Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

- LƯỢC SỬ THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO

I. NGUYÊN NHÂN và NGUỒN GỐC:
1/ Nguyên nhân:
- Theo chu kỳ của Tạo hóa, nay buổi tàn ngươn mạt pháp, Tam giáo thất chơn truyền, nhân tâm ly tán, Tam ngươn một thuở Thượng đế ban truyền Huỳnh Đạo để mở lại một cuộc tuần hoàn dài 12 vạn 9 ngàn 6 trăm năm.
- Thượng đế thương xót nhân loài trong cơn điên đảo vì văn minh vật chất và dục vọng đa đoan, nên Đức Thượng Đế ban truyền đây là thời kỳ Đại xá và độ tận chúng sanh (nghĩa là chọn lọc bậc hiền nhân đức độ, phân tà lọc chánh để phán xét Đại đồng ở ngày Long Hoa đại hội, đại xá nghĩa là tất cả tội lỗi xưa kia đều xóa bỏ, không phân biệt kẻ hiền, kẻ dữ, ai cũng có thể được nghe những chơn lý đạo đức hầu hướng về con đường thiện).
2/ Nguồn gốc:
Đạo Cao Đài được Đức Ngọc hoàng Thượng Đế khai sáng từ năm Bính Dần (1926) với lời tiên tri 36 năm thành Đạo. Nhưng đến 36 năm (1926), vì cảnh khảo đảo của Ma Vương, Đạo Cao Đài chỉ thành về mặt vô vi với Huỳnh Đạo ra đời tiếp nối.
Vì kỷ nguyên Đạo Vàng đệ nhứt,
Nối Cao Đài lãnh vực phổ hoằng,
Tam kỳ chiếu diệu hạ tầng,
Thiên Khai Huỳnh Đạo chuẩn thằng Ngũ châu.
Sau đó do lời cầu xin của Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Đại Từ Tôn ban hồng ân cho “Tam niên đại xá”.
Vì thế tuy đã ban sơ từ Hội Thánh Cao Đài Nhị Giang 1959 rồi về Long Vân Đại Pháp Nam Thành Thánh Thất và Long Vân Đại Đàn cuối năm 1961 nhưng mới được Đức Thượng Đế chánh thức ban truyền bắt đầu từ năm Nhâm Dần (1962).
II. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA HUỲNH ĐẠO:
Do Thiên cơ biến chuyển, từ năm Nhâm Dần đến nay là 11 năm, Huỳnh Đạo gồm có nhiều giai đoạn như sau:
1/ Tam niên Đại xá:
Đó là bắt đầu năm 1962, Đức Diêu Trì Kim Mẫu khải tấu với Đức Thượng Đế xin “Tam niên ân thọ” để cho các nguyên căn linh vị trường chay, luyện pháp hầu trở về ngôi vị ngàn xưa khỏi sống lộn với thú cầm.
Lòng từ bi của Đức Mẹ đã thể hiện:
“Ba sáu năm khai tuồng Đại Đạo,
Để ngày nay hoài bão nhuyên nhân,
Hai phen nhập hóa thức thần,
Thiên Khai Huỳnh Đạo chuyển trần Tam Niên”
2/ Ngũ niên Chuyển xá:
Bắt đầu từ tháng 8 năm Giáp Thìn (1964). Vì chánh pháp chưa minh, Đức Thượng Đế và Đức Diêu Trì Kim Mẫu gia ân thêm “Ngũ niên chuyển xá” do sự cầu nguyện của chúng sanh và Thánh Thần Tiên Phật khải tấu. Và kể từ đó Đức Di Lặc được sắc chỉ lâm phàm tái tạo Thượng ngươn.
Những phần minh chứng điều này như sau:
“Từng cao vòi vọi lưới Trời,
Thầy minh còn rõ những lời Phật Tiên.
Ân từ Điệp sắc “Ngũ niên”
Là phần Di Lặc quản quyền mà thôi”
Như vậy, Ngũ niên chuyển xá là hồng ân đại xá và quản quyền của vị Đương lai Giáo chủ Long Hoa Hội Thượng là Di Lặc Phật Vương Thiên Tôn vậy.
