Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

- THUYẾT MINH CHƠN ĐẠO







THUYẾT MINH CHƠN ĐẠO
23 tháng 4 Ất Tỵ
(23-5-1965)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
          Bần-Tăng hôm nay chuyển tứ huệ linh giảng thuyết cùng Tăng, Ni Trưởng Huỳnh-Đạo và Đạo tâm nam nữ đến đây thính pháp. Duyên lành thường tại, chánh pháp siêu quang, tất cả các nguyên căn hội hiệp nơi đây đều có duyên ngàn kiếp, Bần-Tăng thừa lịnh Thiên-Tôn chiếu từ linh huệ pháp cho chung tất cả để hầu thính lịnh, nghe truyền những lời cơ duyên giáo pháp.
GÌN  LỤC CĂN & DIỆT LỤC TRẦN

          Xét ra trong đời, con người không quá trăm tuổi phải hiểu rành lấy chơn căn duyên kiếp, thọ lấy từ-linh hầu thoát khỏi cảnh sa trầm của kỳ Ba tận diệt. Kìa, lục căn đã cám dỗ: nhãn là mắt lừa dối ta, nhĩ là tai cũng lừa dối ta, tỷ là mũi cũng lừa dối ta, thiệt là lưỡi cũng lừa dối, thân, ý cũng thế. Lục căn bị nhiễm bởi lục trần là thế nào? Mắt không thể nghe được, tai không thể ngửi được, mũi không thể nếm được, lưỡi không thể ham muốn được, thân không thể nào định trụ được, ý cũng không thể gom vào được. Lục căn dẫu nhiễm lục trần nhưng lục đó đều do chơn tâm đều động. Chơn tâm là nguồn cội, là tất cả siêu vi mầu nhiệm của Phật pháp truyền ban, bất hoại, bất sanh, bất diệt. Tâm sanh vạn vật, vạn vật bất sanh tâm. Tâm do Thiên định, vốn từ quang huệ điển của Thượng Đế hóa  sanh, cho nên tâm vẫn trường tồn. Ngày hôm nay muốn trở về với vô vi cao diệu, tất nhiên các nguyên nhân phải hiểu được chơn tâm, phải rèn được chơn tánh, trở về với chơn ngã siêu thượng vô vi hầu tầm ra được nguyên lý hóa sanh của vạn vật. Như thế mới thoát khỏi cảnh đau khổ của trần gian.
          Kìa Tứ Khổ: vì tứ khổ nên Đẳng-Giác Mâu-Ni đã truyền ra Bát Chánh Đạo. Trong Bát Chánh Đạo khi quán tại được Chơn Như, thông được huệ trí, tất nhiên không có điều chi trắc trở thế gian nầy vậy. Phải rèn cho được chơn tâm, ngăn được lục trần, thu được lục căn tất nhiên phải hiển hóa chơn như, linh thông thánh thể, từ đó mới trở về với cảnh Tam-Thiên Đại-Thiên Thế-Giới. Thượng-Đế đã cho tất cả điểm linh quang xuống trần:
Một là để hóa hoằng độ muôn loài vạn vật trở về với nguồn cội Thiêng-Liêng.
Hai là những bậc hóa nhân sanh tiền trên thế gian luân hồi bởi sa đồ cám dỗ trong thời kỳ Long-Hoa mạt hạ.
Ba là điều thanh thì thăng, trược thì hạ.
Người hưởng được phước duyên tầm được cội lành suy ra chánh pháp thì trở về với Thượng Đế cao nhiên; còn người không hiểu được lý tu hành cao cả, không thông được huyền nhiệm cao nhiên mê mãi chốn sa đồ, tất nhiên phải rơi vào vòng ác trược kỳ Ba là kỳ tận diệt. Lúc tàn nguơn Mạt Hạ Thần, Tiên, Thánh, Phật đều ra đời phò trợ chúng sanh, dìu dẫn nguyên-căn trở về nơi cựu vị, duy có con đường độc nhất là phải tu hành, nếu không thì không thoát khỏi cảnh sa đọa muôn đời. Trong A-tăng kỳ kiếp mới có kỳ Đại hội Long-Hoa, sau nhứt kỳ, nhị kỳ Phong Thần, ngày hôm nay lần cuối cùng Phong Thần, Thánh, Tiên, Phật đều qui tụ về con đường chánh Đạo để trở về với Thượng-Đế. Nếu lần cuối cùng không thức được chơn duyên, không tỉnh ngộ được trần ai là tạm giả thì nhứt định sẽ bị lục trần lôi cuốn, thất tình dày đạp để thân tứ đại nầy rã theo thời gian định số, ngày kia chơn tâm cũng rã theo thất tình lục dục trở thành tán vỉ, thương thay!
Vì Thượng-Đế từ bi cảm xót muôn loài vạn vật nên ân tứ cho Thần Tiên, Thánh, Phật tùy phương tiện, tùy duyên để phổ độ chúng sanh. Hôm nay, HUỲNH-ĐẠO là một cơ duyên cho các bậc nguyên-căn nam nữ thọ trì pháp giới hầu đoạt lấy lý Đạo siêu mầu, tự mình rèn luyện lấy chơn thân thánh thể trở về với Thượng-Đế muôn đời. Chơn tâm còn không bao giờ mất; dục tánh tiêu sa vào địa ngục phải chịu luân hồi nơi ta-bà sắc giới. Muốn gìn giữ chơn tâm trong thời kỳ Long-Hoa Mạt Hạ nầy, duy có con đường độc nhất là luyện pháp siêu nhiên, gìn giữ lục căn, đoạn tuyệt lục trần, làm sao ngăn được thất tình lục dục thì dầu cho thế giới biến đổi, Mạt Hạ tiêu điều, người giữ được chơn tâm tất nhiên đã đắc được Bồ tát. Khi chứng quả được Bồ-Tát thì nhìn xa diệu vợi, không nhìn vào trăm năm, coi thê tử như anh em, chúng sanh như cha mẹ, tình thương đó với đức từ bi hiệp hòa, người đã đắc Đạo không còn thấy điều khổ sở ở thế-gian mà chỉ cảm thương cho trần tục mà thôi. Trở về Thượng giới cao nhiên lòng của các Bậc Thánh Tiên đều muốn độ cho kỳ được qui nguyên nguồn cội, còn một điều đau khổ ở trần gian nhứt định Đức Di-Đà không còn ngồi yên nơi Niết Bàn Thượng giới.
