15 tháng 4 năm Kỷ Dậu
(30-5-1969)
THI
NGUƠN Ba thiên hạ loạn chung bầu,
THỦY Tổ nhân-loài họa bởi đâu?
THIÊN hạ giao thoa tuần hoãn độ,
TÔN hành pháp chỉ hiện Nam-lâu.
Nguơn Thủy Thiên Tôn mừng chung nguyên căn linh vị Huỳnh Đạo Siêu Thiên. Giờ lành phò tá Đại Tôn Sư lâm phàm để truyền ban tâm pháp siêu việt huyền vi. Nầy các nguyên-nhân! đời loạn ly vì bởi lòng dục vọng, tà vọng khôn lường. Trước kia tiểu Phong Thần đã phô trương, bực “hóa nhân” chưa thành người đã cam điều đau thương thống khổ, trở nên uổng công muôn kiếp ngàn đời, sa vào Phong Thần bảng, vì sân nộ mà nên, vì lòng dục vọng mà thành. Xét cho rõ : người tu mau đắc quả, lòng thiện vẫn còn hơn, dầu cho thú cầm muốn đặng thành Tiên cũng trải qua kiếp người, nếu không đúng kiếp người cũng phải trải qua thiên thu tịnh dưỡng, lao khổ dường bao, nhưng không được kiếp người thì không biết thế nào là khổ đau cay đắng, không biết thế nào là cảnh oan nghiệt trầm luân của con người thế tại, nên chi dầu đắc được Tiên-bang thú tánh cũng vẫn còn, lòng sân nộ đã mang, cho nên thành bậc Tinh-Quân là thế đó! Sống trong vũ trụ, trong luật tuần hoàn của Thượng-Đế chí công, phải làm sao để trở về với nguyên bản, đừng say theo ảo ảnh phù hoa nơi thế tục rồi quên công nghiệp ngàn đời, uổng thay! Uổng thay! …
GIÁO điều Đạo pháp hiện ngàn phương,
CHỦ hóa huyền vi hội Đạo tràng,
THÔNG lẽ mầu siêu nên lập Triệt,
THIÊN hòa Địa thuận hội thuần lương.
Thông Thiên Giáo Chủ mừng chung Thiên phong nam nữ, đồng nghe Lão giảng đôi điều.
Nầy các nguyên-căn! Không phải Nguơn Thủy Thiên Tôn đem lời thuyết giảng mà gọi là chơn-lý cao siêu. Đó cũng để cho các nguyên-nhân nghe mà tầm chơn-lý, chưa phải thật chơn tuyệt diệu.
Nầy các nguyên căn! Thú cầm tu muôn kiếp không trở thành người cũng đắc Đạo Tiên bang, đó là chí công của Thượng-Đế. Muôn loài vạn vật đều là linh-tử của Thượng-Đế lâm phàm, chẳng lẽ vì thú cầm hay con người, mà vì sự bất công của Thượng-Đế, để cho con người cũng tu, thú cầm cũng hành Đạo, vẫn để thú cầm thấp hơn con người, ấy là Thượng-Đế bất công sao? Cho nên Nguơn Thủy Thiên Tôn đem luật của Thầy truyền xuống đều sai chạy trong thời Tiểu Phong Thần, ngày nay phải tạo thành Đại Phong Thần phân tranh cao thấp. Người cũng như thú vật, tuy thú vật chưa đặng thành người, nhưng nếu có công tu cũng kể là công, là đức. Nếu người không tu, chẳng biết lẽ huyền-vi của Đạo-pháp thì không thể sánh bằng thú vật được; dầu người tu mà không tròn duyên với Đạo, phản Thầy, phản Đạo, đó các ngươi thấy! … Triệt Giáo có bao giờ Đệ tử phản Thầy? Kìa! Xiển giáo, ân hồng, ân giao, biết bao nhiêu trước kia đệ tử xiển giáo đã phản Thầy, phá hại uy danh, còn đệ tử của Lão dầu cho thú cầm, nhưng lòng trung một mực chẳng rẽ, chẳng phân.
Nay trong Huỳnh-Đạo chư hiền cũng thấy: một vài nguyên-căn chưa đoạt lý cao siêu, muốn tách rời cơ Thiên chuyển tứ, có phải chăng lòng người là thế đó? Còn nay Đại Phong Thần sắp diễn, Triệt giáo của Lão dầu có lâm phàm cũng lòng trung một mực, thà sa vào bảng Phong Thần, thà hủy hoại xác thể thành bực Tinh Quân, thì còn hơn là con người xa rời Đạo thể, quên Đại hồng thệ, vui theo cuồng vọng trong kiếp nầy để linh hồn ngày sau sa đọa! Có phải chăng lời của Nguơn Thủy Thiên Tôn tuy đúng, nhưng đúng với lý của những người còn thấp kém chưa hiểu rõ điều chơn-như tuyệt diệu. Nay Lão cho biết: dầu người hay vật, dầu cho muôn loài cũng vẫn trong tay của Thượng Đế, cũng vẫn là con của Ngài hóa sanh, thì dầu cho người tinh khôn hơn vật, vật dầu ngu muội hơn người, nhưng vẫn một điểm linh-quang mà ra, luật tấn hóa mà đến, tuy tấn hóa trước nhưng không gặp đại cơ duyên cũng không bằng kẻ đến sau một ngày mà thành Chánh Đạo vậy.
Cho hay:
Đạo pháp tùy duyên chọn tấm lòng,
Chẳng cần đội mũ với mang lông,
Miễn là trung tín ngày xưa vẹn,
Thoát khỏi trần nhơ lánh bụi hồng.
Bụi hồng muốn lánh phải dày công,
Chuyển đức từ bi lập đại đồng,
Đội lớp con người, tâm ác thú,
Còn hơn rùa rắn luyện chơn không.
Triều nghinh…
ĐẠO là hòa diệu khắp hư không,
TỔ đức mang mang chẳng bợn lòng,
THÁI ứng Nam triều khai bảng vị,
THƯỢNG thừa đắc Đạo hội Long-Hoa.
Đạo Tổ mừng chung nam nữ.
Nầy các nguyên căn, giờ lành báo tin phó triệu của Đại Tôn Sư sắp lâm phàm. Vừa nghe Nguơn Thủy phân qua, Thông Thiên đáp lại, Đạo Tổ vui thay! … lành thay! …
Mỗi Tiên gia mỗi lý, mỗi Đạo pháp mỗi chánh cương, nay là Huỳnh-Đạo siêu-thừa, chẳng phải giống như muôn ngàn chơn-lý khác, dầu chơn-lý là một. Nầy các nguyên-nhân! Một là giải thoát, một tiêu dao, một về với nguồn cội, nhưng đường đi chưa phải là một, thì điều đó chưa gọi là chơn-lý được. Chơn-lý là sự giải thoát nhiệm mầu, tất cả trong Bá giáo đều nhìn nhận, nhưng đường đi đó chưa phải là một được. Trong Bá Giáo đều có Bá Đạo để về với Thượng-Đế, nhưng đường về đó mỗi mỗi đều gọi là chơn-lý chớ chưa phải là chơn lý. Nhưng nói chơn-lý là giải thoát cũng chưa phải là chơn-lý vậy, tạm thời gọi là chơn-lý, chơn trong nhân-thế: tự hiểu, tự biết, tự tìm, tự suy mà gọi là chơn thì chưa phải là thiệt chơn; chơn mà Thần, Tiên truyền giảng ra đây không còn bằng lời, không cần bằng hành động mà cần bí pháp siêu-vi, ngày đắc Đạo mới gọi là chơn-lý được. Giờ đây, dầu cho học Đạo, hành Đạo hay truyền Đạo mà gọi là chơn-lý, đó, tự nhân nhận rằng chơn lý đó chưa phải là thiệt chơn, chơn thiệt là khi nào đắc Đạo vậy.
Dầu cho Nguơn Thủy hay Thông Thiên có tranh biện Đạo pháp cao siêu cũng ở trong vòng điều hòa của vũ trụ. Thượng Đế cầm quyền, mỗi việc chi đều có sắp sẵn lớp lang. Kìa! Các nguyên-nhân đã thấy: mùa Xuân không thể đổi thành mùa Đông, mùa Xuân muốn đến mùa Đông cũng phải bước qua Hạ, Thu mới tới. Luật tuần hoàn của Thượng-Đế là thế! Không thể nào từ mùa Xuân rồi đến mùa Đông cho được, không thể nào đổi từ mùa Đông sang mùa Xuân mà không có Hạ, Thu luân chuyển. Đạo muốn đến cần phải có nấc thang từ từ tiến. Tự thấy mình còn nhỏ hẹp, cho nên phải cố gắng tu trì, rèn tâm trong kiếp nầy để gặp đại-xá ân đến Long-Hoa đại-hội.
Thông Thiên đã truyền huấn: tuy thú vật công tu hành cũng như người, cũng như muôn loài vạn vật, nhưng chư hiền nên nhớ: từ thú vật muốn tiến thành người phải qua muôn ngàn kiếp đắng cay, dầu thú vật kia được ân huệ của một Thông-Thiên truyền xuống, nhưng cũng vẫn còn thú tánh, chưa trải qua đoạn con người nên chưa biết làm người, khi chưa biết làm người thì chưa biết sự sầu khổ đớn đau, chưa biết cảnh vui buồn trong thế tục, cho nên khi thành Tiên cũng vẫn còn luân hồi trở lại để làm người lập thêm công đức vậy. Con người khi đã hiểu rõ kiếp trầm-luân ô-trược đau khổ muôn đời, phải tìm phương giải thoát, khi giải thoát rồi không muốn trở lại trần gian là thế đó!
Muốn được thành Tiên chẳng khó gì,
Dốc lòng bỏ cả chuyện trần si,
Đem thân hiến trọn cho Chơn-Đạo,
Nữa khắc là trên đoạt thế kỳ!
ooOoo
Kỳ Ba Nguơn Hạ đại hồng-ân,
Khuyên nữ cùng nam hãy gắng cần,
Chỉ có nơi đây là tuyển trạch,
Hào quang Thượng Tổ chiếu vố ngần.
Thăng .
THIỆP QUYẾT TỪ CHƯƠNG
Vung tay Thầy ngự hồng trần,
Chín rồng nương gót, mấy lần giảng khuyên:
Con ơi! Đạo cả chân truyền,
Hồng ân nương lấy thoát miền tử sanh.
Tam-Thiên Thầy hiện mây lành,
Thương con đoài đọa hôi tanh thế-trần.
Vì Thầy xét thấy nhiều lần,
Các con chưa trọn mấy lần giảng khuyên.
Muốn thành được bực Đại-Tiên,
Dặn lòng ép xác, giữ nguyền chớ thay.
Truyền công Đạo quả Thiên Khai,
Nên Thầy ban xuống trần-ai một lần.
THI
HỒNG diệu từ-quang huệ điển mầu,
QUÂN thành Kim-sắc độ Năm-châu,
THƯỢNG hòa Tiên cảnh âm dương hiệp,
TỔ ứng Phật gia tại điểm cầu.
GIÁNG bút canh thâu truyền mật chỉ,
LÂM trần niên ngoạt tuyển thân hầu;
ĐÀI môn minh vị phong Tiên ân,
THƯỢNG tứ huyền năng đài lịnh chầu.
Thầy mừng chung các con. Thầy miễn lễ các con tọa thiền, thính tâm, định ý, đừng để cho thân tâm xao xuyến nghe Thầy giảng về thiệp quyết từ chương.
Nầy các con! các con hãy tỉnh tâm, trụ thần, lắng nghe lời Thầy khuyên nhủ: từ khi Thầy truyền ban diệu pháp cho các con đến nay đã mấy niên dư, nhưng trong hàng các con Thầy còn nhiều thử thách, dầu Thầy ban cho Bí Pháp Tam Thiên mà Thầy gọi là Nhứt, Nhị nguyên, đó chỉ là phần Nhứt nguyên trong hàng Trung đẳng mà thôi. Sau khi các con cố công tô bồi, giữ lòng thanh tịnh, Thầy mới truyền cho các con Ngọc-Kinh Huỳnh-Đạo, đó là chơn quyết từ xưa lưu truyền tích thế. Thầy không thể dùng huyền bút từ trên xuống để dạy cho các con những huyền nhiệm thần thông, e rằng mất lẽ công bình của Thánh, Thần, Tiên, Phật. Nếu Thầy dạy được cho các con thì trong muôn loài vạn vật, trong Bá giáo đại-đồng sao Thầy chẳng dạy? Đó là một điều bất công.
