THI ĐỨC - THI TÀI
Bần-Đạo mừng chung, Tôn-Sư mừng đệ-tử.
THI
A niệm phàm tâm tánh bụi trần,
DI truyền mật-pháp hiện huyền thông,
ĐÀ minh lý huệ soi trần tục,
PHẬT ngự Liên-Hoa chuyển bút trần.
Nầy nguyên-căn! Bần-Đạo miễn lễ an nhiên, nầy tử-đệ tịnh nghiêm nghe Tôn-Sư giảng pháp:
Từ buổi Thượng-Nguơn, cảnh trầm-luân như dòng thác lũ, từ từ sông nhỏ ra biển rộng trời cao, đến nay buổi Hạ-nguơn như sóng gào, gió thét, lòng nhân-loại bị lôi cuồng vào vật chất phù hoa, hữu hình, hữu hoại, chỉ có Trung-Ương là Nam Việt hữu phước, hữu duyên nên Tôn-Sư truyền nguyên Đạo lý, tuyển pháp, tạo căn, tùy duyên độ thế. Ngày nay các con vì Tôn-Sư mà học Đạo, vì thân thể phàm trần mà luyện pháp cao nhiên, vì lòng tinh tấn đối với Thiêng-Liêng mà trọn hành công-quả, nhưng duyên cao cả là do tiền kiếp tạo nên, các con vì hữu duyên nên được Ơn trên thượng tầng chứng chiếu. Các con phải thông hiểu đời mạt-pháp phải làm sao cho vẹn tâm, toàn ý – tâm tròn, ý vẹn là điều rất khó đối với nữ nhi, nhưng càng khó hơn là mật-pháp cao vi trong buổi hạ kỳ ly loạn, vật chất tràn đầy. Khi con mở mắt ra: kìa là phồn hoa đô hội, nọ là khoa học luân lưu phát triển nền văn minh tạo thành hữu hình dưỡng dung cho xác thể, tạo thêm nghiệp trầm kha cho thế tục, các con nhìn thấy cảnh vọng dục của phàm gian sung sướng xác thân nên muốn tạo chuyện an nhàn nơi hữu chất, quên điều còn mất trong vạn đại ngàn thu!
Nầy các con ơi! Tôn-Sư vẹt áng mây mù truyền cho các con Di-Đà bí-chỉ là vì tuyển pháp căn duyên chớ phải nào các con tự chuyên tìm Thầy học Đạo. Thầy thường khuyên các con, Tôn-Sư thường hằng cùng đệ-tử: “Vì duyên xưa, vì lòng từ-bi đại thệ của Tôn-Sư nên mới truyền cho các con bửu-pháp”.
Giờ lành trong Hạ-Nguơn, các con đã có duyên từ trước nên Tôn-Sư ban một phần phước, thêm một phần huệ pháp cao nhiên. Nay nhằm thời kỳ của Thầy trên đại xá, các con đừng tưởng rằng con đường là cao cả mà vừa lo hữu chất vừa tạo lấy hữu vi, tuy rằng tánh mạng song tu, Đạo đời lập thể, nhưng người có đại căn, đại kiếp mới không mê đời, không chấp thế, tạo cho tâm tròn, tánh vẹn mới thọ được bí-chỉ cao siêu, chớ nữa đời, nữa Đạo, nữa việc nữa tin thì lòng của các con chưa toàn vẹn, làm sao pháp của Tôn-Sư được vẹn toàn. Khi tâm của con chưa vững, lòng các con chưa ngay, tánh các con chưa thẳng, niềm tin các con chưa trọn vẹn, bước đường đi một bước dừng, một bước tới, một bước lui thì trong muôn đời ngàn kiếp các con vẫn ở một nơi mà không đến được Niết-Bàn hay Bạch-Ngọc.
Tôn-Sư khuyên các con vừa tu vừa học, vừa trả nợ đời chớ không phải các con vì tạo thêm nghiệp đời mà muốn hưởng nhàn nơi Cực Lạc. Đó là lòng tham của các con vẫn còn trong cơ Cực-Lạc thì làm sao các con vĩnh đạt được pháp Di-Đà, cho nên trong lúc tịnh tọa, lẽ ra đem hết lòng diệt kỷ, vị-tha, các con suy niệm điều tà vì huyển hoặc. Tôn-Sư buồn thay, buồn thay! …muốn cứu các con trở về nơi Cực-lạc còn khó hơn là đảo hải di sơn, lòng Tôn-Sư rúng động tỏa thêm muôn đạo hào quang.
Tôn-Sư thường than: “Nếu các con thương Thầy, vì Tôn-Sư, nhớ đến Thiêng-Liêng, các con thường hòa niệm: “Cảnh trầm luân nầy không phải là của con, gia đình nầy không phải là của con, thân nầy không phải là của con”, thì các con trong giờ luyện pháp còn lo chi, còn nghĩ chi, còn tưởng đến chi để cho pháp mầu-vi phải lộn cuồng nơi tục lụy, Tôn-Sư thương thay! Thương thay! Vì thế cho nên ngạ quỷ nương theo làm khảo đảo xác thần, tuy Chư Thánh, Thần thường hộ trì các con, nhưng vọng niệm của các con sắc hơn lưu-cầu, tà kiến của các con mạnh hơn giông bão, thì dầu cho Thánh, Thần, Tiên, Phật có đem huyền năng vô lượng cũng không cản nổi tà luân phiếm đạo chưởng huyền nhập tâm.
Các con ôi! Lòng Tôn-Sư rộng rãi trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, không phải vì riêng các con mà độ bấy nhiêu trở về nơi Cực-lạc, nhưng các con là cơ tuyển pháp, là tượng trưng cho bí chỉ cao nhiên trong thời kỳ Long-Hoa của Tôn-Sư hiện thế. Trong tất cả muôn loài vạn vật, Tôn-Sư thường độ tùy căn cơ, tùy theo một ngọn cỏ Tôn-Sư còn truyền ban cho một giọt sương, một cánh đồng rộng bao la còn có mùa mưa tưới nhuận, thì trong hàng của các con là cây lành trái ngọt, Tôn-Sư sẽ dùng vào gieo giống nơi chổ thanh cao để tạo nên khu rừng rậm rạp, các con là một hột ngọc trong biển rộng mênh mông, nhưng ngọc kia bị trâm sâu nơi đáy vực, nếu không có thợ lặn dày công tìm ra ngọc báu thì muôn đời các con cũng vẫn ẩn trong chốn vực sâu. Công của các con ngày nay thọ pháp mà các con không kiên tâm, bền chí thì buồn thay! Ngọc kia vẫn trầm nơi đáy biển, thợ nọ vẫn hoài công!
Giờ đây các con lắng lòng nghe Tôn-Sư truyền thêm bửu pháp. Lần cuối cùng Tôn-Sư truyền cho các con đây là “Liên Hoa nhập thức”. Các con nhớ cho rõ: “Liên Hoa nhập thức”. Hiện tiền các con định tâm tịnh trí, tai lóng nghe để Tôn-Sư truyền mầu-vi bửu pháp thọ liền nơi đại đàn đây.
“Liên Hoa nhập thức” của Tôn-Sư truyền cho các con chỉ ứng trợ trong thời kỳ lửa binh dồn dập. Khi các con ngồi tịnh trang hoàng, dẹp xong tà niệm, khử trược lưu thanh, nếu còn một phần tư tưởng nhỏ nghĩ về đời, về vọng động, hoặc tai, mắt của các con vẫn còn nghe, thấy, ngửi bên ngoài thì tốt hơn các con đừng luyện pháp. Điều kiện thứ nhất của Tôn-Sư truyền cho các con là toàn tịnh, vì khi các con toàn tịnh Minh Châu mới hiện rõ, lòng trong sạch của các con mới thể hiện trong phút giây mà các con luyện pháp nếu lòng các con vẫn đục mà các con vẫn luyện, để tạo thêm cái thanh tuy xác trược thì cũng như con đang chới với giữa dòng mà chọn nhằm phao nhỏ, hy vọng sẽ nổi trên mặt nước là điều vô vọng nơi chốn trầm luân, cũng như người nắm cương con ngựa chỉ đang tung bốn gió giữa đường thì làm sao còn được yên đứng?
Nầy các con nghe Tôn-Sư giảng về phần “Liên Hoa nhập thức”.
. . . . . . . . . . . . . . .
Pháp rất dễ, duy có điều các con không dẹp xong tạp niệm, chẳng dừng lại tà luân thì dầu cho các con luyện đến bạc đầu cũng vẫn chưa tròn duyên với Tôn-Sư vậy.
Ngày kia, Tôn-Sư thấy trong hàng Bửu Liên đã toàn vẹn “Liên Hoa nhập thức” Tôn-Sư sẽ đại điểm thêm “thể hiện Liên Hoa”, giờ phút đó con sẽ được một phần thần thông của Tôn-Sư truyền xuống, tự tiếp, tự luyện.
Nầy các con! giờ lành Tôn-Sư giáng đây là dạy phần nữ phái cho các con kịp kỳ Long Hoa Đại hội. Thầy buồn thay! Tôn-Sư vẫn xót xa, Long Hoa không phải là ngày mà các con tưởng rằng đem xác tục phàm nhân ra đối phó. Pháp các con chưa vững, lòng các con chưa yên, Đạo các con chưa toàn vẹn thì dầu muôn năm nữa các con cũng chưa đến được Long-Hoa. Long-Hoa diễn nơi thế gian là trường huyết chiến, Long-Hoa diễn nơi đạo pháp cao siêu là lúc thi đức, thi tài:
- Thi đức đây là lúc các con toàn vẹn như Tam Bửu, Ngũ hành.
- Thi tài đây là lúc tài của các con không còn trần-ai, thất-tình lục dục.
Chớ chẳng phải đảo hải di sơn, dời non lấp biển.
Nầy các con! nếu các con dẹp được thất-tình lục dục, định được tâm-như thì điều di sơn, đảo hải nhẹ như sợi lông hồng. Nếu các con không toàn vẹn tịnh tâm, không dẹp lòng trần gian ái-ố, thì các con dầu một bước tới Niết-Bàn tấc gang, các con không thể dời chơn qua được vậy.
Ngày kia Di-Lạc sẽ lâm phàm phán truyền cho các con tùy theo các con phần kiên nhẫn từ tánh thể, phàm thể, phàm thân cho đến huyền nhiên cao diêu. Các con đừng tưởng rằng các con học hiểu toàn vẹn pháp nguyên khi lòng các con chưa định yên, dầu cho các con được học muôn ngàn pháp Tam-Thiên, các con cũng vẫn lộn cuồng nơi thế tục.
BÀI
Đường Cực-lạc mấy lần xa diệu,
Tại lòng người không hiểu pháp duyên,
Tôn-Sư nhiều lúc mật truyền,
Khai đề diệu pháp con thuyền từ-bi.
Hỏi các con chuyện gì trần hạ,
Rửa sạch lòng vàng đá hay chưa?
Thân phàm nhuần gội nắng mưa,
Lo toan danh lợi chưa vừa hay sao?
Còn mòn mỏi bước vào trầm lụy,
Theo oan khiên trọng quý cuộc trần,
Đảo điên tâm ý xoay vần,
Tịnh thiền chưa vẹn mấy lần, con ơi!
Nhìn xuống thế lòng Trời đau xót,
Vẹt mây vàng chiếu hạt từ-linh,
Gọi con về chốn huyền linh,
Nhưng lòng còn mãi trần tình bủa vậy.
Như ngục sắt thép dầy muôn vạn,
Làm sao Thầy quyền hạn tách rời,
Tự con vào lọt lưới Trời,
Ở trong khuôn khổ cuộc đời không ra.
Tôn-Sư gọi ta-bà mấy lượt,
Con muốn vào vội bước cách ngăn,
Giảng khuyên mấy lớp Đạo-hằng,
Vừa đi, vừa chạy thoát lằn đau thương!
Nhưng chạy mãi qua đường trầm lụy,
Chẳng trở về nơi quí cao nhiên,
Làm sao Thầy được tâm yên?
Tôn-Sư buồn dạ trách phiền con thơ.
Miệng thời nói đợi chờ điển bút,
Tâm thì còn vọng dục mấy lần,
Tịnh yên con hãy lao thân,
Bước vào tục lụy xây vần phủ giăng.
Đừng tưởng việc Đạo-hằng khó dễ,
Tại rằng con còn nệ bước đường,
Nữa tu, nữa tính ngàn phương,
Làm sao trọn vẹn con đường hư-linh?
Tâm con “tịnh” là gìn khuôn khổ,
Rồi Thầy trao nhiều chổ diệu huyền,
Dầu cho trực chỉ qui nguyên,
Pháp môn Thầy dạy diệu huyền cao siêu.
Con để tâm sớm chiều trầm lụy,
Thì muôn đời bí chỉ sao nên?
Tâm con thì muốn bước lên,
Mà chân trở lại móng nền hồi-luân.
Ý con muốn về nương Cực-lạc,
Lòng xuyến xao vội lạc về trần,
Vừa đi một bước lại gần,
Trở lại mười bước xây vần thế-gian.
Tôn-Sư chẳng phàn nàn con trẻ,
Bởi đại-hùng coi nhẹ thế-gian,
Chỉ chưa ngự được Niết-Bàn,
Quan Âm Nam Hải vào hàng nữ lưu.
Còn các con hận cừu luyến tiếc,
Chốn trầm luân mãi miết đeo tay,
Dầu cho tưởng niệm cao dầy,
Sông mê không bỏ ra ngoài tâm linh.
Thuyền Bát-Nhã biết gìn trở lái,
Mà xông vào mãi mãi bờ mê,
Kìa kìa bến giác xa về,
Nói rằng nguồn cội lời thề hồi qui.
Một lượn sóng níu trì trần tục,
Thuyền của con vọng dục đầy tràn,
Pháp nguyên dầu dạy trang hoàng,
Sông mê lượn sóng dẫy tràng con ơi!
Lời Tôn-Sư nhất thời giảng dạy,
Thiết tha lòng triêm trải nơi đây,
Ngày về hiệp hội cung mây,
Mấy ai được thỏa chí Thầy nưng niu.
Lời giảng pháp cao siêu để đó,
Lý huyền-vi con có nghĩ ra,
Đợi chờ đúng buổi Long-Hoa,
Thi tài, thi đức mới là thi công.
Tài của con mòn trông nơi thế,
Thất tình kia chẳng kể nơi lòng,
Không còn buồn tủi ngoài trong,
Không phiền, không lụy nơi dòng thế-gian.
Con mới vượt qua đàng thử thách,
Thử thách nầy là vạch đức tài,
Tưởng rằng thử pháp trong ngoài,
Thử lòng con trẻ cao dày hay chăng?
Nay Long-Hội chuẩn thằng sắp điểm,
Đạo cao siêu sẽ chiếm huyền-vi,
Trước là Thầy thử nếp y,
Trong vòng đệ muội huyền-vi mới thành.
Nhìn chung quanh con lành vội trách,
Tỷ nầy hơn, đệ mạch chưa tròn,
Thấp cao tục lụy chen bon,
Làm sao Long-Hội đài son bước vào?
Con thấy người, con nào thấy dạ,
Thấy bề ngoài con khá để tâm,
Phần con chẳng sửa âm thầm,
Phận người cho thấy cho lầm là mê.
Tôn-Sư giảng hạ đề con rõ,
Trước sau gì cũng có một lần,
Thi tài, thi đức cũng gần,
Nay con tự khảo xoay vần nơi tâm.
Hỏi lại con có lầm chăng tá?
Xung quanh mình con đã xong chưa?
Gia đình huynh đệ mến ưa,
Lụy phiền trách cứ sớm trưa nơi lòng.
Làm sao con thoát vòng trầm lụy,
Bước qua đài cao quý Thiêng-Liêng?
Con ơi! Thượng Đế còn phiền,
Trong cơ tuyển pháp diệu huyền chưa ai.