Kìa ngọn bạch lạp đang cháy, đây là tâm pháp siêu nhiên, các nguyên-nhân suy nghĩ cho tận tường, không thể lấy trí mà suy, lấy lời mà bàn, phải lấy tâm mà cảm hóa, như thế mới hiểu được tâm pháp siêu vi. Muốn đoạt được tâm pháp nhiệm mầu, muốn nhìn rõ được chơn tâm thì phải xét về phần hữu thể và vô vi. Ngọn bạch lạp đang cháy cũng như  cuộc trần đang sôi động, cảnh sống cho đó là trường miên, khi ngăn lại đưa tay quạt tắt đi, tại sao đèn tắt? - Bởi vì quạt tắt, nhưng quạt tắt cũng do nguyên-nhân mới tắt, thì phải làm sao? Đợi cho đến khi đèn lụn tiêm, dầu tàn, như thế tự nhiên tắt. Tự nhiên tắt thì cũng có nguyên-nhân, cũng chưa đắc được Chánh đẳng Chánh giác vào bậc siêu vi được. Làm sao cho không có một nguyên-nhân nào, nghĩa là không có đèn tắt, không có đèn cháy, không có lửa sáng, như thế mới là đắc được Chánh đẳng Chánh Giác và tối thượng Niết Bàn là vậy.
Sở dĩ Tứ Diệu Đế ra đời, Bát Chánh Đạo hoằng khai là Đẳng Giác muốn truyền trong thời nhị kỳ cho tất cả nguyên-nhân lần theo đó để tu hành cho tinh tấn, lần lần đến thời Long-Hoa Đại Hội, sẽ có ngày phán xét công minh, đại đồng phân xử thì ngày giờ nầy không còn kịp nữa. Người Thượng cổ ngày trước vẫn còn đứng trong lễ giáo tam qui, đến nay trong thời kỳ Mạt Hạ cang thường đã hoại, luân lý tiêu điều, còn gì nữa? Chỉ còn con đường duy nhứt là thu thúc lại chơn tâm, gom tụ được ngũ hành, khi đứng vào trong chơn tâm rồi thì không còn thấy thế gian là điên đảo; nhận được lý siêu vi mầu nhiệm của Trời Đất thì đâu còn thấy việc gì lay chuyển được chơn tâm. Muốn đứng vào chơn tâm không phải là khó lắm, duy có luyện được mật pháp siêu vi tạo cho được Thánh thể Kim thân mới đứng trong chơn tâm được. Một ngày kia, khi thân  tứ đại của các nguyên-nhân rã tan thì tâm đó sẽ tán ra trong lục căn, nếu không luyện Đạo, không biết thu thúc được chơn tâm, chỉ còn một điểm linh quang mờ mịt từ nguyên thủy của Thượng-Đế ban cho mà thôi, là đà nơi thế gian nầy vậy. Tùy theo duyên, tùy theo thức mà tâm ý ra đi rồi nhập vào luân hồi nơi quả đất. Vậy ngày hôm nay, không còn điều đó nữa, nếu là một nguyên-căn linh-vị, hãy tự tạo cho mình một con đường sáng là nghe được Chánh Pháp siêu vi.
Nơi nầy có duyên, nên Bần Đạo chuyển tứ huệ linh để độ các nguyên-căn thức thời, nhập diệu tri lý, siêu mầu hầu trở về với con đường Chánh Đạo sống với cảnh tuyệt giác Niết Bàn.
Thời kỳ không còn bao lâu nữa, cảnh hữu vi sẽ đổ tàn, vô vi sẽ ứng hiện, Tam giáo sẽ lâm trần, tất cả vị Giáo Tổ sẽ hiện ra cho tất cả nguyên-nhân thấy rõ. Trước khi hiện ra, thì nhân nào quả nấy phải vay vay trả trả cho đồng đều. Tại sao là một Thượng Đế quản quyền cả muôn loài vạn vật, hóa sanh Tam Thiên Đại Thiên thế giới, mà không phạt ác hoàn thiện, không tru diệt lũ gian tà để cho đến ngày Long-Hoa cấp cấp? Hỡi ơi, trong muôn loài vạn vật còn thiện, còn ác lẫn lộn nhau, nếu Thượng-Đế hiện ra giữa Trời thì làm sao phân biệt được thiện ác? Ngày nay phải chờ đến ngày Long-Hoa Đại-Hội để phán xét công minh Thần, Tiên, Thánh, Phật sẽ hiện ra, Thượng-Đế không thể chiếu theo Thiên Luật, qui điều mà tiêu diệt thế gian là vì trong cánh đồng cỏ dại còn có ngọn lúa vàng tươi tốt, đợi khi lúa đơm bông chín vàng, giờ đó đã công thành viên mãn thì loài cỏ dại kia ắt bị tiêu diệt theo thời gian của nông phu đã dành để. Thì ngày nay, lúa sắp chín vàng, cỏ dại sắp bị tiêu diệt theo thời gian của nông phu ấn định.