Điều thứ hai, khi Thầy dạy các con, tuy rằng là đại duyên, đại kiếp, nhưng trong các con chưa hẳn là duyên kiếp hơn trên quả địa-cầu, hay trong hàng Bá-giáo, hay nhỏ hẹp hơn là trong Thập Nhị Chi-phái gần đây, các con còn kém quả công đức độ, các con còn kém về phần tín thành, còn mưu vọng lợi danh, lợi danh đời chưa toại, muốn mưu vọng Đạo cho cao sang, sanh lòng tà niệm bẽ bàng để rồi tách rời Đạo cả. Thầy thương thay! Nếu Thầy truyền Ngọc-Kinh trước ngày giờ nay Thầy định, thì giờ đây trong mối Đạo Thiên-Khai đã chia thành Thập-Nhị Chi-Phái cũng nên.
Thầy sở dĩ truyền đúng niên Dậu Thập ngũ-tứ ngoạt Đẳng Giác Đản Sanh, là đúng thời giờ chuyển tiếp cho Thiên-Khai Huỳnh-Đạo ứng triệu mầu-vi trong hai ngàn năm trăm năm lẽ. Từ đâyThầy ban cho các con huyền vi tại thế. Nếu các con thành tâm ứng trụ, nhứt nguyện thi hành trong bốn chín ngày tiên, bảy mươi hai ngày hậu mà không đoạt thành bí pháp cao siêu, không dụng thần thông được tại thế, Thầy bằng lòng nhường lại tất cả huyền vi của Tam giáo để cho ma vương ác quỉ loạn cuồng không còn tự minh tôn Thượng Tổ.
Sở dĩ trước kia Thầy truyền cho Hồng Đăng THIÊN PHÁP ra đi là chọn cho được “Diệu quyết Kim thư”, tạo thành Ngọc-Kinh Huỳnh-Đạo. Nầy các con! từ trước tới giờ bút huyền tạm mượn, cơ diệu chuyển xây, Thầy gọi là Đạo thơ. Tại sao gọi là Đạo thơ? Vì từ trên truyền xuống, thơ Thánh, thi Thần, phú Tiên, văn Phật gọi là Đạo thơ. Nhưng chỉ là những triết lý tạm thời trong Tam giáo mà thôi, không phải điều huyền huyền diệu diệu. Từ trước, các con đã nghe, không phải là chân hay giả, mà điều thật hiện trần gian, duy phải người hữu đức: nào là thông Thiên đạt Địa, nào là bay luyện khắp nơi, trước đã Bát Tiên thành Chánh quả, sau trong những thế loạn cuồng có nhiều vị Tiên thoát tục gần nữa vì mến bả công hầu, có nhiều vị Tiên gần đắc Đạo nhưng nặng nghiệp luân trầm ra cầm vận nước, dùng huyền nhiệm đó để trị thế, nhưng tàn hại sanh linh, không đi đúng với lòng hiếu sanh của Thượng Đế, cho nên cuối cùng bị hủy diệt là thế đó vậy!
Nay trong hàng các con, nếu không phải đại nhân duyên mà trao cho các con thì các con trở thành Đại quỉ; không phải đại căn cơ mà trao cho các con thì các con trở nên kẻ phá đời vô cùng thảm khốc! Thầy không đích truyền cho các con, Thầy cũng chẳng chỉ vẽ gì thêm, Thầy chỉ dùng huyền diệu. Vì nhân duyên, vì Đạo cả, vì thử thách của buổi Long Hoa, cho nên Thầy điểm huyền vi cho “HỒNG ĐĂNG THIÊN PHÁP tìm được “Kỳ thư” tạo thành Ngọc-Kinh Huỳnh-Đạo cho các con để các con tự tìm, tự hiểu nhưng các con không thể ôm gồm trọn vẹn, dầu cho người đã tìm được “Kỳ thư”, tìm được “Kim quyết”, không có sự điểm truyền của Thần Tiên, không có Thầy ứng trợ, không có kỳ duyên đại kiếp cũng không bao giờ đắc thành một mảy may gì vậy.
Thầy lập ra Cơ Mật Viện là để ngày nay, để cho các con luyện thần thông bí chỉ, để cho các con có đại duyên được một phần nào hầu đối chọi lại với vật chất thế tục loạn cuồng. Chẳng lẽ đời, kìa! Cảnh núi xương sông máu, bom đạn dẫy đầy, súng gươm chan chát mà các con ngồi tịnh Phật chẳng có chút huyền diệu hay sao? Thầy thương thế cho nên truyền cho các con chút thần thông tự vệ thân, bảo Đạo, chớ không phải thần thông đó mà các con dùng để tranh quyền với thiên hạ, dụng để tạo thành sự nghiệp cho tử ấm, thê vinh. Nếu các con trái lại lời thề thì phép linh, phù diệu sẽ đốt tan tành khắc mạng các con trong giây phút hiện tiền. Các con nên nhớ: dầu một lời các con không phải đại hồng thệ, Nam Tào Bắc Đẩu vẫn ghi, Long Thần Hộ Pháp vẫn chép, huống chi có nhiều người vì đại hồng thệ, cuối cùng sau nầy thể-xác đau thương, dầu cho quả công nhưng phải trả lời thề trong kiếp chót vậy.
Nầy các con! Đường đi chẳng còn xa, nhưng lòng từ bi bác ái của Thần, Tiên, Thánh, Phật, của Tam-Giáo công truyền cho nên mới đại xá ân thêm. Xá ân thêm cho các con là các con luyện thêm chút thần thông tại thế vậy. Xá ân nầy các con nương theo đó, tuy là muôn loài vạn vật nhưng chung qui vạn vật chỉ có tinh hoa, tinh hoa đó không thể diệt, không thể hủy, cho nên để phần tinh-hoa đó gom tụ vẹn toàn mới sảy sàng xong một lượt. Kìa! Các con từng biết tinh-hoa là lúa, công nghiệp là cỏ, lúa cỏ kia nếu chẳng phải vì lúa thì đám cỏ đã tan tành thành tro mạc. Nhưng chẳng phải vì đám lúa non mà không đốt cho tan dầm cỏ dại.
THI
Ngọc-Kinh vạn pháp ấy Thầy trao,
Long-Hội gần bên tính lẽ nào?
Chẳng luyện thần thông trương mối Đạo,
Đường xa vạn dặm tính làm sao?
Làm sao con luyện đúng Tam Thiên?
Kề cận lửa binh lắm lụy phiền,
Trước tránh cơ Đời, sau bảo Đạo,
Đó là hảo ý của Tam-Thiên.
Tam-Thiên bí-pháp phải dày công,
Khi luyện Ngọc-Kinh bảo thể đồng,
Thông suốt tự nhiên con sẽ rõ!
Đó là chuyển tiếp hội Hoa-Long.
Hoa-Long Thầy định cũng gần đây,
Luyện dứt Ngọc-Kinh sẽ gọi Thầy,
Chuyển pháp Tam-Thiên trong thất nhựt,
Công thành lã lướt vượt ngàn mây.
Ngàn mây con nhớ trước đàn linh,
Thân của con thơ tự thế tình,
Sẽ được phiêu diêu như ý cả,
Mới là Trời Đất rộng mầu-linh.
Nầy các con! Thầy phân qua cho các con, khi Chưởng Giáo Huỳnh-Đạo luyện tới đâu là các con luyện tới đó, không vì lòng tư riêng mà dấu cất, chẳng vì dạ trần tục mà bớt thêm, trước trình Thầy, sau Thầy sẽ chuẩn tấu. Giờ đây, các con cứ yên lòng chẳng ngại, sau Thầy dùng huyền điễn siêu-nhiên truyền xuống, nếu có phần nào sai chạy nơi thế-gian, Thầy sẽ dùng huyền-vi chiếu rọi vậy. Con cứ yên lòng, nghe rõ! Đó là Thầy đáp cho con đó, tự hiểu nơi lòng.
BÀI
Thầy thương con mây hồng vội xuống,
Để đôi lời con hưởng đức ân,
Nay đây sắp cảnh Phong-Thần,
Con hiền nên gắng giữ thân trọn lành.
Ngày luyện pháp đêm thanh học lý,
Tạo huyền cơ bí-chỉ mới thành,
Tam-Thiên Thầy chỉ đành rành,
Di-Đà cũng được nhàn thanh dắt dìu.
Nhưng chơn-lý cao siêu chưa tạng,
Thấy buồn thay mấy đoạn cơ huyền,
Các con không muốn tịnh yên,
Nữa toan bước Đạo, nữa phiền lợi danh.
Con có biết muốn thành Tiên, Phật,
Muốn ra đời lẽ thật muôn nơi,
Hai tay con chấp lạy Trời,
Một tay không thể dỡ vời hai bên.
Con chấp lại là nên một mối,
Chọn một đường, một lối hôm nay,
Nếu không con cứ tách hai,
Đạo, Đời không thể một ngày lập nên.
Con nên nhớ: từng trên để ý,
Dầu nhỏ to cũng chỉ sáng lòa,
Phật Tiên nhìn thấy ngàn xa,
Hồng-trần không thể che qua mắt Trời.
Thầy thường giảng mấy lời tâm huyết,
Là muốn con chơn thiệt y hành,
Cuộc trần đau khổ đã đành,
Nếu con mê muội, Thầy dành chi đây?
Con sáng suốt nơi nầy lo Đạo,
Nghe lời Thầy chung tạo Thiên-cơ,
Một mai Long-Hội đúng giờ,
Thầy vui vì đã đợi chờ mấy niên.
Nay con tưởng lòng hiền là đủ,
Đến chùa chiềng lại rủ cho đông,
Bạc tiền xây cất quả công,
Mà con quên lấy tấm lòng cao siêu.
Đời con đã biết nhiều đau khổ,
Biết thuật nầy, thuật chỗ điêu ngoa,
Thông điều chơn ngã gần xa,
Bước vào nếp Đạo, chánh tà lọc nên.
Con nhớ rõ đừng quên lời dạy,
Đến nơi nầy là phải chí tâm,
Còn không lại uổng tháng năm,
Không công có tội, thăng trầm vần xa.
Nầy các con Điện Tòa Thầy nhắc,
Đây lời vàng định đặt vào tâm,
Rẽ tim chôn dâu âm thầm,
Để vào huyết quản đứng nằm chớ phai.
Đời là khổ đừng sai đường Đạo,
Bước tu hành khảo đảo cho qua,
Điều nào con xét chánh tà,
Điều nào con cũng nghe qua mới tường.
Nhưng đặt chữ Đạo thương trên hết,
Thương Mẹ Thầy, thương mến Thần Tiên,
Bỏ đi những cảnh ưu phiền,
Thân nầy tạm giả, biết duyên hồng trần.
Sao chẳng biết bỏ thân tầm Đạo,
Bỏ giàu sang của báu hồng-trần,
Bỏ điều danh lợi đai cân,
Thần thông Thầy sẽ chiếu ân sắc truyền.
Bỏ chẳng phải rời miền gia thế,
Nhưng chẳng ham, chẳng để vào tâm,
Con ơi! toan tính âm thầm,
Rộng lòng sẽ được thăng trầm soi chung.
Thầy đã biết bần dùn chí trẻ,
Nửa tu hành không lẽ bỏ công,
Đường xa đi đến Đại đồng,
Kìa là hữu-chất chập chồng sướng vui.
Nên tu tỉnh muốn lùi còn ngại,
Thầy khuyên con xét lại cho tường,
Đó là cám dỗ ma-vương,
Còn nhiều, nhiều nữa, thế thường văn-minh.
Còn vật-chất tà tinh lộng lẫy,
Con ơi, con! đã thấy từ nay,
Xét trong mối Đạo Thiên Khai,
Thầy lâm tuyển trạch mây ngày các con.
Còn chẳng được vẹn toàn Thầy khổ,
Buồn nơi lòng lại hổ dùm con,
Trăng kia lúc khuyết, lúc tròn,
Thì Thầy đâu trách các con lựa lần.
Nhưng chí cả lãnh phần cao diệu,
Phải trung-kiên, phải hiểu lời châu,
Không mê, không hoặc đài lầu,
Hư danh, Đạo cả gồm thâu nơi mình.