Tôn-Sư giảng một bài hạ lý,
Để cho con suy nghĩ tận tường,
Gần đây đề cú pháp chương,
Mỗi con đều được Đạo trường điểm qui.
Đừng trách kẻ trần si mê muội,
Con biết rằng hờn tủi nơi tâm,
Làm cho pháp cả sai lầm,
Là con sa chốn hôn trầm nghe con!
Điển Tôn-Sư mõi mòn căn dặn,
Một lòng thành thẳng thắn con ơi!
Từ-bi trong dạ tuyệt vời,
Thương anh, thương chị trong thời Long-Hoa.
Thương em dại thiết tha khuyên nhủ,
Chớ đừng hờn, đừng phủ phàng chi,
Trước là tập vững lối đi,
Trở về Long-Hội huyền-vi mới thành.
Con chẳng biết tập tành nơi Đạo,
Bước đường thi bí khảo sẽ rơi,
Lời nầy dặn kỷ con ơi!
Gia đình, xã hội nhớ lời Tôn-Sư.
Từ-bi, nhẫn thâm trừ huyền diệu,
Mới luyện thành điệp chiếu Liên-Hoa,
Trước là nhẫn nhục hiền hòa,
Sau nên Đạo pháp thiết tha lời vàng.
Điễn gần mãn sắp ban đại vị,
Cho các con hiếu quí lời nầy,
Lịnh truyền Huỳnh Đạo hiệp vầy,
Dầu cho khảo đảo có Thầy chứng minh.
Cơ Long-Hoa nơi mình đại khảo,
Khảo xác thân, khảo Đạo rã rời,
Miễn con luyện pháp tuyệt vời,
Hư-không chuyển lý nhứt thời cao sâu.
Điễn đã mãn địa-cầu từ giã,
Giã Trung-Tôn kịp khá quay về,
Bửu-Liên con nhớ đừng mê,
Qua bờ giải thoát hầu về Tiên-bang.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Công quả gắng trọn tình vì Đạo,
Sẽ có ngày ngọc báu trao tay,
Hào quang phủ xuống linh đài,
Giã từ tất cả hầu quày Thượng-nguyên.
PHẬT-TỔ DI-ĐÀ
GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC NGÔI HAI
9 tháng 1 Canh Tuất
(14 . 2. 1970)
THI
NGÔI vị Thầy trao tự bấy giờ,
HAI điều mê, giác hỡi con thơ,
GIÁO truyền chưa đủ tình đau xót,
CHỦ huấn từ-bi chớ hững hờ.
NGÔ thị kim triệu hòa võ-trụ,
MINH đài viết đảnh điểm hoàng cơ,
CHIÊU linh vị tá an bang thế,
GIÁNG bút rằng con gắng đợi chờ.
THẦY mừng chung các con! THẦY miễn lễ các con an tọa.
Nầy các con! nhân ngày Đại lễ Thầy lâm phàm chứng vị ban ân cho các con mỗi mỗi được chút huệ tâm để nghe chơn truyền giáo pháp.
Nầy các con trong hàng Trung-Tôn, Hoàng-Tôn thọ mật pháp! Đúng ngày thập tứ sau tý thời hữu đàn cơ buổi Thượng Nguơn, Thầy truyền cho các con đồng đến nơi Cơ Mật Viện để Thầy ban cho các con vẹn toàn phần bí pháp Tam Thanh. Sau đó các con sẽ trọn hưởng phần Tâm-pháp Ngọc-Kinh cũng như các con thọ hưởng phần Tam-Thiên bí-chỉ. Riêng về phần nữ phái các con vì chưa tròn duyên kiếp cho nên các con chưa luyện được phần huyền thông. Vậy các con tạm cầu nguyện Tôn-Sư Di-Đà của các con truyền thêm phần cao diệu ngày sau. Các con chưa tròn phần dương thể, cho nên phần Tam-Thiên bí pháp cũng như phần Tam-Thanh Thầy truyền ra, các con là phần âm thể, nếu luyện không đắc lại sai ngoa điêu tàn xác thể vậy.
Thầy dạy các con điều mật quyết, các con cố gắng thi hành. Các con nghe lời Thầy như lời từ trên Thượng-Thiên Hư-Cung truyền xuống, lòng các con vội mở như hoa sen để Thầy ngự vào đó, các con tự tâm khép lại, thì hoa sen kia có ngày mới được về nơi Niết-Bàn, Bạch-Ngọc. Còn nếu các con dùng lòng của các con nơi trần tục đón tiếp lời Thầy thì cũng như các con xem chuyện trần ai, xem cuộc đời tục lụy thường ngày các con thấy vậy! Vì lúc đó linh tâm của các con chưa mở, linh-thể các con chưa trụ, toàn thân các con chưa được phần cao siêu linh điễn của Thầy truyền xuống, thì tà thân vật dục vây quanh, làm cho tinh khí thần của các con bị mờ ám, làm sao lời của Thầy rót vào tới tận tâm linh các con được?
Từ nay, khi xem Phật huấn, Kim-ngôn, lời của Thầy các con phải ngồi trước Thiên-bàn kỉnh đọc Tâm-pháp cao siêu, trầm hương đoan nhã, suy niệm cho xong lời của Thầy các con mới giũ áo bước đi, chớ đừng phải nằm ngồi vô trật tự, coi đó như một lời lẽ tầm thường của thế nhân thì con sẽ gặp điều tầm thường, từ tầm thường đó các con sẽ chán nản mà quên chơn-lý cao siêu của Thầy dạy. Vì các con xem đó bằng phàm nhãn, bằng phàm tâm, bằng phàm trí chung hợp với phàm thân, thì tất cả phàm lý, phàm luật, phàm văn, phàm ngôn, phàm ngữ đều đến với con trả lại. Nếu các con ngồi nghiêm mẩn mở Phật tâm, Tiên tánh, Thánh trí, Kim-thân thì con sẽ được huyền thân Ngọc-khuyết chơn-lý tuyệt vời, dầu lời đó tầm thường mà thế tục rẽ khinh, các con cũng thọ được phần siêu-linh tuyệt diệu vậy.
THẦY sẽ ban truyền thêm ngoài Ngũ-hành phương vị của Trung Tôn, THẦY còn đang chọn để phụ khuyết nhị ngôi cũng như tam ngôi là Lưỡng nghi và Thái cực trong các con còn đương thiếu vậy. THẦY đương chờ để truyền thêm trong ngày Thượng Nguơn thì giờ đây các con phải rèn tâm thể cho toàn vẹn. Đừng quá vì đời, đừng quá lấy lý đời mà suy niềm Đạo-đức, đừng đem điều Đạo-đức mà so sánh lẽ nhân-gian. Nầy các con! con đem thân so sánh với linh-hồn, con đem đời con so sánh với vũ trụ, con đem kiếp con người so-sánh với khối linh-quang của Thượng-Đế, thì làm sao con đoạt được lý huyền-nhiệm cao thâm. Các con nên suy nghĩ lại, Thầy chỉ dạy bao nhiêu điều.
Về phần nữ phái, từ đây nếu các con muốn thọ thêm Di-Đà Bí-Chỉ, phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, lời nói cho đoan trang, tính tình cho nhu thuận, lòng phải ôn hòa, lý phải rộng rãi.
TRƯỜNG THIÊN
Lời vàng Thầy dạy hôm nay,
Để cho tất cả trong ngoài hiệp nghi.
Các con thọ sắc huyền-vi,
Mà lòng chưa trọn chuyện gì nghĩa nhân.
Thì dầu có Thánh Thần hộ trợ,
Cũng chẳng làm sao đỡ được thân,
Nay đây gần buổi loạn trần,
Đạo là gốc cả chiếc thân đọa đày.
Thì con ráng miệt mài chơn-lý,
Tạo niềm tin cao quý tuyệt vời,
Lời nầy Thầy dạy con ơi,
Là lời tâm pháp muôn đời mới trao.
Tâm của con là một màu yên lặng,
Tinh mới hòa mới đặng yên nhàn,
Tinh yên thì khí mới an,
Thì Thần mới trụ huyền quang mới lòa.
Tâm của con còn xa Đạo lý,
Để cho đời ma quỷ xen vào,
Đoạn đường khảo đảo trước sau,
Xa lìa Đạo pháp mà nao lòng vàng.
Thì cũng ráng trang hoàng lời lẽ,
Tại nơi mình rồi sẽ vượt qua,
Đừng vì đôi ngã cách xa,
Kéo huynh kéo đệ tà ma sụt lùi.
Thầy thấy thế ngậm ngùi chua xót,
Công chưa tròn mà lọt ngục môn,
Đạo chưa trau tỉa linh-hồn,
Nữa đường phải chịu dại khôn ván đời.
Luân hồi cảnh tả tơi suốt liếp,
Nay Thầy truyền báo tiệp cho chung,
Giữ tâm bình tịnh đại hùng,
Bỏ điều nhỏ nhặt cần dùng bao dung.
Bỏ tất cả chuyện cùng thế sự,
Giữ lòng từ trọn chữ nghĩa nhân,
Vui chung khuyên nhủ xa gần,
Tình thương đặt trước vẹn phần mới nên.
Lời Thầy dạy đừng quên nghe trẻ,
Nhũ khuyên hoài không lẽ thở than,
Con ơi! Trong mối Đạo Vàng,
Nếu tâm không vẹn đừng phàn nàn chi.
Vậy Thầy trao huyền vi đại điểm,
Ban ân chung con chiếm vị lành,
Xét tâm rồi xét quẩn quanh,
Coi mình còn thiếu lòng thành hay chăng?
Thiếu từ-bi Đạo hằng nhân nghĩa,
Thiếu hy sinh trau-tỉa nơi lòng,
Về nơi Tiên Phật non bồng,
Nếu lòng chứa đựng trần hồng sao nên?
Thầy vô-vi từ trên giội xuống,
Nhìn thấy con vô lượng đau lòng,
Ngày ngày Thầy vẫn hoài mong,
Đêm đêm cũng tưởng cũng trông con hiền.
Truyền tất cả Thần Tiên Phật Thánh,
Hạ trần gian giải cảnh mê đồ,
Con ơi! Cố gắng điểm tô,
Phong trần đau khổ bước vô làm gì?
Giã từ con lưu ly lòa ánh,
Giữ lòng vàng đại lãnh mai sau,
Phất phơ chiếu ánh Đạo bào,
Ban ân tất cả Thầy vào Ngọc-Kinh.
NGÔI HAI GIÁO CHỦ
NGŨ KHÍ TRIỀU NGUƠN
(1 tháng 5 năm Canh Tuất)
THI
DIÊU hoa NGÔI xưa chứng quả lành,
Cuộc trần HAI nẻo trược và thanh,
Bình tâm GIÁO huấn nghe thông suốt,
Tử phủ CHỦ nhân lễ thọ hành.
Thầy miễn lễ các con tọa thiền. Giờ Lành THẦY lâm ngự vì động lòng thương các con thành khẩn chiếu diệu huyền, ban ân hiện bút.
Nầy các con! Từ xưa tới nay các đã hiểu thông mối đạo huyền-vi. Thượng-Nguơn ,Trung, Hạ đều có Giáo-Chủ lâm trần tế chúng:
Ngày nay thời mạt pháp loạn cuồng, ngiệp quả của nhân-sanh thật là cay nghiệt, Thầy buồn thay! Chiết ngự linh-quang hạ phàm để dìu căn nguyên con đang trong vòng trần trược, để độ rỗi muôn loài thức tỉnh cuộc luân-hồi trở về với nguồn côi cao siêu mà suốt bốn mươi mấy niên dư ít người thành Chánh quả!... Các con ơi! Thần, Tiên, Thánh, Phật lao nhọc ngày đêm tùy duyên hóa độ, Thầy thường dạy các con: Muốn tu thành Chánh quả phải lấy “Tâm” là nguồn cội. Tâm mà Phật đã truyền lưu, đó là một điểm linh quang, là ngôi Thái Cực mà hiện giờ các con đang luyện pháp.
Nầy các con! Ngũ-Đế tượng trưng là Ngũ-khí. Một khi Ngũ-khí đã hợp nhứt rồi thì hóa hóa, sanh sanh vô biên vô lượng, ngũ khí ấy hợp nhau mới tạo thành ngôi Thái Cực. Nay Thầy truyền cho các con chơn-quyết có nghĩa là “NGŨ-KHÍ TRIỀU NGUƠN”, khi triều nguơn rồi mới có Tam-Huê tụ đỉnh. TINH, KHI, THẦN các con đương nhưng hợp vào Ngũ-Khí, Ngũ-Khí kia đã hợp nhứt các con mới có ngôi Thái-Cực diệu diệu huyền huyền, từ đó Linh đài mới thể hiện xuất khiếu ngao du.
Ngày xưa Thầy truyền bí-pháp Tam –Thanh đến Nhị-bộ, giờ đây TAM THIÊN bí-chỉ DI-ĐÀmật lý đã truyền xuống cho các con là nối tiếp duyên xưa, thông truyền căn cội. Ngày Đại hội Long-Hoa cũng không còn xa lắm vậy.
Giờ đây các con vì duyên ngàn kiếp thọ được bí-chỉ cao minh thành lòng tu học, ngày đắc quả chẳng còn xa, THẦY thường khuyên các con: đường Long-Hoa đừng chậm trễ mà pháp cao siêu kiaTHẦY thấy các con cũng vẫn còn u-trầm, quên quên nhớ nhớ, đôi khi còn chấp nghi, lòng tin tưởng chẳng vẹn toàn, thì làm sao các con thu hồi được ánh huyền-quang để đoạt thông điều cơ mật? Thầydạy các con là mong các con đạt thành lý nhiệm cao sâu, THẦY truyền cho các con là mong các con đắc Đạo. Từ xưa tới nay, Thầy xuống xuống lên lên, hóa hóa hiện hiện đời nầy, kiếp nọ, dầu Thầychiết thân hạ phàm cũng không ngoài tình thương đối với các con vậy. Giờ đây các con thọ bí-pháp cao siêu, các con vẫn nghĩ rằng trong ba vạn sáu ngàn ngày không mấy chốc, thân của các con sẽ trả về cho đất, nước, gió, lửa, đời của các con sẽ trả cho danh, lợi, tình, tiền. Giờ nầy đây, các con hữu phước duyên vẹn tinh toàn tấn được nghe THẦY ban cho mật pháp cao thâm, truyền cho lý diệu huyền, các con những ngỡ rằng thành Tiên rất dễ, điều đó Thầy thường giảng cho các con: không khó, tại vì lòng các con thấy khó cũng như hiện thời các con vì sợ đời mà lo tu tỉnh, các con vì sợ chiến đao binh mà trở về với Đạo-pháp. Nầy các con! chiến họa đao binh không thể giết các con một sớm một chiều như con tưởng, điều loạn cuồng thế sự kia cũng không thể làm cho các con tan tành sự nghiệp mà chỉ sợ tâm của các con sớm chiều điên đảo, lòng của các con cuốn theo nghiệp chướng cuồng-si, thì dầu cho sự nghiệp trần gian, dầu cho các con có muốn yên nhàn cũng không ngoài trăm tuổi vậy.
Đời các con đã nhìn thấy chiến họa đau thương sao các con không nhìn trở lại lòng con? điều đau thương đó vẫn ràng buộc trong thất tình lục dục làm cho các con hôn trầm mê ám mà các con không suy cùng tận lý huyền-vi, để mỗi ngày vì đời các con mới tu, chớ không phải vì lòng tinh tấn, vì duyên xưa vì Đạo pháp siêu thừa, vì tình thương của Thượng Đế ban cho mà các con trở về với đường Đạo, vì sợ đời, vì chán ngán cảnh trầm mê, đó cũng là một lý các con quay về với Đạo, nhưng chưa phải là chơn lý siêu thâm, chơn lý siêu thâm ở nơi lòng các con; dầu đời đục nhưng lòng con trong, chiến họa dầu lan tràn nhưng tâm yên ổn. Người có tâm xáo trộn điên đảo thì dầu cho ngự giữa Niết-Bàn tịnh diệu cũng không được yên ổn.