Long-Hoa đã diễn, binh lửa đã báo điềm, nếu không tu e rằng sa vào cảnh tam đồ chi đọa. Người tu cũng như người thế tục, cũng mang thân tứ đại, nhưng tu là nhờ có huệ linh, có Long Thần Hộ Pháp hộ trì, cho nên thoát khỏi cảnh điên đảo của thế gian, được lằn từ huệ, được hồng ân của Thượng-Đế để cho rèn tâm, luyện pháp, tạo tánh hầu cho đến ngày Long-Hoa Đại hội. Đó là thừa ân của Thượng-Đế vậy. Đối với muôn loài vạn vật, Thượng-Đế vẫn giữ đức hiếu sinh và từ-bi cao diệu. Nhưng hỡi ơi! nào ai thức được lòng từ-bi đó, hiểu được cảnh thanh nhàn miên trường nơi vô sắc giới, mà chỉ nhìn thấy nơi nầy là thiệt khi hiểu ra mới biết là không thiệt, chỉ trong vòng trăm năm sao gọi là trường cửu?
Kìa! Các nguyên-nhân đã thấy những thời kỳ thạnh suy bỉ thái của một quốc gia, thì con người cũng trải qua nhiều giai đoạn đắng cay của một nước. Tại vì sao? Tại vì con người chìu theo lục trần, mến lục căn giả dối, cho nên chơn tâm thất lạc, không thống được tam tài, không trụ được tâm hư để cho thất tình lục dục lôi cuốn; nếu đến ngày giờ trụ, định, đứng được vào chơn tâm  tất nhiên sẽ thành Phật Đạo vậy.
Trong thời kỳ Mạt Hạ, con đường duy nhứt là tự tầm đi, tự đứng vào chơn tâm, khi đứng vào chơn tâm, thiệt tâm thì tất cả đều là thị không, thị không thì hữu chất dầu có lay động, thế cuộc có suy vi thì điều không đó cũng không bao giờ luân chuyển. Bần-Đạo tạm mượn pháp ngôn từ-huệ để truyền ra những lời chánh pháp cho các nguyên-nhân, nhưng khi các nguyên nhân đã giác rồi thì lời đó cũng không cần dùng nữa, cũng như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo chỉ cần dùng trong một thời hạn để cho các nguyên-nhân trong nhị kỳ phổ độ lần theo đó để tầm lấy lý siêu vi mầu nhiệm. Vậy thời Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo cũng như ngón tay của Phật chỉ trăng, hãy nhìn theo ngón tay để thấy trăng, chớ ngón tay chưa phải là trăng. Lời của Bần-Tăng thuyết pháp hôm nay cũng chưa phải là tuyệt diệu, cái tuyệt diệu là tự giác của các nguyên-nhân, đứng trong chơn tâm, gom được chơn thể, hòa được chơn ý, thống được Tam Tài. Như thế các nguyên-nhân mới đạt được lý Đạo siêu mầu của Bần Tăng đã chỉ điểm. Đó là thấy trăng vậy.
Không phải chấp ngã, nhưng phải cần có giả, không phải tưởng thân nhưng phải cần có thân, mượn thân để học Đạo, để làm công quả để tạo lấy nấc thang về nơi Niết Bàn Bạch Ngọc, nhưng không quá vì tấm thân ô-trược nầy mà ham mến cảnh  sa đồ ác trược. Trong lục căn: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý đều giả dối, nhưng chính đứng vào chơn tâm không cho lục căn giả dối, tự riêng mình tạo lấy cho mình đứng trong từ-linh của Thượng Đế thì nhứt định chơn căn phải hiện ra, lục căn sẽ chìu theo bổn thể mà trở lại điều cao diệu vô-vi. Đó là nơi cảnh trường miên bất hoại  vậy. Không có điều nào nơi thế gian gọi là trường cửu, chính bản thân nầy đã không trường cửu thì có chi? Nhưng phải mượn thân vì pháp thân Thượng Đế ân tứ cho ta, phải giữ nó; muốn giữ nó phải có con đường chánh pháp mầu nhiệm mới giữ được, phải có bí-pháp cao siêu mới hòa hợp được, còn không cũng như thuyền không lái, không bườm thả ra dòng biển khơi mặc tình cho sóng gió.




THÁNH ĐẠO – TIÊN ĐẠO – PHẬT ĐẠO
Con đường Đạo mờ mờ mịt mịt, tuy nhiên có ánh sáng diệu huyền của Thiêng-Liêng chiếu rọi. Người tu thì không chấp, nếu chấp thì chưa hẳn là chơn tu. Nơi nào có thể tùy duyên thọ nhập được chánh pháp cao siêu, rèn lòng được thanh tịnh, gom hòa được chơn thể thì nơi đó là đúng căn duyên của ta để tạo thành đức cả. Chớ không phải vì đó là chi Phật,  kia là chi Tiên, nọ là chi Thánh. Chẳng lẽ ngày hôm nay các nguyên-nhân tu Phật Đạo mà lại quên nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho giáo hay sao? – vì trong đường Nho giáo là một nấc thang để tiến về Phật Đạo, thì không thể vì thế mà cho Phật Đạo là cao siêu, Thánh Đạo là thấp thỏi, Tiên Đạo là mù mờ, tùy theo chơn căn, tùy theo duyên kiếp. Mỗi ngọn đèn tuy khác nhau nhưng ánh sáng cũng vẫn là một. Đây Bần-Tăng vì hữu duyên, các chơn căn nam nữ thính pháp ngày hôm nay, Bần-Tăng đã thường khuyên, thường nhủ: không phải lấy trí mà suy được, không lấy lời mà bàn được, phải lấy chơn tâm mới thông hiểu được, thì chơn tâm đó phải đúng là  chánh tâm và chánh tịnh, phải trở chổ hư-không tuyệt diệu, xét từ lúc chưa ra đời là chỗ chơn không thì từ chổ chơn không đến nay phải trở hoàn về không vậy. Khi sanh ra là một lần, khi trở về với vô vi lại một lần. Sanh ra nào có biết, trở về vô vi bỏ thân xác nào có hay? Nhưng lại sợ điều trở về la vì lục trần cám dỗ, thất tình đeo đẳng chung quanh, là vì không nơi nương tựa Phật Đạo không thông, chánh Đạo không gìn, khi linh hồn thoát khỏi thể chất mờ mờ mịt mịt, bị lôi cuốn vào địa ngục luân hồi. Nếu con người hiểu được Phật Đạo, Chánh Đạo, gìn được chơn tâm thì không còn địa ngục, không còn sợ chết bao giờ. Điều chết của các nguyên-nhân ngày hôm nay là thân chết, tứ đại chết mà linh hồn không bao giờ chết. Linh hồn đó không chết nhưng vẫn còn nhân quả báo đền, thiện ác mang theo. Điều thiện ác đó các nguyên-nhân mang theo muôn đời, nhưng ngày hôm nay muốn rèn được thiện, tất nhiên phải diệt ác, muốn tạo được tâm, phải thu thúc lục trần, đoạn trừ thất tình diệt vong, thì trở lại chơn thể ngàn đời, Niết-Bàn và Bạch-Ngọc không bao giờ xa vậy.
