoảng.
         Địa hoàn  : Khắp cả trái đất. Chỉ Địa cầu.
         Cõi Thiên đẹp thấy: Thấy được cõi Thiêng Liêng đẹp đẽ.
         Cao thăng  : Thăng lên cao.
Câu 11: Chơn thần đã bay khá xa với thế giới của Địa cầu này.
Câu 12: Thấy được cõi Thiêng Liêng đẹp đẽ, nên Chơn thần nhẹ nhàng thăng lên cao.
   
________________________________________________

THIÊN THỨ TƯ

 KINH ĐỆ TAM CỬU
******



I.-KINH VĂN:


TAM NƯƠNG 

                       
Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng Đảo,
Động Thiên Thai bảy Lão đón đường,
Cam Lồ rưới giọt nhành dương,
Thất tình lục dục như dường tiêu tan.
Cung Đẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc,
Đệ lịnh bài cánh hạc đưa linh.
Tiêu thiều lấp tiếng dục tình,
Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.
Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,
Hội Thánh minh giao sách Trường xuân.
Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn,
Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng Thiên.
TAM NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG




II.-NGUỒN GỐC Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Tam Cửu do Tam Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Tam Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ ba trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Tam Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên phải Đức Phật Mẫu, tay cầm bửu pháp là Quạt Long Tu.
         Tam Nương có nhiệm vụ tiếp dẫn Chơn hồn lên tầng Trời Thanh Thiên, để được rưới nước Cam Lộ cho tiêu thất tình lục dục hầu vào Cung Như Ý bái kiến Thái Thượng Lão Quân. Sau đó, đưa Chơn hồn đến Hội Thánh Minh học sách Trường Xuân để Chơn hồn có thể tiếp tục lên cõi Huỳnh Thiên.

III.-CHÚ GIẢI:

Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng Đảo,
Động Thiên Thai bảy Lão đón đường,
         Thanh Thiên  : Là một tầng Trời trong Cửu Trùng Thiên, có ánh sáng màu xanh.
         Bồng Đảo  : Đảo Bồng Lai  , một hòn đảo có Tiên ở.
         Tương truyền Biển Bột Hải   có nước rất yếu ớt, không đỡ nổi một hột cải, nên được gọi là Nhược thủy  . Biển này có ba hòn đảo:
         -Bồng Đảo  , trên đó có một ngọn núi gọi là Bồng Lai   hay Bồng Sơn  . Núi này là nơi tu luyện của Bát Tiên.
         -Doanh Đảo   hay Doanh Châu  .
         -Phương Đảo  , Phương Châu   hay Phương Trượng  .
         Thiên Thai  : Tên một ngọn núi có Tiên ở.
         Đời nhà Đông Hán   có Lưu Thần   và Nguyễn Triệu   vào hái thuốc ở núi Thiên Thai bị lạc, gặp hai nàng Tiên nữ kết làm vợ chồng, được nửa năm nhớ quê nhà, xin trở về thăm. Về đến nhà thì đã quá bảy đời người, tức là các con và cháu đến đời thứ bảy rồi.
         Sau hai người Lưu, Nguyễn lại tìm trở vào núi và mất tích nơi ấy.
         Bảy Lão: Đây chỉ bảy vị Tiên Ông, có lẽ tu luyện ở núi Bồng Lai, đó là Lý Thiết Quài, Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lâm Thái Hòa và Tào Quốc Cựu. Thực ra đây là Bát Tiên, trong đó có bảy Tiên Ông và một vị nữ Tiên là Hà Tiên Cô.
         Có thuyết cho rằng bảy Lão là Trúc Lâm Thất Hiền đời nhà Tấn bên Trung Hoa. Bảy Ông Hiền là Nguyễn Tịch, Kê Khang, Hướng Tú, Lưu Linh, Sơn Đào, Nguyễn Hàm và Vương Nhung. Thuyết này e rằng không đạt ý Kinh. Bởi vì nơi đây là cõi Bồng Lai và Thất Hiền chỉ là các vị ẩn sĩ sống theo lối tự nhiên theo triết lý Lão Trang, được xã hội thời bấy giờ xưng tụng là bảy Hiền sĩ, gọi Trúc Lâm Thất Hiền. Lại nữa, không thấy Kinh sách nói Thất hiền tu luyện đạt thành quả vị Tiên.
         Theo Kinh, bảy Lão trong Động Thiên Thai phải là bảy vị Tiên đã đắc Đạo đến để đón rước Chơn linh. Như thế, theo thiển ý, đó phải là bảy vị Tiên Ông trong Bát Tiên, là những vị Tiên có sứ mạng trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Như ta biết, ba vị Thiên sứ khai nền Đại Đạo chính là Chơn linh cao trọng trong Bát Tiên: Đức Quyền Giáo Tông là Chơn linh của Lý Thiết Quài, Đức Thượng Phẩm là Chơn linh của Hớn Chung Ly, Đức Thượng Sanh là Chơn linh của Lữ Đồng Tân.....
Câu 1: Từ cõi Trời Thanh Thiên đi lên miền Bồng Lai Tiên cảnh.
Câu 2: Nơi Động Thiên Thai có bảy vị Tiên Ông đón tiếp Chơn linh.

Cam Lồ rưới giọt nhành dương,
Thất tình lục dục như dường tiêu tan,
         Cam Lồ: Hay Cam Lộ  : Một thứ nước huyền diệu do các Đấng Tiên Phật luyện thành.
         Nước Cam Lộ được đựng trong Tịnh Bình của Đức Quan Âm Bồ Tát.
         Theo Ngài Đầu Sư Thướng Sáng Thanh, nơi Lôi Âm Tự có một cây dương bao trùm cả Lôi Âm, mỗi chót lá của nhánh dương có một giọt sương. Một giọt sương là một sanh mạng của con người. Hễ giọt sương ấy rơi thì con người phải tuyệt. Vậy phải đến Lôi Âm Tự lấy nước Cam Lộ.
         Nhưng may duyên thay! Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ đại ân xá của Đức Chí Tôn, Đạo Cao Đài cũng có được nước Cam Lộ để trừ bỏ trược kiếp, oan nghiệt tội chướng, bằng bí pháp luyện Cam Lộ Thủy.
         Rưới giọt: Rãi từng giọt xuống.
         Nhành dương: Nhành dương liễu.
         Thất tình lục dục: Xem chú thích nơi bài Cầu Hồn Khi Hấp Hối.
Câu 3: Nhành dương liễu nhúng vào nước Cam Lộ của các Đấng Thiêng Liêng.
Câu 4: Rãi lên Chơn thần từng giọt để làm tiêu tan thất tình lục dục.
         Ý nghĩa hai câu Kinh này gợi cho ta suy nghĩ: Có lẽ nhờ hưởng bí pháp “Đoạn căn”, tức là dùng nhánh dương liễu nhúng vào nước Cam Lồ (do Chức sắc hành pháp) để rưới tắt dục tình của Chơn thần, nên Chơn linh mới đến đặng cõi Thanh Thiên.

Cung Đẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc,
Đệ lịnh bài cánh hạc đưa linh.
         Cung Đẩu Tốt: Tức là Đâu Suất Thiên Cung     của Đức Thái Thượng Lão Quân.
         Nhặt khoan: Lúc nhanh lúc chậm.
         Tiếng nhạc: Âm thanh như điệu nhạc.
         Đệ : Theo thứ tự mà truyền đi, hoặc thay lượt mà chuyển đi. Ví dụ: Đệ trình  : Trình lên cấp trên.
         Lịnh bài  : Thẻ ra lệnh, cái thẻ bài của cấp trên cấp cho để truyền hiệu lệnh.
         Cánh hạc: Chim hạc.
         Đưa linh: Đưa linh hồn đi.
Câu 5: Tiếng nhạc khi nhanh khi chậm vang từ Đâu Suất Thiên Cung.
         Tiếng nhạc từ Đâu Suất Thiên Cung, nhặt khoan vang vọng ra xa xa, âm thanh du dương, réo rắt. Đây bên Phật gọi là Thiên nhạc.
         Theo Kinh Di Đà, cõi Cực Lạc cũng có Thiên nhạc. (Kinh viết: Bỉ Phật Quốc độ thường tác Thiên nhạc...nghĩa là Cõi nước Phật thường trỗi Thiên nhạc...). Thiên nhạc có hai loại:
         Chư Thiên chi nhạc: Tức là các loại âm nhạc do chư Thiên trong tam giới thường diễn tấu lên để cúng dường Đức Phật.
         Thiên nhiên nhạc: Nghĩa là loại âm nhạc tự nhiên vang ra thành tiếng. Như Kinh Đại Bổn nói: “Cũng tự nhiên có vạn thứ âm nhạc, không tiếng nhạc nào là không thanh tịnh, trong trẻo, thông suốt, vi diệu, trong sáng, thanh nhã, hết thảy các thứ âm thanh trong thế gian chẳng sánh được nổi”.
Câu 6: Được lịnh bài thì chim hạc đưa chơn linh lên.

Tiêu thiều lấp tiếng dục tình,
Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.
         Tiêu thiều  : Tiêu là ống tiêu, thiều là sáng đẹp, vẻ vang. Tiêu thiều là tên một khúc nhạc trong đời vua Ngu Thuấn, một khúc nhạc dạy dân phải có lòng chính đính, cao thượng, không tà dại dâm loạn.
         Theo Thiên Thuấn Điển trong Kinh Thư, khi vừa mới lên ngôi, vua Thuấn dạy ông Quỳ  về nhạc như sau: Thầy Quỳ! Ta sai ngươi giữ âm nhạc, dạy các con trưởng từ con vua đến con quan khanh nên chính trực mà ôn hòa, khoan dung mà hơi ngặt, cương nghị mà không tàn ngược, giản dị mà không ngạo mạn. Cách dạy nên tham về âm nhạc. Thơ để bày tỏ chí khí, bài ca vịnh ngôn, thanh nương theo vịnh, luật hòa với thanh. Bát âm đều hòa hiệp rồi, không chen lấn nhau, cho nên dùng vào việc tế tự, quỷ thần cùng người đều hòa cả.
         Ông Quỳ thưa rằng: Ôi! Tôi đánh và vỗ vào đá ra tiếng âm nhạc, trăm loài thú đều kéo nhau đến nhảy múa.
         (Quỳ! Mệnh nhữ điển nhạc, giáo trụ tử. Trực nhi ôn. Khoan nhi lật. Cương nhi vô ngược. Giản nhi vô ngạo. Thi ngôn chí. Ca vịnh ngôn. Thanh y vịnh. Luật hòa thanh. Bát âm khắc hài, vô tương đoạt luân, thần nhân dĩ hòa. Quỳ viết: Ư! Dư kích thạch, phụ thạch, bách thú suất vũ.                                       .
                  ).
         Kinh Thư có dẫn: Khi nhạc Tiêu thiều tấu đến khúc thứ 9 thì chim phượng hoàng đến múa, coi có vẻ uy nghi (Tiêu thiều cửu thành, phụng hoàng lai nghi       ).
         Như vậy, Tiêu thiều là khúc nhạc hay, có thể khiến người nghe xong tâm hồn trở nên chính đính, thanh cao.
         Bờ dươngDo chữ dương bạn  , là một dãi bờ trồng hàng dương liễu. Cây dương không nhiễm bụi trần, nên bờ dương thường được ví là bờ đạo đức hay bờ giác ngộ.
         Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài thi như sau:
                     Ký thành một cuốn gọi Thiên thơ,
                     Khai Đạo muôn năm trước định giờ.
                     May bước phải gìn cho mạnh chí,
                     Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.
Câu 7: Khúc nhạc Tiêu thiều ngăn lấp bớt mối dục tình.
Câu 8: Chim phụng hoàng đưa Chơn thần đi vào bờ đạo đức.

Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,
Hội Thánh Minh giao sách Trường xuân.
         Cung Như Ý: Hay Như Ý Cung   , cung của Đức Thái Thượng Lão Quân.
         Lão Quân  : Tức Thái Thượng Đạo Tổ.
         Hội Thánh Minh: Một phiên hội chư Thánh, chư Tiên do Đức Thái Thượng Đạo Quân tổ chức nơi cung Như Ý.
Câu 9: Nơi cung Như Ý, Đức Thái Thượng Đạo Tổ tiếp chư Thánh Tiên.
Câu 10: Và trong Hội Thánh Minh, Đức Ngài giao cho Chơn linh quyển Trường xuân sách đặng qua cõi Huỳnh Thiên.

Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn,
Chơn thần khoái lạc lên đàng vọng Thiên.
         Thanh quang  : Ánh sáng màu xanh.
         Rỡ rỡ: Sáng ngời, rực rỡ.
         Đòi ngàn: Rừng núi trùng điệp.
         Vọng Thiên  : Trông ngóng vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
         Khoái lạc  : Vui vẻ.
Câu 11: Ánh sáng màu xanh rực rỡ soi khắp núi rừng trùng điệp.
Câu 12: Chơn hồn sung sướng vui vẻ lên đường mà trông ngóng về cõi Thiêng Liêng.

_____________________________________________

THIÊN THỨ NĂM

 KINH ĐỆ TỨ CỬU
*****







I.-KINH VĂN:


TỨ NƯƠNG

                         
Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc,
Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chơn Tiên,
Năm Rồng đỡ nổi đầu thuyền,
Vào cung Tuyệt Khổ kiến Huyền Thiên Quân.
Trừ quái khí roi thần chớp nhoáng,
Bộ Lôi Công giải tán trược quang.
Cửa lầu Bát Quái chun ngang,
Hỏa Tinh Tam Muội thiêu tàn oan gia.
Đạp Thái Sơn nhảy qua Đẩu Suất,
Vịn Kim Câu đến chực Thiên Môn.
Chơn thần đã nhập Càn khôn,
Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sanh.

TỨ NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Tứ Cửu do Tứ Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Tứ nương Diêu Trì cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ tư trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Tứ Nương mặc áo màu đỏ, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, tay cầm Kim Bảng.
         Tứ Nương có nhiệm vụ tiếp dẫn các Chơn hồn lên tầng Trời Huỳnh Thiên, nhờ thuyền rồng ngũ sắc đưa vào Cung Tuyệt Khổ yết kiến Đức Huyền Thiên Quân, dìu Chơn hồn chun ngang Bát quái, thiêu hết oan gia nghiệt chướng, để được nhẹ nhàng lên núi Thái Sơn, qua cung Đâu Suất, cỡi Kim mao hẩu về cõi Xích thiên.

III.-CHÚ GIẢI:

Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc,
Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chơn Tiên,
         Sắc huỳnh: Hay Huỳnh sắc 黃 色 là màu vàng.
         Chiếu : Soi, rọi.
         Roi: Lưu dấu.
         Đường hạc: Đường bay của chim hạc.
         Huỳnh Thiên 黃 天: Một tầng trời có ánh sáng màu vàng.
         Nhẹ thoát chơn Tiên: Bước chơn Tiên đi một cách nhẹ nhàng thanh thoát.
Câu 1: Sắc màu vàng chiếu sáng trên đường bay của chim hạc.
Câu 2: Trên cõi Huỳnh Thiên bước chân Tiên đi một cách nhẹ nhàng thanh thoát.

Năm rồng đỡ nổi đầu thuyền,
Vào cung Tuyệt khổ kiến Huyền Thiên Quân.
         Năm rồng: Năm con rồng.
         Đỡ nổi: Chống đỡ cho nổi lên.
         Cung Tuyệt khổ: Hay Tuyệt Khổ Cung 絕 苦 宮, một cung ở tầng Huỳnh Thiên.
         Kiến : Tức là bái kiến.
         Huyền Thiên Quân 玄 天 君: Là một Đấng Thiêng Liêng nơi Cung Tuyệt Khổ.
Câu 3: Thuyền có năm con rồng đỡ đầu chiếc thuyền nổi lên.
Câu 4: Đưa Chơn hồn vào cung Tuyệt Khổ để bái kiến Đức Huyền Thiên Quân.

Trừ quái khí roi thần chớp nhoáng,
Bộ Lôi Công giải tán trược quang.
         Quái khí 怪 氣: Một thứ khí có hại như tà khí.
         Roi thần: Cây roi thần diệu.
         Chớp nhoáng: Tia chớp lóe sáng.
         Bộ Lôi công: Hay Lôi công bộ 雷 公 部: Bộ coi về sấm sét.
         Giải tán 解 散: Làm cho tiêu tan hết.
         Trược quang 濁 光: Ánh sáng uế trược, khí uế trược.
Câu 5: Ánh sáng chớp nhoáng của roi thần lóe lên để trừ tà khí của Chơn thần.
Câu 6: Thần sấm sét trong bộ Lôi công trừ tiêu tan hết những trược quang.
         Con người chịu biết bao nhiêu kiếp luân hồi sanh tử, nên trược khí ở cõi thế gian đã thâm nhiễm vào Chơn linh như Kinh Giải Oan đã viết:
                     Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,
                     Mùi đau thương đã thấm Chơn linh.
         Vì vậy, khi Chơn hồn về đến cõi Huỳnh Thiên thì được Lôi thần dùng roi Thiêng liêng để trừ tà khí và giải tán những uế trược đã ô nhiễm vào Chơn thần. Đó cũng là một bí pháp giúp cho Chơn hồn có tu được tiếp tục đi lên những cõi Thiêng Liêng khác.

Cửa lầu Bát Quái chun ngang,
Hỏa Tinh Tam Muội thiêu tàn oan gia.
         Lầu Bát Quái: Hay Bát Quái Lâu 八 卦 樓: Một cái lầu hình Bát Quái nơi cõi Thiêng liêng.(Xem chú giải về Bát Quái Đài ở phần trên).
         Chun ngang: Chui ngang qua.
         Hỏa tinh 火 星: Sao Hỏa. Theo ý nghĩa câu kinh, đây chỉ về lửa.
         Tam muội 三 昧: Lửa Tam Muội, một loại lửa được luyện bằng cách lấy chơn hỏa của ngũ hành trong cơ thể con người mà luyện thành.
         Thiêu tàn 燒 殘: Đốt cháy sạch hết.
Câu 7: Đến tầng Trời này Chơn hồn phải đi ngang qua cửa lầu Bát Quái nơi cõi Thiêng Liêng.
Câu 8: Nhờ vậy các đấng Thiêng Liêng mới dùng lửa Tam muội để đốt tiêu hết các oan gia nghiệp chướng.

Đạp Thái Sơn nhảy qua Đẩu Suất,
Vịn Kim Câu đến chực Thiên Môn.
         Thái Sơn 太 山: Một ngọn núi ở cõi Huỳnh Thiên.
         Đâu Suất 兜 率: Tức Đâu Suất Thiên Cung 兜率 天 宮, một cung của Đức Thái Thượng Lão Quân.
         Kim câu 金 拘: Là một cái lịnh bài bằng vàng dùng để điều khiển chư Thiêng Liêng. Nếu một Chơn hồn được Kim câu bài thì có thể vào Thiên môn.
         Thiên môn 天 門: Cửa Trời.
Câu 9: Đến được cõi giới này, Chơn hồn có thể từ núi Thái Sơn mà đi qua Đâu Suất Thiên Cung của Đức Thái Thượng.
Câu 10: Được thẻ lệnh gọi là Kim Câu Bài của Đức Thái Thượng Lão Quân cấp cho thì Chơn hồn mới đi đến cửa Trời một cách dễ dàng.

Chơn thần đã nhập Càn khôn,
Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sanh.
         Nhập : Vô, vào.
         Càn Khôn 乾 坤:Tức là Càn khôn Vũ trụ hay Trời đất.
         Độ thế 度 世: Cứu giúp đời.
         Bảo tồn 保 存: Giữ gìn cho còn mãi.
Câu 11: Đến cõi giới này, khi Chơn thần được đắc đạo thì có thể xuất nhập vào Càn khôn Vũ trụ.
Câu 12: Chơn thần được quyền nhập vào cõi thế để cứu giúp người đời hầu bảo tồn vạn linh, sanh chúng.

 __________________________________________________

THIÊN THỨ SÁU

 KINH ĐỆ NGŨ CỬU
******




I.-KINH VĂN:


NGŨ NƯƠNG 

                      
Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ,
Cõi Xích Thiên vội mở ải quan.
Thiên Quân diêu động linh phan,
Cả miền Thánh vức nhộn nhàng tiếp nghinh.
Đài Chiếu giám cảnh minh nhẹ bước,
Xem rõ ràng tội phước căn sinh.
Lần vào cung Ngọc Diệt Hình,
Khai kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên.
Đắc văn sách thông Thiên định Địa,
Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân.
Kỵ kim quang kiến Lão Quân,
Dựa xe Như Ý oai thần tiễn thăng.

NGŨ NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Ngũ Cửu do Ngũ Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Ngũ Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ năm trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Ngũ Nương mặc áo màu đỏ, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay cầm cây Như Ý.
         Ngũ Nương Diêu Trì Cung có nhiệm vụ tiếp dẫn Chơn hồn đến tầng Xích Thiên, đưa Chơn hồn đến đài Chiếu Giám để xem rõ những hành vi tội phước của mình nơi thế gian, rồi tiếp tục dẫn đến khai Kinh Vô Tự đặng thấy được quả duyên của mình. Sau đó, nhờ xe Như Ý đưa Chơn hồn tiếp lên tầng Trời trên.

III.-CHÚ GIẢI:

Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ,
Cõi Xích Thiên vội mở ải quan.
         Ánh hồng chiếu: Ánh sáng màu hồng rọi chiếu.
         Đường mây: Mây làm thành đường đi.
         Rỡ rỡ: Rực rỡ, sáng chói.
         Xích Thiên 赤 天: Từng Trời có màu hồng. Từng Trời này tất cả ánh sáng đều màu hồng.
         Vội mở: Vội vàng mở ra.
         Ải quan: Hay quan ải 關 隘: Chỗ đất hiểm trở ở nơi biên giới hai nước. Ở đây chỉ cái cổng vào nơi cõi Xích Thiên.
Câu 1: Chơn hồn đi trên mây có ánh sáng màu hồng chiếu rực rỡ.
Câu 2: Đến từng Xích Thiên thì cửa ải vội vàng mở ra để tiếp rước Chơn hồn.

Thiên Quân diêu động linh phan,
Cả miền Thánh vức nhộn nhàng tiếp nghinh.

         Thiên quân 天 軍: Hay là Thiên binh, Thiên tướng, tức chỉ những binh tướng nơi cõi Thiêng Liêng.
         Diêu động 搖 動: Hay dao động: Lung lay, đưa qua đưa lại.
         Linh phan 靈 幡: Cây phướn linh.
         Thánh vức: Hay Thánh vực 聖 域: Vùng đất Thánh, chỉ cả vùng nơi Xích Thiên.
         Nhộn nhàng: Rộn rịp.
         Tiếp nghinh 接 迎: Đón tiếp.
Câu 3: Vị Thiên quân lay động phất cây phướn linh để chào đón một Chơn hồn về cõi Xích Thiên.
Câu 4: Miền đất Thánh Thiêng Liêng đang nhộn nhịp tiếp đón một Chơn hồn về từ cõi địa hoàn.