Nay các con thọ bí-pháp cao siêu, sống giữa vòng lửa đạn, các con đừng nhìn thấy lửa đạn bên ngoài mà các con phải nhìn vào tâm của các con, các con mới điều cay nghiệt đau thương khổ cảnh hơn là lửa đạn bên ngoài. Vậy Thầy khuyên các con, mong mỏi nơi các con hãy nhìn vào trong, thấy nơi trong, gom về trong, thúc thu thần khí để các con trọn vẹn với bí-pháp cao minh trở về với khối đại linh-quang mà Thầy hằng mong đợi, đó mới phải là chơn truyền chánh pháp của Thầy ban ra từ trước tới nay. Nếu các con sợ đời mà đi tu thì cũng chưa phải là toàn vẹn, vì chán ngán điều danh lợi các con không đoạt được, thiểu não thân tâm mà đi tu cũng chưa phải là chánh tín. Các con phải tự biết rằng: đời không còn mấy, danh lợi chẳng ra chi, thân nầy tạm giả, tâm kia mới còn trường cửu muôn đời, khi phủi tay chỉ còn đem theo tội phước thì ngày giờ đây dầu sống trên ác trược, tâm vẫn vẹn gìn các con mới đoạt được lý cao minh là trở về với nguồn cội vậy.
Ngày nay, Thầy ban cho các con huyền-vi bí-pháp không phải để cho các con tự thành Tiên tác Phật riêng mình mà các con phải rèn luyện thân tâm làm một phương tiện để các con trở về con đường chơn tín, thoát khỏi kiếp luân hồi và sau nữa là cứu đời, trợ Đạo, giúp cơ Trời lập Thượng-Nguơn Thánh-Đức, chớ chẳng phải tự các con giải thoát trở về với Thầy mà để cho quốc độ của các con, xã hội của các con, đời tàn nguơn mạt kiếp mà các con không ra tay cứu vớt vậy! Phận hành của các con là vừa tu vừa trả nợ đời, vừa tập rèn trong kiếp sống để qua đường Tiên cảnh chẳng ngại ngùng với Thần, Tiên, Thánh, Phật. Thầy cho các con biết:
Long-Hoa diễn trên thì lửa cháy, dưới thì nước dâng, giữa thì ác trùng điều thú lớp lớp vây quanh. Nếu các con không vẹn toàn e rằng sa vào ác trược.
Đó là Thầy giảng cho các con đôi nghĩa phần hữu chất cũng như lý vô-vi, có trong ngày tàn-nguơn mạt-pháp vậy.
Gần đây các con thấy: lòng tham dục của nhân sanh bốc cao ngùn ngụt, cảnh chém giết của thế gian càng ngày càng cay nghiệt vô phương cứu chữa. Không phải tại vì con người không có lương tri, thiếu bản năng của Thần Tiên truyền xuống, mà tại vì đời mạt kiếp nhân nào quả nấy trả vay cuối cùng để lập lại Đại Phong Thần là thế đó!
Thầy ban ân phái đoàn liên giao Đạo-pháp, cố gắng vẹn hành, Thầy sẽ truyền cho Long Thần Hộ Pháp hộ trì các con trên đường Chánh Đạo.
Diệu mầu Đạo pháp hiện từng không,
Nhân quả trần gian ấy lửa hồng,
Một kiếp khổ tu sau sẽ hưởng,
Lợi danh tình ái rốt hoàn không.
Không lợi, không danh ấy Đạo lành,
Thầy truyền bí pháp thị Tam-Thanh,
Khuyên con dứt khỏi mê hồn trận,
Đại hội Long-Hoa sẽ đắc thành.
Thành Tiên, thành Phật phải công trình,
Đại xá ân kỳ mạt hạ xin,
Cố gắng con ơi! Muôn vạn kiếp,
Cội nguồn con trở Ngọc Cung Kinh.
Cung Kinh Thầy ngự đã từ lâu,
Thương trẻ trần si nhỏ lệ sầu,
Chiết thể phàm gian truyền pháp nhiệm,
Để cho thế hạ lý huyền sâu.
Huyền sâu Thầy dạy các con tường,
Mạt hạ trần gian tiếng quỉ vương,
Danh lợi, mê đồ sa địa ngục,
Đạo lành nương tưởng thoát mê đường.
BÀI
Thầy chiếu điễn bút vàng ngự xuống,
Ban hồng ân vô lượng con hiền,
Cội lành cao cả qui nguyên,
Long-Hoa Thầy sẽ sắc truyền ban ân.
Giờ tất cả Thánh Thần Tiên Phật,
Thọ lịnh truyền lẽ thật phân bày,
Ra công hoằng hóa hôm nay,
Cho trong trần hạ, ngày rày hiểu thông.
Thầy thương xót trần hồng đoài đoạn,
Vì quả nhân nên ráng độ hành,
Ngày nay ban mối Đạo lành,
Thi công góp sức, kịp thành mai sau.
Đường Long-Hoa con nào cố gắng,
Có Thánh, Thần thẳng thắn chở che,
Bước tu con chớ sụt sè,
Muôn đời Thầy dạy, con nghe mấy lần.
Biết tạm giả gìn thân giữ thế,
Giữ làm sao đừng để luân hồi,
Cuộc trần khổ lắm con ôi!
Nay còn mai mất, mấy hồi đọa sa.
Kể từ khi sanh ra trần tục,
Lúc lớn lên mấy khúc đọa đày,
Thê nhi phụ tử ngày rày,
Luân-hồi quả báo nghiệt cay mấy lần.
Thầy thương con đày thân tạm giả,
Xuống bút huyền cao cả nhủ khuyên,
Trăm năm trong cuộc trần duyên,
Đeo dai thãm lụy trách phiền chi con?
Con nên biết đời con thảm khổ,
Khóc nhiều hơn là chỗ cười vui,
Biết rằng trong cảnh ngậm ngùi,
Theo đường Đạo pháp để vui máy huyền.
Ngày tận diệt Thầy khuyên từ trước,
Cũng gần đây lần lượt điêu tàn,
Ban cho chung mối Đạo Vàng,
Mong con thoát khỏi trần gian khổ sầu.
Đã sanh ra trong bầu trần hạ,
Nhiều quả nhân con khá nghĩ suy,
Lớn lên nào có biết gì,
Vô-thường cướp mất một khi xác phàm.
Nay là buổi kỳ tam đại xá,
Nhờ ân Thiên cao cả Thầy truyền,
Cho nên Phật, Thánh, Thần, Tiên,
Ra công dạy dỗ dưới miền tử sanh.
Con luyện pháp nhớ hành cho đúng,
Đế Quân là hữu dụng mai sau,
Triều nguơn Ngũ khí tựu vào,
Là ngôi Thái Cực hiện trào hôm nay.
Thầy sẽ dạy nhiều ngày tu sửa,
Để cho con thường bữa giữ gìn,
Lời vàng con trẻ khắc in,
Mười hai ngày nữa con gìn pháp duyên.
Cũng luyện đủ cao huyền Thầy dặn,
Chọn ngày giờ để đặng cùng nhau,
Hiệp chung đồng luyện trước sau,
Chờ ngày thành tựu Thầy trao diệu huyền.
Lời khuyên nhủ tịnh yên tất cả,
Cuộc thế nầy vất vả đừng than,
Lỡ mang xác thể trần gian,
Dầu cho cay đắng phàn nàn chi con?
Biết đường Đạo sắc son ghi dạ,
Giữ một lòng vàng đá mà thôi,
Con đường luyện pháp cao ngôi,
Khuyên con gắng chí luyện ngồi giữ công.
Gần đến buổi đại đồng phán xét,
Luyện công thành vài nét mai sau,
Thi công, thi pháp mới vào,
Hữu công, thiếu pháp Thầy nào chứng cho.
Con hữu pháp dặn dò công quả,
Giữ đừng cho vấp ngã đôi điều,
Lời Vàng phán giữa Linh Tiêu,
Mong rằng con trẻ hiểu nhiều hôm nay.
Qui Tam bửu Tam tài luân thống,
Hiệp ngũ hành khởi vọng Tam-Thiên,
Ngày xưa đắc Phật, đắc Tiên,
Đều là luyện pháp diệu huyền con ơi!
Dầu công quả trong đời đi nữa,
Hưởng pháp duyên mấy bữa rã tan,
Đức lành con hưởng trần gian,
Vô duyên thiếu pháp Đạo lành sao nên?
Lời nhắn nhủ đừng quên nghe trẻ,
Có công trình không lẽ thiếu duyên,
Con nên luyện pháp cần chuyên,
Đường thành Thánh Phật lên Tiên đó là!
Lời giảng dạy cao xa huyền bí
Thầy thương con điểm chỉ cơ mầu,
Vung tay ân tứ địa cầu,
Ban chung tất cả nhịp sầu thoát qua.
Giã từ con hiệp hòa chung kĩnh,
Thánh Thần triều cao lĩnh huyền-năng,
Vung tay rãi xuống hạ trần,
Huyền-vi pháp nhiệm, ban ân Thầy hồi.
Bần Đạo xin chào mừng chung Tăng, Ni trưởng đồng tọa thính. Giờ phút cao linh, Đức Ngôi Hai đã truyền chơn pháp, giảng dạy cho Tăng, Ni trưởng Huỳnh Đạo triết-lý siêu thâm mầu nhiệm, là bước đường Long-Hoa mạt pháp. Tăng, Ni trưởng Huỳnh Đạo đã có chơn duyên thọ Huyền Công Mật Quyết, thọ bí pháp cao thâm để chờ ngày Long-Hoa ứng dự, thì giờ đây phải cố gắng. Bần Đạo thấy rằng Tăng, Ni trưởng vẫn còn yếu kém pháp nguyên.
Từ xưa tới nay, các bậc Thần, Tiên, Thánh, Phật nếu không có luyện pháp không có tu ngũ hành, không có thống qui Tam bửu, đều không thành được bậc Như-Lai, Bồ-Tát. Vậy thì công quả kia dầu đậm, công trình nọ dầu xây, nhưng thiếu pháp nguyên thì cũng chỉ hưởng phước ở trần gian, một thời gian sau cũng luân hồi mà trả nghiệp. Nay là thời kỳ Đại xá, Thượng Đế lâm phàm dìu dẫn chúng sanh ban truyền mật pháp. Hữu phước duyên cho giòng giống Lạc-Hồng, cho nên tuyển chọn căn cơ ngàn kiếp lập thành Long-Hoa Đại hội toàn quả địa-cầu, chọn Đông-Nam Á châu làm Trung-ương là Nam Việt, Thất Đảnh, cửu lưu truyền ban diệu pháp, ngự Long-Hoa lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức.
Điều đó, Thượng Tổ đã giảng, Bần-Đạo cũng đã từng thuyết cho hàng Tăng, Ni trưởng. Thì giờ nầy Bần-Đạo dầu có hủy xác phàm về nơi Hư-diệu, cũng vẫn còn lo phần pháp nhiệm chờ ứng trụ Long-Hoa vậy. Vẫn biết rằng tình huynh đệ tỷ muội khi Bần-Đạo rời khỏi xác phàm rất ngậm ngùi chua xót, nhưng Tăng, Ni-Trưởng nên nhớ: đời nầy, kiếp nầy, thân nầy thế nào cũng phải qua một lần sanh tử, lẽ sanh tử là lý đương nhiên của Thầy định đặt thì điều sanh tử kia, ngậm ngùi kia dành cho thế nhân tục lụy. Bần-Đạo mong rằng gặp hàng Tăng, Ni-Trưởng trong cõi vô-vi, nghĩa là Tăng, Ni-Trưởng sẽ gặp Bần-Đạo khi hoàn thành sứ mạng, khi luyện pháp cao minh, Bần-Đạo luôn luôn ở trong hoàn cảnh vô-vi luyện pháp chớ không phải ngồi yên, cũng không phải thoát xác phàm như người trần mê tục lụy. Mỗi khi có một Tăng, Ni-Trưởng của Huỳnh-Đạo sắp thành Đạo, sắp bỏ xác phàm thì người tiếp dẫn đầu tiên là Chưởng-Giáo Huỳnh-Đạo nhận sứ mạng, nhưng để hổ trợ cho hàng Tăng, Ni-Trưởng sớm thống qui Tam bửu, sớm kết Ngũ hành, sớm tạo thành ngôi Thái Cực, để rồi khi bỏ xác phàm gặp Chưởng-Giáo.
Ngày trước Quỳnh Tương Hội Yến dưới trần gian không bằng Quỳnh-Tương Hội-Yến nơi miền hư-vô tịnh diệu, dùng Tam bửu là Tiên tửu, dùng ngũ hành làm hoa quả, dùng Tam huê tụ đỉnh làm nhạc lý để cùng huynh đệ, cùng linh căn ngự vào Long-Hoa. Như thế đó, thì chắc hẳn Tăng, Ni-Trưởng cũng không ngậm ngùi vì xa Chưởng Giáo vậy. Dầu bỏ xác phàm nhưng linh thể vẫn còn đó, dầu có phải ra đi cũng vẫn trang hoàng dìu dẫn đệ huynh giờ phút cuối cùng bỏ xác của một Tăng, Ni-Trưởng là giờ phút Chưởng Giáo Huỳnh-Đạo không xa rời, phải dìu dẫn điểm thêm pháp nguyên để thoát khỏi xác phàm trở về chung cùng với phần hư-vô tịnh-diệu vậy.
Huyền-Công Mật-Quyết chuyển thành Ngũ Đế có nghĩa là Ngũ-Đế là Ngũ-khí khi nào Bạch-Đế, Xích-Đế, Thanh-Đế, Hắc-Đế là Tứ Đế là tứ khí chung hiệp cùng Huỳnh-Đế Trung-Ương Mồ-Kỷ Thổ, như thế đó gọi là Ngũ-khí Triều nguơn. Khi Ngũ-khí Triều nguơn năm hiệp thành một, tuy một mà năm, từ năm mới sanh sanh biến biến, nhân cho nhau trở thành vô lượng. Hiện nay Huyền Công Mật Quyết là phần đầu tiên sơ khởi, sẽ bước qua giai đoạn thứ hai sẽ có hàng nữ-phái tiếp tay luyện Ngũ khí triều nguơn cho thành tựu. Bần-Đạo đã gặp một đôi vị Thiên Tinh đã bỏ xác phàm cũng vui vẻ hiện giờ nầy đứng ngoài kia để cùng nhìn hàng Tăng, Ni-Trưởng mĩm cười vui vẻ.
Hàng Tăng, Ni-Trưởng Huỳnh-Đạo thọ bí pháp cao siêu của Huỳnh-Đạo, thân nầy một sớm một chiều, ngày mai kia theo lý vô-thường sẽ bỏ đi. Đừng tiếc rẻ, nếu còn tiếc thân là cũng như còn tiếc vòng địa ngục vậy.
Chưởng-Giáo khuyên chung tất cả Tăng, Ni-Trưởng cố hành pháp, cố tạo quả công, cố tạo hai điều cho vững chắc. Nếu quả công mà thiếu pháp nguyên thì chỉ hưởng phước nơi trần gian mà thôi. Nếu pháp nguyên mà thiếu quả công thì phải luân-hồi để tạo thành công quả vậy.