Cảnh Niết-Bàn nơi đâu mà có? Bạch-Ngọc từ đâu mà hiện ra? Kìa, các nguyên-nhân có thấy chăng? Phật từ trước cũng lấy thân tứ đại mà luyện thành, Tiên Thánh cũng lấy thân tứ đại mà giáo hóa chúng sanh rốt cuộc cũng trả cho tứ đại, vì hễ mượn thì phải trả. Tất nhiên điều mượn của Thần, Tiên, Thánh, Phật không phải điều mượn của thế gian của dục giới, mà là mượn, biết mượn, biết trả biết đi và biết về. Còn chính các nguyên-nhân luân hồi không biết mình đã bị luân hồi, mượn xác nầy là tạm mượn, tưởng đó là của Ta, chấp ngã, tất cả cái gì cũng của ta, thân của ta, vợ con của ta, tiền bạc của ta, đất nước của ta, nhà cửa của ta, nhưng chính thật không phải của ta, cái không phải của ta mới chính thật là của ta vậy.  Cái không phải của ta là chơn tâm, là bản thể, là hư linh của Thượng Đế truyền cho chúng ta ngày nay vậy.
Các nguyên linh hãy sớm trở về với chơn tâm, để kịp lúc thân tứ đại trả về cho tứ đại thì lúc đó mới thấy được Niết-Bàn hay Bạch-Ngọc. Còn không, sẽ do luật nhân quả báo đền phải luân hồi mà không bao giờ trông được ánh sáng huyền vi của Thượng-Đế. Các nguyên-nhân cũng đừng buồn khi phải luân hồi, vì luân hồi trong thời kỳ mạt hạ lại ngộ được Đạo Vàng, lại có Thần, Tiên, Thánh, Phật tùy duyên phổ hóa, thừa lịnh Thượng-Đế tá trần để dìu dẫn căn duyên thì âu cũng là căn lành muôn kiếp vậy. Nhưng có một điều, sớm giác ngộ, sớm hiểu chơn tâm, sớm quay về Chánh Đạo thì nhất định các nguyên-nhân sẽ thành Phật Đạo.
Các nguyên-nhân là Phật vị lai, là Tiên sẽ hiện thế. Nhưng Đẳng Giác Mâu Ni đã nói rằng: chúng sanh là Phật vị lai. Hỡi ơi! vị lai trong A tăng kỳ kiếp biết chăng còn trở thành chúng sanh hay tán ra trong thất tình lục dục, sẽ là Phật vị lại nhưng chưa là Phật vị lai, nếu gom được chơn tâm, tạo được phước duyên, luân hồi trong cảnh thiện thì nhất định sẽ ngộ được Đạo Vàng qui về với Chánh giới lên được Niết-Bàn là Phật vị lai. Nhưng vì sa đồ cám dỗ, ác trược vậy quanh, luân hồi nhằm nơi khốn khổ thì làm sao gọi là Phật vị lai trong muôn ngàn kiếp được? Đức Đẳng Giác Mâu Ni nói thế, là nói cho người thiện căn, chớ không dành cho kẻ bạo ác trầm luân. Đừng vì thấy thế mà vui, mà tưởng rằng để luật tự nhiên của Trời Đất đưa đẩy sẽ thành Phật vị lai. Nhưng trong những giờ phút thành Phật vị lai đó, các nguyên-nhân có chịu nỗi đoạn đường dài đăng đẳng trong cảnh luân hồi gió bụi nầy chăng? Nào là tình, tiền, danh, lợi đã đưa đẩy cho các nguyên-nhân sa vào ác trược, mê mãi nơi cảnh giả tạo nầy, tưởng là thật cảnh, muốn tất cả, muốn điều nào cũng là trường cửu cũng hiện hữu nhưng thử hỏi làm sao được? Nếu Thượng-Đế ân tứ cho các nguyên-nhân sống trường sanh bất tử, thử hỏi các nguyên-nhân có chịu cùng chăng? Nhứt định là lòng tham dục và tâm của các nguyên-nhân vô bờ bến sẽ nhận chịu lời của Thiêng-Liêng nhưng hỡi ơi! sự vật càng ngày càng luân chuyển, thế sự càng ngày càng đổi thay, tre tàn măng mọc đến lúc các nguyên nhân không còn gặp được người thân thích nữa thì thử hỏi các nguyên-nhân còn sống với ai trên thế gian tạm giả nầy nữa? Điều trường sanh đó tại sao không trường sanh, Tiên không luyện thuốc trường sanh? Tiên, Phật vẫn giữ được thân tứ đại nầy muôn đời, bất diệt, nhưng thử hỏi ở đó để làm chi khi cảnh thế gian đeo đắm thị phi ràng buộc, tứ đại ô trược muôn ngàn thì khi đắc được Niết-Bàn hay Bạch-Ngọc còn mến tiếc chi chốn trần nhơ tục lụy nầy? Các nguyên-nhân giờ đây mong mỏi được trường sanh bất tử lại không muốn trường nữa! Vì cảnh trường sanh chưa phải là Niết-Bàn hay Bạch-Ngọc, vẫn còn thị phi, vẫn còn trong thất tình lục dục, vẫn còn trong đeo dai, cay đắng. Hỡi ơi! duy có một điều là biết được chơn tâm, rèn được chơn ngã, thống được tam tài, Hườn Hư Đẳng Giác, giờ đó án ngự trên Niết-Bàn tiêu diêu cực lạc, cùng gió, cùng mây, cùng hư linh cao diệu, mới thiệt là chơn ngã cao siêu, chớ không còn thường nhân nơi thế tục. Hiểu được lý Đạo mầu siêu, hiểu được chơn tâm, thường trụ, bất diệt, trường miên, thì coi lý đời cũng như dòng nước chảy.