3/ Tứ niên tuyển pháp:
Sau 5 năm ân xá là “Tứ niên tuyển pháp” mà Đức A Di Đà Phật đã hội chung Tam giáo cầu xin Thượng Đế gia giảm nhân loài để tuyển quy hàng Tam công hầu dự hội Long Hoa.
4/ Tứ niên hậu xá:
Lòng từ bi vô lượng, trước Tòa Tam giáo, kể từ năm Nhâm Tý (1972) Đức Hồng Quân Thượng Tổ ban ân cho “Tứ niên hậu xá” hầu kết thúc cơ Long Hoa diễn biến.
Thầy đã dạy rằng:
“Truyền Tam giáo ân hồng Nhâm Tý
Kể từ nay là kỷ nguyên hòa,
‘Tứ niên hậu xá’ Long Hoa
Của Thầy lập pháp gọi là cho chung”
III. CĂN BẢN, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH:
1/ Căn bản:
Thiên Khai Huỳnh Đạo đặt trên căn bản “Nhân, Nghĩa, Thành, Tín”
a) Nhân: là tình thương, lòng từ ái không giới hạn trong không gian và thời gian.
- Đối nội: (với mình) tự mình phải rèn luyện một tinh thần đạo đức nghĩa là phải có lòng khoan hồng, bác ái, việc gì cũng thuận theo lẽphải.
- Đối ngoại: có lòng nhân đối với người nghĩa là cái gì mà bản thân mình mong muốn thì đem ra thi hành cùng với mọi người và không bao giờ bị tư ý ràng buộc.
b) Nghĩa: là định rõ các phận cho điều hòa để xử sự bất kỳ trong mọi trường hợp cho phải lẽ và hợp lý. Nghĩa với gia đình, nghĩa với xã hội nước non, thấy điều bất công mà ra tay tế độ là người thi nghĩa vậy.
c) Thành: là sự thành thật không sai ngoa, dốc lòng tin tưởng vào một việc gì. Có câu rằng: “Đạo gốc bởi lòng thành, tín hiệp” nghĩa là Đạo, cái bổn gốc của nó là do tâm thành khẩn và lòng tin tưởng mới có mà thôi.
d) Tín: là do sự tin tưởng mà người khác đặt vào mình. Tín là điều kiện thiết yếu để thắt chặt tình bằng hữu và có sự tin cậy lẫn nhau.
2/ Tôn chỉ: Trên mọi phương diện hành Đạo, Huỳnh Đạo đặt tôn chỉ là “Từ bi, Bác ái, Công bình”
- Từ bi: thấy sự khổ đem lòng nhân, lòng hiền mà thương xót.
- Bác ái: lòng thương vô cùng rộng lớn.
- Công bình: không vị nể, thiên lệch.
Phải thể hiện đức từ bi rồi đi lần đến bác ái, công bình, vì có từ bi rồi mới thương chung muôn loài vạn vật thực hiện đức bác ái, và từ đó mới rõ lẽ công bình.
3/ Mục đích:
a) Cứu thế lập đời: Trong thời mạt pháp, Huỳnh Đạo có sứ mạng độ dẫn nhân sanh hướng thiện hầu lập lại đời Thánh Đức thượng ngươn.
b) Thống Ngũ chi, Quy Tam giáo: Nghĩa là Huỳnh Đạo sẽ quy Ngũ chi và Tam giáo gom về một mối là Trung ương, vì Huỳnh Đạo chính là Vô vi Đại đạo dùng sắc Huỳnh nơi Trung ương Mồ Kỷ Thổ.
c) Đoạt cơ siêu thoát: Những Thiên phong Huỳnh Đạo sẽ dùng Tam Thiên Bí Pháp (nam) và Di Đà Mật Chỉ (nữ) rèn luyện thành Kim Thân Thánh Thể giải thoát trở về nguyên vị và ứng trợ cơ Long Hoa` “đại vận sát”.