Bần-Đạo cũng kính mừng hàng nguyên-căn Liên-giao đoàn kết. Giờ phút nầy là giờ phút siêu-lý của Huỳnh-Đạo được ban truyền, bí-pháp của Huỳnh-Đạo phải được đặt hàng đầu tiên cho tất cả Thiên-Tinh, tất cả Bửu-Liên, coi đó làm một tiêu chuẩn duy nhứt của Thượng Tổ truyền ban cho đến ngày Long-Hoa Đại-Hội, là cứu cánh cuối cùng của Thập Nhị chi phái vậy. Từ trước tới nay, có nhiều người công quả đi đó, đi đây, nhiều Chi Phái hơn mấy năm trời đã tạo nhiều công quả, nhưng phần pháp nguyên cuối cùng là phần của Huỳnh-Đạo phải tạo thành bí cao siêu để đắc thành, để có huyền diệu để cho nhân sanh soi sáng. Giờ phút nầy là giờ phút Bần-Đạo muốn tỏ cùng tất cả Tăng, Ni-Trưởng những lời Thiên cơ mật quyết: cảnh máu lửa sắp lan tràn vì nghiệp quả của nhân sanh, cảnh tang thương từ Âu sang Á sắp diễn từ niên nầy cho tới Quý Dậu. Vậy thì còn đủ thời giờ cho các Tăng, Ni-Trưởng hành pháp, luyện Đạo. Đừng vì thấy thời gian xa cách mà ngỡ rằng đời chưa tận, thế chưa tàn mà mãng mê theo tục lụy e rằng khi biết thế tàn đời tận, pháp chưa xong thân hủy diệt mà phải chịu luân-hồi nữa vậy.
Vòng danh lợi, cảnh trần mê là chỉ để cho người không biết Đạo, chớ người đã hiểu Đạo, thông pháp thì dầu xông vào nơi trược cũng vẫn coi thường, cũng vẫn biết đó là mê, biết đó là trược không cần thâm nhiễm nhưng trả nợ đời, chỉ trả nợ đời mà không cần phải say mê trần tục, không tạo thêm nghiệp quả, chẳng đua đòi theo lợi danh, như thế đó giữ một lòng luyện pháp cao minh cũng đắc thành Bồ-Tát vậy./.
TU ĐỂ GIẢI THOÁT
Ngày 15 tháng 5 Canh Tuất
(18-6-1970)
TIÊN-THIÊN CHƯỞNG GIÁO NAM CỰC TIÊN ÔNG mừng chung Thiên-Phong Huỳnh-Đạo.
THI
TIÊN liệu trần gian buổi hậu kỳ,
THIÊN điều pháp nhiệm thế mầu vi,
CHƯỞNG cơ chấp-lý Phong-Thần hội,
GIÁO chúng qui đài pháp hiện tri,
CỰC hòa vạn chúng thọ Diêu Trì,
TIÊN đài ngũ vị lâm phàm hộ,
ÔNG chưởng hoàng cơ tạo thế thì.
Giờ lành Chưởng-Giáo Tiên-Thiên lâm phàm, miễn lễ Thiên Phong nam nữ Huỳnh-Đạo tọa thiền.
Vì được lời mời của Thượng-Tôn Chuyển thế THIÊN NGỌC NHƯ LAI cho nên Chưởng-Giáo mới truyền bày cho: “Huyền Công Mật Quyết”. Nam nữ đồng thọ để nghe lời chơn-thuyết, đây là lý vô-vi huyền-diệu chẳng phải dùng thế thường nhân mà suy xét. Nếu không phải duyên với pháp thì luyện muôn đời cũng chẳng thành, nếu không trọn tâm với Đạo thì tu vạn kiếp cũng không nên.Ngày nay, Đại Phong Thần đã tái diễn, từ xưa Tiểu Phong Thần đã truyền ra còn chọn căn, chọn kiếp, lọc quả tùy nhân, thì ngày hôm nay trong hàng nguyên căn của Huỳnh-Đạo cố gắng noi theo chơn-truyền luyện: “Huyền Công Mật Quyết”, “Bí Pháp Tam Thiên”, hầu trở về với ngôi vị. Cố gắng! … . Ngày phán xét Đại Đồng cũng chẳng còn xa, Long-Hoa thì đang diễn, xương rơi, máu đổ dậy tràng, ba tiếng sấm cũng gần lúc nổ vang, sau đó là Thượng Nguơn Thánh Đức, lâm phàm Thần, Tiên, Thánh, Phật. Ngũ chi Tam-Giáo đồng hội, từ linh-thể âm-dương qui tựu nơi Trung-Ương là Nam Việt, người có luyện pháp đắc được tam phần, tụ hội được linh duyên, giờ đó mới thấy được Thần, Tiên, Thánh, Phật. Đừng ngại thân già, đừng ngại đường xa, nhưng chỉ ngại pháp không hòa, Đạo không thành mà đời tận trước khi Long-Hoa diễn, Đại hội Thánh-Đức Thượng-Nguơn Triều.
Vậy thì trong hàng Huỳnh-Đạo đã có lý pháp cao siêu nên thực hành cho vẹn vẻ. Chưởng-Giáo thường dạy cho các nguyên-căn linh vị rõ: người tu hành không phải vì sợ thời gian mòn mỏi mà tu, chưa phải là chơn Đạo, chẳng phải vì sợ chết mà tu thì chưa phải là đường chánh. Nay vì biết nhân quả của kiếp luân hồi đau thương mang mang xiết kể trong một kiếp người biết bao nhiêu điều thảm khổ trầm hôn? Vậy tu là để giải thoát từ linh-hồn nương theo việc Đại xá ân của Thượng Đế mà qui Thần nhập Thánh, thông Tam bửu, đả Ngũ hành hầu tiếp nối với Tiên-Thiên lo cơ vận chuyển Long-Hoa vậy.
Đường xa chẳng phải xa vì năm tháng, xa vì lòng người mong mỏi dục-vọng tà luân, xa là để tuyển lựa căn nguyên, xa là để cho nhân duyên vay trả, để cho người Đạo mau đắc thành vị quả. Nếu một sớm một chiều Long-Hoa tái hiện, cũng như Thánh-Đức Thượng-Nguơn, thì thử hỏi trong hàng nguyên-căn linh-vị có chi để dâng trước Thầy, có gì để so sánh với các bậc Quần Tiên? Lầm thay! Lầm thay! …
Đây là bài “Huyền Công Mật Quyết”, phần thứ nhứt cũng như phần thứ hai mà Chưởng-Giáo truyền dạy ra đây phải nghiệm lý cao siêu tùy duyên học luyện.
BÀI
Đương thanh thoảng ngồi nhìn mây cuốn,
Phút bỗng nghe mây cuộn bên mành,
Giơ tay tiếp lịnh Tam-Thanh,
Mới hay Chưởng-Giáo Đạo lành thông tri.
Nhờ NAM CỰC huyền vi hạ bút,
Giảng lý sâu đôi phút nhiệm mầu,
Huyền Công Mật Quyết linh thâu,
Cho hàng nguyên vị chực chầu hôm nay.
Rủ tay áo nhẹ hài hạ bút,
Động lòng từ bởi chút cơ duyên,
Nay đây sắp hội Quần Tiên,
Lo cơ vận chuyển nơi miền Trung-Ương.
Chưởng-Giáo mới hạ tường vân đến,
Để lòng thành vì mến căn duyên,
Đạo Vàng chí kỉnh tâm thiền,
Nguyên-nhân đồng trụ lời truyền nghe qua.
Phần thứ nhứt gọi là cao luyện,
Thế Huyền Công nhứt biến Huỳnh-Đình,
Biết rằng nơi đó hiển linh,
Cho hay hóa hóa sinh sinh nhiệm mầu.
Cách nơi đó định sâu tam vĩ,
Nghĩa ba phân là chí đơn điền,
Gọi rằng ruộng thuốc từ nhiên,
Khí, Tinh, Thần hội qui nguyên nơi nầy.
Là hạ bộ như vầy chuyển hóa,
Gần đến trung sau khá đi về,
Trước sau động tịnh giấc mê,
Ngồi cho thong thả tựa kề trên ngai.
Hoặc bán già trước đài tâm nguyện,
Để hạo nhiên như chuyển hơi vào,
Nghe trên không khí rao rao,
Đi lần từ mũi để vào hạ thân.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
~ NAM CỰC TIÊN ÔNG ~
GIỮ HƠI THỞ
15 tháng 5 Canh Tuất (18 - 6 - 1970)
Long-Hoa là đây! Thành Đạo cũng là đây! … Người luyện Đạo không phải thành ở tại thế gian nầy mà tranh đoạt với Quần Tiên, tranh đoạt với Ngũ Chi Tam Giáo. Người luyện Đạo không còn tranh với người nữa, nếu tranh với người là chỉ có tiền tài danh vọng, nếu tranh với người là chỉ có việc sanh tử luân hồi. Luyện Đạo không còn người nữa, không còn người có nghĩa là trở về với vô-vi, trở về với vô-vi là ở trong Tam-bửu. Nầy quí Đại-Đức, Đại Tỷ! Con người sống không phải bằng xương, bằng thịt, bằng máu, bằng tim, bằng ngũ hành, bằng tứ đại đâu! Con người sống là do không khí, trong không khí có âm-dương, có hạo nhiên chi khí hòa âm-dương để làm sự sống. Tại sao con người bỏ xác cũng còn ngũ-hành, cũng còn tứ-đại mà không còn hơi thở? Vậy thì hơi thở là lẽ sống, nơi đó có hạo-nhiên chi-khí, có âm-dương hòa hợp, nơi đó có Thiên-điễn, có Hậu-Thiên, có Tiên-Thiên, có Trung-Thiên có người, có Trời hợp nhau vậy. Cho nên luyện Đạo giờ đây là luyện hơi thở, mượn ngũ hành để hiểu biết, mượn tứ-đại để tụ gom, để cuối cùng rồi ở trong hơi thở là vô-vi, nhưng còn biết còn hiểu, còn của Tinh, của Khí, của Thần. Hơi thở đó biết là của ta chớ chẳng phải hơi thở đó là của tứ đại, của con người trần tục, mà hơi thở đó là của ta, tự ta lấy lại của Tiên-Thiên, tự ta nhốt lại của Tạo hóa thành riêng của ta. Tại sao mình nuôi mình trưởng thành được mà nuôi hơi thở không trưởng thành được hay sao? Nuôi vật còn thành, nuôi người còn lớn, nuôi hơi thở chẳng được đắc thành Tiên Phật thì từ xưa tới nay không có Trời, không có Đất là gì nữa sao?
Vậy thì luyện Đạo, quí Đại Đức cố gắng! Từ đây sẽ thành Đạo, trong kiếp nầy sẽ đắc pháp, trong đời nầy sẽ ngự Long-Hoa, trong lúc nầy không còn xa nữa. Đức Chưởng-Giáo Huỳnh-Đạo dầu nói Quí-Dậu, đó là đời THƯỢNG NGUƠN toàn vẹn, THÁNH ĐỨC qui nguyên, MINH VƯƠNG xuất thế phán xét Đại Đồng cho chung cả toàn nhân loại, chớ chẳng phải tới đó mới tận đời, tới nơi mới thành Đạo. Huỳnh-Đạo sẽ thành gần đây, Huỳnh-Đạo sẽ truyền bá gần đây, để cứu vớt là Sứ giả của DI-LẠC THIÊN-TÔN lâm phàm truyền điệp sắc cho biết Thượng Nguơn Thánh Đức hồi thiện qui-nguyên. Nếu không lành, không thiện là không được ở Thượng Nguơn Thánh đức vậy. Thành Đạo rồi mới tròn sứ mạng, mới trao sứ mạng. Nếu mình chưa có Tam bửu, chưa đúng trong hơi thở, chưa có được phần Mật Quyết Huyền Công, thì đừng mong, dầu cho ngày mai Thượng Nguơn Thánh Đức, ngày nay cũng vẫn chịu luân-hồi vậy./.
THIÊN CHUẨN TRUNG TIÊN
MẦU NHIỆM CỦA HƠI THỞ
1 tháng 7 năm Canh Tuất
THI
NGÔI xưa Thầy sẵn để dành cho con,
HAI nẻo trầm, thăng khó hiểu tròn,
GIÁO huấn Tam-kỳ nhân thọ pháp,
CHỦ thừa định tịnh giữ lòng son.
Lòng son con phải cố cho bền,
Đại-hội muôn đời rạng tuổi tên,
Một thuở ngàn sau còn hạnh hưởng,
Lời Thầy ghi khắc nhớ đừng quên,
Quên mất lời Tiên để ý trần,
Rồi con mang mãi nghiệp vào thân,
Chơn thừa không ngộ, tà luân nhập,
Chẳng Thánh không Tiên phải họa Thần.
Thần Tiên lao khổ tự ngàn năm,
Cứu vớt sanh-linh khỏi đọa trầm,
Thầy phải luân hồi trao Chánh-pháp,
Vô-vi Chánh-Đạo diệt thinh âm.
Thinh âm thị giả phải thông tường,
Chơn pháp Thầy trao cố níu nương,
Thoát khỏi mê đồ về cảnh giới,
Thân nầy chẳng mượn, mượn tam phương.
Tam phương, tứ hướng hội Nam-Kỳ,
Thầy để đôi lời con khá tri,
Hữu vận Long-Hoa trong thập nhị,
Sau nầy con sẽ rõ huyền-vi.
Huyền vi Thầy bố kể từ nay,
Con biết Trời Nam lắm đọa đày,
Thảm họa chồng thêm dân khổ não,
Hợi niên chinh chiến vẫn còn dai.
Dai dẳng từ đây kể lục niên,
Thầy cho con biết khá trì kiên,
Tu hành không phải nay mai đắc,
Nghiệp quả nhồi qua chớ não phiền.
Não phiền kẻ thế đã muôn phần,
Thọ Đạo Thầy khuyên gắng giữ thân,
Luyện pháp tránh cơn tam khổ lụy,
Công thành sẽ đắc ngự tường vân.
Tường vân tự tạo chính con hiền,
Luyện pháp ngày nay chí nhẫn kiên,
Tụ đỉnh Tam huê đà lố dạng,
Không thành được Thánh cũng thành Tiên.
Nầy các con! Thầy miễn lễ các con tọa thiền nghe Thầy giảng về chơn-pháp siêu-vi.
Thầy miễn lễ cho tất cả vong linh từ ngoài lắng nghe Thầy giảng về phần mật pháp cao minh.
Từ lâu Thầy vắng ngự đàn vì chưng trong hàng các con còn nhiều sai lầm, nhưng cũng dày công kiên chí, Thầy thương thay! Nên hóa hiện hào quang hiện bút điểm Đạo. Các con sống trong cuộc trần ai không phải vì nơi thể xác an bày tứ đại mà vì chút hư linh Huyền nhiên chi khí tàng ẩn trong thân con tạo thành sự sống. Sự sống đó nối tiếp với huyền-nhiên chi-khí hỗn hợp âm-dương, cho nên con thở bằng mũi mới nuôi được thân thể của con. Nếu hơi thở kia mất đi, thân nầy con phải trả về cho ngũ-hành tứ-đại. Vậy thì Thầy khuyên các con luyện hòa hơi thở để đồng với Tam-Tài hầu thống qui Tam bửu là như thế đó vậy.
Điều tức phải miên miên có nghĩa là hơi thở của con tự nhiên mà Thầy ban cho các con dưới trần-ai nầy là có thời gian hủy diệt, nghĩa là không quá ba vạn sáu ngàn ngày, nghĩa là các con không quá thời gian phải trả về cho gió bụi, thì lằn khí quyển kia, huyền nhiên chi-khí nọ cũng phải trả về cho Thầy để định các con ở vòng khí quyển nào? Đó là cân tội phước, Thầy khuyên các con: Một niệm Thầy, một niệm Phật, Thánh, Tiên, thì phải một niệm xa lìa trần tục. Nếu các con một niệm Thầy mà trăm niệm trần gian thì điều niệm kia không thể trang hoàng mà trở về ngôi Hư-linh tịnh diệu.
Thầy giảng lại cho các con nghe: Sở dĩ Thầy khuyên các con điều tức ngưng thần. Khi các con điều tức được trang hoàng, thân các con mới đều đủ. Điều tức có nghĩa là con phải ngự trị lấy hơi thở của con, hơi thở của con là báu trọng vô ngần, điều báu trọng đó không phải khi con còn thể xác mà thôi. Khi xác phàm đã hoại thì hơi thở của con sẽ là nhập diệu vào thần của con. Hồn của con có thanh, có trược, có phước, có tội. Như thế ẩn vào hồn con mà biết con ở nơi cảnh giới nào của kiếp sau nầy vậy. Như thế mới biết phần thưởng phạt vô-vi.