Đài Chiếu giám cảnh minh nhẹ bước,
Xem rõ ràng tội phước căn sinh.

         Đài chiếu giám: Hay Chiếu giám đài 照 鑑 臺: Cái đài có đặt một tấm gương để soi rọi tội phước. Tấm gương đó gọi là Minh cảnh 明 鏡 nghĩa là gương sáng, dùng để soi rọi các Chơn hồn khi thác xuống thấy đặng những hành vi thiện ác trong kiếp sống nơi cõi thế gian. Đài này còn gọi là Minh cảnh đài 明 鏡 臺.
         Trong Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp nói về Minh Cảnh Đài như sau: “Trước mặt chúng ta, chúng ta thấy khi trước chúng ta làm những việc gì, nay nó sẽ chiếu lại cho xem chẳng khác gì mình xem tuồng hát bóng vậy. Mỗi khi mình hành động gì trong kiếp sanh khi xưa, hôm nay đều ngó thấy trước mặt, và cây cân công bình ấy tùy theo nên hư, tội phước mà hiện tượng ra hết thảy, quyết đoán một cách công bình, không sai chút nào hết. Phải chăng đó là huyền bí của Toà Thiêng Liêng ấy”.
         Xem rõ ràng tội phước: Những phước đức và tội lỗi của một con người tạo ra ở nơi thế gian sẽ được lập lại khi Chơn hồn đứng soi trước Minh cảnh đài một cách rõ ràng, y hệt như cuốn phim quay lại các sự việc.
         Căn sinh 根 生: Những lời nói hay hành vi thiện ác tạo thành cái gốc rễ trong kiếp sống nơi thế gian.
Câu 5: Về đến cõi này, Chơn hồn nhẹ nhàng bước đến đài Chiếu Giám (Minh cảnh đài).
Câu 6: Bao nhiêu tội phước mà Chơn hồn đã gây ra suốt kiếp sống nơi cõi trần đều được xem lại một cách rõ ràng trong gương Minh cảnh.

Lần vào cung Ngọc Diệt Hình,
Khai kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên.

         Lần vào: Lần lần đi vào trong.
         Cung Ngọc Diệt Hình: Hay Ngọc Diệt Hình Cung    : Một Cung diệt bỏ hết hình tướng nơi từng Trời Xích Thiên. Trong đó có Kinh Vô Tự.
         Kinh Vô Tự 無 字 經: Là một quyển Kinh, trong ấy không có chữ viết. Khi Chơn hồn đến cõi này, đi vào trong Cung Ngọc Diệt Hình để mở quyển Kinh Vô Tự ra xem thì chữ viết hiện ra ghi rõ lý lịch và những hành vi thiện ác của Chơn hồn trong kiếp đương sanh ở nơi cõi trần.
         Trong Thiêng Liêng Hằng Sống, đêm 26-1-năm Kỷ Sửu (23/2/1949), Đức Hộ Pháp nói về quyển Kinh Vô Tự như sau: “...chúng ta đến một Cung có một quyển sách Thiên Thơ để trước mặt ta, dở ra xem thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì thì trong quyển Thiên Thơ ấy nó hiện tượng ra hết; chúng ta tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là đoạt đến địa vị nào, mình đứng đến mức nào thì cũng do mình định đoạt lấy”.
         Quả duyên 果 緣: Cái kết quả đạt được do những nhơn duyên mà ta đã tạo ra. Ví dụ được hạt lúa (Quả) là do cái nhơn duyên mà ta làm như cày bừa, gieo mạ, phân, nước...(duyên)
Câu 7: Chơn hồn đi lần lần vào trong Cung Ngọc Diệt Hình.
Câu 8: Mở quyển Kinh Vô Tự tức là quyển kinh không chữ viết để xem quả duyên của mình.

Đắc văn sách thông Thiên định Địa,
Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân.

         Đắc văn sách 得 文 冊: Được một quyển sách.
         Thông Thiên định Địa 通 天 定 地: Thông hiểu và định đoạt được các việc trong Trời đất.
         Phép huyền công: Phép tắc do công phu tu luyện được có thể biến hóa một cách thần diệu.
         Trụ nghĩa 住 義: Đứng vào những điều nghĩa, tức là ở trong vòng những điều đúng theo đạo lý.
         Hóa thân 化 : Dùng phép thuật huyền diệu để biến hóa thân mình.
Câu 9: Đến đây, Chơn hồn sẽ được một quyển sách Thiêng Liêng, trong đó dạy thông suốt và định đoạt về các việc Trời đất.
Câu 10: Đạt được phép huyền công biến hóa thân mình để hành xử những điều nghĩa.

Kỵ kim quang kiến Lão Quân,
Dựa xe Như Ý oai thần tiễn thăng.

         Kỵ : Cỡi.
         Kim quang 金 光: Lằn ánh sáng màu vàng, hay hào quang màu vàng.
         Kiến Lão Quân 見 老 君: Bái kiến Đức Thái Thượng Lão Quân.
         Dựa: Nương vào, cậy vào.
         Xe Như Ý: Hay Như Ý xa 如 意 車: Xe Như ý của Đức Thái Thượng Lão Quân. Xe này có thể đến bất kỳ nơi đâu theo ý muốn.
         Oai thần: Hay thần uy 神 威: Cái oai linh thần diệu.
         Tiễn thăng 餞 升: Đưa tiễn bay lên cao.
Câu 11: Chơn thần được cỡi lên hào quang màu vàng để đưa đi bái kiến Đức Thái Thượng Lão Quân.
Câu 12: Nương vào xe Như Ý, Chơn hồn được đưa tiễn lên đến cõi Kim Thiên, với oai nghi thần diệu.

_____________________________________________

THIÊN THỨ BẢY

 KINH ĐỆ LỤC CỬU
*****




I.-KINH VĂN:
LỤC NƯƠNG 

                          
Bạch Y Quan mở đàng rước khách,
Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.
Vào cung Vạn Pháp xem qua,
Cho tường cựu nghiệp mấy tòa Thiên nhiên,
Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự,
Lãnh Kim sa đặng dự Như Lai.
Minh Vương Khổng Tước cao bay.
Đem Chơn thần đến tận đài Huệ Hương.
Mùi ngào ngạt thơm luôn Thánh thể,
Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.
Thiên thiều trổi tiếng nhặt khoan,
Đưa linh thẳng đến Niết Bàn mới thôi.
LỤC NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG


  
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
          Bài Kinh Đệ Lục Cửu do Lục Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Lục Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ sáu trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện tại Báo Ân Từ, Lục Nương mặc áo màu đỏ, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, tay cầm phướn Tiêu Diêu (hay phướn Truy Hồn).
         Lục Nương có nhiệm vụ cầm phướn Truy Hồn tiếp dẫn các Chơn hồn lên tầng Kim Thiên, rồi đưa Chơn hồn vào cung Vạn Pháp để xem lại cựu nghiệp của mình, tiếp tục vào cung Lập Khuyết xem lại ngôi xưa vị cũ, và được chim Khổng tước chở lên đài Huệ Hương khử trừ trược khí rồi vào cõi Niết Bàn.

III.-CHÚ GIẢI:

Bạch Y Quan mở đàng rước khách,
Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.

         Bạch Y Quan 白 衣 冠: Một miền nơi cõi Kim Thiên có ánh sáng đều màu trắng.
         Mở đàng rước khách: Khai mở con đường để tiếp rước khách.
         Nhẹ tách: Nhẹ nhàng rời khỏi.
         Tiên xa 仙 車: Chiếc xe Tiên.
Câu 1: Nơi miền Bạch Y Quan đường vào cửa được mở ra để sẵn sàng tiếp rước khách.
Câu 2: Chơn hồn nhẹ nhàng rời khỏi chiếc xe Tiên để đi vào cõi Kim Thiên.

Vào cung Vạn Pháp xem qua,
Cho tường cựu nghiệp mấy tòa Thiên nhiên,

         Cung Vạn Pháp: Hay Vạn Pháp Cung 萬 法 宮, là một cung nơi tầng Kim Thiên.
         Tường : Biết rõ.
         Cựu nghiệp 舊 業: Sự nghiệp cũ, tức là tất cả những sự nghiệp do nhiều kiếp sống trước đã tạo ra.
         Tòa thiên nhiên: Thiên nhiên tọa 天 然 座: Nghĩa là một cái tòa tự nhiên, tức là ngôi vị do nhiều kiếp trước ở nơi thế gian mình tạo công đức mà được. Ngôi vị này cao hay thấp là do công đức mình làm trong kiếp sanh nhiều hay ít.
Câu 3-4: Đến cõi Kim Thiên, Chơn hồn được đưa vào Cung Vạn Pháp để xem cho biết sự nghiệp cũ của mình tạo nơi thế gian được ngôi thiên nhiên cao hay thấp.
         Theo ý nghĩa Kinh, Chơn hồn đến tầng Kim Thiên rồi được đưa vào cung Vạn Pháp, một cung huyền diệu, thiên biến vạn hóa, nơi đó hiện ra cho thấy những tòa Thiên nhiên, tức là những ngôi vị đã định sẵn do duyên nghiệp mà Chơn hồn tạo lập từ trước hay kiếp sanh vừa qua trên cõi thế gian.

Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự,
Lãnh Kim sa đặng dự Như Lai.

         Cung Lập Khuyết 立 闕 宮: Một cung nơi cõi Kim Thiên.
         Tìm duyên: Noi theo ngôi vị cũ mà tìm về.
         Định ngự: Ý định ngồi lên.
         Lãnh: Tiếp nhận.
         Kim sa 金 沙: Hạt cát vàng. Đây là phép của Đức Phật, tượng trưng cho hiệu lịnh mà mỗi Chơn hồn phải đến lãnh để được gặp Đức Như Lai.
         Đặng dự: Được tham dự.
         Như Lai 如 來: Theo Kinh Kim Cương, Như Lai là bậc không từ đâu mà tới và cũng sẽ không đi tới đâu. Như Lai từ Chân như tới và sẽ đi về chân như.
         Như Lai là một trong mười danh hiệu Phật để chỉ bậc giác ngộ viên mãn.
Câu 5: Chơn hồn vào Cung Lập Khuyết tìm lại ngôi vị cũ để được ngự lên.
Câu 6: Chơn hồn đến lãnh Kim sa lịnh của Phật để được dự hội nghị Như Lai.

Minh Vương Khổng Tước cao bay.
Đem Chơn thần đến tận đài Huệ Hương.

         Minh vương 明 王: Chỉ các vị Tôn giả theo hầu đức Phật.
         Khổng tước 孔 雀: Chim công, giống như chim trĩ: Thân dài hơn ba thước, cánh ngắn nhỏ, chim trống rực rỡ, hoa lệ. Lông đuôi cực dài, lúc xoè ra dựng lên như cái quạt lớn, sắc biếc, có những điểm vàng viền xanh, trông như những con mắt to. Giống chim này sống ở những nước thuộc nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan...
         Khổng tước là một loại điểu thú của Chuẩn Đề Bồ Tát cỡi. Nguyên căn là một con công, tu thành Tiên với tên là Khổng Tuyên, vào thời nhà Châu bên Trung Hoa. Sau được Đức Chuẩn Đề thu phục, làm một vị tôn giả cho Ngài và chở Ngài đi vân du các cõi.
         Đài Huệ Hương 慧 香 臺: Một ngôi đài ngát thơm ở Tầng Kim Thiên.
Câu 7-8: Minh Vương Khổng Tước, vị sứ giả của Phật đến chở Chơn thần bay cao và đưa tận Đài Huệ Hương.