IV. CHƠN TRUYỀN CỦA HUỲNH ĐẠO:
Chơn truyền của Huỳnh Đạo là chơn truyền của Tam giáo, đầy đủ và trọn vẹn hơn gồm ba đặc điểm về Sự, Lý, Pháp.
a) Về Sự: Huỳnh Đạo hiểu theo lẽ cao nhiên chứ không tầm thường như thế nhân thường hiểu.
- Như về hiếu, không phải chỉ chăm nom phụng dưỡng mà phải trọn dạ thương yêu khi sanh tiền cũng như lúc quá vãng, nghĩa là cứu vớt linh hồn Cửu Huyền Thất Tổ bằng cách lập công bồi đức vẹn vẽ tu hành.
- Như tín, giữ chữ tín vì do lòng thương yêu sợ người khác đợi chờ, nghĩa là vì người chứ không vì bản ngã cá nhân.
b) Về Lý: Với lý siêu từa, Huỳnh Đạo quan niệm cái lý trường miên thoát tục chớ không ngắn ngủi trong vòng trăm tuổi. Quan niệm về thân tứ đại, không phải quá vì thân này mà cũng không ép mình khổ hạnh thân xác. Đó là lú siêu nhiên của Huỳnh Đạo: “chơn và giả phải đi đôi với nhau”.
c) Về Pháp: Huỳnh Đạo không chấp ở hữu hay vô mà cả hữu vô trọn vẹn, gồm Tiên Thiên và Hậu Thiên ứng hóa, không nhắm vào một sự ứng nghiệm, một huyền linh nhất thời nào về hữu hình hay vô hình mà Huỳnh Đạo chỉ nhắm vào cái lẽ miên trường, vĩnh cửu nơi cõi Thượng Thiên an nhàn tự toại.
V. HUỲNH ĐẠO VÀ CÁCH PHỤNG THỜ THIÊNG LIÊNG:
Đối với sự thờ phụng thiêng liêng, những Điện thờ của Huỳnh Đạo thường tôn thờ các Đấng như:
1/ Châu Thiên: Tượng trưng cho chơn như bửu pháp tối linh của Đức Đại Tôn Sư Hồng Quân Thượng Tổ, là con đường độc nhất để về với Thầy, về với sự sống muôn đời còn mãi trong lòng người, còn mãi trong vô vi.
2/ Đức Diêu Trì Kim Mẫu: Là Đức Mẹ linh hồng sanh hóa muôn loài vạn vật thể hiện bằng ngôi Vô Cực. Ngôi Vô Cực là ngôi Chúa Tể độc nhất cao hơn ngôi Thái Cực, chưa có ngôi Thượng Đế đã có ngôi Vô Cực rồi. Ngôi Vô Cực đó thể hiện ra Mẹ hiện thời tạm gọi là Đất và Đức Thượng Đế tạm gọi là Trời.
3/ Đức A Di Đà Phật: Là vị Tôn sư của nữ phái Bửu Liên. Đức A Di Đà là một vị Phật khai Đạo ở thời Thượng Ngươn, là phần chơn điểm lâm phàm hóa hiện ở Âm Dương kết tạo chớ không phải con người bằng thân tứ đại và Đức Phật A Di Đà thể hiện một tình thương vô lượng của một Đấng Vô Thượng Y Vương vậy.
4/ Đức Thích Ca Phật Tổ: Tượng trưng cho một vị Phật khai sáng Đạo trong thời Trung ngươn.
5/ Đức Phật Vương Di Lặc: Đó là một vị Giáo chủ Long Hoa Hội Thượng trong thời Hạ ngươn mạt pháp này. Đức Di Lặc thừa Ngọc sắc Hư Cung và Lôi Âm Điệp Phật lâm phàm khai Long Hoa Đại Hội để phán xét công đồng lập thành đời Thánh Đức.
6/. Đức Lạc Long Quân Phụ và Hồng Bàng Tiên Mẫu: Là vị Quốc vương Thủy tổ, là Cha Mẹ ngàn đời, là Tổ tiên của giòng giống Lạc Hồng, chỉ có Huỳnh Đạo thờ phượng hai vị Quốc tổ của Việt Nam mà thôi.