Thầy truyền cho các con Huyền Công Mật Quyết là điều tức miên miên, ngưng thần mặc mặc. Con cướp phần âm dương của Tạo hóa, con nhìn nhận đó là con, của con. chấp của con thế mới phải là của con sau nầy vậy. Vì thân của con cũng không phải của con, là của ngũ-hành tứ-đại, tên của con cũng không phải chính của con vì phụ mẫu bày ra, đời của con cũng không phải của con là vì con phải luân hồi, bắt buộc phải sinh ra, sự sống của con cũng không phải của con, đó là do Thầy quyền quản định đặt cho con, duy có một điều của con là lòng thiện, đức lành, từ-bi hoặc điều ác, điều dữ mà các con tự tạo nơi phàm gian nầy là sự hiểu biết của các con, đó mới là của các con vậy. Nhưng điều thực tế của các con là con không nhìn nhận kiếp sống của con vậy. Kiếp sống của con, con đã không nhìn nhận thì làm sao con được trường sanh bất tử? Hơi thở của con, con không quản trị được, không ngự được, không giữ được để của thiên-nhiên, của huyền-cơ của diệu lý, của Thiên bang, thì có đem đi, có giữ lại cũng không phải là quyền của con vậy mà phải quyền của Tạo-hóa, thì ngày giờ nầy con giữ hơi thở của con, con nhìn nhận đó là của con, ngày ngày con thâu vào cho con, con cướp của Tạo hóa, con giữ riêng cho mình, con giữ tròn lòng từ-bi Đạo pháp. Như thế là của con được một phần trong ba vạn sáu ngàn ngày của con vậy. Trong ba vạn sáu ngàn ngày là định luật chung của Thầy truyền xuống, nhưng nếu con giữ phần được của con là trong ba vạn sáu ngàn ngày đó con giữ riêng cho con, con giữ riêng cho con không phải của thân con mà của đời sau, của kiếp sau con, của trong thời-kỳ Đại Xá thăng trầm sa đọa, tiêu diệt cũng là do con giữ lấy con vậy.
Nầy con! Nếu con nhìn hơi thở của con, con nhận đó là của con thì con sẽ thấy thần kia tụ lại, con mới được là của con. nếu không giữ được hơi thở của con thì thần kia không tụ, thần kia không tụ thì làm sao giữ được linh của con? nếu con không giữ được linh của con, thì thể của con sẽ hoại theo thời kỳ của Thiên ân ban xuống. Khi con giữ được hơi thở âm dương của con là con trụ thần của con được, là quyền của con, quyền của con là quyền của Tiểu Thiên Địa, quyền của con là quyền của Thống qui Tam-bửu, để sánh ngang với Tam-Tài, Tam-Tài còn trường miên vĩnh cửu thì Tam-bửu của con cũng được phân nữa phần là được vĩnh cửu trường lưu vậy. Nhưng Tam-Tài kia con không biết thống qui, hơi thở không biết gìn, thần kia không có tụ, thì con không phải là của con, con không nhìn nhận con để cho lục đạo luân-hồi, lôi cuốn con để cho cuộc trần ai đày ải xác thân con, linh-hồn của con sẽ nhập vào trong tất cả điều động của Thiên bang, như thế con không phải là của con mà là của Thiên ân ban xuống thì tùy xử ở Thần, Tiên, Thánh, Phật, tùy kiếp luân hồi là đó vậy.
Lời tâm-pháp cao siêu của Thầy không thể một lần để cho con tường nhiệm lý mà con phải suy nghĩ nhiều lần, nhiều lần đó Thầy mong rằng các con hiểu được trong muôn một mà thôi. Trong muôn một đó linh khiếu sẽ mở ra, các con đạt được Đạo, các con biết cảnh trầm sa, tự nhiên các con phải giữ Tam-bửu để trụ thần, khi các con đã giữ được Tam-bửu, trụ được thần, các con đã nhìn nhận các con là ai? Con là Tiểu Thiên Địa, con sánh ngang với Tam-Tài. Như thế con đã nhìn được con thì Thầy cũng nhìn thấy con. Nếu con không nhìn được con, con không thể thấy con thì làm sao con thấy Thầy nơi Hư Cung Bạch-Ngọc. Con thống qui được Tam-bửu, con ngự được Thần quang, con đem tên tuổi thế gian con vào thần, con đem linh-hồn con vào Tam-bửu, nghĩa là con cướp được một phần Tạo-hóa trở về cho con, Thầy cũng bắt buộc nhìn nhận con. con nhớ: dầu cho muôn loài vạn vật, noãn thai thấp hóa mà biết nhìn nhận riêng kiếp đời của nó, riêng cuộc sống của nó, thì Thầy cũng phải nhìn nhận nó vậy. Nếu nó không biết nó, không hiểu nó thì Thầy không thể nhìn nó để cho nó đi vào vòng luân hồi của lục-đạo mà không cần biết nó tên tuổi là chi?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Các con nên nhớ! Ngày xưa Thầy truyền cho các con là “Nhãn thị chủ tâm”, mặc dầu mắt của các con đây nhìn thấy muôn loài vạn vật, nhìn thấy xã hội chung quanh, cũng vì mắt mà các con cảm thấy được đời thanh, đời trược, màu sắc, tốt xấu của thế-gian. Như thế gọi là “Lưỡng quan chủ tế”. Thị giác của các con sẽ đem vào tâm của con những điều hiểu biết rõ ràng thông suốt, như thế làm chủ của thân con. Khi Chủ-tể đã đem vào tâm của các con, tức nhiên là đem áng sáng vào tâm của các con. Tâm của các con không phải tại tim mà linh-thể của các con tàng ẩn, có thể trong tứ chi của các con, trong ngũ tạng của các con là sự hiểu biết của các con tàng ẩn trong thân của các con vậy. Khi đem ánh sáng vào thân của các con là tức nhiên đã nhập thần, thần là chi? Thần là Trời, Trời là Thầy. Thầy truyền một phần của Thầy cho các con, cho nên các con là Tiểu Thiên Địa như thế đó vậy. Các con không nhìn thần của các con, không nhìn Tam-bửu của các con, không nhìn một phần linh-thể của Thầy thì làm sao Thầy nhìn các con được?
TRƯỜNG THIÊN
Chuyển bút ngọc lời vàng đêm vắng,
Hạ từ chương phẳng lặng như tờ,
Thương con Thầy dạy bằng thơ,
Vì con Thầy xuống dập bờ bến mê.
Con nên biết đường về Cung Ngọc,
Nhiều đắng cay phải học pháp huyền,
Lời nầy Thầy dạy tịnh yên,
Nhận nhìn cho biết Đạo huyền cao sâu.
Âm dương hiệp một bầu thoại khí,
Khí phải chuyên là quý cho thân,
Khí vào yên tĩnh định thần,
Nếu con định được xuất thần không xa.
Lời giảng dạy chung hòa nam nữ,
Thầy khuyên con nên giữ lời nầy,
Đức lành cao cả vần xây,
Đường trần mong mõi hội nầy ra chi?
Thân của con trong kỳ hủy hoại,
Nghe lời Thầy con phải hành y,
Tịnh tâm, tịnh trí cao thanh,
Luyện xong huyền-pháp Thầy dành vị ngôi.
Ngày xưa kia đang ngồi tịnh tọa,
Đức HUYỀN KHUNG hiển hóa hồng trần,
Ban cho Thầy được đôi lần,
Tam-Thanh bí-pháp Thầy cần gắng trau.
Được Nhị-Bộ hiệp vào cơ bản,
Vội thất truyền tam phản huờn nguyên,
Nay đây Thầy ngự trần miền,
Huyền công mật-quyết Thầy truyền cho con.
Là tam bộ bút son ghi sẵn,
Hội Long-Hoa chưa đặng bao người,
Cuộc trần khổ lắm con ơi!
Miệt mài chi nữa cuộc đời đau thương?
Thầy giảng con đêm trường khuyên nhủ,
Mượn bút huyền điểm đủ điễn thiên,
Cho con học lấy cơ huyền,
Tự trau, tự chuốc thoát miền lao lung.
Thầy không thể bần dùn vì trẻ,
Đem xác trần vạch hé huyền-vi,
Nay đây gần buổi mạt kỳ,
Thầy cho con biết loạn ly trăm phần.
Dầu tạm yên tam phân đãnh túc,
Cũng là thời thúc giục Thiên-cơ,
Cho ba tiếng nổ đúng giờ,
Chánh tà lừa lọc cuộc cờ trần gian.
Cả thế-giới trang hoàng xử phạt,
Thầy cho hay chung đạt Đạo lành,
Là ngày phán đoán trung thành,
Chọn người hiền đức sắp thành vị ngôi.
Nay giảng nữa chưa rồi tâm-pháp,
Điểm từ-chương hầu lập cơ mầu,
Đợi ngày tiếng nổ năm châu,
Các con sẽ thấy nhiệm mầu Thầy trao.
Người tu tựa ba đào thuyền nhỏ,
Giữa dòng khơi phải rõ điều nầy,
Vững lòng, vững lái nghe Thầy,
Trì tâm, kiên chí hội nầy con ơi!
Cho con biết Hợi thời Tam-ngũ,
Phần Á-Đông làm chủ Tây-phương,
Đó là chiến họa khai trường,
Sau ba tiếng sấm chọn vương ngự phàm.
Là kết thúc kỳ tam Nam Việt,
Cõi Trung Ương quảng thuyết Đạo lành,
Chơn truyền chánh pháp Tam Thanh,
Huyền Công Mật Quyết Thầy dành căn nguyên.
Giờ sắp mãn con hiền nghe rõ,
Lời Thầy khuyên hỏi có tường tri?
Con ơi! Hãy ráng nghĩ suy,
Lời nào Thầy dạy con ghi khắc lòng.
Vung bút ngọc quang hồng chói rỡ,
Giã từ con Thầy trở Ngọc-Kinh,
Ban ân tất cả Tòa đình,
Lục Long Thầy ngự Thượng-Đình Thầy lên./.
--------------------------------
TINH - KHÍ - THẦN
22 tháng 7 năm Canh Tuất.
Con người sống là nhờ Ngũ-hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tạo thành thân, cái thân nầy là của Ngũ-hành, của Tứ đại. Mượn của Ngũ-hành tứ đại làm thân, nhưng sự sống kia, hơi thở kia là của chính Thượng-Đế ban xuống cho con người. Nếu không có sự sống đó, không có hơi thở đó thì tứ-đại kia cũng không thể sinh tồn trên quả đất vậy. Vì ngũ-hành trong con người, tất cả các nguyên-nhân thọ pháp nghe rõ: đây là cơ bản điều động Tam-bửu, nghe rõ để hầu luyện Đạo cho đúng hiệp tắc:
Vì ngũ-hành hiệp thành thân con người, sự sống là hơi thở của Thượng-Đế ban cho, chỉ có giới hạn là ba vạn sáu ngàn ngày, nghĩa là trong vòng trăm năm mà thôi. Thì Thượng-Đế còn ban một yếu quyết, yếu quyết đó là nếu con người biết trong ngũ-hành, trong tứ-đại là giả, trong giả có chơn, trong âm có dương, trong dương có âm là thế đó vậy. Ngũ-hành trong con người hiệp thành con người thành ra ngũ-bảo, ngũ bảo đó là thị giác. Tất cả các nguyên-nhân nghe rõ! Định tâm! Thị giác nghĩa là đôi mắt thấy, là sự thấy. Khứu giác là từ trong hơi thở, trong mũi thở, nghe biết thanh trược. Kế đó là thính-giác là hai tai để nghe tà, nghe chánh, nghe nơi thế gian nầy. Vị- giác là sự nếm nơi miệng, họa cũng do miệng mà đến, phước cũng do miệng mà sanh. Cuối cùng xúc giác là sự cảm biết, cảm biết không phải do tay chân thân-thể mà cũng gồm có cảm trí hư-vô nữa vậy. Trong ngũ hành lập thể tạo thành cho con người ngũ-uẩn, ngũ-uẩn có nghĩa là vì mắt mà tâm đòi hỏi, vì mũi mà tâm đòi hỏi, vì tai mà tâm đòi hỏi, cũng vì cảm xúc mà tâm cũng đòi hỏi. Như thế tâm kia là khối tiểu linh quang của Thượng-Đế cho xuống phàm, tâm kia là sự sống cũng như bình tụ điển, tâm kia tán ra trong ngũ-hành, có nghĩa là trong ngũ giác quan. Khi con người dùng ngũ giác quan để hưởng thụ trần-ai nhiều quá, điện kia sẽ tan lần, sẽ bị hủy diệt trước thời kỳ Thượng-Đế đã định.
Ngày nay tất cả nguyên-nhân đã hiểu rõ thế nào là Đạo, là đời, là tà, là chánh, là ngụy, là chơn? Cho nên trở về với nguồn cội Đạo-pháp cao siêu thì mới biết rằng Ngũ-hành kia tạm mượn, thân xác nọ sẽ rã tan, đợi một ngày kia điểm linh-quang tạ tàn thì ngày đó thân người không còn nữa, chỉ mang theo trong cảm trí Hư-linh của con người tội và phước mà thôi. Tội và phước là vô hình, cho nên vô hình vẫn còn đeo đẳng ở khối tiểu linh-quang-khối tiểu linh-quang đó nếu mang nặng tội thì sa trầm vào âm trược, trở về phần âm nặng, không thể siêu thăng, không thể thoát hóa, không thể vượt qua lằn tam muội hỏa để trở về với Thượng-Đế mà phải bị đọa trầm trong nắng gió, trong cảnh lạnh lùng, biết đau xót, biết bi thương nhưng không thể làm gì được. Vì chính tâm hồn con người ở thế gian khi còn sinh tiền cũng vậy, biết đau thương, biết vui vẻ, biết thống khổ, biết sầu bi nhưng không thể làm gì được vì sự cảm biết sầu bi, thống khổ, đau thương đó là cảm-trí hư-vô nằm ở trong tiểu linh-quang vậy. Vì sự sống đó mỏng manh cho nên Thượng-Đế mới truyền ban bí-pháp – bí-pháp đó gọi là TAM THIÊN BÍ PHÁP hay là HUYỀN CÔNG MẬT QUYẾT.
Trong ngũ hành tán ra trong ngũ-uẩn, trong ngũ giác-quan thì gồm có ba điểm chính làTINH, KHÍ, THẦN.
- TINH : yểm trợ cho ngũ giác-quan được sống nghĩa là trong ngũ hành được tươi tắn.
- KHÍ : nuôi nấng cho ngũ-giác quan được trưởng thành.
- THẦN: tạo cho giác quan những cảm giác liên đới trên thế-gian nầy. Cho nên TINH, KHÍ, THẦN là Thầy, là nguồn cội của ngũ giác-quan vậy.
Thầy dạy tắt cho tất cả chúng sanh một bí-pháp là làm sao qui Tam-bửu, tạo cho Tam-bửu một nguồn sóng vĩnh-cửu. Luyện TINH hóa KHÍ, luyện KHÍ hóa THẦN … như thế đó Thần còn tức nhiên là Tiểu linh-quang vẫn còn, khối tiểu linh-quang đó sẽ nhập về với khối đại linh-quang của Thượng-Đế mà còn sinh tồn vĩnh-cửu.
Tất cả các nguyên-linh nghe rõ lời Chánh-pháp cao siêu để tự suy xét mình.