Là tà-mị rập rình đây đó,
Dắt cho con qua ngõ ngục môn,
Con ơi, đã biết dại khôn,
Nếu con phân tách, linh hồn rã tan.
Thầy nhỏ lệ trước đàn khuyên trẻ,
Một vài con không lẽ bỏ rơi,
Nhưng duyên chẳng được về Trời,
Thì sa ác trược muôn đời, con ơi!
Đây là đoạn thế thời Thầy giảng,
Cuối niên nầy quyền hạn Thầy trao,
Khi con luyện đúng pháp mầu,
Thần Thông tại thế trước lầu Thầy ban.
Tuyển mỗi con Thầy trao phận sự,
Mỗi thần thông mỗi giữ cho tròn,
Đó là Kinh-Ngọc lầu son,
Đài gương phản chiếu vuông tròn ban ra.
Nay đã đúng gọi là niên Dậu,
Các con nghe Thầy lậu Thiên cơ,
Đôi lời để trước đàn tiền,
Cho hay chẳng khỏi tam niên hồng-trần.
Con sẽ thấy Thánh, Thần tại thế,
Hiển thần thông Ngọc Đế lâm phàm,
Đó là chấm dứt Kỳ-Tam,
Con ơi, cố gắng chớ ham giả trần.
Lời chót hết Thầy phân nhiệm lý,
Nữ nam chung hiệp ý hòa duyên,
Đó là duyên của Phật Tiên,
Đại căn, đại kiếp thoát miền tử sanh.
Khi luyện xong vừa thành Bửu pháp,
Được thần thông Thầy chấp lịnh truyền,
Cho về Thất Đảnh nghỉ yên,
Trong hàng nam nữ được huyền diệu ban.
Còn phận sự trần gian Thầy chuyển,
Trong các con như nguyên thần thông,
Ngày nay chuyển tứ ân hồng,
Mỗi con phận sự nơi lòng khắc ghi.
Trước khi luyện chuyện gì cũng bỏ,
Mới đắc thành nghe rõ con ơi!
Khi con luyện pháp tuyệt vời,
Thánh, Thần ganh tị nhứt thời khảo thi.
Còn ma quỉ chuyện gì cũng đến,
Ngăn các con chẳng mến Đạo mầu,
Xét lòng chuẩn ý cao sâu,
Rồi con mới thọ nhiệm mầu sắc trao.
Giờ đã mãn Thầy giao Chưởng-Giáo,
Chuyển cho xong hầu tạo điện vàng,
Riêng phần Pháp-Chủ tính toan,
Huệ linh con mượn trang hoàng chuyển xong.
Rồi giao lại ân hồng Thầy chứng,
Nơi Mật-cơ Thầy dựng đại đàn,
Truyền xong như ý thần quang,
Trong vòng nhứt ngoạt huy hoàng, con ơi!
Đừng để trễ cơ Trời hiển lộ,
Thầy thưởng con nhiều chổ diệu mầu,
Ơn đời công trả cao sâu,
Thì con cũng phải tuân hầu lịnh Thiên.
Mẹ đã chiếu diệu huyền trả thế,
Thầy còn ban linh huệ mầu-vi,
Gần đây con sẽ ra đi,
Tùy cơ thuyết giáo hậu-kỳ khai thông.
Hào quang tỏa Lục-Long ngự xuống,
Tam long triều vô lượng ánh hồng,
Giã con cố gắng quả công,
Thầy lên Thượng giới còn trông con lành./.
THẦY Thăng
BÍ PHÁP TAM THANH
1 tháng 6 năm Kỷ Dậu
(14- 7-1969)
THẦY mừng chung các con,
THẦY từ-bi nhứt tâm chuyển-hóa huyền điễn linh-hư.
THI
NGÔI vị ngàn xưa đã định phần,
HAI điều thanh, trược giữ gìn thân,
GIÁO điều tâm pháp con hành đúng,
CHỦ hóa linh-hư xuất điểm thần.
GIÁNG bút đêm thanh truyền sắc chỉ,
SIÊU thừa Huỳnh-Đạo đại-hồng-ân,
THIÊN hòa hạ-giới minh Long-Hội,
ĐÀI báu con ơi, phải gắng cần!
Đêm thanh Thầy độc hành chiếu điển, Thầy miễn lễ chung cho các con tọa thiền nghe Thầy giảng về bí pháp Tam-Thanh.
Nầy các con trong hàng Huỳnh-Đạo, nam nữ đồng nghiêm chỉnh tịnh tâm nghe Thầy giảng về Nhứt Bộ Tam-Thanh.
Các con ơi! Người sinh ra trong cõi đời đều mang được khí thiêng của Trời Đất, ba điểm báu của Tiên Thiên, đó là TINH, KHÍ, THẦN. Cho nên lúc sinh tiền Thầy thọ được của Đức Huyền Thiên là Tam bộ Hồi Nguyên chuyển luân giải thoát.
§ Nhứt Bộ là chuyển Tinh hóa Khí.
§ Nhị Bộ là chuyển Khí hóa Thần.
§ Tam Bộ là chuyển Thần huờn Hư.
Nhứt Bộ, khi Thầy đã đoạt được phần nhiệm-lý cao siêu, là làm sao miễn cho thân người dứt điều tạp niệm, thúc thu lục trần trở lại nguyên bản cho Tinh được đồng đều, cho thân thể được an nhiên để cho Tinh kia hóa Khí, rồi đến Nhị Bộ là luyện Khí hóa Thần. Khi Khí đã hóa Thần rồi tất nhiên Thần sẽ huờn hư không khó vậy. Nhưng đến Nhị Bộ Thầy chưa truyền Tam Bộ, Thầy vội trở về vì chưng biết sao nầy có Tam Thiên Bí Pháp cùng Di Đà Bí Chỉ truyền chung cho hàng tuyển căn đại kiếp.
Ngày nay, Thầy giáng lâm đàn nội là khuyên chung các con dầu cho luyện thân, luyện mạng nhiều phương pháp cũng chỉ gồm trong ba món báu mà thôi. Luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần huờn hư.
Nầy các con! trong Tam Thiên Bí Pháp gồm đủ phương thức để cho các con luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần Huờn Hư. Các con phải biết phân tách ra mỗi đường hướng để các con nhìn vào yếu quyết mà đi lần đến cơ giải thoát tận cùng.
Các con ơi! Đời càng ngày càng sa sút, lòng người càng chìm sâu trong vực thẳm trầm hôn. Thầy thương thay! Lương năng, lương tri ngày xưa hằng tại, ngày nay vật dục xa hoa che lấp phủ mờ Thiên-tánh, cho nên dầu cho học Đạo nhưng ngoại vật vẫn cám dỗ thường xuyên, duy có người đại-căn nguyên mới thọ được điều Tâm pháp. Các con đây hữu duyên, hữu phước, được Tam-Thiên Bí-pháp truyền ra, Di-Đà ban xuống.
Thầy cho biết ngày đại hội Long-Hoa cũng cận kề, ngày nào mà các con nghe rằng: “Trong Bá Giáo người tu hành đều bỏ Đạo, thế tục vội vào chùa”, đó là ngày Long-Hoa chuyển biến. Dầu cho các con tu hôm nay, ngày mai còn chưa đắc được, vì đường xa, vì khảo thí, phần ngoại cảnh, phần tâm linh của các con. Các con phải trì tâm, kiên trí, làm sao cho vững ngoài, vững trong các con mới rèn được “Thanh Không” để các con trở về ngôi vị ngàn xưa mà Thầy hằng mong đợi.
Thầy mong trong hàng các con chỉ một vài con đắc pháp là cũng đủ toại nguyện.
Về linh sơn tú khí nơi đất nước Việt-Nam có Cửu-nguyên khai hóa, có Thất đảnh truyền quang. Sau nầy làm chủ cả Năm châu, điều khiển cả trần hoàn không sai ngoa là thế đó! Tuy các con ngày nay coi là nhỏ; nhưng ngày sau đứng trên vạn vật muôn loài, cũng nhờ các con không ham mến điều vật chất hữu vi, chỉ trông mong nơi từ-bi siêu thượng mà thôi. Cho nên các con cũng vẫn còn, nghĩa là còn linh-thể, còn chơn-nguyên đắc Đạo. Nếu các con theo phần hữu vi thì ngày kia cũng tán thành tro bụi, Thầy thương thay! Dầu khoa học ngày nay có dời non lấp biển, có ra ngoại cảnh càn-khôn cũng không tránh khỏi điều tử sanh nhỏ nhoi nơi trần-hạ thì làm sao đoạt được quyền Tạo-Hóa?
Nầy các con! ngày xưa Thầy thường khuyên các con: đường tu hành vô cùng khó nhọc, sở dĩ nơi miền Nam nước Việt Bá-Giáo truyền ra, Thần, Tiên, Thánh, Phật đều ngự phàm là vì chưng hữu phước, vì chưng tất cả Thiên-Tinh Bồ Tát đều lâm phàm nơi Trung-Ương Nam Việt mong dìu dẫn căn nguyên trở về ngôi vị, là vì thời kỳ đại xá cho nên các con mới được thưởng thừa ân. Ngày xưa chưa có vậy, ngày nay các con hưởng được là phước đức cao nhiên còn tồn tại. Từ xưa đến nay, các con thường thấy: “Hễ nơi nào hết cơn loạn lạc sẽ đến lúc thái bình, hết thái bình rồi đến loạn lạc”. Như thế luân chuyển thường hành duy có tâm-linh, duy có Đạo học, có phần báu trọng thanh cao mới còn trường miên vĩnh cửu. Thì ngày nay các con thọ được bí pháp cao siêu, không phải trong kiếp nầy, trong đời nầy của các con mà thôi, dầu ngàn đời sau các con có luân-hồi thì trong những giờ luyện Đạo, trong những giây phút tham thiền của các con vẫn còn lưu mãi mãi vậy. Thân các con có già, thể các con có tan thành tro bụi, nhưng giờ phút các con thâu thập được quang điễn của Thầy trong tứ thời luyện Đạo, là chơn-không, là thanh-không của các con cũng vẫn còn trong muôn đời ngàn kiếp vậy. Điều các con làm tội cũng vẫn hư-không, vẫn còn đeo đẳng các con trong muôn kiếp luân-hồi, huống chi các con hằng luyện Đạo càng thêm thanh cao, nhồi nắn trí thần các con cho vẹn vẻ, đó là cũng chơn-không, thanh-không vô-vi chí diệu, ngày kia cũng vẫn theo con cho đến luân-hồi vạn kiếp nếu chưa đắc được Phật, Thánh, Thần, Tiên.
Đừng nên quá vì thân xác của các con mà quên luyện Đạo-mầu, đừng vì quá vật dục, xa-hoa nơi trần-gian hữu-chất mà các con quên mất điều vô-vi báu trọng của Thầy ban. Các con ơi! Lằn điễn siêu quang của Thầy không bao giờ chấm dứt, duy các con quên điều thước mực vội bỏ cội nguồn mà thôi.
THI
Cuộc thế còn đương cảnh đão huyền,
Dạy con từ nét phải cần chuyên,
Nếu đời chưa trọn thì nên dứt,
Kẻo phải bôn chôn lắm lụy phiền.
Lụy phiền suốt kiếp có ra chi?
Luyện Đạo Thầy ban đạt huệ trì,
Ngàn kiếp thanh-không dày Đạo quả,
Muôn đời an hưởng cõi mầu-vi.
Mầu-vi Thầy chiếu tại nơi đây,
Ban sắc cho chung cố hiệp vầy,
Ảnh hưởng thế-nhân cơn cộng nghiệp,
Rồi đây con thấy cảnh vần xoay.
Vần xoay, Nam-quốc lắm tai nàn,
Thu chuyển đau buồn Đông bước sang,
Tuất-Hợi Long-Hoa Thầy định sẵn
Mong con cố gắng khỏi gian nan.
Gian nan thân xác sá gì đâu?
Thầy sẽ dùng oai đức nhiệm mầu,
Trợ sức cho con hồi loạn lạc,
Để con an tịnh lý cao sâu.
Cao sâu Thầy dạy đã từ xưa,
Mối Đạo Trời ban, ấy đại-thừa,
Bổn tỉnh Như-Lai hòa diệu mục,
Mà con có thức tỉnh hay chưa?
BÀI
Đêm thanh vắng độc hành dạ chiếu,
Chẳng lục-long chẳng biểu hộ trì,
Thương đoàn con trẻ hiện quì,
Nên Thầy giáng bút huyền-vi sắc đề.