Kìa những dòng nước trôi xuôi, cành cây đang bị lôi cuốn, bọt bèo đang trôi đi, không bao giờ ngoái lại nhìn được Địa cầu nầy sẽ đến một thời kỳ chuyển động, sẽ có Tiên, Thánh, Phật lâm phàm hiện thành hữu chất cho nhân gian thấy rõ. Thiện cũng được thấy, ác cũng được thấy, ác thấy để hối hận rồi luân hồi, thiện thấy để được nhìn rõ điều huyền nhiệm từ trước đã tạo thành đến nay, thì thử hỏi, gần kề ngày Long-Hoa, không tạo được phước duyên, không rèn cho mình một cơ bản cao nhiên thì làm sao gặp được Đấng Từ Linh cao diệu?
Người người thường nói: tới ngày Long-Hoa, tới ngày tận thế cảnh điên đảo của chúng sanh, nếu nhập vào chơn tâm thì không có điên đảo, mà cũng không có tận thế. Vì tâm người điên đảo, vì chúng sanh điên đảo, vì thế tận, chớ tâm người không tận, tâm thường trụ, trường miên, bất tử, vô diệt, vô sanh, có gì là lay động đâu, có gì là điên đảo, nhưng tại người điên đảo. Giờ nay, Bần-Tăng chuyển tứ huệ linh trong Huỳnh-Đạo, không phải riêng nơi đây mà còn muôn ngàn nơi khác để chiếu huệ linh, tùy duyên phổ hóa, một lời nói của Bần-Tăng mong rằng cảm hóa được chơn-linh còn đang đắm say trong trầm lụy. Có điều là tin cũng phải xét, chớ không phải vừa nghe là tin, mà rồi không xét  phải xét lý chánh của Đạo mầu siêu việt, xét theo lý trường miên của bí pháp cao nhiên mới tin lời của Bần-Tăng vậy. Xét điều nào đúng với chơn-tâm, chơn lý mới hành theo, mới nghe theo, đó gọi là chánh tín. Tà ma quỉ quái muôn nơi ngoại pháp dẫy tràng, chúng cũng nói được chơn lý nhưng chơn lý trong đoản lạc, trong luân hồi, trong cấp thời, trong nhất thể, chơn lý đó các nguyên nhân hãy thận trọng lấy, coi chừng sa vào những cám dỗ của Ma vương. Điều nào nghĩ tuyệt diệu cao siêu, trường miên bất diệt, đó là điều Chánh pháp cao nhiên của Phật Đạo đã truyền ra, điều nào cấp thời nhất thiết, nhứt kiếp hủy tàn đó là điều Ma vương cám dỗ vậy.
THI BÀI
     Khai đuốc tuệ Đạo mầu ứng hóa,
     Điểm Môn đồ chí cả cao siêu,
          Đạo mầu năng luyện sớm chiều,
Lành còn dữ mất gần điều phạt răn.
     Nay thân thế Bần Tăng xót dạ,
     Chuyển từ linh vội tả vài câu,
          Cho chung hiểu rõ nhiệm mầu,
Ngày Long-Hoa hội nhịp cầu thưởng ban.
     Khai Huỳnh-Đạo khoa tràng gần đến,
     Mong chư hiền xa bến luân hồi,
          Ầm ầm sấm nổ chiều mơi,
Chuyển luân Trời Đất, thay đời Thượng Nguơn.
     Ngày nào thấy Thất Sơn lộ vẻ,
     Là huyền vi vạch hé nơi đây,
          Nam Bang có Đạo, có Thầy,
Có Trời Đất hiện hội nầy cứu nguy.
     Đền Linh Khứu quyền uy chiếu ứng,
     Hóa hào quang sửa dựng Đạo Vàng,
          Linh Tiêu Ngọc Đế khoa tràng,
Còn đang trương bảng tai nàn thế gian.
     Đây đến đó còn đang diệu vợi,
     Nhưng kề bên Đạo ngỡi năng gìn,
          Tri hành vẹn vẻ đức tin,
Trời nghiêng Đất lở tâm mình không xao.
     Vậy mới đúng lý cao Phật Đạo,
     Đúng tiên tri hoài bão cơ huyền,
          Đời nầy có Phật, Thánh, Tiên,
Xuống phàm tế độ nhiệm huyền khắp nơi.