Khi Tinh, Khí, Thần đã hòa hiệp, tức nhiên ngũ-uẩn không còn nữa, Ngũ-uẩn sẽ trở thành ngũ-bảo, sẽ trở thành lục thông hợp thành với khối nhứt linh-quang gọi là lục thông vậy. Lúc đó thần thông sẽ phát hiện, sự sống của thân xác không cần nữa mà sự sống vô-vi mới tối diệu cao siêu. Đến ngày trên có lửa, dưới có nước thì Tam-bửu đã hiệp qui, ngũ-uẩn không còn nữa, thân thể nhẹ nhàng phát tiết trong bốn muôn tám ngàn lỗ chân lông, bốn muôn tám ngàn đạo hào quang để che chở cho thân tứ-đại giả nầy, thân ngũ hành nầy là một Kim thân bất hoại. Giờ phút đó là giờ phút hưởng thụ được một lằn chơn-khí huyền-nhiên chính khối đại linh-quang phóng xuống, cũng như máy thu thanh hiện tiền, tất cả các nguyên-nhân luyện Đạo cũng như tạo thành máy thu thanh, phải từ điểm nhỏ thô sơ làm sao nhận diện một điện đài xa diệu vợi. Thì bây giờ luyện Đạo là đang tạo bộ máy đó vậy, luyện Tinh, Khí, Thần là đang tạo bộ máy đó vậy. Khi Tinh, Khí, Thần đã xong tới ngày giờ điện đài truyền xuống thì máy thu-thanh kia vẫn nhiếp thọ được. Nếu người không luyện Đạo thì cũng như người không có bộ máy gì cả, thì dầu cho điện đài kế bên cũng vẫn xa trong vạn dặm. Người luyện Đạo đúng ngày giờ, khi Thượng-Đế phóng huyền-nhiên chi-khí để yểm trợ cho loài người nơi thế-gian trong cơn nước lửa, thì sẳn có Tinh, Khí, Thần sẳn có một công đức vô biên sẵn có một tâm thanh vô lượng thì Thượng-Đế mới cứu rỗi được thân xác cũng như hồn-linh hoặc ở đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức hoặc chứng quả Long-Hoa mà đắc Đạo vậy.
THƯỢNG-ĐẾ ban xuống bí-pháp cao siêu là mong tuyển trạch một số căn-nguyên chỉ có một số người sót lại của Thượng-Nguơn Thánh-Đức, một số người đắc Đạo ở Long-Hoa, cũng trong thời kỳ chuyển pháp, Đức Thượng-Đế cũng mượn tất cả căn nguyên đó đi hoằng phổ giáo truyền để cho con người biết rằng DI LẠC sắp lâm phàm: lành còn, dữ mất, binh lửa đã báo điềm cảnh tàn nguơn mạt hạ không còn bao lâu nữa. Nhờ tất cả tay hướng đạo vận chuyển Long-Hoa, thu tiếp người hiền trở về với mối Đạo cao siêu để nhập diệu là thế đó vậy.
Về HUỲNH-ĐẠO là một trong tất cả những mối Đạo có sẵn trên thế-gian, nhưng nhờ hồng ân của Thượng-Tổ ban truyền bí-pháp cao-siêu, biết thống Tam-tài chi bí-chỉ, biết qui Tam-bửu, biết tạo thành con người riêng của mình ở trong chơn thân nầy vậy. Thân ta còn thở còn sống, mất đi hơi thở là mất đi sự sống, hơi thở còn là Tam-bửu còn, Tam-bửu được thống qui thì hơi thở không khi nào dứt ở trong ngũ-hành thân-thể ta được vậy. Vậy Tam-bửu không qui được phải phân tán trong ngũ-hành, trong tứ-đại của thân thể, thì khi thân tàn, thể hoại, Tam-bửu kia không còn nữa, chỉ còn có một điểm mập-mờ nho nhỏ, điễn linh-quang đã tàn tạ thì làm sao trở về với khối đại linh-quang được?
Bần-Đạo khuyên trong tất cả nguyên-nhân phải cố gắng tìm siêu lý pháp diệu của Thiêng-Liêng mà trau giồi bản thể, hưởng được hồng-ân kỳ chót của Long-Hoa Đại Hội. Sinh ra trên đời con người có tội mới bị sinh ra, sinh ra càng tội thêm nữa khi con người không hiểu được mối Đạo cao siêu, không giữ lòng được thanh tịnh, không được nghe bí-pháp cao minh của Tam-Giáo truyền xuống thì uổng thay! Muôn đời còn đọa lạc.
Tất cả các nguyên-căn là những người từ tiền kiếp đã tu hành, đến giờ được thọ pháp, được nghe Đạo-lý, ngày kia bỏ xác, người đi trước kẻ đi sau, thế nào rồi cũng tới, nhưng cái tới được vinh diệu, cái tới được siêu thăng, cái tới được thanh cao, cái tới được Thần, Tiên, Thánh, Phật đón chào, còn cái tới ngạ quỉ ngục môn đón rước, uổng thay! Lời tâm-pháp của Bần-Đạo truyền đây, tất cả các nguyên-căn nên hiểu rõ. Hiểu bằng tâm chớ không phải hiểu bằng trí, nghe phải nghe bằng tâm chớ chẳng phải nghe bằng tai, thấy phải thấy bằng tâm chớ không phải thấy bằng mắt, suy luận phải đem lòng quân tử, lòng dạ từ-bi của Phật pháp mà suy luận mới thấy rõ điều huyền huyền diệu diệu. Đừng lấy phàm trí, đừng lấy phàm tâm mà suy luận, đừng lấy tai trần mà nghe thì uổng biết bao nhiêu là lời châu tiếng ngọc của Phật-pháp cao minh!
Tất cả các nguyên-căn đều có hình, có vóc của tứ-đại, của ngũ- hành thì được một phần của Thượng-Đế ban cho nhưng rồi Thượng-Đế sẽ lấy lại. Vì ban cho trên trần-ai nầy để:
- Một là trả quả.
- Hai là tạo công.
Quả kia vẫn trả đào sâu thêm nghiệp, thì làm sao công kia được vẹn toàn? Được thân tứ-đại, giữ được ngũ-hành mà không cảm ơn Thượng-Đế không biết đó Thượng-Đế đã cho ta một bản thể con người, một cảm trí hư-linh, một huyền năng vô-lượng, không biết phát huy để trở về nguồn cội, lại hủy diệt đi cũng như một số vốn người Cha cho con không biết làm nên sự nghiệp, lại lần hồi ly tán thì Cha cũng đành lòng bỏ đứa con xa vậy.
Cho thân nầy phải biết thân nầy của ai mà có, mặc dầu khí bẩm của cha mẹ sinh ra nhưng sự sống và cảm trí hư-linh là do Thượng-Đế truyền xuống, cám ơn Thượng-Đế, vì nghĩa Mẹ Cha, trong kiếp luân-hồi nầy nguyện làm điều chi? Giải thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ, nguyện làm điều gì cho hợp nhứt chơn tâm, nguyện cho được giải thoát khỏi đọa trầm nơi chốn oan khiên chướng nghiệp. Hỡi ơi! Các nguyên-căn có thấy chăng? Từ trước tới nay biết bao nhiêu người đã mất .. ! Mất đi rồi không còn nữa, biết bao nhiêu người còn nhưng còn rồi không còn bản thể hư-linh, chỉ còn một dục vọng hình hài, chỉ còn một thân xác của ngũ-hành chờ ngày hủy diệt, uổng thay! … Nếu không tìm mối Đạo cao siêu, không tin tưởng huyền-năng vô lượng của Thượng-Đế thì xác nầy cũng như mọi vật sẽ rã tan theo năm tháng vậy.
Ngày gần đây Thượng-Đế sẽ ban hữu-hình cho chúng sanh thấy rõ điều huyền diệu. Ai tu sẽ được hưởng phước duyên, người không tu sẽ chịu cảnh lụy phiền mà đừng than trách vậy.
HUỲNH-ĐẠO là cơ tuyển, cơ truyền Chánh-pháp siêu-vi chớ không phải cơ phổ độ, cơ phổ-độ biết bao nhiêu là Tôn-giáo khác, chỉ làm hiền ở lành là được giải thoát nhưng giải thoát ở kiếp sau mà kiếp nầy vẫn trả vay trong luân-hồi nghiệp chướng vậy. Còn cơ HUỲNH-ĐẠO là từ cơ Phước sang cơ Huệ, từ cơ Huệ sang luyện Đạo trường chay, trì tâm đắc pháp hầu giải thoát từ cá-nhân mình cho đến Cửu-Huyền Thất-Tổ rồi độ chúng sanh cho đến ngày Long-Hoa Đại-Hội là thế đó! VìTHIÊN-KHAI HUỲNH-ĐẠO Ngũ-Chi Tam-Giáo Hội Long-Hoa nghĩa là:
Khi Thầy đã mở ra mối Đạo là THIÊN-KHAI HUỲNH-ĐẠO thì đúng thời kỳ Tam-Giáo Ngũ-Chi đồng ứng thi ngày Long-Hoa Đại-Hội. Người đã thọ pháp nguyên, người đã trường chay mật pháp thì chỉ chờ ngày dự thi mà thôi chớ không sợ kiếp sanh tử luân hồi nữa. Vì điều sanh tử đó trao cho Thượng-Đế, trao cho Thầy-Tổ đã quyết định rồi, bước vào tu lãnh đại hồng-thệ thì điều sanh tử không còn nơi con người nữa. Sanh ta cũng không biết ta là ai, tử thì ta còn biết ta là ai nữa? Duy có người hiểu Đạo, luyện pháp khi sanh tiền đến bây giờ hồi tưởng lại ta là một con người bị tội hoặc một nguyên-căn lâm phàm, thì giờ nầy phải luyện Đạo tu tỉnh để trở về với khối đại linh-quang nhìn Ông, Bà, Cha, Mẹ nơi suối vàng khi bỏ xác không tủi lòng, không khổ sở. Nếu có những chơn-linh Cửu-Huyền Thất-Tổ còn đọa đày, còn cách xa, còn biết bao nhiêu khổ sở, thì khi bỏ xác người con nhìn thấy Cha nơi đâu? Người con sẽ khổ sở khi thấy Cha còn vất vưởng hồn-linh theo mây gió phiêu phưởng đó đây, cũng còn tình, còn nghĩa đó nhưng không thế nào cứu vớt được, tại vì con không tạo đức, không lập công, không tin nơi huyền-năng vô-lượng của Trời Phật cho nên giờ đây cũng như Cha phiêu phưởng nơi gió mây, thành oan hồn uổng tử vậy.
Khi người thọ được Đạo, tạo được bí-pháp cao minh, luyện được anh-nhi Xá-lợi, thoát xác nầy như cổi một chiếc ách, cổi được sự nô lệ của thân thì khi trở về, lằn hào quang của Cha con, của Cửu-Huyền Thất-Tổ nhờ đó mà nương theo, mà được bay bổng lên trên được giải thoát, đó là cứu Cửu-Huyền Thất-Tổ vậy.
Đêm huyền diệu chiếu lằn linh điển,
Giảng cho chung vài chuyện Đạo mầu,
Lời thơ hiện hóa ứng cầu,
Cho chung nguyên-vị được chầu hôm nay.
Đường Long-Hoa còn dài đừng nãn,
Ráng trì tâm có bạn tu hành,
Giữ làm sao được tâm lành,
Long-Hoa sẽ được đắc thành Phật Tiên.
Lời giảng dạy tâm truyền cho đó,
Xét tận tường hầu có noi gương,
Ta vì Chánh-Pháp Phật-Vương,
Mượn lằn từ điễn để trương Đạo Vàng.
Mong nguyên-vị lên thoàn Bát-Nhã,
Quyết một lòng thong thả dự thi,
Cuộc trần chớ có màng chi,
Đeo dai danh lợi ra gì hỡi ai?
Nào trăm tuổi hầu quày trường thọ,
Nào người đâu hiểu rõ cơ huyền,
Đắng cay thân xác truân chuyên,
Từ khi mở mắt nơi miền trần-ai.
Cảnh trầm-luân bùi ngọt khôn lường,
Cuộc trần càng mãi thêm thương,
Càng nhiều oan nghiệt vấn vương nơi lòng.
Ngày còn xa, Đạo đồng nên nhớ!
Ráng tu hành đừng lỡ hôm nay,
Giữ tâm thiện niệm là chay,
Mong ơn Thầy Tổ thoát ngày tử sanh.
Đường Long-Hoa người lành được hưởng,
Phải trì tâm vô lượng hồng ân,
Mẹ Thầy ban xuống hồng trần,
Cho người Đạo đức được phần thanh cao.
Người học Đạo mây lành che phủ,
Luyện Đạo rồi gom đủ khí thần,
Đợi ngày hiển hóa tường vân,
Đợi ngày đắc pháp xuất thần ngao du.
Giờ còn phải công phu, công quả,
Ráng trì tâm chớ khá buông lơi,
Đâu đâu thì cũng trong Trời,
Tránh sao cho khỏi luật đời trần-gian.
Trong trăm tuổi Đạo Vàng thường nhủ,
Ai thoát qua ai đủ lòng thành,
Mau tìm đến chỗ cao thanh,
Đừng đua chen chốn hôi tanh dập dìu.
Bước theo Đạo cao siêu huyền-diệu,
Bước theo đời kết liễu thân trần gian,
Nay đây gần buổi Phong Thần,
Lành còn, dữ mất hưởng phần mai sau.
Bần-Đạo chuyển lời trao cho đó,
Giữ tâm-linh công khó ngàn đời,
Từ khi đại-xá của Trời,
Mấy ai thành Đạo nghe lời Phật Tiên?
Nay HUỲNH ĐẠO lập thuyền Bát Nhã,
Gọi chơn-linh kịp khá qui hồi,
Vu-lan ngày lễ định rồi,
Cửu-Huyền Thất-Tổ đứng ngồi chờ trông.
Mong con trẻ trần-hồng tu tỉnh,
Mong đợi người cao lĩnh pháp-mầu,
Ngày nay nhồi quả địa-cầu,
Cho hay tất cả Năm châu dậy tràng.
Làm điên đảo bốn phang tứ hướng,
Riêng người lành phải lượng sức tài,
Tập tu mới gọi rằng hay,
Tập tu mới thoát khỏi ngày đau thương.
Đừng tưởng việc như thường là dễ,
Rồi bỏ qua lại trễ công trình,
Xác nầy đâu nghĩ của mình,
Vô thường luật ấy, giữ gìn được sao?
Bước ra đi lẽ nào không nhớ!
Kìa tử thần chờ đỡ chiếc thân,
Rình trong hơi thở ân cần,
Rình theo mỗi bước để gần nguyên-nhân.
Ngày bỏ xác không cần định trước,
Vậy cho hay lần lượt qui hồi,
Biết tâm thì phải tính rồi,
Làm sao cho vẹn những lời Thầy ban.
Thân nầy sẽ rã tan năm tháng,
Thân nầy theo nghiệp oán tràn trề,
Thân nầy là của hôn mê,
Sống còn tất cả tựu về nơi thân.
Bỏ thân xác ai cần chi đó?
Nào thê-nhi còn có được không?
Chẳng ai xúc động nơi lòng,
Đem thân vùi dập trần hồng mau mau.
Thì thử hỏi cảnh nào là thiệt?
Sao nguyên-nhân chẳng quyết tu hành,
Còn thân sự sống còn đành,
Còn tình, còn nghĩa đã đành hôm nay.
Sự sống mất ngày rày tan vỡ,
Nào Cha con, nào vợ, nào chồng,…
Hỡi ơi! Tất cả không xong,
Khi tàn sự sống cũng không còn mình.
Còn chi nữa chút tình trần tục,
Bỏ đi rồi một phút cội xa,
Tịnh thần, tịnh giấc Nam Kha,
Rửa lòng trong sạch theo Ta Niết-Bàn.
Lời Tâm-pháp Đạo-Vàng ứng hiện,
Giảng cho người câu chuyện hôm nay,
Ước mơ quì trước Phật-đài,
Giữ lòng trong sạch lạt chay tu hành./.