Ngày Long-Hội Thầy phê điệp chiếu,
Mong các con phải hiểu tận tường,
Trao quyền Di-Lạc Phật-Vương,
Long-Hoa chưởng chấp mười phương phán truyền.
Thầy thương con hạ miền trần-tục,
Giảng Đạo mầu trong đục trước sau,
Cội lành bồi đắp cho mau,
Kẻo giông gió tới khó vào Long-Hoa.
Đường luân-chuyển sơn-hà còn đổ,
Huống chi người không khổ sao con?
Hễ tu đừng có mỏi mòn,
Đường duyên nên gắng vuông tròn khắc ghi.
Con đã thấy chuyện gì trước mắt,
Đạo Thầy khuyên là đặt mối giềng,
Từ-bi nhẫn nhục cao nhiên,
Đó là Chánh pháp Thiêng-Liêng thường bày.
Con luyện Đạo hằng ngày nên gắng,
Phận vô-vi sẽ đặng muôn đời,
Các con còn ở trong Trời,
Thở lằn không khí của đời hôm nay.
Thì luyện Đạo ngày ngày nên nhớ!
Phần vô-vi chớ lỡ hội nầy,
Như con thong thả hiệp vầy,
Mượn lằn không khí của Thầy sống yên.
Con mượn Đạo vi huyền Tạo-Hóa,
Phần cao nhiên thong thả rước vào,
Cuộc trần dầu có khổ đau,
Nhớ rằng Thầy ở trên cao thấu lòng.
Trong vạn cõi trần hồng lao khổ,
Thầy ban cho nhiều chỗ cơ mầu,
Nhiều con còn lắm khổ sầu,
Phân điều nầy nọ địa-cầu trược thanh.
Con được chiếu sắc lành nên luyện,
Phần của con tính chuyện muôn đời,
Còn người, khổ lắm con ơi!
Biết con, con biết một đời mà thôi.
Thầy dạy con vạn lời muôn tiếng,
Mượn từ-bi nên biến thành hình,
Long-Hoa giữ chữ sắt đinh,
Đó là ân thưởng Thiên-Đình ban chung.
Thầy thương con chí hùng dạ sắt,
Quyết một lòng định đặt nêu gương,
Nay đây HUỲNH-ĐẠO tình thương,
Thầy ban chơn pháp diệu thường Long-Hoa.
Gần đến lúc ta-bà sấm nổ,
Cảnh trần-ai cộng khổ khắp cùng,
Ngày nào nghe tiếng Liên-Trung,
Giành nhau Đông-Á anh hùng rã tan.
Thầy phân tách cơ vàng Đạo thể,
Để cho con hầu dễ noi theo,
Tam phân thế-giới hiểm nghèo,
Việt-Nam Thánh xuất hầu gieo giống lành.
Con nên nhớ lôi oanh khắp chốn,
Là đạn bom hỗn độn khắp cùng,
Trần-ai đã thấy lao lung,
Tìm trong Thiên-bổn vô cùng cao siêu.
Nay một kiếp thử liều lo Đạo,
Để ngàn sau con tạo ngôi lành,
Nếu tu con chẳng được thành,
Thì ngôi Ngọc-Đế Thầy dành cho con.
Thầy sẽ xuống cúi lòn trần-hạ,
Chịu luân hồi sắt đá muôn đời,
Thương con Thầy dạy cạn lời,
Mong rằng con trẻ cuộc đời bớt toan.
Để gánh vác Đạo vàng siêu lý,
Để lo đường huyền-bí hôm nay,
Tấc hơi con bỏ ra ngoài,
Thân nầy cũng thở một ngày nát tan.
Lưu luyến chi trần-hoàn mấy lúc,
Để ngày sau địa ngục bước vô,
Con ơi! Cố gắng cơ đồ,
Tạo thành nguyên-vị hầu tô mối giềng.
Thầy ráo tiếng cạn khuyên con trẻ,
Hiện thân vàng không lẽ nài xin,
Dầu cho Thầy ở Thiên-đình,
Thương Thầy con cũng động tình giáng lâm.
Mượn bút huyền canh thâm siêu lý,
Giảng cho con điểm chỉ phê truyền,
Kìa, kìa Kim Mẫu ngự thuyền,
Hạ phàm sắp đến chuyển huyền ban ân.
Vì thương con ân cần dạy dỗ,
Thầy ban cho con nhiều chổ cao sâu.
Giã con ban xuống nhiệm-mầu,
Tiếp nghinh Kim-Mẫu thượng lầu giáng lâm.
Ban cơ diệu canh thâm điểm Đạo,
Cho các con hầu tạo cơ huyền,
Giã từ tất cả tịnh yên,
Truyền qua cơ khuyết diệu-huyền ân chung.
Vung bút ngọc rải cùng ân huệ,
Thầy Ngôi-Hai Ngọc-Đế ban truyền,
Ân lành diệu hóa cao nhiên,
Giã từ con trẻ Thượng Thiên Thầy hồi./.
Thăng
---------------------------------------------------
HUYỀN BÚT
15 tháng 7 năm Kỷ Dậu
(27-8-1969)
THI
HỒNG điệp hào quang tỏa diệu huyền,
QUÂN đàn sắc lịnh nãi Kim-liên,
THƯỢNG thừa Chơn-giáo khai Long-hội,
TỔ tứ năng minh Đạo-pháp truyền,
GIÁNG bút đề thơ minh lý nhiệm,
NGỰ trần xá pháp lẽ thâm uyên,
CHƯỞNG quần Tiên Hội nên tu luật,
TÒA báu con ơi! Bát-Nhã thuyền.
Nầy các con! kiếp người xưa tính là ba vạn sáu ngàn ngày, các con bị thời gian chiếm mất quá hai phần, chỉ còn một phần của các con. Phần đó không phải các con sống bằng thể xác, mà sống bằng linh hồn, chứa đựng những điều siêu-vi mầu nhiệm, hoặc chứa điều ác trược trầm-kha, một phần ba cuộc đời của các con đó đủ cho các con tác thành Tiên, Phật hay các con trở về với ma quỷ ngục môn. Các con ơi! Thầy thường khuyên các con! trên trần gian nầy, muôn loài vạn vật trong tay Thầy chưởng chấp lý hóa sanh, nhưng cũng tự nó đào tạo cho một con đường bước về Bạch Ngọc,Hư Cung trở về với đại-linh-quang chớ Thầy không thể cản, không thể ngăn, mà cũng không đem về được vậy. Đó là lý tự nhiên. Nếu các con về đến Bạch-Ngọc, Hư-Cung hay Niết Bàn, các con còn nhìn cao hơn nữa, trên Ngọc Đế, Thượng Đế, trên Thầy còn có hằng hà sa số vị Tối Thượng Truyền Quang Hư Linh diệu diệu. Ngày trước, các con thường đọc kinh: “ Diệu Diệu Huỳnh Kim Khuyết …” đó là tượng trưng một phần của ngôi Ngọc Đế mà thôi, còn trên Ngọc Đế còn biết bao nhiêu điều huyền-diệu không thể diễn tả bằng lời, không thể truyền qua các con bằng trí, vì phàm trí của các con chỉ ngắn ngủi trong trăm năm, lời của các con chỉ diễn tả trong quốc độ nầy, Thầy không thể dùng những lời cao siêu hơn nữa, vì trí của các con chỉ có bấy nhiêu. Thầy làm sao giảng thêm được? Chỉ lấy chơn-lý của phàm gian sẵn có từ xưa đến nay, Thầy thêm siêu lý của Đạo Vàng, chỉ tắt con đàng đến Niết-Bàn hay Bạch-Ngọc cho các con mà thôi vậy.
Nầy các con! các con biết rõ lý đời là trầm-kha ác-trược, vật chất vô thường, mà các con cũng còn níu nương, tin những điều không đáng tin, ngờ những điều không đáng ngờ:- tin những điều không đáng tin là các con vẫn biết mình sẽ chết nhưng tin rằng hiện thời còn sức sống, còn mãnh lực để tranh đấu với đời nên các con không tin rằng các con sẽ chết.
Các con nghĩ rằng: vật chất nầy tạo ra rồi ngày kia sẽ hủy diệt, cũng như muôn loài vạn vật, cũng như tất cả Giáo-Tổ xưa kia, hiền dữ đều phải trải qua chết là cuối cùng, là tịch diệt, là không còn chi nữa, cho nên các con ngờ ngờ vực vực.
Các con quên rằng trí của các con là vô-vi, linh-hồn của các con là ảo ảnh, đời của các con tuy chìm sâu trong vật chất, nhưng các con điều động bởi linh-giác hư-vô, bởi tâm-hồn của các con. Nầy! các con thấy tay Thầy vừa cầm bút? Tay nầy chưa phải của Thầy, mà lằn điễn của Thầy truyền ra bảo tay phàm trần phải nắm chắt, miệng nầy tuy lời nói tượng trưng của Thầy, nhưng Thầy điều động bằng Hư-linh, bằng cao diệu, cũng như các con muốn luận Đạo cùng nhau, thì trước khi con nói bằng miệng- nghĩa là các con xuất ngôn từ Đạo hạnh- các con đã có ý định trong tâm, ý-định đó là vô-vi nào các con thấy được, rồi các con mới xuất bằng từ ngôn, từ ngôn là hữu chất, là âm thanh có thể nghe được. Nhưng ý định của các con xuất ngôn đó là vô-vi, cũng như lằn điển của Thầy ngày hôm nay vậy, thì ý định đó đâu phải mất theo lời nói. Nầy các con! Các con vừa nói ra lời nói sẽ mất đi vì đó là hữu chất, nhưng ý định nói ra vẫn còn trong lòng con, thì ý định đó, khi các con bỏ lời nói đi, ý kia vẫn còn, lòng kia cũng vẫn còn chấp điều cao diệu hư linh. Vậy khi các con thoát khỏi thể xác nầy, điều cao diệu đó mất đi chăng? Điều đó các con suy nghĩ mà tự cảm, tự hiểu lấy huyền-năng của Thầy, linh-hồn các con ở nơi đâu?
Đạo pháp mà Thầy truyền cho các con là từ hư-vô truyền ra hữu chất, từ hữu chất trở về với hư-vô. Nầy các con! hãy nhìn nơi huyền-bút của Thầy đang tá thủ. Các con nhìn đây! Tay nầy, bút nầy, trước khi Thầy truyền quang điễn vần xây, vẽ một vòng tròn hay viết thành bạch tự, đều có sự chuyển động là các con thấy bằng mắt. Các con nghe Thầy mượn ngôn từ của Tử Đồng xuất điểm, các con nghe bằng tai nhưng các con hiểu bằng chi? Có phải chăng các con cảm bằng trí? Nghe là phương tiện, thấy là phương tiện, nhưng trí của con thâu thập mới chính là phương tiện từ nhiên, đó là điểm linh-quang của Thầy truyền xuống vậy. Các con phải tự cảm, tự hiểu để Thầy truyền thêm huyền-nhiệm cho các con đoạt thành lý nhiệm siêu-vi mới gọi là Đạo-Huỳnh cao diệu.
Nầy các con! Tay nầy, bút nầy, lời nói nầy chưa phải là của Thầy. Vì lời nói là hữu chất, bút nầyThầy mượn quang điễn của trần gian, thì làm sao diễn tả được hết tất cả những điều gì Thầy muốn truyền cho các con. truyền cho các con bằng lời nói, bằng tay của Tử đồng hiện thời, bằng ngôn từ của Thầy xuất phát ở tại đây, hiện tiền Thầy giáng ngự, lâm trần tọa vị, nhưng ở đâu phải ở nơi lòng con, đâu phải ở trong tim óc của con mà các con thấy rằng Thầy giáng ngự? Chỉ nghe bằng lời củaThầy rồi các con tự truyền nơi tâm, hiểu nơi trí, gom nơi tinh thần của các con lừa lọc để chọn điều hay, lý phải học điều mật nhiệm cao siêu. Điều mật nhiệm cao siêu lý phải đó là vô-vi, vô-vi thị chơn pháp trường miên bất diệt là vậy.