Mùi ngào ngạt thơm luôn Thánh thể,
Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.
         Mùi ngào ngọt: Mùi thơm ngọt ngào.
         Thánh thể 聖 體: Thân thể hay hình hài thiêng liêng, tức chỉ Chơn thần.
         Trừ tiêu tàn 除 消 殘: Diệt trừ cho tiêu mất.
         Ô uế 污 穢: Dơ bẩn.
         Sinh quang 生 光: Khí sinh quang, một chất khí bàng bạc trong Càn Khôn Vũ Trụ, tạo ra sinh khí và nuôi dưỡng cho vạn linh.
Câu 9: Vào Đài Huệ Hương, mùi ngào ngọt làm thơm luôn Thánh thể (tức Chơn thần).
Câu 10Mùi thơm đó tiêu trừ hết được mùi ô uế trong khí sinh quang.

Thiên thiều trổi tiếng nhặt khoan,
Đưa linh thẳng đến Niết Bàn mới thôi.

         Thiên thiều 天 韶: Nhạc thiều của Trời.
         Trổi tiếng: Âm thanh trổi lên.
         Nhặt khoan: Khi nhanh khi chậm.
         Đưa linh: Đưa chơn linh đi.
         Niết bàn 涅 槃: Cảnh giới giải thoát, cứu cánh của các bậc đã giác ngộ. Theo nghĩa tiêu cực, Niết bàn là hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng. Theo nghĩa tích cực, là cảnh giới của tâm giải thoát trọn vẹn hết tham sân si, an lạc, hạnh phúc.
         Nhưng theo nghĩa Kinh, Niết bàn là chỉ cõi giới Phật.
Câu 11-12: Âm thanh khúc nhạcThiên thiều thổi lên khi nhanh khi chậm vang đến để đưa tiễn Chơn linh thẳng đến cõi Niết bàn mới thôi.

________________________________________

THIÊN THỨ TÁM

 KINH ĐỆ THẤT CỬU
******



 I.-KINH VĂN:

THẤT NƯƠNG

                      
Nhẹ phơ phới dồi dào không khí,
Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan.
Đẹp xinh cảnh vật đòi ngàn,
Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên.
Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo hóa,
Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi.
Dà Lam dẫn nẻo Tây Qui,
Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen.
Động Phổ Hiền Thần Tiên hội hiệp,
Dở Kim Cô đưa tiếp linh quang.
Im lìm kìa cõi Niết Bàn,
Lôi Âm trống thúc lên đàng Thượng Tiêu.
THẤT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG



II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Thất Cửu do Thất Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Thất Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ bảy trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Thất Nương mặc áo màu vàng, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay cầm Bông Sen.
         Thất Nương được Phật Mẫu ban cho nhiệm vụ dùng văn chương thi phú để dìu dắt ba vị Đại Thiên phong phò cơ là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang theo đường Đạo đức, rồi dẫn đến tiền khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngoài ra, Bà có nhiệm vụ tiếp dẫn các Chơn hồn lên tầng Trời Hạo Nhiên Thiên, rồi nhờ tu hành đắc quả, nên được đưa vào cung Chưởng Pháp bái kiến Chuẩn Đề Bồ Tát. Phật Dà Lam dẫn Chơn hồn về Tây Phương Cực Lạc, tức cõi Niết Bàn có trống Lôi Âm thúc giục đưa tiễn đi.

III.-CHÚ GIẢI:

Nhẹ phơ phới dồi dào không khí,
Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan.
         Nhẹ phơ phới: Rất nhẹ nhàng.
         Dồi dào: Nhiều.
         Không khí 空 氣: Đây không phải là khí thường mà là Hạo nhiên chi khí 浩 然 之 氣, còn gọi là Hỗn nguơn khí    hay khí sinh quang 生 光 氣, là cái khí chất to lớn, sáng sũa trong bầu trời.
         Hạo Nhiên Thiên 浩 然 天: Tầng Trời Hạo Nhiên do Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản, nơi đây có cung Chưởng Pháp nắm về pháp luật, vì vậy trong Di Lặc Chơn Kinh gọi tầng Trời này là Hạo Nhiên Pháp Thiên 浩 然 法 天.
         Chí : Đến, tới.
         Môn quan 門 關: Cái cửa đi vào Hạo Nhiên Thiên.
Câu 1:Đến cõi này, Chơn hồn nhẹ nhàng bay trong bầu Trời chứa đầy nguyên khí.
Câu 2: Và đến tận cửa vào tầng trời Hạo Nhiên Thiên.

Đẹp xinh cảnh vật đòi ngàn,
Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên.
         Đẹp xinh: Xinh đẹp, tươi đẹp.
         Đòi ngàn: Rất nhiều rừng núi, hay rừng núi chập chùng.
         Hào quang 毫 光: Ánh sáng rực rỡ được tỏa ra từ thân thể của các Đấng Tiên Phật hoặc các nơi Thiêng Liêng.
         Chiếu diệu 照 耀: Chiếu sáng rực rỡ.
         Khai đàng: Khai đường, mở đường.
         Thăng Thiên 升 天: Bay lên Trời.
Câu 3: Đến từng Hạo Nhiên Thiên, Chơn hồn nhìn thấy cảnh vật rừng núi chập chồng rất nên xinh đẹp.
Câu 4: Ánh hào quang chiếu sáng rực rỡ mở ra một con đường bay lên cao.

Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo hóa,
Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi.
         Cung Chưởng Pháp 掌 法 宮: Một Cung chưởng quản về pháp luật trong từng Hạo Nhiên Thiên. Vì thế, trong Di Lặc Chơn Kinh mới gọi tầng Trời này là Hạo Nhiên Pháp Thiên.
         Xây quyền: Xây dựng quyền hành.
         Tạo Hóa 造 : Sáng tạo và hóa sinh vạn vật trong Càn Khôn Vũ Trụ. Chỉ Đức Chí Tôn.
         Kiến : Gặp, bái kiến.
         Chuẩn Đề 準 提: Theo Phật Giáo Bắc tông, Chuẩn Đề là một hóa thân của Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm, nên được gọi là Chuẩn Đề Quán Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu hay Thất Cu Chi Phật Mẫu.
         Theo Thất Cu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề Đà La Ni Kinh, thân vị Bồ Tát này có màu vàng trắng, ngồi kiết già trên đài sen, có hào quang tỏa sáng chung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu có 3 mắt, đầu trang điểm ngọc Anh lạc, có 18 tay đều đeo vòng xuyến, hai tay chắp nơi ngực, hai tay để nơi bụng, còn 14 tay kia, mỗi bên bảy cánh tay đều có cầm bửu bối.
         Chuẩn Đề Bồ Tát chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sanh có mạng sống ngắn ngủi để được thọ mạng dài lâu.
         Căn cứ Di Lặc Chơn Kinh và Kinh Thất Cu Chi thì Đức Chuẩn Đề Bồ Tát chưởng quản từng Hạo Nhiên Thiên và ngự nơi Cung Chưởng Pháp.
         Thạch xá 石 舍: Ngọc thạch xá lợi.
         Thân xác các bậc đắc đạo, sau khi chết rồi hỏa táng, xương cốt còn lại là những tinh thể tròn hạt, rắn chắc như viên đá sáng lóng lánh, cho nên người ta gọi những tinh thể đó là thạch xá lợi hay ngọc xá lợi.
         Giải thi 解 屍: Cỗi bỏ hình thể, chết rồi.
         Thạch xá giải thi: Nơi thế gian một con người tu hành đắc đạo, khi giải bỏ hình thể, hay hỏa táng thì sẽ được những viên ngọc đá xá lợi.Cho nên từ “Thạch xá giải thi” được dùng để chỉ sự đắc đạo.
Câu 5: Cung Chưởng Pháp, là nơi chưởng quản về pháp luật, điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ, xây dựng nên quyền của Tạo Hóa.
Câu 6: Khi tu hành đắc Đạo, sau khi giải thể, Chơn linh đến cõi Hạo Nhiên Thiên sẽ được đến bái kiến Đức Chuẩn Đề.

Dà Lam dẫn nẻo Tây Qui,
Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen
         Dà Lam 伽 藍: Hay Già Lam là phiên âm từ tiếng Phạn: Asharam nghĩa là khu vườn ngoạn cảnh, hay chỉ Tịnh xá. Từ gọi chung chỉ chùa chiền, trung tâm tu học, thiền định.
         Ngoài ra, Dà Lam còn dùng để chỉ ngôi vị Phật, gọi là Phật Dà Lam, có nhiệm vụ dìu dắt các Chơn linh đắc đạo đến cõi Cực Lạc Thế Giới.
         Nói về Quan Thánh Đế Quân đắc quả vị Phật, Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 23-7-1938 nói như sau: “Ngài giữ trọn Tam cang: Trung, Nghĩa, Chánh trực công bình. Đến buổi Ngài qui vị thì đặng hiển Thánh, nhờ Phổ Tịnh Thiền Sư đến khai linh nên đặng phi thăng yết kiến Thượng Đế mới đắc hàng phẩm Phật Dà Lam”.
         Dẫn nẻo: Dẫn dắt đường.
         Tây Qui 西 歸: Đi về hướng tây, tức là cõi Cực Lạc Thế Giới.
         Kim chung 金 鐘: Cái chuông vàng.
         Mở lối: Mở đường.
         Kịp kỳ: Cho kịp lúc.
         Kỵ : Cỡi lên, ngồi lên.
         Kỵ sen: Cỡi lên bông sen Thiêng liêng.
Câu 7: Chơn linh được Đức Phật Dà Lam dẫn đường bay về hướng Tây Cực Lạc Thế Giới.
Câu 8: Tiếng chuông vàng ngân lên, mở đường cho Chơn linh kịp bước để theo Tòa sen Thần đưa đi.

Động Phổ Hiền Thần Tiên hội hiệp,
Dở Kim Cô đưa tiếp linh quang.
         Động Phổ Hiền 普 賢 洞: Ngụ xứ của Đức Phổ Hiền Bồ Tát.
         Phổ Hiền Bồ Tát 普 賢 菩 薩: Dịch theo tiếng Phạn Tam Man Đa Bạt Đà La Bồ Tát         (Samantabhadra Bodhisattva). Là một vị Bồ Tát lớn trong Phật Giáo Đại Thừa, tượng trưng cho Đức hạnh. Phổ Hiền có nghĩa là sự hiền đức phổ cập khắp nơi. Danh hiệu Ngài có nghĩa là “Đại Hạnh”, nghĩa là đức hạnh khắp tất cả pháp giới. Phổ Hiền là vị Bồ Tát chủ về Chân lý, về thiền định và hành vi của chư Phật. Trong các chùa, tượng của Ngài thường đặt bên phải tượng Phật Thích Ca, tay cầm ngọc như ý, cỡi trên voi trắng sáu ngà ( tuợng trưng cho lục độ hoặc vượt qua sự dính mắc của sáu giác quan).
         Thích Ca Tam Tôn là chỉ ba tượng thờ gồm ở giữa là tượng Đức Phật Thích Ca, bên phải là tượng Đức Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà, tượng trưng cho chân lý, bên trái là tượng Đức Văn Thù Bồ Tát cỡi sư tử xanh, tượng trưng cho trí tuệ.
         Bồ Tát Phổ Hiền có 10 điều nguyện lớn (Phổ Hiền Thập Nguyện).
         Thần Tiên hội hiệp 神 仙 會 合: Hội họp các Đấng Thần Tiên.
         Kim cô 金 箍: Cái vòng phép bằng vàng đặt lên đầu.
         Trong truyện Tây Du, Tam Tạng không thể sai khiến được học trò là Tề Thiên Đại Thánh. Sau nhờ Quan Âm Bồ Tát đặt chiếc vòng Kim Cô lên đầu của Tề Thiên, nên Tam Tạng mới phục được học trò, bởi nếu Tề Thiên chẳng tuân lịnh thì Tam Tạng sẽ niệm Kim Cô chú, khiến phải đau đớn mà nghe theo.
         Linh quang 靈 光: Điểm Linh quang, tức là Chơn linh.
Câu 9: Nơi Động Phổ Hiền, chư Thần Tiên cùng nhau hội hiệp.
Câu 10: Dở cái Kim cô ra để Chơn linh tiếp tục bay đi.
         Linh quang là điểm Chơn linh nhẹ nhàng, trong sạch được chiết ra từ Đại Linh quang của Thượng Đế. Nhưng bởi oan khiên, nghiệp quả, làm cho Chơn thần bị trọng trược trì níu, sai khiến Chơn linh, tỉ như vòng Kim cô trói buộc chặt Chơn linh vậy. Đến Hạo Nhiên Thiên, Chơn linh được các Đấng dở cái Kim cô, tức như cởi sự trói buộc để Linh quang được nhẹ nhàng mà tiếp tục bay lên.