     Gần đến buổi rã rời thể chất,
     Khắp hoàn cầu còn mất chưa hay,
          Phải toan vì Đạo hội nầy,
Rèn tâm kiên chí trên Thầy chứng minh.
     Giữ làm sao tâm mình bất động,
     Mặc dầu đời khởi sóng tà luân,
          Lời Thầy giảng dạy khâm tuân,
Sớm chiều năng luyện phải vâng lời vàng.
     Còn thế tục phàn nàn điên đảo,
     Tại tâm vàng chưa tạo tịnh hòa,
          Cho nên lộn cảnh bà sa,
Tạo điều ác trược khó qua hội kỳ.
     Đường dặm dặt đúng kỳ sẽ tới,
     Gọi nguyên căn ráng đợi Thiên-Tôn,
          Giồi trau bản thể linh hồn,
Kỳ Ba Vương Phật non Côn xuất trần.
     Nghe sấm nổ Chư Thần xuất hiện,
     Có trăm quan hóa biến đúng kỳ,
          Người còn người mất hiện thì,
Đều ra phân tội phước kỳ hai bên.
     Đó mới đến luật bền nhơn quả,
     Cuối hạ nguơn vàng đá thay màu,
          Trên Trời ứng hiện mù cao,
Thánh, Thần, Tiên, Phật tay trao nhiệm huyền.
     Con của Phật, con Tiên, con quỷ,
     Đều được thi bí chỉ linh thông,
          Thoát qua khỏi cảnh trần hồng,
Trở về cựu vị khỏe lòng nguyên-nhân.
     Nay gần đến Phong Thần diễn biến,
     Cảnh trần gian  bao chuyện lửa binh,
          Sa trầm, thăng cũng tại mình,
Giờ đây vẹn giữ Thiên-Đình ban ân.
     Điều thứ nhất là sân đừng chấp,
     Đó nguyên-nhân gọi thấp cùng cao,
          Luân hồi kìa trước với sau,
Là “sân” nguồn gốc khó vào Tiên-Bang.
     “Si” cũng chấp Niết Bàn đâu đến,
     Nếu si rồi còn chểnh mảng gì?
          Đạo Vàng cố gắng bước đi,
Gìn trong Chánh Pháp nghĩ suy cho tường./.
                     Thăng
                                               

PHẬT THẦY TÂY AN


TÂM VIÊN Ý MÃ
30 tháng 10 Ất Tỵ 
(22-11-1965)
THI
TỪ             khiết quang như hiện Bửu đài,
TÔN          hành pháp đạo lánh trần ai,
THƯỢNG thừa kim viết ân hà tại,
ĐẲNG       tứ cao linh khắp triển hoài,
            thượng triều thiên ly thế tục,
CỰC          hòa bái mạng thọ linh oai,
MẪU         hoàng hạ giới phong tâm pháp,
NGHI        tiết hóa nguyên nhẹ thảo hài.
          MẸ mừng chung các con. miễn lễ Cửu Nương cùng Thần, Tiên, Thánh, Phật triều ngự MẸhôm nay.
          Nầy các con, từ Thượng giới huyền vi Diêu Trì siêu thượng, Mẹ giá ngự hôm nay vì tấc lòng thành của các con đã động thấu chín từng mây. Các con ơi! sở dĩ Tam niên Đại Xá của Mẹ xin cùng Thượng Hoàng là vì các con đại căn duyên tiền định, nhiều kiếp xưa lăn lộn khổ nhọc chốn trần ai, đã có nhiều công, nhiều quả, đức dầy Đạo cả cùng Mẹ hôm nay, nên giờ đây thọ lấy tâm pháp từ-bi hầu trở về cựu vị. Mẹ thường khuyên lòng Mẹ mênh mông như không gian to rộng, tình thương con chan chứa như vũ trụ bao la, với đức từ bi thương cả muôn loài vạn vật, nhưng các con là phần linh nhân hữu cảm, cho nên Mẹ truyền từ quang chơn thuyết để cho các con hiểu  Mẹ rành thông hầu cảm ứng lời Mẹ hôm nay; trong muôn loài vạn vật, Mẹ cũng tùy duyên hóa độ hầu có tiến tới ngàyLong-Hoa đại hội.
          Phần các con Mẹ từ bi đại điểm cho chung nữ nhi là cảnh khổ trần gian thường tình thế tục, các con phải bước qua những điều lục dục hầu rèn đúc kim thân. Giờ đây Thánh, Thần, Tiên, Phật đều hạ phàm trợ thế trong kỳ ba mạt pháp, nhưng lũ ma vương ác Đạo cũng vẫn hoành hành trong cõi tục trầm hôn. Vậy các con gắng lừa lọc cho toàn vẹn, sa chơn một chút mà e thẹn đến muôn đời. Chánh pháp của Mẹ, Mẹ truyền đây cho các con rõ phần siêu thượng vô vi Huỳnh Đạo Tam Thiên Xiển Giáo là niệm lấy Đức từ bi Di-Đà nữ phái, Thượng Tổ Tam Thiên nam giới tuân hành, chớ không niệm chữ chúng sanh để xa lìa nguồn cội. Các con quên đường lối phải sa chốn lục Đạo luân hồi. Trong thời kỳ điên đảo, nếu các con vì vọng ảo, vô minh sẽ bao phủ, tà khí nhập tâm thì dù Mẹcó thăng, trầm cũng uổng lời kêu réo vậy. Các con phải giữ mình đừng che đậy lỗi lầm, nếu các con thọ pháp chí tâm thì Mẹ sẽ truyền lằn linh điển.
          Từ đây chú tâm về phần Trung Ương mà thôi, lo hợp hòa tình huynh đệ, thống thiết với từ bi, qui nguyên về nguồn cội, đừng vì chút mê si  ảo vọng của các con đem phần tà kiến hữu sắc nhập tâm, tất nhiên là tâm con vọng ngoại, sẽ vì ngoại cảnh mà luân hồi ngàn kiếp vậy.