Con đừng tin vật chất nhưng các phải dùng vật chất, vật-chất rồi sẽ tiêu tan, nhưng nương theo thế vật-chất để đoạt thể tinh-hoa những điều gì các con muốn vậy. Bút nầy chưa phải là bút nếu không phải vẽ thành từ văn, bạch tự. Bút nầy chưa phải là huyền bút nếu không được huyền điễn của Thầy ban ra, thì sự điều động của bút nầy chỉ là vật-chất trầm kha tạm giả vô-tri mà thôi. Thân nầy của các con nếu chẳng phải điều động bằng linh- hồn cao diệu, bằng linh-tử của Thầy, bằng nhân quả của ngàn xưa tích lại, thì thân xác của các con như ngọn bút của Thầy trước áng vậy.
Tại sao có nhiều con còn tin rằng chẳng có linh-hồn? Nầy các con! linh-hồn của các con sở dĩ không được thoát ra ngoài là vì các con vẫn để cho nó tán trong thất tình lục-dục. Các con nhìn thấy màu sắc, màu sắc đó gợi trong đôi mắt của các con để đưa vào tâm-hồn của các con: mến, thương, ghét, bỏ, điều đó là điều vô-vi đưa vào tâm-hồn của các con, làm cho mê si hoặc cho sáng suốt. Vì thế từ trong tán ra ngoài thị giác, từ thị giác truyền vào trong làm cho tán thần, tán điểm linh-quang, làm sao còn là con nữa? Vì con hiện thân ngày nay con chỉ là một con người không thật là nghĩa con người mà là của dục-vọng, của thất-tình tràn lan trong xác thể, con đâu phải là con. Cho nên Thầy giáng trần ngày hôm nay chỉ cho con: con ở nơi nào? Con là đâu?
Nầy con ơi! Con là lý nhiệm sâu huyền diệu ẩn tàng trong sắc chiếu điệp phê, con là tất cả những gì tinh lý diệu đề, từ ngoài thất tình lục-dục của các con, Thầy chỉ các con thâu về một mối là linh-hồn, là linh-tử, để cho các con trở về với nguyên bản các con mới vừa thấy các con. Nhưng rồi giờ đây các con vừa tự thấy chập chờn qua như trong bào ảnh, trong bóng kính, để rồi ngày mai các con bước chân ra đời nhìn thấy cảnh vật-chất phàm gian, thị-giác, thính-giác, khứu-giác trong ngũ-quan của các con bị lôi cuốn theo vật chất thì hồn của các con còn đâu nữa? Còn chỉ là vật-chất, còn chỉ là thất-tình, thì các con đâu còn là các con mà gọi là con còn nữa? Con ơi! Thầy ban diệu lý từ chương, Thầy biết rằng nếu dùng lý cao siêu ít con được thông hiểu, nhưng bắt buộc Thầy giảng giải ngày hôm nay là trong hàng các con còn có đại căn-nguyên đang chờ nghe diệu-pháp.
Khi con đã hiểu được con rồi, nghĩa là con vẫn để cho thất-tình lục-dục, con vẫn để cho tất cả những điều ám muội mê si, nhưng con phải đứng riêng con; mê là mê; giác là giác; con là con; còn thất-tình là thất-tình. Nếu các con chìu theo thất-tình thì các con trở thành thất-tình mà không còn con nữa; các con chìu theo lục-dục thì các con trở thành lục-dục mà không là các con nữa. Các con đi từ lục-dục trở về với nguyên-bản của các con là chính linh-tử của các con. Dầu thất-tình, lục-dục, dục vọng ngày xưa có đến với các con mà các con nhìn nó, thấy nó, sa mê nó mà các con vẫn còn biết rằng còn của các con là các con còn một điểm “lân-vi” của linh-tử vậy. Nhưng “lân-vi” ngày kia cũng vẫn tán ra trong thất-tình, người luân-hồi trong muôn ngàn kiếp đọa sa là vậy đó, các con ôi!
THẦY THĂNG
NGỌC KINH HUỲNH ĐẠO
15 tháng 11 năm Kỷ Dậu
( 23-12-1969)
Tăng, Ni-Trưởng Huỳnh-Đạo,
Bần-Đạo có đôi lời mừng chung Tăng, Ni-Trưởng hiện tiền. Vì giờ lành phải tạm ngưng thời trụ điễn trở về đây để gặp Tăng, Ni-Trưởng hầu thuyết minh về chơn pháp, dìu dẫn tất cả Tăng, Ni-Trưởng trên bước đường Long-Hoa lập vị.
Kể từ khi Bần-Đạo rời thể xác để trở về luyện pháp cao siêu của Thượng-Tổ truyền ban, đến nay thấy rằng trong Tăng, Ni-Trưởng Huỳnh-Đạo đã có phần tăng tiến về pháp nguyên cao siêu tuyệt diệu của Thầy ban xuống, cho nên Bần-Đạo trở về bằng linh điễn, truyền một phần Tâm-pháp cao siêu về cơ luyện mật-pháp của Huỳnh-Đạo hiện tiền.
Tăng, Ni-Trưởng nên nhớ rằng: Đạo của Thầy đã phát nguyện khởi thủy luyện pháp cao siêu là do THƯỢNG TỔ truyền ban từ đời Bàn-Cổ sơ khai đến giờ là thời Mạt-pháp. Bần-Đạo giảng một phần bí-pháp cao siêu cho tất cả Tăng, Ni Trưởng, hãy tịnh tâm, tịnh thần, tọa thính, vì đây là phần thứ nhứt của “NGỌC KINH HUỲNH ĐẠO”.
Từ trước tới nay, Thái-Cực sanh ra lưỡng-nghi, lưỡng-nghi mới biến ra tứ tượng, tứ tượng mới tạo thành Bát-quái, từ Bát-quái đó tạo ra muôn loài vạn vật ở trên thế-gian nầy vậy. Vậy thì cơ luyện pháp siêu-hình Tam-Thiên Bí-Chỉ là căn cứ vào khởi thủy ngôi Thái Cực mà có, Bần-Đạo lấy thân người làm chuẩn đích để giảng mật-pháp hôm nay cho tất cả Tăng, Ni-trưởng thấu hiểu điều huyền diệu, sớm đạt được Tâm-pháp cao siêu hầu kịp ngày Long-Hoa Đại-Hội. Vì đời sắp đến cơn biến loạn, Đạo phải có đến lúc phục hưng, cơ Thánh-Đức phải có hồi tạo dựng.
Thân con người là do Tứ-đại hiệp thành: đất, nước, gió, lửa, tạo thành con người bằng hữu chất, vì thế trong Bí-pháp Tam-Thiên gọi là Tứ-tượng biến dịch thành ra con người.
- Đất, nước là phần âm.
- Gió, lửa là phần dương.
Âm, Dương đó đứng vào ngôi lưỡng nghi, từ ngôi lưỡng-nghi đó con người mới có sự sống hiện tiền, sự hiểu biết hiện giờ, đó là ngôi Thái-Cực vậy. Ngôi Thái-Cực là sự sống, hiểu biết là sự sống, đó là Ngôi Thái-Cực. Tất cả hiền tăng, hiền ni nghe rõ! Từ ngôi Thái-Cực biến ra Lưỡng Nghi, Lưỡng-nghi có nghĩa là âm-dương, âm-dương trong đó có Tứ-tượng đất, nước, gió, lửa tạo thành con người. Trong đất, nước, gió, lửa ngày nay luyện Đạo pháp cao siêu phải trở về nguyên thủy là chọn âm dương mà thôi. Khi âm-dương huân-chuyên hòa nhịp gọi là chiết khảm điền ly, xong rồi mới trở về ngôi Thái-Cực là bồi bổ cho tinh thần. Luyện Bí-pháp Tam-Thiên có nghĩa là trở về ngôi Thái-Cực vậy. Ngôi Thái-Cực là sự sống, là sự hiểu biết hiện thời ở trên thế-gian nầy vậy.
Ngày nay, Bần-Đạo giảng cho tất cả hiền tăng, hiền ni thông suốt về một phần của Bí-Pháp Tam-Thiên để hiểu phần nào cái lý nhiệm sâu của Di-Đà Bí-Chỉ, Tam-Thiên tuyệt diệu. Vậy thì Bần-Đạo lập lại một lần nữa là con người làm chuẩn đích để cho Bần-Đạo giảng về Bí-pháp Tam-Thiên. Con người sanh ra bởi Tứ-tượng, trong tứ-tượng tàng ẩn ngũ hành, nhưng chung qui chỉ chọn Tứ-tượng để tiến lần ra Lưỡng-nghi, từ Lưỡng-nghi trở về ngôi Thái-Cực. Đến lúc đó sẽ ứng hiện Kim-Thân huyền đồng cùng vũ trụ là như thế đó vậy. Bí-Pháp Tam-Thiên hiện thời cũng như Di-Đà mật-chỉ đều từ Tứ-tượng đến Lưỡng-nghi, từ Lưỡng-nghi về ngôi Thái-Cực. Đó là phần chiết Khảm điền Ly vậy.
Các Tăng, Ni-trưởng Huỳnh-Đạo phải mở tâm thanh tịnh để nghe Bần-Đạo giảng về phần tuyệt siêu Bí-Pháp, hầu khi luyện pháp sẽ được lằn điễn của Thượng Tổ chiếu truyền, hào quang của Di-Đà phủ xuống, trong lúc đó với huyền năng sẵn có của Bần-Đạo, sẽ tùy mỗi cơ duyên mà ban bố cho tất cả hiền tăng, hiền ni trong cơn nhập pháp vậy.
Phần Tứ-tượng là đất, nước, gió, lửa.
Đất - nước - gió - lửa gom về một mối là từ trung điền trở xuống.
Gió - lửa gom về một mối là từ trung điền trở lên.
Có nghĩa là từ khoảng giữa tim con người trở về trên gọi là phần dương, từ phần nữa con người trở xuống gọi là phần âm. Đó là phần lưỡng nghi vậy. Lưỡng nghi là âm-dương kết hợp để tạo thành sự sống, sự hiểu biết của con người. Khi người luyện Đạo làm thế nào cho âm-dương hòa hiệp, khi âm-dương hòa hiệp mới bảo toàn cho sự hiểu biết, mới bảo toàn cho sự sống muôn đời. Âm-Dương đó mượn hữu thể để tạo lấy vô hình, dùng vô hình để hổ trợ cho hữu thể, để có sự sống muôn đời ngàn kiếp, để có sự sống trường lưu vĩnh cửu, đó là phần bí yếu trong “Ngọc-Kinh Huỳnh-Đạo”, Bí-Pháp Tam-Thiên mà Bần-Đạo đã thọ trước Thượng Tổ giảng ra đây.
Trong phần Tứ-tượng phải phân rành thế nào là âm, dương? Khi âm-dương huân chương đầm ấm hiệp nhứt, nhưng muốn cho âm-dương hiệp nhứt phải có TA, phải có TA có nghĩa là Chơn-Ngã, có nghĩa là sự sống, có nghĩa là sự hiểu biết, có nghĩa là TA là ngôi Thái-Cực, TA đứng vào ngôi Thái-Cực, là ngọn đèn Thái-Cực. Tất cả hiền Tăng, hiền Ni nên nhớ: trước Thiên-Bàn có ngọn đèn hồng đăng soi sáng, nhưng nếu ngọn đèn hồng đăng đó tắt đi thì lửa đó phải về đâu? Có phải chăng lửa đó trả về cho ngôi Thái-Cực, trả trong lằn không-khí nầy mà Bí-Pháp Tam-Thiên của Thượng Tổ truyền xuống, có nghĩa là dùng không khí để lọc trược, lưu thanh, làm sao giữ cho được tam-muội hỏa trong lằn không khí hiện thời, tất cả hiền Tăng, hiền Ni đang thở là mượn sức nóng trong lằn không-khí vậy. Sức nóng đó nó cũng có phần âm, không phải là hoàn toàn dương cả.
Tại sao khi con người bỏ xác, thể xác lạnh tanh? Vì sự hô hấp không còn nữa, phải trả về hoàn toàn phần âm, trả về đất lạnh là thể đó vậy! Hiền Tăng, Hiền Ni mở tâm bình tịnh để nghe Bần-Đạo giảng thêm hầu thông đạt được huyền-nhiệm cao siêu của Bí-Pháp Tam-Thiên mà trở về với nguồn cội.