Im lìm kìa cõi Niết Bàn,
Lôi Âm trống thúc lên đàng Thượng Tiêu..
         Im lìm kìa cõi Niết Bàn: Niết Bàn có nghĩa là hư vô tịch diệt, nên là nơi thanh tịnh vắng lặng, tức im lìm, không tiếng động.
         Lôi Âm trống: Tức Lôi Âm cổ 雷 音 鼓. Sở dĩ gọi tiếng trống Lôi Âm là vì âm thanh của tiếng trống kêu lớn như sấm sét.
         Thúc: Thúc giục.
         Thượng Tiêu 上 霄(*) : Đi lên các từng Trời.
Câu 11: Kìa là cõi Niết Bàn hoàn toàn yên lặng.
Câu 12: Tiếng trống Lôi Âm thúc giục Chơn hồn lên đường vào các từng Trời.

__________________________________________________________________

THIÊN THỨ CHÍN

 KINH ĐỆ BÁT CỬU
*****




 I.-KINH VĂN:

BÁT NƯƠNG

                      
Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,
Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi.
Mùi trần khi đã xa khơi,
Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong.
Cung Tận Thức thần thông biến hóa,
Phổ Đà Sơn giải quả Từ Hàng.
Cỡi Kim Hẩu đến Tịch San,
Đẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem.
Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,
Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi.
Hồ Tiên vội rót tức thì,
Nước Cam Lồ rửa ai bi kiếp người.

BÁT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Bát Cửu do Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Bát Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ tám trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Bát Nương mặc áo màu vàng, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, tay cầm Giỏ Hoa Lam.
         Bát Nương có nhiệm vụ tiếp rước các Chơn hồn lên tầng Phi Tưởng Thiên, đưa Chơn hồn vào Cung Tận Thức, qua núi Phổ Đà nhờ Từ Hàng Bồ Tát cho cỡi Kim hẩu bay lên núi Tịch San để vào Cung Diệt Bửu. Chơn hồn còn được rưới nước Cam Lồ để tẩy sạch nỗi ai bi kiếp người.

III.-CHÚ GIẢI:

Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,
Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi.
         Tiên tửu  : Rượu Tiên.
         Nực nồng: Nồng độ rượu bốc mạnh lên.
         Thơm ngọt: Mùi thơm ngọt ngào.
         Phi Tưởng Thiên   : Theo Di Lặc Chơn Kinh, Phi Tưởng Thiên là một từng Trời do Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản.
         Để gót: Đặt gót chân tới.
Câu 1: Chơn hồn vừa đến thì cảm nhận được hơi thơm tho ngọt ngào của rượu Tiên bốc mạnh lên.
Câu 2: Từng Trời Phi Tưởng Thiên đã để gót chân đến nơi rồi.

Mùi trần khi đã xa khơi,
Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong.

         Mùi trần: Mùi vị cõi trần gian.
         Thế nhân đã từng nếm qua mùi vị cõi trần hay mùi đời, mỗi người cảm nhận khác nhau: Có người cho là cay đắng, lại có kẻ cho là chua cay, người lại cho rằng uế trược, hôi tanh...Trong Thánh Thi có bài viết:
                           Mùi đời biết đặng lắm chua cay,
                           Cay đắng kiếp người khổ ớ ai!
                           Ai dám xả thân hành chánh Đạo?
                           Đạo mầu theo dõi hết trần ai.
         Hoặc:
                           Mùi đời đã nếm biết chua cay,
                           Giành dựt còn mong cậy sức tài.
                           Nếu chẳng định tâm lo xét quấy.
                           Nhãn tiền báo ứng dễ đâu sai.
         Hoặc:
                           Thơm tho chi cũng vốn mùi đời,
                           Chưa kẻ dùng nên của để chơi.
                           Mua bán chọn lừa như buổi chợ,
                           Về nhà chưa tối đã qua đời.
         Đại Thừa Chơn Giáo viết:
                                 Mùi đời còn biết hôi tanh,
                           Thì đâu còn có giựt giành làm chi!
         Xa khơi: Xa xôi lắm.
         Say sưa: Mê say, ngây ngất.
         Bầu khí: Bầu không khí.
         Bồi hồi  : Bồn chồn ,vơ vẩn.
         Chung phong  : Chuông và gió. Ý nói gió thổi đưa tiếng chuông vang đến.
Câu 3: Mùi vị cõi trần gian, Chơn hồn đã đi khỏi rất xa.
Câu 4: Đến Phi Tưởng Thiên thì say sưa ngây ngất với bầu không khí nực nồng mùi Tiên tửu và thấy bồi hồi khi nghe tiếng chuông được gió đưa lại.

Cung Tận Thức thần thông biến hóa,
Phổ Đà Sơn giải quả Từ Hàng.

         Cung Tận Thức   : Một cung nơi từng Phi Tưởng Thiên.
         Thần thông biến hóa    : Do công phu tu luyện, người tu có thể đạt được thần thông, tức là có pháp thuật biến hóa rất huyền diệu.
         Phổ Đà Sơn   : Là núi Phổ Đà, ngụ xứ của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
         Quan Thế Âm là vị Bồ Tát có lòng đại từ đại bi, ý muốn cứu khổ tất cả chúng sinh, Ngài lại là Đấng có phép thần thông biến hóa, nên lúc nào Ngài cũng có mặt ở khắp mọi nơi, mỗi khi có người thành tâm cầu nguyện. Vì thế, nhiều Kinh đã ký tải về nơi ngụ xứ của Ngài khác nhau:
         Theo Kinh A Di Đà: Ngài ở Tây phương Tịnh độ.
         Theo Kinh Hoa Nghiêm sớ: Ngài ở núi Bồ Đà Lạc ở biển Nam Hải.
         Theo Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ: Ngài ở núi Phổ Đà, tỉnh Triết Giang Trung Quốc.
       Giải quả  : Cởi bỏ cái quả kiếp.
         Từ Hàng  : Từ Hàng Bồ Tát.
         Từ : Từ bi.
         Hàng : Chiếc thuyền.
         Từ Hàng: Là chiếc thuyền từ bi.
         Từ Hàng Bồ Tát là một vị Phật, nhưng vì lòng thương xót chúng sanh, nên Ngài vẫn giữ nhiệm vụ cứu khổ, tế độ sinh linh đang bị đọa trần. Vì thế, Danh hiệu Ngài được ví như chiếc thuyền từ bi cứu vớt người đưa qua biển khổ. Mặc dầu là Phật vị, nhưng Ngài vẫn xưng danh hiệu Bồ Tát, hay Đạo Nhơn và nhiều lần chiết Chơn linh giáng phàm để cứu độ quần linh.
         Trong thời nhị kỳ Phổ Độ, Từ Hàng Bồ Tát có giáng linh xuống làm hai vị nữ nhân là Thị Kính và Diệu Thiện, sau đó tu hành đắc quả thành Quan Âm Bồ Tát, hay Phật Bà Quan Âm. Trong Thánh giáo ngày 22-7-1926, Chí Tôn có cho biết: “Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương”.
Câu 5: Vào Cung Tận Thức, Chơn hồn thấy rõ các huyền phép thần thông biến hóa rất diệu mầu.
Câu 6: Tại Phổ Đà Sơn, Quan Âm Bồ Tát là hóa thân của Đức Từ Hàng, là vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn và hóa giải biết bao quả nghiệp cho chúng sanh.

Cỡi Kim Hẩu đến Tịch San,
Đẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem.
         Kim Hẩu: Hay Kim Mao Hẩu là một con thú linh, hình con sư tử lông màu vàng, do Đức Từ Hàng Bồ Tát thường cỡi. Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp cho đắp 8 con Kim Mao Hẩu nơi bốn cầu thang của hai bên Đền Thánh.
         Tịch San  : Một ngọn núi trên từng Phi Tưởng Thiên.
         Đẩu vân  : Thình lình nhảy lên mây. Đây là một phép phi hành rất lẹ mà Tề Thiên Đại Thánh đã học được, gọi là Cân đẩu vân, đi xa được 18.000.000 dặm đường.
         Nương phép: Dựa vào sự mầu nhiệm của pháp thuật.
Câu 7: Chơn hồn nhờ Kim Mao Hẩu đưa đến núi Tịch San.
Câu 8: Dựa theo phép Đẩu vân, Chơn hồn được lên xem cõi Niết Bàn.

Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,
Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi.

         Cung Diệt Bửu   : Một tòa cung điện nơi Phi Tưởng Thiên.
         Ngọc rèm: Hay rèm ngọc, tấm rèm kết bằng ngọc dùng để che ngoài cửa nơi cung điện.
         Xủ: Buông xuống.
         Nghiệp hữu hình: Hay Hữu hình nghiệp   , nghiệp quả tạo ra ở cõi trần.
         Tượng đủ vô vi: Hiện rõ và đầy đủ trong cõi vô vi.
Câu 9-10: Vào đến Cung Diệt Bửu, tấm rèm ngọc buông xủ xuống, Chơn hồn thấy được tất cả nghiệp hữu hình tạo ra nơi cõi trần, hiện đầy đủ ra trong cõi vô vi.