          Đây Mẹ giảng cho nữ nhi về phần tâm pháp từ chương Mẫu-Nghi điểm huệ: tâm của nữ nhi thường vọng ngoại cho nên điều chi bên ngoài thường nhập vào tâm linh, cho bên ngoài là thiệt, điều thấy của các con hôm nay là chơn, nhưng các con nhớ rằng tâm của các con từ hư linh huyền nhiên diệu hóa mới chính thiệt là chơn, chớ tâm hiện giờ đang tàng ẩn trong thân xác của các con cũng chưa phải là chơn tâm vậy. Đó là tâm viên, còn kia là ý mã, cho nên lời từ chương thánh-huấn, Phật ngôn truyền cho các con là đừng để cho tâm xao động như khỉ nọ chuyền cành, đừng để cho ý kia lìa đồng nội. Đó là tâm viên ý mã. Điều ngoài các con thấy đó là nhập tâm thì làm sao các con rõ chơn tâm, cứ để cho vô minh bao phủ chơn tâm các con không thể thông suốt được lẽ huyền nhiên cao diệu, điều thấy ở bên ngoài các con phải suy xét cho tận tường, giữ chơn tâm như giữ thân thể, như một bảo vật thường hành thường trụ. Kìa! chơn tâm là viên ngọc quý, nếu các con lau chùi thì sẽ sáng trong anh, nếu các con đem để nơi ngoài tất nhiên bị bụi bám cho nên tâm của các con cũng vẫn còn viên mã thì điều trong sáng đó làm sao thể hiện được nơi lòng. Các con ơi! đừng để bụi bám, giữ tâm như ngọc, gìn lòng như gìn châu, điều ngoại quang hình đừng tóm thâu mà phải mang nhiều khổ lụy!
          Đây Mẹ kể một chuyện ngày xưa cho các con nghe:
          Trước kia vào kỷ nguyên đệ nhứt, trong thời Đẳng Giác Mâu Ni giáng sanh nơi Phật quốc thì có những điềm lành báo hiệu. Sau khi thuyết minh Chánh giáo, hoằng hóa muôn nơi, đến một nhà phú hộ giàu có muôn xe, biết bao nhiêu là người hầu hạ. Nơi đó Đẳng Giác Mâu Ni muốn độ mới truyền cho A-nan cùng Ca-Diếp đến nơi hỏi như vầy:
          Nầy Ông Phú-hộ, Ông có điều chi gọi là quý báu nơi gia đình?
          Ông Phú hộ nói rằng: ngọc ngà, châu báu, mã não, san hô, điều chi mà chẳng có!
          A-nan nói: trân châu, mã não, ngọc ngà, san hô đều có trên thế gian cũng dễ kiếm, ông còn thiếu một điều.
          Phú hộ rằng: điều chi? A-nan đáp: đó là viên ngọc quý nhất trần gian, người không tầm kiếm được.
Ông nhà Phú-hộ hỏi mua. A-nan đáp rằng: nó với một giá đắc vô cùng! Nhà Phú hộ hỏi bao nhiêu? A-nan đáp vô lượng? Nhà Phú hộ đòi đổi cả gia tài. A-nan vẫn lắc đầu từ chối. Nhà Phú hộ đòi đổi tất cả sự nghiệp phu, phụ tử để đổi lấy viên ngọc trong lành. A-nan cũng vẫn chối từ. Nhà Phú hộ chẳng bằng lòng và hỏi giá bao nhiêu để mà đánh đổi. A-nan đáp chỉ cần có tâm minh trong sáng, giữ lấy Đạo pháp cao siêu, xem thường tục lụy, coi mình là giả, coi tất cả chẳng trường tồn, đức hy sinh trọn vẹn. Đó chính là viên ngọc vô giá vậy.
          Nhà Phú hộ mới thức tỉnh rằng: tất cả đều tạm giả nơi trần gian, chỉ có tâm lành chẳng có khơi động bên ngoài, không tham điều trần tục, không nghe chuyện huyển hoặc trầm luân thì càng ngày tâm càng sáng, trí càng quí, tin tưởng nơi Trời Phật để chọn con đường duyên chơn giác, đừng vì mê si cho điều huyền diệu nhỏ nhặt nơi trần gian là trường tồn hay lý Hạ ngươn Mạt Pháp mà gọi rằng hay, chính thiệt là ngụy thuyết của ngoại Đạo tả luân cám dỗ chơn tâm của các con xa rời bản thể là vậy.
          Các con ơi! đừng vì cảnh trầm luân, cũng đừng vì cuộc đời tao loạn mà ngừng điều trường miên, vì cuộc đời của các con cũng không còn mấy chốc bỏ lại trần gian, nếu phải điều bệnh hoạn, cơ hàn chắc các con cũng phải than van cho thế tục thì ngày nay Thầy đưa các con khỏi đều sắc dục,Mẹ dẫn các con khỏi lối luân hồi, tại sao các con cũng khó đứng, khôn ngồi vì tiếc tiền, tiếc bạc, ham vọng, mến danh? Con đường Huỳnh Đạo siêu thâm, nếu các con một lòng rưng cầm xông lướt thì các con sẽ được qua mọi truông, tránh ác thú để đến nơi cảnh Tiên nhà Phật vậy.
THI BÀI
     Trên Thượng giới hào quang ngự tỏa,
     Mượn bút vàng chuyển xá từ chương,
          Lòng vàng Mẹ rất mến thương,
Đêm thâu giáng điển canh trường cạn phân.