Phần dương là phần trong không-khí. Ngày nay cách luyện, nghĩa là công phu của Hiền Tăng, Hiền Ni trọng yếu vào hơi thở, là làm sao cho thâu thập được phần dương, phần dương là huân chương đầm ấm cho phần âm, hai bên tạo thành cho phần Thái-Cực trong sáng cũng như ngọn đèn phải có dầu vậy. Dầu có đầy thì đèn kia mới sáng, nhưng muốn cho đèn cháy thì phải có người châm lửa, người châm lửa đó phần lý-trí, là sống sự hiểu biết, là ngôi Thái-Cực vậy. Ngôi Thái-Cực là phần châm lửa, có nghĩa là gìn giữ cho phần âm-dương, gìn giữ cho sự luyện Đạo hiện thời, có nghĩa là Bí-Pháp Tam-Thiên hay Di-Đà Mật-Chỉ. Ngôi Thái-Cực làm ngôi đốt thành ngọn đèn, âm-dương là dầu và ngọn đèn cháy. Nên điều đó, thiếu một không bao giờ được. Ngọn đèn cần phải có dầu, cần phải có tiêm, có nghĩa là phải có âm-dương cho đầy đủ. Khi ngôi Thái-Cực rọi xuống là người đang châm ngọn lửa vào thì đèn kia sẽ cháy, ngọn đèn cháy là tạo thế nào cho âm-dương toàn vẹn, bổ sung cho nhau để ngọn đèn kia càng cháy càng tỏ, càng soi-sáng, như thế mới gọi là luyện Đạo-pháp cao siêu, chớ từ trước tới nay trong vòng mờ mờ, ảo ảo, có nghĩa là tất cả Hiền Tăng, Hiền Ni tưởng rằng mình luyện Di-Đà Bí-Chỉ, luyện Tam Thiên sẽ trưởng sanh bất tử, điều đó là điều sai lầm, khi chưa biết được ngôi Thái-Cực nơi nào, Lưỡng-nghi ở đâu, Tứ-tượng đứng vào thế nào? Thì làm sao biến thành Bát-quái, thì làm sao biến thành Tam-Thiên Đại-Thiên thế-giới nầy vậy?
Mở trí, định tâm, Bần-Đạo tùy duyên chiếu lằn linh-huệ cho mỗi người mở tâm ra nhận lấy phần chơn pháp lý minh ngày hôm nay vậy. Bần-Đạo lập lại lần nữa, đây là sự dạy dỗ truyền Thiên-điễn, truyền pháp cho chung, chớ không phải mỗi lần đàn cơ là mỗi lần chỉ nghe điểm công, điểm quả mà không có sự học hành tinh tấn, như thế là cơ phổ độ. Ngày nay cơ tuyển độ, học Đạo, hành Đạo, luyện Đạo để đắc Đạo mai sau vậy.
Vì cơ Long-Hoa kề cận, binh lửa sắp tràn lan, cuộc biến thiên của vũ trụ cũng sắp đến nơi! Vậy thì tất cả hiền tăng, hiền ni đừng xao lòng nản chí, vì Bần-Đạo sẽ là người dìu dẫn từ thể xác lẫn tinh-thần cho đến ngày Long-Hoa rạng rỡ. Còn cuộc hội ngộ cuối cùng không phải bằng xác trần gian mà bằng ngôi Thái-Cực, ngôi Thái-Cực kia mỗi người đều có, tùy to nhỏ, thấp cao là mỗi người đều có cho mình một ngọn đèn, nhưng không tạo ra dầu cho đầy, tiêm cho đủ, để cho dầu cạn, tiêm mòn thì làm sao ngôi Thái-Cực trong sáng được? Ngọn đèn kia không còn xài được, chỉ chờ ngày hủy diệt, thì cũng như con người không biết Đạo, không hiểu bí-pháp. Ngọn đèn chỉ có dầu và cứ đốt cho đến khi tàn lụn và hủy diệt mà không có sự bồi dưỡng, không làm sao cho ngọn đèn kia được càng ngày càng tỏ sáng thêm, rọi trong thân người, còn rọi cho mọi người, còn rọi cho vũ-trụ, cho Tam-Thiên Đại-Thiên thế-giới nầy vậy.
Bần-Đạo lập lại, nhứt là chi pháp phải nghe rành: Bí-Pháp Tam-Thiên từ đây, chương thứ nhất của Ngọc Kinh Huỳnh Đạo là ngôi Thái-Cực. Mỗi người tự biết rằng sự hiểu biết, sự sống hiện thời là ngôi Thái-Cực, ngôi Thái Cực đó, Phật Đạo gọi là TÂM. Phật Đạo gọi là TÂM: Nhớ rõ, thất tình lục dục kia, ngũ uẩn kia mà Phật Đạo dùng Bát Chánh Đạo để soi đường, đó cũng gom vào trong Lưỡng-nghi và Tứ-Tượng.
Tất cả Hiền Tăng, Hiền Ni nhớ rõ: tất cả lý thuyết của Phật-Đạo từ Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, đó là ăn vào trong Tứ-Tượng vậy. Tứ Diệu Đế ăn vào Tứ-Tượng, Bát Chánh Đạo thì là phần phụ thuộc đứng vào thế Bát-Quái.
Bần-Đạo giảng lại một lần nữa. Người luyện Bí-Pháp Tam-Thiên và Di-Đà Bí Chỉ, phải biết rằng mình là ngôi Thái-Cực, là một ngọn đèn. Còn Bí-Pháp Thượng-Tổ ban xuống hiện thời là phương tiện, làm thế nào để hòa hợp âm dương, là làm cho tiêm đèn, làm cho dầu kia được đầy đủ, như thế đó để bổ sung cho ngôi Thái-Cực vậy. Nếu ngôi Thái-Cực dầu cho sẳn sàng, dầu cho trong sáng mà đèn kia thiếu tiêm, đèn kia cạn dầu thì cũng không thể nào tạo thành ánh sáng được. Dầu cho Bí-Pháp Tam-Thiên, dầu cho Di-Đà mật chỉ có sẳn sàng, cũng như ngọn đèn kia đang chờ người đốt cháy, người đã sẵn sàng đốt cháy, có đủ đầy phương tiện đốt sáng, nhưng đèn kia thiếu dầu, tiêm lụn thì không còn dùng vào đâu được nữa. Cũng như Bí-Pháp Tam-Thiên, Di-Đà mật-chỉ mà truyền ra ngoài cho chúng sanh thì cũng như người sẳn sàng châm lửa mà đèn kia tiêm lụn, dầu khô thì làm sao truyền được vậy?
Người đã chấp nhận vào Di-Đà bí-chỉ là mật-pháp cao siêu hiện thời, Tam-Thiên mà THƯỢNG-TỔ truyền xuống, phải biết mình đứng vào ngôi Thái-Cực, hãy nhìn lại coi trong thần người còn thiếu gì, tự kiểm điểm lại trong thân âm-dương có đầy đủ chăng? Trong âm-dương còn có: Tứ-tượng: Đất, nước, gió, lửa là phần phụ thuộc. Nhưng trong đất nước gió lửa còn có Bát Quái, có nghĩa là tất cả những cơ quan trong con người gom chung vào trong Bát-quái vậy. Khi đã có cơ quan, khi đã có là con người thì những điều ở dưới thế-gian nầy ảnh-hưởng bởi con người do những cơ quan đó làm cho xao xuyến thân tâm, làm cho dầu kia cạn, làm cho tiêm kia lụn, làm cho đèn kia lu, thì ngôi Thái-Cực không thể nào trong sáng được. Sự sáng đó không còn trường miên vĩnh-cửu mà sẽ tắt đi trong một thời gian tiêm tàn dầu cạn.
Đó là phần sơ-đẳng của Ngọc-Kinh, Bần-Đạo e rằng tất cả hiền tăng, hiền ni chưa quán triệt, cho nên lập đi lập lại nhiều lần để cho Tăng, Ni-Trưởng thông hiểu ghi tâm, khắc cốt. Khi nào luyện Đạo phải nhớ hai lối rẽ âm-dương, làm sao cho âm hòa, dương thuận, làm sao cho đầy đủ âm-dương, bổ sung cho ngôi Thái-Cực, ngôi Thái-Cực kia có sáng thì cũng nhờ âm dương hòa-hiệp. Nếu người không biết là âm-dương, không biết TA là ngôi Thái-Cực, thì luyện Đạo muôn đời cũng không bao giờ đắc thành Chánh quả.
Đời mạt-pháp, chúng sanh điên-đảo, tâm người không còn trong sáng cũng như ngôi Thái-Cực của con người không còn lung linh như ngày trước, chỉ còn mờ mờ, tỏ tỏ chờ ngọn gió qua sẽ tắt hẳn. Thì giờ nầy, tất cả Tăng, Ni-Trưởng của Huỳnh-Đạo nên nhận thức rằng ngôi Thái-Cực của mình còn lung lay trước gió, nhưng nhờ có bàn tay cao diệu của THƯỢNG TỔ truyền xuống thêm cho một lằn lửa nữa để tất cả Tăng, Ni-Trưởng giữ được ngôi Thái-Cực, nhìn lại xem xét người, cũng như xem xét dầu, xem xét tiêm vậy. Luyện pháp cần nhứt là thu lấy âm-dương. Thu lấy am-dương như thế nào? trong con người phải có lằn Tam-muội hỏa, Tam muội hỏa hiện thời là trong phần bí-pháp Tam-Thiên, đang thu lấy khí Trời để cho con người chọn lọc, chọn lọc không phải bằng phổi của con người mà bằng ngôi Thái-Cực, bằng ý-chí đưa Tam-muội hỏa vào một chổ đó để huân-chuân, hòa đồng cùng với phần âm sẵn có, tạo thành Anh-nhi, Xá-lợi.
Người tu hành, trong bí-pháp thường nói: “đoạt Thiên-Thê” có nghĩa là có vợ Trời. Vợ Trời có nghĩa là phần âm có sẵn, chỉ có thu thúc phần dương để tạo thành Kim-thai, để tạo thành ngôi Thái-Cực được trong sáng, từ bước trong sáng đó Bần-Đạo sẽ giảng thêm.
Hôm nay, Bần-Đạo giảng một phần về Bí-Pháp Tam-Thiên và Di-Đà Bí Chỉ. Nhớ rằng ngôi Thái-Cực là sự sống, sự hiểu biết hiện thời. Nếu sự sống, sự hiểu biết đó không được bổ sung thì sự sống đó ngắn ngủi, sự hiểu biết tàn tạ, cũng như ngọn đèn, trong phần dầu và phần tiêm không được toàn vẹn thì ngọn đèn kia sẽ tắt hẳn, sự sống không còn, trí kia tàn tạ.
Ngày hôm nay luyện phần bí-pháp là luyện làm sao cho âm-dương hòa hiệp, tạo nên cho dầu đầy đủ, tiêm kia hoàn toàn thì đèn kia sẽ sáng hơn nữa vậy. Sự sống của con người không phải chỉ thở, không phải chỉ ăn, mà sự sống con người còn ở chính con người vậy. Đó là chơn-trí, đó là phần Thái-cực của một ngôi cao diệu khi âm-dương hòa hiệp, không còn thở bằng mũi cũng không còn nuôi xác thân bằng miệng, mà nuôi xác thân bằng ngôi Thái-Cực vậy. Từ ngọn đèn dầu, từ ngọn hồng đăng trước bàn, tất cả hiền tăng, hiền ni đã thấy, phải có dầu, phải có tiêm mới đốt được, nhưng khi tiến lên mức Trung-đẳng cao siêu, không cần tiêm, không cần dầu, có nghĩa là ngọn đèn điện kia vậy.
BÀI
Cuộc biến thiên Đất, Trời chuyển động,
Để cho người cao vọng huyền-linh,
Nay đây ở trước Tòa-đình,
Huyền năng Chưởng-Giáo tự mình ban cho.
Thương tất cả dặn dò sau trước,
Để rồi đây lần lượt thông truyền,
Đã đành đoạt vị cao nhiên,
Long-Hoa sẽ gặp điện tiền cùng chung.
Rèn tâm chí đại hùng vì Đạo,
Dầu cho đời khảo đảo đừng than,
Nay đây là trước đại đàn,
Vị ngôi sẵn có đừng màng trần ai.
Tu Huỳnh-Đạo một ngày thông suốt,
Đó là lời ngọc đuốc từ quang,
Phật, Tiên lưỡng vị chu toàn,
Đắc thành Thánh Đức hào-quang rạng ngời.
Thầy trên hết là Trời cai quản,
Dưới muôn loài được hãn hồng-ân,
Gần đây gió Sở, mưa Tần,
Cho hay trong cảnh phong vân cấp thời.