Hồ Tiên vội rót tức thì,
Nước Cam Lồ rửa ai bi kiếp người.
         Hồ Tiên: Hay Tiên hồ  : Cái bình hay cái bầu dùng để đựng rượu Tiên. Ở đây chỉ cái Tịnh bình chứa nước Cam lồ của Quâm Âm Bồ Tát.
         Riêng Đức Quan Âm Bồ Tát tay trái thường hay cầm cái bình chứa nước Cam lồ, gọi là Tịnh bình, tay phải thì cầm nhành dương liễu nhúng vào Tịnh bình để rưới nước Cam lồ cứu giúp chúng sanh.
         Vội rót tức thì: Vội vàng rót ra tức thì.
         Nước Cam lồ: Hay Cam lộ thủy   : nghĩa là thứ nước sương ngọt mát, một thứ nước huyền diệu Thiêng liêng của Quan Âm Bồ Tát thường dùng để tiêu trừ bịnh tật, giải sạch oan khiên, nghiệt chướng...Nước Cam lồ này được Đức Quan Âm dùng nhành dương nhúng vào để rải, nên còn được gọi làNước dương.
         Nước Cam lộ còn tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ Tát Quan Âm. Bởi chúng sanh đang sống trong cõi lửa, bị lửa phiền não thiêu đốt, Bồ Tát mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại sự an lành, mát mẽ cho chúng sanh.
         Ai bi: Hay bi ai  : Buồn rầu thê thảm.
         Ai bi kiếp người: Kiếp sống con người ở cõi thế gian gặp nhiều đau khổ, bi ai. Sở dĩ bị buồn rầu, khổ sở là bởi vì con người phải thọ tứ khổ là sinh, lão, bịnh, tử, lại nữa cõi Ta bà này còn chứa đầy những khổ sở do ngũ trược gây ra. Ngũ trược là:
         Kiếp trược: Do chúng sanh chịu muôn ngàn nỗi khổ sở trong cuộc sống chẳng cách nào diễn tả nổi, nên gọi là Kiếp trược.
         Kiến trược: Do kiến giải hay có thể hiểu là những tư tưởng, suy nghĩ có công năng sai khiến hết thảy chúng sanh tạo tác các ác nghiệp, khiến họ bị đọa lạc trong luân hồi sanh tử, nên gọi là Kiến trược.
         Phiền não trược: Những điều khiến tâm tăm tối, buồn phiền, bất an. Có năm yếu tố tạo thành phiền não: Tham (tham lam), sân (hờn giận), si (ngu muội), mạn (kiêu ngạo), nghi (ngờ vực). Do những yếu tố này khiến tâm bị ray rứt, hỗn loạn, mờ đục, nên gọi là Phiền não trược.
         Chúng sanh trược: Chúng sanh mê muội, chấp trước vào ngã tướng, nên sanh ra tâm vị kỷ, tâm tư lợi, mà gây tạo bao nhiêu ác nghiệp. Vì tạo ác nghiệp, nên bị đọa những đường ác xấu, hèn hạ để chịu đựng, do vậy gọi là Chúng sanh trược.
         Mạng trược: Thân người do duyên hợp, biến đổi không ngừng, không cách nào khống chế nổi. Khi nghiệp lực duy trì các duyên kết hợp lại đã hết, các duyên sẽ chia lìa, vì thế mỗi thân mạng chỉ tồn tại một thời kỳ nhứt định, gọi là Thọ mạng. Thọ mạng bị chấm dứt bất ngờ do những yếu tố ngoại lai như bịnh tật, tai nạn....nên gọi là Mạng trược.
         Chính tứ khổ và ngũ trược đã làm cho con người sống nơi thế gian lúc nào cũng bị khổ sở, phiền não, ai bi...ràng buộc vào kiếp sống.
Câu 11- 12: Dùng cái bầu Tiên vội vàng rót nước Cam lồ ra tức thì để rửa sạch những nỗi bi ai của kiếp sống con người.

____________________________________________________________

THIÊN THỨ MƯỜI

 KINH ĐỆ CỬU CỬU
*****



  
I.-KINH VĂN:


CỬU NƯƠNG 

                        
Vùng thoại khí bát hồn vận chuyển,
Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng,
Hội Bàn Đào, Diêu Trì Cung,
Phục sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.
Cung Bắc Đẩu xem căn quả số,
Học triều nghi vào ở Linh Tiêu.
Ngọc Hư Cung, sắc lịnh kêu,
Thưởng, phong, trừng, trị phân điều đọa thăng.
CỬU NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG




Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.
Cung Trí Giác, trụ tinh thần,
Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.

DIÊU TRÌ KIM MẪU

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đệ Cửu Cửu gồm hai phần: Phần đầu tám câu do Cửu Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho, phần cuối bốn câu do Đức Phật Mẫu tiếp tục giáng cơ ban cho trọn bài Kinh Đệ Cửu Cửu.
         Cửu Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ chín trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Cửu Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, tay cầm Ống Tiêu.
         Cửu Nương có nhiệm vụ tiếp dẫn Chơn hồn đến tầng Tạo Hóa Thiên để vào Diêu Trì Cung bái kiến Đức Phật Mẫu. Chơn hồn được ban thưởng Đào hạnh và tiên tửu, và học triều nghi để vào Ngọc Hư Cung.
         Bốn câu Kinh do Phật Mẫu ban cho nhằm cho biết nơi Kim Bàn Diêu Trì Cung có chứa Nguyên chất dùng tạo hình hài bậc Nguyên nhân và đến Cung Trí Giác trụ Tinh Khí Thần hiệp nhứt đắc quả để về Tiên cảnh.

III.- CHÚ GIẢI:

Vùng thoại khí bát hồn vận chuyển,
Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng,

         Thoại khí  : Hay thụy khí, một loại khí lành. Đây chỉ Hỗn nguơn khí, nguyên khí hay khí sanh quang, dùng để nuôi sống vạn linh trong Càn khôn Vũ trụ.
         Bát hồn  : Hay còn gọi là Bát phẩm chơn hồn     do Đức Phật Mẫu tạo hóa ra. Đó là Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.
         Vận chuyển  : Dời động một vòng xoay.
         Tạo Hóa Thiên   : Một tầng Trời do Đức Diêu Trì Kim Mẫu     chưởng quản. Trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh có câu:
                     Tạo Hóa Thiên Huyền Vi Thiên Hậu,
                                 
                   Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.
                                 
         Sanh biến  : Biến hóa mà sinh ra.
         Vô cùng  : Không giới hạn.
Câu 1-2: Tầng Tạo Hóa Thiên, Đức Phật Mẫu vận chuyển Bát phẩm chơn hồn trong vùng Hỗn nguơn khí để sinh hóa mà tạo ra vạn linh sanh chúng.

Hội Bàn Đào, Diêu Trì Cung,
Phục sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.
         Bàn đào  : Quả đào Tiên. Vua Hán Vũ Đế    nước Trung Hoa cầu Bà Tây Vương Mẫu được ban cho quả bàn đào, nói rằng cây ấy 3000 năm mới nở hoa, 3000 năm mới kết quả.
         Hội Bàn đào   : Là một buổi tiệc do Đức Phật Mẫu tổ chức đãi đào Tiên chín cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Diêu Trì Cung.
         Phục sinh  : Sống trở lại, phục hồi sự sống.
         Đào hạnh  : Trái đào và trái hạnh.
         Rượu hồng: Một loại rượu Tiên, có màu đỏ.
         Thưởng ban  : Phật Mẫu ban ra mà thưởng cho chư Thần Thánh Tiên Phật.
Câu 3: Bà Tây Vương Mẫu mở Hội Bàn đào nơi Diêu Trì Cung để đãi chư Thần Thánh Tiên Phật.
Câu 4: Bữa tiệc đãi những trái đào và trái hạnh Tiên, ăn vào được trường sanh bất tử và phục hồi sự sống. Trong buổi tiệc, Đức Phật Mẫu ban thưởng cho Tiên tửu.

Cung Bắc Đẩu xem căn quả số,
Học triều nghi vào ở Linh Tiêu.

         Cung Bắc Đẩu   : Một Cung ở nơi tầng Tạo Hóa Thiên.
         Căn quả số   : Mệnh số của mỗi con người do căn quả hay những hành vi thiện ác nơi trần gian trong kiếp trước tạo nên.
         Triều nghi  : Những phép tắc và lễ nghi của triều đình. Đây chỉ triều nghi ở cõi Thiêng Liêng.
         Linh Tiêu  : Tức Linh Tiêu Điện, một ngôi điện trong Ngọc Hư Cung, nơi Thiên Đình của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Câu 5: Chơn hồn vào Cung Bắc Đẩu để xem căn quả định cho số mạng của chính mình.
Câu 6: Trước khi vào Linh Tiêu Điện, Ngọc Hư Cung, Chơn hồn phải học những lễ nghi, phép tắc nơi Thiên đình.

Ngọc Hư Cung, sắc lịnh kêu,
Thưởng, phong, trừng, trị phân điều đọa thăng.
         Sắc lệnh  : Mệnh lệnh của Đức Chí Tôn.
         Thưởng phong  : Khen thưởng và phong tước.
         Trừng trị  : Xử phạt cho rõ tội.
         Phân điều  : Chia ra điều.
         Đọa thăng  : Bị rơi xuống cảnh đọa đày và cảnh siêu thăng.
Câu 7-8: Sắc lệnh Đức Chí Tôn nơi Ngọc Hư Cung phân định cho Chơn hồn hai điều đọa và thăng.
         Phong thưởng và trừng trị nơi cõi Thiêng liêng cũng theo luật “Công thưởng tội trừng” và căn cứ theo những hành vi thiện ác nơi thế gian mà định công tội cho Chơn hồn. Nếu có công thì được siêu thăng và phong thưởng cho những phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật; còn nếu có tội thì bị trừng phạt đọa đày trở lại thế gian vào con đường Lục đạo.

Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.
         Kim Bồn: Hay Kim Bàn   là một cái mâm hay cái chậu vàng Thiêng liêng nơi Diêu Trì Cung mà Đức Phật Mẫu dùng để chứa các nguyên chất.
         Theo Kinh Ngọc Lộ Kim Bàn, khi Trời đất đã được hình thành, Phật Mẫu mới đem Chơn tánh phân ra một hột. Từ một hột đó, Ngài mới thổi hơi chân khí biến thành một trăm ức Linh căn Chân tánh (tức Nguyên nhân), rồi Ngài đem chứa trong Kim Bàn. Hay nói cách khác, Kim Bàn là nơi chứa các Nguyên nhân.
         Vàn vàn: Do theo luật bằng trắc của câu Kinh, hai chữ này phải là vần bằng, nên hai chữ vạn vạn viết thành vàn vàn để chỉ số lượng muôn muôn, tức là rất nhiều, không đếm xiết.
         Nguơn chất  : Là một chất khí nguyên thủy, tức là một chất khí đầu tiên trong khí Dương quang của Chí Tôn và khí Âm quang của Phật Mẫu. Hai khí này, Đức Phật Mẫu cho phối hợp với nhau tạo thành Chơn thần của vạn linh. Khí Nguơn chất này, Phật Mẫu chứa trong Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung để tạo ra những hình hài của các bậc nguyên nhân.
         Hình hài  : Thân xác. Thân xác này do Phật Mẫu tạo ra tức là Chơn thần hay xác thân Thiêng liêng.
         Nguyên nhân  : Những bậc có Chơn linh được sinh ra từ lúc khai thiên lập địa.
         Như ta đã biết, Chơn linh là một Tiểu Linh quang được chiết ra từ Đức Chí Tôn, Phật Mẫu mới đem phối hợp với Chơn Thần do Ngài tạo ra nơi Kim Bàn để làm thành một Thánh hình, hay một hình thể Thiêng liêng.Đó là bậc Nguyên nhân vậy.
Câu 9: Đức Phật Mẫu chứa muôn muôn vạn vạn nguyên chất nơi Kim Bàn trong Cung Diêu Trì.
Câu 10: Những nguơn chất này Đức Phật Mẫu dùng tạo ra hình hài Thiêng liêng (Chơn thần) cho các bậc Nguyên nhân.

Cung Trí Giác, trụ tinh thần,
Huờn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên.
         Cung Trí Giác   : Một cung nơi tầng Tạo Hóa Thiên.
         Trụ : Giữ bền vững.
         Huờn hư: Hay hoàn hư   trở về với cõi hư vô.
         Thoát trần  : Vượt ra khỏi cõi trần tục, tức là thoát khỏi sự luân hồi.
         Đăng Tiên  : Lên cõi Tiên, tức là đắc đạo thành Tiên.
Câu 11: Nơi cung Trí Giác, trụ Tinh và Thần hiệp nhứt để tạo được Chơn thần huyền diệu.
Câu 12: Chơn thần đắc đạo thành Tiên Phật, được thoát khỏi cõi trần, để vào nơi Tiên cảnh.