-------------------------------------------------
TẠO CHƠN THÂN
7 tháng 9 năm Canh Tuất
Đời là một bể khổ vô biên! Đạo là con đường giải thoát huyền huyền diệu diệu. Vì thương cõi thế gian trầm oan nghiệp chướng, cho nên Thượng-Đế mới ân tứ Tam-Giáo huyền-linh ban từ huyền cơ diệu bút cho tất cả nguyên-căn linh-vị tùy duyên nhiếp thọ hầu trở về nguồn cội xa xưa. Từ ngàn đời đến nay, biết bao nhiêu là nhân-sanh phải trả thân cho tứ-đại không lưu lại chi thế-gian điều chi gọi là hạnh ngộ. Bần-Đạo chuyển pháp huyền linh bằng từ-bi cao diệu. Ngày hôm nay DI-LẠC sắp lâm phàm trong buổi Kỳ Ba mạt pháp để lập lại đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức.
Binh lửa đã báo điềm, cảnh nắng mưa dập dồn không phân biệt, đó cũng là thời tiết đổi thay. Cảnh Hạ Nguơn nầy là trong lục đạo luân-hồi, Thánh Thần ma quỉ đều được phép trở lại thế-gian, nhân nào quả nấy, ơn đền oán trả để cuối cùng lập lại Đại Phong Thần hầu đến ngày Long-Hoa phán xét, không còn kêu ca giữa đền Bạch-Ngọc hay khóc lóc trước Lôi-Âm.
Đức Phật Tổ vì lòng từ-bi cao diệu cho nên ban đại thệ với chúng sanh rằng: “Nếu còn một nguyên-căn sa đọa thì Đấng Từ-Lành không nỡ vội nhập Niết-Bàn”. Vì thế cho nên các Bậc Bồ-Tát, Như-Lai vâng truyền theo lời đại hồng thệ lâm phàm, tùy duyên, tùy nơi mà hoằng phổ chơn truyền, chánh pháp cao linh mà độ cho tất cả nguyên-linh trở về nơi nguồn cội. Ơn Thượng-Đế đã ban ra, lịnh Như-Lai truyền xuống, Tam-Giáo thọ hành, Tam-Trấn chuyển xây. Cơ vận chuyển Long-Hoa đã đến, trong tất cả hàng nguyên-căn linh-vị của HUỲNH-ĐẠO hãy tịnh tâm hầu nghe chơn-pháp diệu huyền của phần huệ linh Bần-Tăng chuyển tứ.
Con người sanh ra trong cõi tạm nầy không phải là để hưởng nhờ, mà để trả vay cho tiền kiếp mình hay lập công bồi đức, vâng theo Thiên mệnh mà trở về với Bạch-Ngọc Hư-Cung, mượn tạm thân tứ-đại nầy đừng ngỡ đó là của ta, nếu chấp thân tứ-đại của ta thì cái ta sẽ bị diệt mất: phải nhìn nhận đó là ta, tạm mượn ta làm thân ta để đào tạo cho được thân ta, gọi là “chơn thân”, linh khiếu trở về với Bạch-Ngọc Hư-Cung, trở về với vô-vi thanh thoảng, đó mới chính thiệt là thân ta. Khi mang thân tứ-đại nầy, không biết ngũ quan đó ta tạm mượn, mà nói đó của ta, thì đến ngày ngũ quan tan rã, thất phách tiêu điều, giờ phút đó mới có hối hận thì cũng đã trở về với phần đau thương của vô-vi tục lụy rồi. Vậy tất cả các nguyên-nhân nên nhớ: luyện pháp trì tâm, làm thế nào gom được Tam-bửu, thâu được ngũ hành, ta là thân vô-vi của ta, mượn hữu-chất để tạo phần linh-huệ cao siêu, mượn hữu-hình để tạo điều huyền diệu, đó mới chính thiệt của ta. Nương nhờ của Tạo-hóa ban cho ta để ta giữ lấy phần của ta, khi trở về với vô-vi, ta còn được một phần của ta mà không phải uổng tiếc trong một kiếp đời luân-hồi nơi thế hạ.
Tất cả nguyên-nhân nên nhớ: ngày hôm nay đã thọ được pháp cao siêu huyền diệu của THƯỢNG-ĐẾ ban ra, của DI-ĐÀ truyền xuống, không phải DI-ĐÀ có thể cứu các nguyên-nhân trường sanh bất tử hay đem các nguyên-nhân nhập Đạo để rồi ngày kia trở về với Niết-Bàn, Bạch-Ngọc, mà chính các nguyên-nhân phải lần đi, phải tự bước đi, nếu các nguyên-nhân không biết tự mình đến, không biết tự mình đi thì dầu cho Đấng Tạo-hóa là THƯỢNG ĐẾ, DIÊU TRÌ KIM MẪU có thương xót hồng trần cũng không thể dời các nguyên-nhân đi nữa bước. Tin phải có một lòng chánh tín, có nghĩa là khi các nguyên-nhân hiểu Đạo phải hiểu cho tột lý cao siêu mới trở về nơi huyền linh cao diệu, chớ không phải nghĩ rằng đến nơi đây để sùng kính đối với Thiêng-Liêng, tưởng niệm Đức THIÊN-TÔN DI-LẠC, rồi ngày kia DI-LẠC có lâm phàm sẽ sắc phong cho được an hưởng nơi thế-gian hoặc cứu rỗi linh-hồn, điều đó không phải là chánh tín vậy. Điều tin của các nguyên-nhân là phải tự tin mình, có lòng có tâm nghĩa là với một kiếp nầy là xả thân vì Đạo, coi đây là mộng huyển, coi đây là bờ mê, coi đây là oan nghiệt để trả thân nầy, ngày mai, một buổi sớm, một buổi chiều mà không bao giờ luyến tiếc, đó mới chính là đoạt được phần Đạo-pháp cao minh. Chớ nếu vừa tu vừa ngờ, vừa nghĩ rằng được tạm yên thân, may ra mới đắc thành Đạo quả, thì đó: nữa tin, nữa ngờ, dầu có thành cũng không thành được bậc Chánh-đẳng Chánh-giác vậy.
Từ ngàn xưa, các bậc Giáo-Tổ lâm phàm đã hy sinh cả một cuộc đời, cả một thân xác mới đắc thành Đạo quả cao siêu. Ngày giờ nầy là Hạ-nguơn đại-xá, cho nên các nguyên-nhân được Thần, Tiên, Thánh, Phật đến gần truyền ban cho chơn-lý, lại ban cho phần bí-pháp cao siêu, nghĩa là phần tu tịnh, đi tắt về nơi Bạch-Ngọc Hư-Cung. Tại sao được như thế? Là vì Điệp sắc Lôi-Âm và Hư-Cung ban cho thế-gian nhân nào quả nấy, luân-hồi lục đạo trả vay toàn vẹn trong buổi Hạ nguơn nầy không còn kêu ca gì nữa, tất cả các nguyên-nhân cũng được hưởng phước trong thời nầy vậy.
Thọ được pháp phải hiểu rằng: người do ngũ hành mà có, do tứ-đại mà thành, sự sống là một điểm linh-quang của THƯỢNG-ĐẾ ban xuống, thì sự sống đó còn ở trong ngũ-hành, trong tứ-đại. Khi tứ-đại, ngũ-hành nầy tan rã rồi, sự sống đó các nguyên-nhân chỉ giữ hai điều: “TỘI - PHƯỚC” mà đem về nơi cảnh giới vô-vi, thì giờ phút nầy là giờ phút các nguyên-nhân phải gom Tam-bửu, tụ Ngũ-hành nếu ngày kia dầu chưa thành Đạo nhưng các nguyên-nhân đã hướng về một phần vô-vi cao diệu, thoát khỏi bờ mê trở về bến giác, một phần là do đức tin của các nguyên-nhân, một phần là do đại-xá của Hư-Cung Bạch-Ngọc, cho nên khi thoát xác sẽ có Thần, Tiên, Thánh, Phật đỡ linh-hồn, chỉ nẻo cho về nơi Lôi-Âm, cho về nơi Bạch-Ngọc.
Không còn bao lâu, cơ “tận diệt” đã báo điềm, các nguyên-nhân nên nghĩ rằng: không cần phải nghĩ tới thế-sự biến di, không cần phải nghĩ đến điều điên đảo của trần gian ác trược, mà nghĩ rằng thân nầy tạm mượn, mai đây sẽ trả về cho tứ-đại, ngũ-hành thì cố gắng gấp rút để tạo thành quả đức lưu lại cho linh-hồn, tạo thành cái thiệt cho linh-hồn ta, nghĩa là giữ cho sự sống ta còn ở ngũ-hành, còn ở tứ-đại thì sự sống kia cũng vẫn còn ở chổ vô-vi, đừng để sự sống nọ chết theo ngũ-hành, tán theo Tam-bửu, vùi sâu theo tứ-đại thì cái chết đó là thiệt chết của thế nhân vậy. Cái chết của người Đạo là sự đổi thay, cái chết của người Đạo là sự tấn-hóa, như thế đó tất cả các nguyên-nhân mới hiểu rõ cái lý Đạo cao siêu huyền diệu của Trời, Phật ban xuống là thế nào? Đừng nghĩ rằng người tu cũng bỏ xác, người không tu cũng bỏ xác. – người không tu bỏ xác còn tham-luyến trần gian, còn trong vòng ác trược, cho nên khi bỏ xác rồi hồn kia trầm xuống ( hễ tất cả cái gì nặng thì phải trầm, cái gì nhẹ phải lên cao). Người tu hành lòng thanh thoảng, khi bỏ xác rồi hồn kia: một là được dìu dẫn có đường lối, hai là được nhẹ nhàng về nơi cảnh giới vô-vi. Còn người đã mang một lòng đau thương, một oan-khiên nghiệp-chướng trầm-kha thì khi bỏ xác nầy còn lưu-luyến theo tứ-đại, còn quanh quẩn theo ngũ-hành, cho nên là đà theo dòng ác trược mà chưa được siêu thăng là thế đó vậy./.
TỨ-ĐẠI VÀ NGŨ-HÀNH
15 tháng 9 năm Canh Tuất
Từ xưa đến nay, hễ con người sinh ra đời rồi bị hủy diệt theo thời gian, theo luật công-bình của THƯỢNG-ĐẾ. Vì con người không tự biết mình là ai, không tự biết mình là gì để rồi năm nầy tháng nọ kéo dài cuộc đời trong luân trầm ác trược, dầu người có thiện tâm, dầu người muốn tạo đức lành cũng khó qua được vòng lao nhọc của thế-gian, cũng khó vượt qua điều trầm oan nghiệp chướng của trần hạ mà trở về với Tiên-Thiên vậy. Con người sanh ra đời từ nhỏ khi lớn khôn, lập gia đình khi đã có thê nhi, giờ phút đó con người nên nghĩ rằng: đã có thân ta, thì thê-tử của ta là một phần thân-thể của ta, chiết linh-quang của ta để nối cuộc đời trần tục. Một là hưởng phước của ta để lại, hoặc là nhận lấy họa của ta truyền lại cho con cháu đời sau vậy.
Một người tu hành có thể cứu Cửu-Huyền Thất-Tổ siêu thăng khỏi đọa lạc nơi trầm kha ác trược. Một người không tu hành có thể hại Cửu-Huyền Thất-Tổ, còn bị trở nên tán vi tro mạc là thế đó vậy.
Từ đời Thượng-Nguơn đến nay đã mấy ngàn năm, Đức DI-ĐÀ truyền tâm-pháp nhưng ít thấy người thành Đạo. Đức THÍCH-CA truyền chơn giáo cũng ít người được siêu thăng. Ngày nay Đức DI-LẠC sắp lâm phàm, Đức DI-LẠC không thể hiện bằng thân tứ-đại? Từ trước Đức DI-ĐÀ dùng ngũ-hành tạo thể tứ-đại hợp hình, Đức THÍCH CA cũng thế đó, là làm gương mẫu cho chúng-sanh sau nầy Long-Hoa diễn biến, Hạ-Nguơn tiêu điều. Tận thế, cho nên Đức DI-LẠC mới từ trên truyền: “Huyền nhiên chi khí, tạo dựng bằng linh khí, linh thể, không còn bằng tứ-đại ngũ-hành nầy nữa”. Như thế mới thống bằng vô-vi, mới ngự được quả địa-cầu, mới lập lại đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức.
Trong thời kỳ Hạ-Nguơn mạt-pháp, Thượng-Đế đã ân xá cho muôn loài vạn vật, cho chung tất cả, hễ tu sẽ đắc Đạo, hễ biết thiện-tâm sẽ sống đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức. Lành còn, dữ mất, đó là những lời mà tất cả những bậc Giáo Tổ đều truyền lại cho giáo-đồ ngày sau, thì giờ phút nầy là giờ phút tuyển trạch căn nguyên để lập đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức, để trở về nguồn cội, tiểu linh-quang trở về với khối đại linh-quang, cũng như con cái trở về cha mẹ vậy.
Ngày tận thế sắp cận kề, binh lửa đã báo điềm, con người đã biết trước, nhưng chính con người đi sâu vào vòng ác trược để tự hủy diệt thân mình, tự hủy diệt linh-hồn mình, đời nầy sang kiếp khác để không còn thấy Đạo pháp cao minh. Đạo pháp cao minh là phần vô-vi, là phần không thể dùng tay, dùng mắt, mũi, miệng hoặc dùng thân tứ-đại mà tìm được Đạo, phải dùng Cảm Trí Hư-linh, Cảm Trí Hư-linh không phải do một người mà có, phải do từ đời trước đến đời sau, kiếp nầy sang kiếp khác. Nếu hiện giờ nầy có một vài nguyên-căn muốn tầm Đạo, có tâm hướng về Đạo, mà không tiếp nhận được Đạo, chẳng qua là tiền kiếp chưa thọ nhập Phật duyên, Tiên-giáo cho nên giờ nầy chỉ nghe qua một phần, ăn hiền ở lành để trong kiếp luân-hồi mai hậu sẽ gặp chơn giáo truyền ban. Còn người kiếp trước đã tu hành, hẹn giờ nầy ngày nay, năm nầy, tháng nầy sẽ trở lại cùng chơn-giáo cao minh, thì dầu ở một phương trời nào. Thiên-cơ cũng vận chuyển trở về Đạo để được hưởng thừa ân của Thượng-Đế, để được trở về khối đại linh-quang, không còn cảnh trần nhơ ác trược nữa vậy.
Tất cả nguyên-căn của HUỲNH-ĐẠO, đã thọ được chơn pháp cao minh thì hãy nghe đây phần tâm-pháp siêu-thừa của Huỳnh-Đạo: con người thống hợp bởi Bát-Quái, bởi Ngũ-hành, bởi Thái-Cực, Lưỡng-Nghi, Tứ-Tượng biến sanh ra muôn loài vạn vật. Vậy thì trong hàng nguyên-căn luyện pháp nên nghe rõ: con người có ba phần ở trong thân-thể hợp tứ đại, ngũ-hành, nhưng phần trên là phần thượng. Đó là ngôi Thái-Cực là phần đầu. Ngôi Thái-Cực có Lưỡng-nghi, lưỡng-nghi là hai tai hoặc hai mắt, hoặc hai lỗ mũi, đó là âm dương. Nhưng ở dương phải có một phần âm, đó là miệng. Miệng là một phần âm để tiếp giúp cho phần dương kia còn sống. Đó là phần thượng của con người.
Phần trung của con người: ngôi Thái-Cực là trái tim, lưỡng-nghi là hai buồng phổi. Một phần âm là nơi Huỳnh-đình.
Còn phần hạ cũng tùy theo các nguyên-nhân suy xét mà biết được vậy.