QUYỀN CHƯỞNG GIÁO tùy nơi lo liệu,
Lập trang nghiêm sắc chiếu Đạo-Vàng,
Chung cùng huynh đệ tính toan,
Lo cơ hoằng pháp Hậu-giang kịp kỳ.
Sang niên tới chuyện gì sẽ rõ?
Cảnh binh đao không ngõ bước đi,
Có là trong chốn huyền-vi,
Đạo mầu Thầy chiếu khắc kỳ tai qua.
Lời CHƯỞNG-GIÁO trước Tòa Bạch-Ngọc,
Dụng huyền-linh chỉ dốc tâm truyền,
Đó là tất cả lời khuyên,
Sau khi bỏ xác nơi miền trần gian.
Về cao thượng trước đàn linh-vị,
Được Thầy ban sắc chỉ ứng chầu,
Thương trong tất cả hiện hầu,
Tăng, Ni đều được nhiệm mầu mai sau.
Sở dĩ cảnh ba đào trần tục,
Nữa đoạn đường cội phúc rời xa,
Vì chưng nghiệp trước chẳng qua,
Nên chi CHƯỞNG GIÁO xuất gia thoát phàm.
Nay về đây hội đàm huynh đệ,
Dụng huyền-năng Ngọc-Đế chỉ bày,
Thọ là Điệp-sắc NHƯ-LAI,
Nhưng còn luyện Đạo đợi ngày Long-Hoa.
Thương là thương trước Tòa DI-LẠC,
Thiếu người quyền chưởng đạt uy-linh,
Muốn truyền phổ hóa Đạo-Huỳnh,
Nên chi nặng nhọc thân mình ngày xưa.
Dầu như thế, không vừa lòng dạ,
Bỏ xác phàm vội vã ra đi,
Thương cho cơ Đạo cấp kỳ,
Không người quán xuyến huyền-vi ban hành.
Còn thân xác, còn lành còn dữ,
Còn tăm tối hai chữ giác, mê,
Ra đi rồi lại quay về,
Biết rằng trong cảnh não nề đau thương!
Điều lỗi phải vấn vương trần tục,
Cổi xác phàm một phút huyền thông,
Đó là chơn-lý đại-đồng,
Cho chung nam nữ ân hồng mai sau.
Lời CHƯỞNG GIÁO ghi vào tấc dạ,
Để hôm nay sắt đá luận truyền,
Nhớ ngôi Thái-Cực cao nhiên,
Là Ta chưởng chấp vi-huyền âm-dương.
Phần âm kể từ chương ra đó,
Từ tim người chỉ ngó về xuôi,
Trở lên thân thể dưỡng nuôi,
Phần dương từ đó tới lui thi hành.
Ngôi Thái-Cực để dành hòa hợp,
Chỉ âm-dương là lớp diệu mầu,
Nuôi trong thân thể cao sâu,
Đó là Tứ-đại nhịp cầu tử sanh.
Nên nhớ rõ mây lành thường trụ,
Phần cao nhiên hội đủ nơi nầy,
Là ngôi Thái-Cực sum vầy,
Rọi hào quang xuống, ngàn mây chín từng.
Nơi thể xác thừa vưng ngọc lịnh,
Bát-Quái đồ phụng kỉnh từ chương,
Gội nhuần tâm ý tình thương,
Trong vòng tam-muội, Đạo thường uy- nghiêm.
Lời minh chỉ chơn truyền cho đó,
Cùng nữ nam công khó học hành,
Làm sao bí-pháp Tam-Thanh,
Hợp hòa nguyên-vị, hội thành đăng quang.
Thăng
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
THIÊN NGỌC NHƯ LAI
BỒI DƯỠNG CHƠN-NHƯ
17 tháng 11-Kỷ Dậu
(25-12-1969)
THI
DI diệu huyền quang hiện thế trần,
ĐÀ sanh Xá Lợi chuyển Kim Thân,
VÔ ưu, vô nhiễm thông thừa đạt,
THƯỢNG tứ huyền-năng thế tạo thần.
Bần-Đạo ban ân lành chung, Tôn-Sư mừng đệ tử, bình tâm định tỉnh, nghe Tôn-Sư giảng về Tâm-pháp siêu thừa.
Nầy các con! từ ngàn xưa Tôn-Sư đã hiện phàm thân truyền chơn pháp, ngàn xưa đó chẳng phải như ngày nay là thời kỳ vật dục xa hoa, văn-minh tối thượng. Ngày xưa, Tôn-Sư lâm phàm chỉ dùng Tâm, chọn Tánh. Tâm là Tâm Phật; Tánh là Tánh Tiên, để tuyển trạch hiền nhân dạy truyền thế-giới, Tôn-Sư mong rằng: trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới cũng như quả địa cầu của các con luân-hồi ngày nay đây, là các con được nhiếp thọ phần hào quang của Tôn-Sư hầu bảo toàn chơn tánh, lọc đức từ-bi, để một ngày kia các con trở về với Tôn-Sư, nghĩa là các con trở về với khối Đại linh quang thường trụ.
Nầy các con! cảnh nầy là vô thường, thân nầy là tạm giả, thế nầy chẳng còn mãi với các con. Luật Thiên công đã định sẵn: ba vạn sáu ngàn ngày, các con phải còn chịu đắng cay trong vòng tứ-khổ. Tứ-khổ đó là mực thước để cho các con đo lường trong kiếp luân-hồi của các con. Dữ, lành, tội, phước được là bao nhiêu? Mà các con cũng vẫn còn nghĩ rằng: “còn thân là còn các con”, các con quên rằng trong giấc ngủ mê của các con, các con lấy gì để điều khiển châu thân? Trong lúc các con hoạt động nơi thế trần chẳng phải thân các con điều động mà do phần vô-vi, vô-vi đó là phần linh phách chơn-như tối thượng của các con từ trong muôn kiếp luân-hồi. Nếu ngày nay không lấy phần thể chất để bù đắp cho vô-vi mà các con tận dụng phần vô-vi, nghĩa là các con cứ sử dụng phần linh phách của các con mà không cần bồi dưỡng, thì cũng như các con ăn trái mà quên nguồn cội, các con không có tưới nước cho sum càng để các con hưởng muôn đời với trái kila mơn mởn, mà các con chỉ biết ăn trái mà thôi, quên vun cội cho nhành kia sum nở thì sẽ tàn tạ, càng ngày các con thấy linh phách của các con không còn trong sáng như ngày nay mà phải xa rời lằn điển huệ. Từ giàu sang các con sẽ trở thành kẻ nghèo khó, từ lúc từ-bi chơn thể các con sẽ trở thành ác đạo ma vương sa vào trầm luân khổ hải, nếu các con không chọn đường Đạo pháp cao siêu. Mượn thân nầy không phải các con để hưởng ở trần gian, mà các con phải nhớ rằng: khi các con đã có chiếc thân tứ-đại là các con đền tội để trả quả trong kiếp luân-hồi, thì như thế các con mới rạng tỏ phần linh-phách. Nếu các con nghĩ rằng còn thân là còn hưởng, còn thân là các con còn những điều Thiên phú nơi trần gian, tận dụng sở năng của các con mà Thượng Đế đã ban cho, thì phần linh phách của các con như ngọn đèn kia hết dầu tiêm lụn vậy.
Tôn-Sư thường khuyên các con: nếu các con nhịn phần vật-chất sẽ được phần thưởng ở linh-hồn, cũng như người tiết kiệm nếu muốn trở thành giàu sang, giờ đây các con phải nhịn nhục, khó nhọc ngày ngày mới trở thành giàu sang được. Nhưng trước khi giàu sang, các con nhớ rằng đừng cho thiếu nợ. Đó là những lời thường nhiên mà Tôn-Sư giảng dạy cho các con. muốn làm lành, tất nhiên các con đừng tạo thêm nghiệp ác. Ngày nay muốn thọ pháp cao siêu, muốn đoạt huyền-năng của Tôn-Sư truyền ban cho các con, các con phải có điều kiện trước tiên là: giữ cho tâm bình tịnh, giữ cho lòng trong sáng như gương. Cũng như các con muốn đốt ngọn Thiên-đăng Thái-cực, thì các con phải sửa soạn cho dầu tiêm sạch sẽ, dầu tiêm đã có sẵn nhưng các con còn phải đợi ngọn lửa các con tự tạo mới được. Nếu các con nghĩ rằng có dầu, có tiêm sẵn sàng nhưng chỉ chờ đợi ngọn lửa Thiêng-liêng đến, điều đó là ảo vọng hoài công mà các con phải tự tạo cho các con lằn lửa thiên-nhiên, tự đốt ngọn Thiên-đăng sáng rỡ, như thế các con mới đoạt phần Tâm-pháp của Tôn-Sư. Học Đạo để hành Đạo, không phải các con vì mê mê, hoặc hoặc, vì muốn Tôn-Sư cứu về Niết-Bàn, Bạch-Ngọc, vì muốn Tôn-Sư hộ trợ xác phàm cho các con được tai qua nạn khỏi nên các con mới đến với Tôn-Sư, quỳ trước Tôn-Sư, khẩn cầu Tôn-Sư ban hồng ân cho thân các con yên, xác các con vẹn để tu hành. Đó trước tiên là con khơi mầm dục vọng mà con quên rằng từ ngàn xưa, các Bậc Bồ-Tát Thiên-Tinh qua địa cầu đều bỏ xác một cách đau thương, bỏ lại trần gian những điều thống khổ? Các con không tập điều thống khổ đó mà các con đòi hỏi điều sung sướng, các con đòi hỏi trước tiên là dục vọng thì làm sao các con được tỏ rạng ngọn tâm đăng của Tôn-Sư truyền lại?
Nầy các con! nếu thế gian nầy hoàn toàn sang cả, hạnh phúc ngang nhau mà Tôn-Sư truyền ban cho, thì đâu còn Phật Đạo, thì đâu Tiên giáo, thì đâu còn con đường Thánh-nhân đã truyền ban cho nhân chủng? Mỗi người các con cầu nguyện mà Tôn-Sư ban cho diệu-hóa chơn thường bảo toàn thể xác lẫn gia đình, thì Tôn-Sư còn hoằng hóa mối Đạo làm chi? Tôn-Sư thường khuyên các con, dạy truyền các con Tâm-pháp là một ngọn đèn trong đêm tối, các con lần theo để thấy chơn-lý cao siêu. Đèn đó chưa phải là chơn-lý mà các con đi đến, trên bước đường đi các con sẽ gặp chơn-lý, sẽ tìm được ngọn tâm đăng, đèn kia chưa phải là chơn-lý vậy. Cũng như ngày nay các con đến với Đạo, quỳ dưới chân Tôn-Sư để nghe thuyết pháp, lời thuyết pháp hôm nay chưa phải là thuyết pháp, trong thuyết pháp đó các con tìm được ngọn tâm đăng, tìm được chân lý cao siêu làm cho tâm thần thanh thoảng, trí-huệ thông minh. Đó chỉ là một phần pháp thuyết mà các con nhiếp thọ được mà thôi. Các con học pháp của Tôn-Sư chưa phải là chơn pháp, đó là thế pháp đó là phương tiện! Các con đang luyện pháp, các con tìm trong đó điều huyền diệu hư-linh mà Tôn-Sư không thể diễn tả bằng lời, truyền bằng ý mà chỉ các con nhiếp thọ bằng cảm trí hư-linh của các con từ lằn hào quang của Tôn-Sư truyền xuống, đó mới chính thiệt là chơn-pháp vậy.
Nếu các con mong mỏi rằng Tôn-Sư sẽ truyền cho các con bằng lời, hành theo bằng thân, noi theo bằng thể, tứ thới luyện như thế đắc Đạo Long-Hoa, thì cũng như các con gieo giống lành trên sỏi đá để mong ngày kia nở nhụy đơm bông! … Tôn-Sư truyền lằn Thiên-điển cho các con, điều Tôn-Sư mong mõi là các con đứng vào ngôi Phật thể, Tiên gia để nhìn đời. Các con tự cho mình là thoát tục mà nhờm gớm chuyện trần-ai, đừng mượn việc trần-ai mà hòa đồng cho Tiên tánh. Các con phải biết rằng: trần-ai là khổ lụy! Cũng như hạt sen kia dưới bùn nhơ vậy, nhưng sen kia tách bùn sen không nở được, nhưng không phải vì bùn mà sen kia ngâm mình mãi muôn đời trong đó vậy.