________________________________________________________________

THIÊN THỨ MƯỜI MỘT
 KINH TIỂU TƯỜNG
******



  
I.-KINH VĂN:
                         Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín,
                        Hư Vô Thiên đến thính Phật điều.
                           Ngọc Hư đại hội ngự triều,
                  Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chơn.
                        Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn,
                        Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Qui.
                  `        Vào Lôi Âm, kiến A Di,
                  Bộ Công Di Lạc Tam Kỳ độ sanh.
                        Ao Thất Bửu gội mình sạch tục.
                        Ngôi liên đài quả phúc Dà Lam.
                           Vạn linh trổi tiếng mầng thầm.
                  Thiên thơ Phật tạo độ phàm giải căn.
                                                            DIÊU TRÌ KIM MẪU

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Tiểu Tường do Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Tuần Tiểu Tường được cúng vào ngày thứ 200 kể từ sau ngày làm tuần Cửu Cửu (Chung Cửu) một ngày.
         Theo ý nghĩa Kinh, làm tuần Tiểu Tường tức là cầu nguyện cho Chơn linh được vào cõi Hư Vô Thiên để nghe Đức Nhiên Đăng Cổ Phật thuyết pháp, rồi vào Chùa Lôi Âm yết kiến Đức Phật Di Đà. Chơn thần được tắm gội ở ao Thất Bửu để tẩy trừ tục trần, rồi lên ngự trên Tòa sen.

III.- CHÚ GIẢI:

Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín,
Hư Vô Thiên đến thính Phật điều.
         Tịnh niệm  : Giữ cho lòng trong sạch để tưởng nghĩ đến các Đấng Thiêng Liêng.
         Nhiên Đăng  : Tức là Nhiên Đăng Cổ Phật, một vị Phật của đời quá khứ, nên được gọi là Cổ Phật.
         Đức Nhiên Đăng Cổ Phật còn được gọi là Định Quang Phật   , vị Phật đã sống vô lượng kiếp trước thời đại của chúng ta. Đó là vị Phật đầu tiên và quan trọng nhất trong các vị Phật có trước Đức Thích Ca Mâu Ni.
         Nhiên Đăng Cổ Phật là vị Phật tượng trưng cho các vị Phật trong đời quá khứ. Bên Phật Giáo Trung Hoa, người ta thường thờ Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chung với Thích Ca Mâu Ni Phật và Di Lặc Vương Phật để gọi là thờ Tam Thế Chư Phật     (Đời quá khứ, hiện tại và vị lai).
         Tưởng tín  : Có sự tin và tưởng nghĩ đến.
         Hư Vô Thiên   : Một tầng trời do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chưởng quản.
         Thính : Nghe.
         Phật điều: Những điều dạy của Đức Phật.
Câu 1: Phép giữ cho lòng trong sạch để tin tưởng và niệm danh Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.
Câu 2: Đến tầng Hư Vô Thiên, Chơn hồn nghe những điều dạy của Đức Phật.

Ngọc Hư đại hội ngự triều,
Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chơn.
         Ngọc Hư Đại Hội    : Đại Hội ở Ngọc Hư Cung, tức là Đức Chí Tôn họp chư Thần Thánh Tiên Phật nơi Ngọc Hư Cung.
         Ngự triều  : Đức Chí Tôn họp thiên triều cùng chư Thần Thánh Tiên Phật.
         Thiều quang  : Ánh sáng đẹp, ngày mùa xuân. Ở đây chỉ thời gian. Trong tác phẩm Kim Vân Kiều có câu:
                                 Ngày xuân con én đưa thoi,
                     Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
         Thiều quang nhị bá    : Chỉ thời gian hai trăm ngày (200 ngày).
         Kể từ sau một ngày làm tuần chung cửu (mãn cửu) đến ngày làm tuần Tiểu tường là đúng 200 ngày.
         Thiên kiều  : Cây cầu bắc lên cửa Trời.
         Để chơn: Đặt bước chơn đến.
Câu 3: Nơi Ngọc Hư Cung, Đức Chí Tôn họp Đại Hội triều đình.
Câu 4: Chơn hồn đặt chơn lên Thiên kiều để vào cõi Trời sau 200 ngày, kể từ ngày chung Cửu.

Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn,
Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Qui.

         Bồ Đề Dạ   : Hán dịch từ Phạn ngữ Buddhaya: Là một vị Bồ Tát do Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân ra..
         Theo Kinh “Đại Bi Tâm Đà Ra Ni Xuất Tượng”, Tổ Văn Thê Đại Sư đem 84 câu của Chú Đại Bi họa ra thành những bức tượng: Hoặc hình Phật, hình Bồ Tát, hình các Thánh nhị thừa, hoặc hình Phạm Thiên Đế Thích, hoặc các hình Thần tướng Kim Cang...Những hình tượng đó đều có nhiều bộ dạng khác nhau, hoặc từ bi, hoặc Thánh dung, hoặc hung tợn, hoặc phàm tướng. Tất cả đều từ nơi Thánh trí, lòng đại bi của Đức Quán Thế Âm hóa hiện ra để cứu giúp chúng sanh.
         Câu Chú Đại Bi số 46 là tượng Bồ Đề Dạ Bồ Đề Dạ       (Buddhaya Buddhaya): Tức là Quán Âm hiện tướng diện mạo từ bi, thân cận trẻ con giáo hóa lợi ích chúng sanh.(Xem hình Bồ Đề Dạ Bồ Đề Dạ trang sau.)
         Dẫn hồn  : Dìu dắt Chơn hồn.
         Thượng tấn  : Hay thượng tiến là tiến bước đi lên cao.
         Cực Lạc quan   : Cái cổng nơi Cực Lạc Thế Giới, hay cửa Cực Lạc. Ý nói vừa vào đến cõi Cực Lạc.
         Trong A Di Đà Kinh, Phật có thuyết: “Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc”. Nghĩa là Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên gọi là Cực Lạc.
         Theo kinh, trong cõi Cực Lạc, hết thảy các thứ thọ dụng và thân tướng mỗi mỗi đều thù thắng trang nghiêm, chẳng hề có sự khổ não nào, luôn luôn có vô lượng điều vui, nên Kinh chép: “Đản thọ chư lạc” (Chỉ hưởng những điều vui sướng).
          Đẹp phận: Số phần đẹp đẽ.
         Tây Qui 西 : Về hướng tây của Cực Lạc Thế Giới.
Câu 5: Vị Bồ Tát Bồ Đề Dạ dìu dắt Chơn hồn tiến lên đi vào cõi Thiêng Liêng.
Câu 6: Chơn hồn được dẫn về hướng Tây vào cổng của Cực Lạc Thế Giới, nơi định phận tốt đẹp.

Vào Lôi Âm, kiến A Di,
Bộ Công Di Lạc Tam Kỳ độ sanh.
         Lôi Âm  : Lôi Âm Tự, một ngôi chùa nơi Cực Lạc Thế Giới.
         Kiến : Bái kiến, thấy, gặp.
         A Di  : Tức là A Di Đà Phật, một vị Phật làm Giáo Chủ ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Ngài được tôn thờ trong các ngôi chùa Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.
         Tượng A Di Đà Phật thường được thờ ngồi chính giữa, Bồ Tát Đại Thế Chí đứng bên phải và Bồ Tát Quán Thế Âm đứng bên trái, gọi là tượng Tam Tôn.
         Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức A Di Đà giao quyền Chưởng giáo cho Đức Di Lặc Vương Phật, để Ngài trở về ngự nơi Lôi Âm Tự.
         Bộ công: Bộ sổ ghi chép công quả.
         Ở thế gian, những người nào hành công đức, giúp đời giúp đạo, cứu giúp chúng sanh đều được Hội Thánh chứng nhận công đức và lưu vào sổ công quả hữu hình. Ngoài ra, trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn mở một trường thi công quả cho chúng sanh thi cử để tuyển lựa người hiền đức và nhiều công lao với vạn linh mà chủ khảo là Đức Di Lặc Vương Phật, nên Đức Ngài lập ra Bộ Công quả cho chúng sanh để dựa vào đó mà chấm thi trong ngày phán xét cuối cùng. Bộ công quả này thuộc vô vi, nơi cõi Thiêng Liêng. Kinh gọi đó là Bộ Công Di Lặc.
         Độ sanh  : Độ những Chơn hồn được sống vĩnh viễn nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Câu 7:Chơn hồn được đưa vào Lôi Âm Tự để bái kiến Đức A Di Đà Phật.
Câu 8: Vào thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Di Lặc làm chánh chủ khảo hội Long Hoa, Ngài lập ra Bộ Công quả để độ những Chơn hồn có công được sống nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Ao Thất Bửu gội mình sạch tục.
Ngôi liên đài quả phúc Dà Lam.
         Ao Thất Bửu: Còn gọi là Thất Bửu trì   , tức là cái ao làm bằng bảy món báu vật, như Kim , ngân , lưu ly  , pha lê  , xa cừ  , xích châu  , mã não  . Ao này nằm ở cõi Cực Lạc Thế Giới. Theo Kinh Vô Lượng Thọ, Ao Thất Bửu chính là nơi thai sen nở để những người tu hành đắc quả Phật được sanh vào Cực Lạc, mà cũng là nơi để người cõi Cực Lạc tắm gội trong ấy.
         Gội mình: Tắm gội thân mình.
         Sạch tục: Làm sạch sẽ những dơ bẩn trong cõi phàm tục đã nhiễm vào Chơn thần con người.
         Liên đài  : Đài sen hay tòa sen. Đó là ngôi vị nơi   cõi Phật.
         Quả phúc: Hay phúc quả  : Cái kết quả do những hành vi phước đức tạo ra.
         Dà Lam  : Còn viết Già Lam là do từ Phạn ngữ: Asharam, có nghĩa khu vườn hay tịnh xá.
         Dà Lam chỉ ngôi vị Phật, gọi là Phật Dà Lam. Phật Dà Lam có nhiệm vụ dìu dắt các Chơn hồn đắc đạo đến cõi Cực Lạc Thế Giới.
         Đức Quan Thánh Đế Quân đắc hàng Phật vị gọi là Cái Thiên Cổ Phật hay còn gọi là Dà Lam Chơn Tể.
Câu 9: Vào đến ao Thất Bửu, một ao làm bằng bảy thứ báu vật nơi cõi Cực Lạc Thế Giới, Chơn hồn được tắm gội để gột rửa những uế trược nơi cõi tục.
Câu 10: Ngôi vị Phật, ngôi vị Dà Lam là một phúc quả do những hành vi phước đức của Chơn hồn nơi thế gian.
         Do những hành vi thiện lành ở thế gian đã tạo nên phước quả cho Chơn linh được vào cõi Cực Lạc Thế Giới.
         Trong Kinh Di Đà, Phật có thuyết: “Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc Quốc độ, hữu Thất bửu trì, bát công đức thủy sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa”. Nghĩa là: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao Thất Bửu (bảy báu) , nước tám công đức đầy ắp trong đó. Đáy ao thuần dùng cát vàng để phủ.
         Nước trong ao Thất bửu có đủ tám công đức: Trừng tịnh (lắng trong, tinh khiết), thanh lãnh (trong trẻo, mát lạnh), cam mỹ (ngon ngọt), khinh nhuyễn(nhẹ nhàng, mềm mại), nhuận trạch (tươi tắn, thắm nhuần), an hòa (êm ả, không chảy xiết, kêu gầm), trừ cơ khát (uống hết đói khát), trưởng dưỡng thiện căn (tăng trưởng, nẩy nở căn lành). Do có tám công đức, nước trong cõi Cực Lạc được xưng tụng là Công đức thủy.
         Vì nước trong ao Thất Bửu có công đức trừng tịnh, trưởng dưỡng thiện căn nên Chơn hồn nào có ân huệ tắm gội nơi ao ấy, uế trược sẽ được tẩy trừ, thiện căn sẽ được tăng trưởng, nẩy nở.