7/ Đức Linh Quang Phật Địa ( Địa Tạng Vương Bồ Tát ) Chưởng Quản THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO .
8/ Ngoài ra, Huỳnh Đạo còn tôn thờ Tam giáo, Đức Văn Tuyên Khổng Thánh là Đức Khổng Phu Tử, Đức Thái Thượng Đạo Tổ tức là Lão Tử và Đức Gia Tô Giáo Chủ hay là Jêsus Christ.
Điều này chứng tỏ rằng Huỳnh Đạo hòa đồng cùng Bá giáo vì quan niệm rằng tất cả mỗi Đạo đều có cùng chơn lý giúp cho con người quày đầu hướng thiện, chung quy cũng chỉ có một con đườg về Bạch Ngọc, Niết Bàn.
IV. HÌNH THỨC CƠ HUỲNH ĐẠO:
Gồm có cơ Phước và cơ Huệ.
1/ Cơ Phước:
a) Hình thức tượng trưng: Là Viện Giáo pháp với Viện trưởng vô vi là Đức Thiên Tôn Di Lặc. Cơ Giáo pháp nặng về phần công quả, công trình và giáo hóa.
b) Vai trò người tu cơ Phước: Những người tu theo cơ Phước Huỳnh Đạo phần lớn là Thanh Xuân, Thanh Đồng. Trong hiện tại đảm nhận phần trì kinh, công quả, công trính, thay thế, nâng đỡ cho cơ Huệ, giúp cho những Thiên phong có đủ thời giờ tịnh luyện.
Trong buổi hậu lai, Thanh Xuân, Thanh Đồng trong cơ nhập thế sẽ đảm nhận vai trò giáo sĩ có bổn phận phổ độ dìu dẫn nhân sanh tu hành.
2/ Cơ Huệ:
a) Hình thức tượng trưng: Tượng trưng cho hình thức của cơ Huệ là Viện Pháp Hóa, chuyên chú về pháp nguyên.
b) Vai trò người tu cơ Huệ: Những người tu theo cơ Huệ là những người tu giải thoát, trường chay, tuyệt cục, luyện pháp nguyên do thiêng liêng truyền dạy. Đó là các vị Thiên Tinh và Bửu Liên Huỳnh Đạo có sứ mạng thi tài cùng Bá giáo trong buổi Long Hoa nước lửa.
Tóm lại, với tôn chỉ và mục đích rõ ràng, Huỳnh Đạo không những là cơ Đạo thuần túy dân tộc, lấy đức từ bi chan rãi cho tất cả nhân loài, dụng lòng vị tha và xả kỷ để độ khắp trần ai lánh mê giải khổ (tìm về coin đường giải thoát siêu linh), mà Huỳnh Đạo còn là cơ duyên đại kiếp, là cơ sảy sàng tuyển trạch những nguyên căn linh vị. Ai hữu phước, hữu duyên nhứt lòng vì Thầy, vì Đạo thì sẽ được ân hồng trong kỳ ba mạt pháp, lãnh bí truyền do chính ơn trên truyền dạy để hiển đoạt thần thông hầu quy hồi cựu vị. Còn người vì chốn mê đồ, danh bả thì ngày phán xét cuối cùng sẽ tường minh phận số.
Thời kỳ này là thời mạt pháp, bao cảnh tang thương bao hồi ly tán, Đức Thượng Đế vì lòng hiếu sinh ban rãi cho nhân sanh mối Đạo Vàng thâm diệu, thì nhân sanh sau khi đã am tường thấu đáo những yếu lý cao siêu của Huỳnh Đạo hãy cố gắng hồi đầu hướng thiện học chữ tu hành, trước là tự cứu bản thân, sau là độ rỗi linh hồn Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thăng tịnh độ.
Nam mô Huỳnh Đạo cứu đời,
Thuấn Nghiêu tái lập ơn Trời nhuận ban.

                                                 Thanh Đồng, Thanh Xuân
                                                   Huỳnh Đạo Trung Ương
Liên Thanh Sưu Tập