Các con ơi! Tôn-Sư muốn làm sao các con thọ được phần Tâm-pháp cao siêu khỏi phải ngày đêm giảng dạy nhưng vì các con luân hồi nghiệp chướng đa đoan, xã-hội nầy các con lăn lộn vào vòng ác trược càng ngày âm khí càng bao trùm, mỗi lần các con bị ảnh hưởng của đời là các con đi xa phần Tiên-thể. Tôn-Sư ngậm ngùi thương cho các con, nếu các con hiểu rằng: mỗi một “sát na” là Tôn-Sư vẫn kề cận nơi các con, mỗi một thời gian qua là các con chết đi một tế-bào của trần tục để còn lại một phần linh điển cao siêu nhưng các con cũng vẫn để cho chết tế-bào trần tục, thêm một tế-bào luân-hồi trong nghiệp quả đau thương mà các con không tạo thêm một tế-bào thiên-nhiên cao diệu! Chồng chất như thế, luân-hồi đeo đai mãi thì làm sao các con thoát khỏi vòng nghiệp chướng u-mê? Lời Tâm-pháp sơ đẳng nầy Tôn-Sư giảng cao thêm e rằng các con không thấu triệt được.
Nầy các con! Tôn-Sư nhắc nhở lại. Nếu các con mỗi kỳ đàn mà vắng mặt, cũng như các con học bài toán mà quên phần cửu chương vậy. Từ đây trở đi mỗi kỳ đàn là mỗi lần Tâm-pháp, mỗi kỳ đàn là diễn giảng Ngọc-Kinh, thay thế tuần tự trong Tam-Giáo sẽ giảng cho các con. Nếu các con vì đời không vì Đạo các con sẽ mất Đạo; các con vì Đạo không vì đời các con sẽ mất đời. Đạo, đời các con tự làm sao cho hòa hợp. Không phải quá vì Đạo mà các con bỏ thể xác nầy thì Đạo kia cũng vô dụng; không phải quá vì đời mà các con quên Đạo thì muôn đời sau các con cũng không nhiếp thọ được Chơn Đạo cao siêu. Phải làm sao ép lòng vì đời, hy sinh vì Đạo, nương mình theo đời để rồi chọn Chơn-Đạo cao siêu, đó là phần giải thoát cuối cùng của con vậy.
Trong Bí-Pháp Di-Đà mà Tôn-Sư truyền cho các con là từ vô thường trở lại nhiên thường, từ nhiên thường các con trở về phần giải thoát. Trên thế gian nầy Tôn-Sư chỉ nói hai chữ vô thường mà các con chưa thông hiểu! … Kìa! Ngọn hỏa đăng chói sáng, một sát-na bước qua là tiêu tận lần một sát-na vậy. Một hơi thở của các con là một tế-bào tiêu hủy, các con có thể lập lại một hơi thở khác, nhưng hơi thở xưa của các con không thể nào tìm lại được. Thì tại sao trong hơi thở đó, các con không đem lằn Thiên-điển chơn-như của các con để tạo thành một tế bào Đạo-pháp? Để cho tế-bào luân-hồi thay thế cho tế-bào dục vọng đã chết đi trong thân.
Buồn thay! … buồn thay!...
Càng giảng Tôn-Sư càng buồn vì trong các con phần trí-huệ ít-oi, chỉ có phần thể-trí là tranh danh đoạt lợi, là cao thấp thế nhân thì còn đầy đặc mà phần Đạo-pháp cao siêu các con không luận, không hiểu! Mỗi lần các con đến nơi Bửu-tự, không tìm Phật-ngôn Tâm-Pháp để cùng nhau học hỏi, lại đem phần thế sự thấp cao để cho tế-bào luân-hồi nhục thể của các con chết theo trong kiếp người tàn tạ mà không tạo được từ điển siêu-thiên. Từ đây các con phải đem lời Phật-huần từ ngôn tự dạy cho các con. nếu các con tự dạy các con không được, thì nơi gia đình các con phải dạy con cháu của các con, vì các con dạy được con cháu của các con, các con mới dạy được tâm của các con, mượn lời dạy đó là dạy tâm con, dạy thân con, để các con noi theo đó mà trở về với nguồn cội vậy.
Hằng ngày, từ đây trở đi, Tôn-Sư sẽ truyền cho Hộ Pháp Thần Long theo dõi, nếu thiếu điều kiện các con đừng than thở trước đại hội Long-Hoa, đừng trách Mẹ, Thầy cùng Tam-giáo trong thời Thượng-Nguơn Thánh-Đức vậy. Chẳng phải riêng các con mà thôi, Tôn-Sư còn hoằng hóa tùy duyên trong muôn loài vạn vật nhưng các con có duyên tiếp nối được lằn Thiên-điển, nghe lời của Tôn-Sư cần phải giải thoát ý phàm phu trần tục. Nếu lời của Tôn-Sư không phải là mũi cưa hay đục để đẽo một cây kia còn đang sần sùi, thì các con cũng coi đó là dòng bích thủy chảy vào tâm-linh truyền cảm hư-vô mát dạ, để các con có giây phút trở về với Tôn-Sư, yên lòng nơi thế hạ, để ngày kia khi bỏ xác nầy các con không còn lưu luyến. Đời là tạm, các con biết tạm, nhưng các con làm biết bao nhiêu chuyện là trường miên. Con biết Đạo là trường-miên nhứt là cơ chuyển pháp của Thầy là vĩnh cửu, nhưng các con đem đoản lạc, đem điều ngắn ngủi để đối với Đạo Pháp cao siêu là ngược với lý Đạo Thiên-Huyền của Thầy truyền xuống vậy. Thầy dạy con xuôi, con đi ngược, Thầy dạy điều dày đặt con đem điều ngắn ngủi để phôi pha, Thầy chỉ rõ điều ngắn ngủi con đem điều trường miên vĩnh-cửu để thay vào đó, thì uổng thay lời châu tiếng ngọc của Thầy vậy! …
Sắt đá kia còn mòn theo thời gian, lời dạy của Thầy, của Tôn-Sư chẳng lẽ không truyền cảm các con một phần nào ư ? Tôn-Sư muốn nhỏ dòng nước mắt truyền cho các con, Tôn-Sư khóc không phải bằng giọt nước mắt của trần ai đau khổ, mà bằng lằn hào quang thống xót đau thương truyền trong tim của các con. Các con hãy rạch tim đem vào lời tâm-huyết của Tôn-Sư, Tôn-Sư không thể dùng lời lẽ cao siêu giảng dạy cho các con cao hơn nữa, vì rằng trí của các con còn kém, tâm của các con còn u-mê. Nếu Tôn-Sư giảng phần cao siêu thì cũng như nước kia chảy trên lá chuối vậy.
Nầy các con! đàn nay trở đi các con phải nhớ rằng lời của Tôn-Sư là một lời cao siêu tuyệt diệu, không phải bằng lời của một phàm nhân truyền ra, mà các con phải đem vào tâm trí suy gẫm thường xuyên, suy gẫm không đủ, các con phải năng hành cho vẹn vẻ. Vì suy gẫm các con sẽ được phần linh điển bù vào kiếp luân hồi hầu có gội rửa tội ngàn xưa của các con, thi hành là các con tránh khỏi điều cám dỗ của trần gian đoản lạc.
Từ đây nếu các con về hầu, về quỳ dưới Thiêng-Liêng hội họp cùng nhau mà đem lời thế tục, Tôn-Sư sẽ truyền cho Long-Thần Hộ-pháp dùng uy quyền nơi thế gian cho các con thấy rõ! Các con chỉ sợ uy, sợ quyền, sợ đau thương thế tục mà không sợ trong kiếp luân hồi của các con nát mục ở linh-hồn, Tôn-Sư buồn thay! ..
Thế sự mang mang cảnh loạn cuồng,
Lòng Thầy chua xót biết ngàn muôn,
Ngày đêm dạy dỗ chưa thông đạt,
Nhục-thể sao con mãi cúi luồn!?
Luồn cúi muôn đời chịu thảm thương!
Từ đây ách nạn thể thân vương,
Nếu con sai lạc đường Tâm-pháp,
Sẽ gặp ngàn muôn cảnh đoạn-trường.
Đoạn trường Thầy Mẹ giảng từ lâu,
Chuyển bút Tôn-Sư tự Thượng lầu,
Công khó ra truyền con chẳng học,
Còn đem thế sự luận đâu đâu! …
Đâu đâu con chịu kiếp luân-hồi,
Thân thể ngày kia sẽ nổi trôi,
Hồn ấy dật dờ theo gió cuốn,
Muôn đời đọa lạc đó, con ôi!
THI BÀI
Tôn-Sư hạ bút huyền điểm hóa,
Chuyển từ chương Đạo cả phân bày,
Con ơi! Nhân quả hôm nay,
Đạo lành Thầy dạy gắng bài thi văn.
Mà sao con Đạo-hằng chưa vẹn?
Giữ lòng thành vun quén từ chương,
Nơi đây chánh-pháp chơn thường,
Đoạt thông sẽ được Phật-Vương đem về.
Đừng chuốc việc trần mê tỉnh Đạo,
Đừng đem điều hoài bão muôn đời,
Để rồi phải chịu lưng vơi,
Tôn-Sư không thể ngỏ lời cứu nguy.
Nay điểm Đạo huyền-vi ban bố,
Để cho con thi thố pháp huyền,
Trên là tất cả cao nhiên,
Dạy con tâm-pháp chơn-truyền y quang.
Trước nơi đây đại đàn huyền diệu,
Chuyển bút vàng kết liễu trần-ai,
Mạt nguơn nầy dù có một ngày,
Mà không thông lý Đạo khai của Thầy.
Thì muôn kiếp đọa đày trần lụy,
Để vạn đời ngạ quỷ kéo lôi,
Dạy con thông suốt Đạo rồi,
Thuyền từ chờ sẵn đón mời Long-Hoa.
Con hữu duyên gọi là nghe dạy,
Còn muôn người mắc phải nợ trần,
Cuộc đời danh lợi đày thân,
Tan rồi xác thể, tinh-thần rã theo.
Tôn-Sư giảng giàu nghèo chung một,
Hiệp nghe lời rường cột hôm nay,
Chiếc thân dầu có đọa đày,
Linh-hồn nuôi dưỡng đợi ngày Long-Hoa.
Nếu xác con ngày qua sung sướng,
Linh-hồn kia còn vướng bụi trần,
Nếu con nuôi mãi chiếc thân,
Hồn tan theo gió cuộc trần ra chi?
Con ép thân lưu ly tỏ rạng,
Để nuôi hồn quyền hạn cao siêu,
Ngày kia về đến Linh-tiêu,
Tam-Tài luân thống tiêu thiều nhạc đưa.
Về Bạch Ngọc sớm trưa Thầy dạy,
Phần vô-vi thì phải tuân hành,
Niết-Bàn ứng trụ cao thanh,
Thân nầy không thể để dành nương đi.
Dầu giàu có chuyện gì trần hạ,
Bỏ xác rồi cao cả linh-hồn,
Biết rằng trong cảnh dại khôn,
Nếu con ép xác linh-hồn càng thanh.
Tôn-Sư giảng ngày lành cho đó,
Chứng là đại lễ của Thầy,
Ban ân tất cả hiệp vầy nghe qua.
Tôn-Sư sắc lịnh hòa nam nữ,
Nơi Phật-đài cao giữ huyền năng,
Đúng ngày thập cữu chuẩn thằng,
Cho chung nghe dạy hóa hoằng Ngọc-Kinh.
CHƯỞNG GIÁO sẽ huyền-linh ban bố,
Giảng cho chung nhiều chổ cao sâu,
Nữ nam thấu rõ nhiệm mầu,
Nghe lời truyền dạy ứng hầu Như-Lai.
Nơi Thiên Đạo Phật Đài đồng trụ,
Để thuyết minh cơ ngũ chơn truyền,
Cũng là đồng viếng Hoa-Liên,
Để cho khỏi tủi nơi miền Hậu-Giang.
Quyền tam trấn trang hoàng nghe dạy
Phần Trung Ương tiếp đãi quang huy,
Hiệp nhau lo liệu kịp kỳ,
Phật Đài Thiên Đạo huyền-vi ban truyền.
Thăng
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
PHẬT TỔ DI ĐÀ