Vạn linh trổi tiếng mầng thầm.
Thiên thơ Phật tạo độ phàm giải căn.

         Vạn linh  : Muôn Chơn linh. Đây chỉ tất cả các Chơn linh trong bát phẩm Chơn hồn.
         Trổi tiếng: Cất tiếng nói, lên tiếng nói.
         Thiên thơ Phật tạo    : Quyển thiên thơ do chư Phật hội lập ra nhằm cứu giúp các Chơn linh nơi cõi trần.
         Độ phàm  : Cứu giúp chúng sanh nơi cõi phàm gian.
         Giải căn  : Cởi bỏ tất cả các gốc rễ. Gốc rễ là kết quả của những hành vi thiện ác mà con người gây ra trong các kiếp sống trước rồi tạo thành oan nghiệt nơi cõi trần.
         Như vậy, giải căn là cởi bỏ hết những oan nghiệt nơi thế gian để không còn gốc rễ nữa.
Câu 11: Muôn Chơn linh đều vui mừng lên tiếng chúc tụng cho Chơn linh được đắc phẩm Phật vị.
Câu 12: Thiên thơ do chư Phật lập ra cho tất cả vạn linh sanh chúng, nếu họ biết lo tu hành thì được giải căn kiếp nơi cõi phàm trần mà đắc quả Phật.

_______________________________________________________________
  
THIÊN THỨ MƯỜI HAI
KINH ĐẠI TƯỜNG
*****



  
I.-KINH VĂN:

                        Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ,
                        Di Lạc đương thâu thủ phổ duyên.
                           Tái sanh sửa đổi Chơn truyền,
                  Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.
                        Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị,
                        Cõi Tây Phang đuổi quỉ trừ ma.
                           Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
                  Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
                        Thâu các Đạo hữu hình làm một.
                        Trường thi Tiên, Phật dượt kiếp khiên,
                           Tạo đời cải dữ ra hiền,
                  Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn.
                                       THÍCH CA MÂU NI VĂN PHẬT

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

         Bài Kinh Đại Tường do Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
         Tuần Đại Tường được làm vào ngày thứ ba trăm (300 ngày), kể từ sau ngày làm tuần Tiểu Tường một ngày.
         Theo ý nghĩa Bài Kinh Đại Tường, Đức Phật Thích Ca cho biết vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật cai quản từng Hỗn Nguơn Thiên và làm Chánh chủ khảo Long Hoa Hội để tuyển phong những người hiền đức, có nhiều công nghiệp vào ngôi vị Phật.
         Ngài còn giáng Chơn linh xuống làm Hộ Pháp Di Đà để dùng Giáng ma xử khu trừ tà tinh quỉ quái, hầu gồm thâu các mối Đạo hữu hình làm thành nền Đại Đạo, thực hiện giềng bảo sanh của Đức Chí Tôn và lập đời Thánh đức.

III.-CHÚ GIẢI:

Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ,
Di Lạc đương thâu thủ phổ duyên.
         Hỗn Nguơn Thiên   : Theo Di Lặc Chơn Kinh, Hỗn Nguơn Thiên là một tầng Trời do Đức Di Lặc Vương Phật chưởng quản.
         Dưới quyền Giáo Chủ: Dưới quyền chưởng quản của Giáo Chủ là Đức Di Lặc Vương Phật.
         Đương : Đang lúc, đảm đương hay đảm trách.
         Thâu thủ  : Thâu nhận và gìn giữ.
         Phổ duyên  : Cứu giúp những người hữu duyên ở khắp mọi nơi.
Câu 1: Tầng Trời Hỗn Nguơn thuộc quyền chưởng quản của Đức Giáo Chủ Di Lặc Vương Phật.
Câu 2: Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật đang thu nhận và gìn giữ những người có duyên căn với Phật trong khắp mọi nơi.

Tái sanh sửa đổi Chơn truyền,
Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.
         Tái sanh  : Được sinh lại một lần nữa. Ý nói Đức Phật Di Lặc được giáng linh lại một lần nữa.
         Sửa đổi: Cải sửa giáo pháp lại cho phù hợp với thời kỳ và trình độ của chúng sanh.
         Chơn truyền  : Giáo pháp chơn thật của một nền Tôn giáo được các vị Giáo chủ hay Tổ sư truyền lại sau này cho chúng sanh.
         Khai cơ  : Mở ra một cơ quan.
         Tận độ  : Cứu giúp hết tất cả chúng sanh không chừa một ai, không chừa một người nào.
         Cửu tuyền  : Chín suối, chỉ nơi Âm Phủ.
         Tương truyền nơi cõi Âm Phủ có chín ngọn suối cát màu vàng, nên người ta thường gọi Âm Phủ chín suối hay suối vàng (Huỳnh tuyền  ).
         Diệt vong  : Làm cho mất hết.
Câu 3: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng linh xuống cõi trần một lần nữa để sửa đổi lại những giáo pháp của các nền Tôn giáo xưa cho đúng với chơn truyền.
Câu 4: Đức Phật Di Lặc cho bãi bỏ Địa ngục và mở ra một cơ quan tận độ chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị,
Cõi Tây Phang đuổi quỉ trừ ma.

         Hội Long Hoa   : Một đại hội do Đức Di Lặc Vương Phật làm chủ khảo để tuyển lựa người hiền đức vào hàng Tiên, Phật vị.
         Long hoa   là một loại cây có hình giống như một con rồng, có nở hoa. Do Đức Phật Di Lặc đắc đạo tại cội cây Long hoa này, nên khi Ngài mở và làm chủ một Đại hội, được gọi là Đại hội Long Hoa. Đại hội, có nhiệm vụ tuyển chọn những bậc hiền lương, đạo đức, không phân biệt chủng tộc, nòi giống, hiệp nhau làm một trong cuối thời kỳ Hạ nguơn Tam chuyển để tạo dựng lại đời Thượng nguơn Tứ chuyển, tức Thượng nguơn Thánh đức.
         Tuyển phong  : Chọn lựa người hiền lương, đạo đức, đầy đủ công nghiệp để phong thưởng.
         Phật vị  : Ngôi vị Phật.
         Cõi Tây phang: Hay cõi Tây phương 西  tức là chỉ cõi Tây phương Cực Lạc, hoặc Cực Lạc Thế Giới của Đức A Di Đà Phật.
         Đuổi quỉ trừ ma: Xua đuổi và trừ khử ma quỉ.
         Đạo cao ma khảo, hễ có trường thi công quả tất có cơ khảo thí theo phép công bình Thiên đạo để chịu cơ thử thách mà người tu không sa ngã mới đáng đăng tên vào Tiên tịch, nên ma khảo thời kỳ nào cũng có và ở bất cứ nơi đâu, Thánh giáo có dạy: “Các con hiểu rằng, trong Tam thiên Thế giới còn có quỉ mị chuyển kiếp ở lộn cùng các con thay, huống lựa là Thất thập nhị Địa này, sao không có cho đặng?”. Ở cõi Tây phương ma quỉ tà quái cũng có để khảo các bậc chơn tu, nhưng dù có lộng hành đi nữa, thì Đức Phật Di Lặc, Giáo chủ cõi đó có nhiệm vụ xua đuổi và trừ khử chúng.
Câu 5: Đức Di Lặc Vương Phật mở ra một Đại hội Long Hoa để tuyển chọn những bậc hiền lương đạo đức, có công nghiệp để phong vào ngôi vị Phật.
Câu 6: Nơi cõi Tây phang, Đức Phật Di Lặc xua đuổi và trừ khử quỉ ma thử thách bậc chân tu.

Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
         Giáng linh  : Chiết chơn linh giáng xuống cõi trần. Tỉ như Đức Quan Âm Bồ Tát là do Từ Hàng Bồ Tát giáng Chơn linh xuống phàm rồi tu hành đắc quả.
         Hộ Pháp Di Đà    : Theo Phật giáo, Hộ Pháp Di Đà là vị Thần bảo vệ Phật pháp, hộ trì Tam bảo, giữ gìn cho Phật pháp được tồn tại. Trong các chùa Phật, người ta thường thờ tượng Hộ Pháp Di Đà cầm cây Giáng ma xử đặt nơi bàn thờ đối diện với Đại Hùng Bửu Điện, tức Chánh điện Phật.
         Theo Đạo Cao Đài, Hộ Pháp là một phẩm chức sắc Hiệp Thiên Đài cao nhứt, nắm quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, đối phẩm với hàng Phật vị.
         Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đêm 22 rạng 23 tháng 4 năm 1926, Đức Chí Tôn trục xuất Chơn thần của Ngài Phạm Công Tắc để Chơn thần Ngự Mã Thiên Quân nhập vào thân xác Phạm Công Tắc. Vì thế, Ngài Phạm Công Tắc trở thành Hộ Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nguyên căn Ngài Phạm Công Tắc là Ngự Mã Thiên Quân, được phong Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
         Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp được thờ đối diện với ngôi Chánh Điện Đức Chí Tôn, hai bên Ngài là Thượng Phẩm và Thượng Sanh, sau lưng Ngài vẽ chữ Khí để thờ. Ngài ngự trên thất đầu xà, mình mặc Kim Khôi Kim Giáp, tay cầm cây Giáng ma xử. (xem h ình trang 191)
         Ma xử: Hay gọi Ma chử   là viết tắt của Giáng ma xử hay Hàng ma xử, nghĩa là cái chày để hàng phục ma vương quỉ quái. Cây Giáng ma xử là một bửu bối của Vi Hộ, sau thành Hộ Pháp, trong truyện Phong Thần, hay Đức Hộ Pháp trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức Đạo Cao Đài.
Câu 7: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng Chơn linh xuống phàm làm một vị Hộ Pháp Di Đà.
Câu 8: Đức Hộ Pháp chuyển cây Giáng ma xử để xua đuổi trừ khử tà tinh quỉ quái.

Thâu các Đạo hữu hình làm một.
Trường thi Tiên, Phật dượt kiếp khiên,
         Thâu các Đạo hữu hình làm một: Thâu các Tôn giáo hiện có ở nơi thế gian làm thành một nền Đại Đạo, có một tín ngưỡng duy nhất dưới quyền giáo hóa của Đức Di Lặc Vương Phật.
         Trường thi Tiên Phật: Tức là một trường thi để tuyển chọn người có phẩm hạnh hoàn toàn, và có công lao xứng đáng để đắc vào quả Tiên Phật. Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Người dưới thế này, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo, phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ”.
         Trường thi Tiên Phật là một trường thi trong kỳ Đại hội Long Hoa do Đức Di Lặc Vương Phật làm chủ khảo để tuyển lựa và phong thưởng những bậc hiền lương đạo đức vào Tiên hay Phật vị.
         Dượt: Tức là khảo duyệt, nghĩa là thử thách để đánh giá trị cao hay thấp.
            Kiếp khiên  : Những tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống nơi cõi thế gian.

(*)Kinh Thiên Đạo Thế Đạo 1968, 1974, 1975 viết: thượng Thiên.
Thượng Thiên 上天: Đi lên Trời.