Trong phần tổng quát của con người thì có phần tả hữu, nghĩa là phần âm dương. Nhưng trong âm dương vẫn có ngũ-hành, nghĩa là bên tay mặt còn có năm ngón tay, bên tay trái còn có năm ngón tay tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, thì phần dưới cũng thế đó. Khi luyện Đạo cần phải biết nơi nào là âm dương, nơi nào là Thái-Cực, nơi nào là Lưỡng-nghi? Khi con người thoát khỏi phần thể xác cũng thế! Con người có cửu-khiếu, khi linh-hồn thoát khỏi thể xác do Cửu-khiếu đó mà ra. Nếu phần thượng thì thành thượng lưu trí thức, phần trung thì trở thành trung-lưu, phần hạ thì thành ra những người còn mê muội. Vì thế cho nên khi con người luyện Đạo không xuất hồn nơi thất khiếu mà xuất hồn nơi Côn-lôn đãnh, tự mở Thiên-môn mà trở về với khối đại linh-quang nơi Niết-Bàn hay Cực-lạc. Nơi Niết-Bàn Cực Lạc mặc dầu không mà có, có mà không. Hiện giờ nầy lấy trí phàm không thể suy luận được, lấy tâm tục không thể hiểu được, phải hiểu bằng cảm-trí hư-linh, sự hiểu biết còn lại trong con người, khi thoát xác con người phải trở về Niết-Bàn, trở về Bạch-Ngọc, trong lúc đó con người có sự ước muốn cao thanh hơn là sự ước muốn còn mang tứ-đại, ngũ-hành nầy. Còn mang tứ-đại, ngũ-hành nầy là còn mang thất tình lục dục, còn đeo dai danh lợi tình tiền, còn đeo đai thê thằng tử phược, thì sự ước muốn kia không phải là sự ước muốn thanh cao của Phật-gia, của Tiên-giáo vậy. Khi thoát khỏi phần thể xác, con người không bị đeo đẳng bởi thất tình lục dục, sự ước muốn siêu sanh, sự ước muốn giải thoát, sự ước muốn cao thanh đó làm cho con người trở về khối đại linh-quang một cách rất dễ dàng vậy. Nhưng muốn rèn được sự ước muốn đó, trước tiên con người phải có lòng tu học, thiện-tâm nhiệt huyết, chí đại-hùng, đại-lực, đại-từ, giờ phút thoát xác mới đủ linh-điển, mới nhìn nhận đâu là còn đường trở về hạ-giới đau thương.
Hiện giờ nầy, tu hành tất cả các nguyên-linh nên nhớ: không phải một sớm, một chiều, một ngày một bữa mà đắc Đạo. Con người có thể vì căn cơ duyên kiếp, một ngày bỏ xác về nơi Niết-Bàn, Cực-Lạc hoặc năm mười năm sau, con người mới có thể thoát thai nhập hóa được vậy.
Trên con đường tu hành còn nhiều cam go khảo đảo, chẳng qua là tứ-đại ngũ-hành biến dịch trong muôn loài vạn vật ở trần-gian nầy, nhưng sự biến dịch đó không ngoài định luật siêu, đọa, trược, thanh, thăng, trầm biến đổi. Tất cả nguyên-nhân nên nhớ! Người tu chỉ cần là giải thoát, không phải giải thoát phần thể-xác mà thôi, còn giải thoát phần linh-hồn, không phải giải thoát kiếp nầy mà thôi, còn giải thoát muôn kiếp trước và không còn luân-hồi trong muôn ngàn kiếp sau nữa.
Lành thay! Lành thay! Trong thời hạ nguơn mạt pháp, THƯỢNG ĐẾ lâm phàm hạ mình là Thầy chỉ Đạo, Tam-Giáo ngự trần chuyển kiếp hầu có dẫn dắt đến ngày Long-Hoa Đại-Hội, thuyền Bát-Nhã còn chờ đó …! Con thuyền Bát-Nhã là một con thuyền từ-bi, bác-ái. Con thuyền có thể đưa hằng triệu sanh-linh, nhưng những sanh-linh đó không mang theo những thất-tình, lục-dục, không mang theo tình, tiền, danh, lợi, theo ô-trần nhiễm trược thì không thể bước qua thuyền Bát-Nhã được vậy.
Tất cả các nguyên-nhân của Huỳnh-Đạo đã thọ pháp nên nhớ: trong kiếp nầy, hễ tu là cần giải thoát, tu không thể thêm tất cả danh, lợi, tình, tiền, ngày càng bớt, lòng đừng sầu. Như thế mới thật là chơn tu. Nếu tu hành mà càng ngày danh càng tăng, lợi càng đến, tiền càng nhiều thì hãy nghĩ mình còn nhiều đau khổ nữa vậy. Oan khiên nghiệp chướng càng dày cho nên phải lo lần phần thể xác, phải nghĩ đến chơn-linh, phải bớt tất cả thế gian để trở về phần vô-hình cao diệu. Người tu đã vô tình, vô hình thì phải vô danh, như thế đó mới trở về phần vô-vi tối thượng.
Nếu tu về phần phổ-giáo, tu chơn thiện niệm, nghĩa là tu đợi kiếp luân-hồi sẽ giải thoát thì đường tu đó rất dễ dàng cho những người thiện tâm ngưỡng vọng Phật Trời. Đường tu đó là đường tu dành cho tất cả con người ở trong vòng lục-dạo luân-hồi cũng được vậy. Còn đường tu thẳng về Niết-Bàn, trở về Bạch-Ngọc duy có những người đại căn muôn kiếp, nguyện kiếp nầy mà thôi không còn trở lại trần gian nữa, không còn quẩn quanh trong mưa nắng khổ đau ngày đêm ác trược. Như thế đó mới giải thoát muôn đời, giải thoát cho chính bản thân, giải thoát cho Cửu-Huyền Thất-Tổ.
Hiện giờ nầy tất cả các nguyên-căn đang nghe pháp thì có hàng vạn chơn-linh cũng đang quỳ nghe chơn pháp, tiếc rằng lúc sanh tiền không được nghe! Nhưng nghe của phần chơn-linh thì chỉ nghe để trong cảm trí hư-linh được giải thoát nhẹ nhàng, nhưng không có một hành động được ngũ-hành yểm trợ, được tứ-đại trì duyên, cho nên không thể tạo thành phước đức, không thể tạo thành quả duyên để đưa linh-hồn cao lên khỏi một nấc nữa, cho nên phải chịu trầm sa nơi ác trược, lẫn quanh trong vòng ngục môn sa đọa vậy. Tất cả các nguyên-căn hãy cố cầu nguyện cho Cửu-Huyền Thất-Tổ, nếu phụ mẫu có quá vãng, Thất-Tổ Cửu-Huyền đang chờ mong con cái tu hành, hãy thiện nguyện trì tâm sẽ nhờ ân đức của NHƯ-LAI, của Phật Pháp, của chính THƯỢNG-ĐẾ ban cho, cứu vớt linh-hồn của Cửu-Huyền Thất-Tổ là nhờ con cái tu hành ở kiếp nầy vậy. Công của cha mẹ sinh ra, mặc dầu tạm mượn là tứ-đại, ngũ-hành, thì cũng như THƯỢNG-ĐẾ sinh ra muôn loài vạn vật, chính con người là chiết thân của THƯỢNG-ĐẾ, thì con là chiết thân của cha, có bổn phận phải trả chữ hiếu cho cha. Đó là phần gần gũi, bổn phận của con người là phải trả ơn cho Thượng Đế, là trả ơn cho ngũ-hành, tứ-đại là phần cao-siêu huyền-diệu. Nhờ ai mà có sự sống hiện tiền, nhờ ai mà được hiểu biết trần gian cũng nhờ ai mà được thụ hưởng nơi thế-tục? Có phải chăng là bàn tay Thượng-Đế. Nhưng rốt cuộc muôn đời ngàn kiếp Thượng-Đế vẫn nắm chủ quyền sanh hóa, trong lục đạo luân-hồi Thượng-Đế vẫn quản quyền thưởng phạt. Vậy thì, hãy cầu nguyện Thượng-Đế, hướng về Thượng-Đế một lòng sùng kính cao minh để Thượng-Đế che chở, để khi thoát xác nầy sẽ trở về với Thượng-Đế, Người sẽ yêu thương muôn loài vạn vật như tình cha thương con vậy.
Tất cả những nguyên-căn luyện pháp, hãy nghe rõ lời Tâm-pháp mà suy nghiệm:
- Thân, chỉ có ngôi Thái-Cực là đầu, có lưỡng-nghi, có Tứ-tượng, có ngũ-hành, phải suy luận đó! Có bốn muôn tám ngàn đạo hạnh nên nhớ rõ mà suy luận. Trong thân người là Tiểu Thiên Địa: cũng có nước, cũng có lửa, cũng có đất, cũng có gió … Vậy thì đất, nước, gió, lửa tạo thành thân ta, ta dùng đất, nước, gió, lửa để tạo thành Kim Thân cho ta, anh-nhi Thánh-thể cho ta, ta dùng vào cho ta chính phần đó Thượng-Đế đã cho ta để ngày kia trả cho tứ-đại, ngũ-hành giả nầy, thật là uổng công sanh hóa của phụ mẫu, uổng một kiếp luân-hồi nơi trần-tục nầy vậy.
Khi đã biết ngũ-hành giả, tứ-đại huyển thì tất cả nguyên-nhân nên tìm cái thiệt, cái thiệt là chính cái biết của các nguyên-nhân đang luyện pháp, tầm về nơi vô-vi cao diệu, đó mới chính là thiệt ngàn đời vậy.
HUỲNH-ĐẠO là cơ tuyển trạch chớ không phải cơ phổ-giáo, từ cơ phổ-giáo để tuyển tất cả hành nguyên-căn, linh-vị trở về lập lại Long-Hoa đại hội siêu thoát, chớ không phải cơ phổ-giáo nữa. Cho nên phải tạo công, lập đức thì sẽ vào cơ tuyển. Vào cơ tuyển dầu không luyện pháp cũng nhờ ơn đức từ ngàn kiếp, ngày nay cũng thọ lấy phần cao-nhiên linh-điễn của Thiêng-Liêng, ngày kia linh-hồn sẽ được DIÊU-TRÌ KIM-MẪU cho nhập thức thai sen khỏi còn luân-hồi ác trược nữa./.
ĐẠO PHÁP DO TÂM
8.6.Tân Hợi
(29.7.1971)
THI
VÔ vi chánh pháp Đạo siêu thừa,
THƯỢNG ý Đạo đồng góp nhặt thưa,
Y chấp huyền năng vô lượng chuyển,
VƯƠNG minh chánh giáo thị quang thừa.
DI truyền pháp diệu Tam-tài dụng,
ĐÀ kiến, tâm minh đắc đại thừa,
PHẬT ngộ nhân duyên tùng hạnh khổ,
TỔ đề pháp giới đạt đồ thơ.
DI-ĐÀ PHẬT-TỔ, Bần-Đạo mừng nguyên-nhân, Tôn-sư mừng môn đồ. Giờ lành, Bần-Đạo hiện ngũ sắc hào quang, muôn trượng đạo hạnh, dụng pháp giới kim-quang, truyền như ý đạt đồ-thiên, chỉ Xá-Lợi định miên miên nội tức đạt chánh Đạo, luyện Minh-Châu đoạt chánh Đạo Ngũ-khí triều nguơn, đoạt Ngũ-khí Triều-nguơn kim quang hiện chiếu, kim quang hiện chiếu thần công hữu dùng Tam-bửu đồng qui, Tam-bửu đồng qui tạo thành anh-nhi Xá-lợi, tạo thành Xá-lợi Anh-nhi dụng tâm điền làm bổn, dụng chơn khí làm hình, dụng chơn-như làm thể, tạo hình-thể vững vàng tâm điền quí báu, dụng đạo quang soi đường chỉ lối, Cửu Hội linh-quang truyền minh diệt vọng tiểu quán kim quang, tựu tiểu quán kim quang nhập khai thức thể thượng đài, dùng ngũ sắc hạ điễn định Châu-Thiên.
Người đạt Đạo luyện pháp huyền tâm minh, trí sáng, lòng rộng như biển cả mênh-mông, trí sáng như gương, soi mặt chỉ minh kính thấu nguyên-căn, chỉ bửu ảnh quán tri huyền pháp, đoạt minh kiến chỉ Đạo luân hồi, đoạt minh kiến biết vị ngôi. Người trau giồi được bản thể tâm không động, trí không xao lãng, thần trụ qui được Tam-bửu, thống được Tam-tài thần công vận dụng tiểu quán đi đồng. Người biết đại tịnh trong chỗ động, người biết đại tịnh trong chổ tịnh mới gọi là toàn mỹ, người chỉ biết đại tịnh trong chỗ tịnh mà không biết đại tịnh trong chỗ động thì cũng chưa hoàn mỹ được.
Đạo pháp do tâm, tâm trau giồi Đạo pháp, tâm động Đạo pháp tán, trí mờ Đạo pháp hư, thần động Đạo pháp tán. Tâm phải tịnh, thần phải trụ, trí phải sáng. Nếu tâm không định thì pháp ngưng không luân chuyển ở châu thân, mà chỉ nghĩ trong vòng quanh quẩn. Hỡi nữ lưu trong nghiệp quả trần mê, các con phải hướng về mật niệm Phật-Tổ Di-Đà, quản quyền sanh chúng, các con hãy dụng thần công, hãy nhập thức Liên-Hoa để nhìn được chơn-như của con ngự trụ ở nơi nào? Thông được ngũ-khí các con nhìn được Phật-Tổ ở chốn nào? Tựu được thần quang các con nhìn được Lôi-Âm hay Niết-Bàn, các con trụ được Tuệ quang, các con sẽ thấu được Tam-Thiên Đại Thiên Thế-giới. Các con không trụ được tâm, không tịnh được khẩu, không truy được pháp, thì các con chỉ quanh quẩn trong vòng luân-hồi.
Thầy khuyên các con hãy trụ bằng tâm, hãy tịnh bằng khẩu, hãy nghĩ bằng ý, ý nghĩ là trong sáng chơn như lưu đồng trong cơ thể, từ cửu huyệt thông lưu, huỳnh hà vận chuyển, trong cửu khiếu đều thông đồng gọi là huyệt-đạo Tiên-Thiên. Không đạt được huyệt đạo Tiên-Thiên không truy được tâm điền, không trói được ý mã, không giữ được tâm viên thì pháp nguyên tiêu tán.
Các con ơi! Tôn-Sư vì thương các con mà ban chánh pháp đại thừa Di-Đà Bí-Chỉ, truyền cho các con, độ các con trở về nguyên bổn hầu xa lánh cõi trầm luân ta bà khổ hải. Kìa! Các con có nhìn thấy nơi nào là trong sáng, nơi nào là trược mê đen tối? Lý của đời cũng như lý của Đạo đều trong sáng, đều đen tối. Các con ơi! Ở trên cõi đời các con còn mang thân giả thì sự vật của thế-gian đều giả mà thôi, đừng chú trọng vào thân xác mà quên đi linh-hồn trường cửu nghe các con!
Các con vì Đạo, vì Phật Tổ, vì Thầy, các con hãy nghĩ vì con là đúng hơn vậy. Vì con còn mê đọa nên các con đã tìm Đạo gặp Thầy mà học hỏi thì các con chính là các con vì các con, không riêng vì Thầy hay vì Đạo cả. Các con ơi, chốn sa đồ trầm mê khổ hải, Thầy muốn vớt các con về ngự trên Lôi-Âm, hay ngự trên Niết-Bàn Cực Lạc. Thầy vì thương các con mới dùng vạn pháp tuyệt luân, truyền khai đại hội cho các con tề tựu đông đủ, rèn pháp, trau pháp, học pháp. Nếu các con học pháp, trau pháp, luyện pháp, các con phải có phương tiện trước tiên là các con phải giữ được chữ hạnh đức hoàn toàn. Khi hành pháp các con diệt được lòng sân, đốt được trí tục, xa được trần mê thì các con mới trụ được pháp nguyên toàn vẹn.
Thăng
DI-ĐÀ PHẬT-TỔ