     Con nam nữ ân cần nghe dạy,
     Giữa Thiên đài thì phải chung lo,
          Thương con Mẹ mới dặn dò,
Thương con Mẹ mới truyền pho kinh vàng.
     Con có biết con đàng tục lụy,
     Cảnh luân hồi quái quỉ khắp nơi,
          Chạnh lòng Mẹ chuyển đôi lời,
Từ nhiên hạo khí con ơi vẹn hành.
     Nếu nhứt quyết lòng lành giải thoát,
     Thì kiếp nầy con đoạt hư linh,
          Về trên Thượng giới Thiên-đình,
Gác điều danh lợi tự mình sửa trau.
     Kìa trên cảnh động đào êm ả,
     Chiếu hào quang thong thả khắp nơi,
          Đó là cảnh sắc của Trời,
Chờ con tròn phận không lơi công trình.
     Con phải biết tự mình gánh lấy,
     Nào quả công phải quấy anh em,
          Đua đòi bí pháp lấn chen,
Học hành Kinh Sám làm quen Thánh Thần.
     Hơn là chuyện xa gần danh lợi,
     Còn hơn điều đạo ngỡi thế gian,
          Con ơi! một mối Đạo Vàng,
Muôn năm mới mở khoa tràng nơi đây.
     Xa một chút là Thầy buồn tủi,
     Rời một ngày Mẹ chỉ buồn thương,
          Con thì thế tục đoạn trường,
Thượng Thiên Mẹ luống tình thương u hoài.
     Thương trước kia Cao-Đài vội mở,
     Ngày hôm nay đương trở Đạo-Huỳnh,
          Sắc truyền ở trước Bửu Đình,
Thống qui Tam Ngũ huyền linh mới bày.
     Con có biết ngày rày trần tục,
     Mảng đeo mang sắc dục lợi danh,
          Hiệp hòa chơn lý mới thành,
Tạo điều bác ái để dành hôm nay.
                             DIÊU TRÌ KIM MẪU


TÂM CHUYỂN PHÁP –
                     PHÁP CHUYỂN TÂM.
1 Tháng 1 Bính Ngọ
                                                                                                (20 -1 -1966)
THI
HỒNG      ân chuyển tứ tại Nam phương,
QUÂN       vị Hoàng thơ sắc Đạo trường,
THƯỢNG đức cao phi hồi Bạch Ngọc,
TỔ            ân viễn thấu hóa đài chương,
SIÊU         thừa con gắng hành cho trọn,
THIÊN      Địa ngao du ấy sự thường,
LÂM         thế THẦY khuyên nên vẹn giữ,
ĐÀN          Xuân chứng ngự tại Trung-Ương.
          Nầy các con! Thầy giáng ngự lâm đàn giờ nay, các con tịnh tâm yên tọa nghe Thầy giảng về Tâm-pháp cao siêu:
“ Tâm chuyển Pháp” hay “ Pháp chuyển Tâm”
          Thầy giảng về “Tâm chuyển Pháp”
Thầy truyền cho các con Tam Thiên Bí Pháp trong thời kỳ tàn nguơn mạt hạ là mong các con trở về với linh quang tối thượng, thống Tam tài ngự trên Ngũ khí triều nguơn, đi trong chơn như hiển hóa hầu trở về nơi cội cả hư vô. Các con ơi! trong khi các con luyện pháp đừng cao vọng điều chi, ngoài ra Thầy đã cân lường mức độ của các con nên truyền từ chương sấm huấn để các con noi theo, ban mật pháp siêu vi để các con hành tròn nhiệm quả. Các con đừng quá để tâm phàm lôi cuốn tự cho mình rằng đắc Đạo, tiếp được tất cả điều cao siêu huyền diệu, quên rằng các con còn trong thời kỳ luyện pháp. Nếu các con có được một đôi phần huyền diệu, đó chính là “Tâm chuyển Pháp”. Hễ tâm thì vẫn còn thanh, trược lẫn lộn vàng thau, vì thường nhựt các con vẫn còn là máu đào xương trắng, thọ bẩm của thế gian đa mang dòng ác trược từ lúc ra đời đến nay thì làm sao tâm các con không xao động. Hễ vọng về pháp tức nhiên tâm con chuyển, mà tâm chuyển thì không có điều gì gọi là chơn lý siêu nhiên, chỉ có vọng tâm, dầu trong vọng tâm có phần chơn tâm thì các con cũng chưa toàn vẹn được chánh pháp cao siêu. Ngoài ra điều Thầy dạy dỗ, “Tâm chuyển Pháp” là khi các con không hành tròn theo Thiên lịnh, vẫn tự phụ trên đường bí chỉ cao siêu, cho rằng sẽ đắc Đạo Linh Tiêu mà quên lời Thầy dạy dỗ.
Nầy các con! trần gian là chổ nhuốc nhơ để phân phần thanh trược. Tâm của  các con cũng vẫn còn phần trược thì điều thanh chưa chắc hẳn đã vẹn toàn, nên Thầy mới hào quang chánh đàn truyền dạy, sao các con không tùy nơi lẽ phải mà thi hành cho đến buổi Long-Hoa? Vì các con còn mang nặng nợ trần sa nên Thầy chưa truyền phần Thượng-đẳng nhứt nguyên là thế đó! Các con ơi! công có khó thì Đạo mới cao, đường có dài mới biết người kiên nhẫn. Pháp vẫn giũa mài cũng như người đục núi, chí công hành Đạo Chánh pháp vô ưu. Thế các con mới cổi được tâm trần xác tục trở về với Thầy nơi Thượng giới hư linh, đừng để tâm xao xuyến, cũng chẳng để chút giận hờn. Hễ con vọng về pháp cao siêu tất nhiên Tâm con chuyển Pháp. Tâm thuộc về Trung Ương Mồ kỷ Thổ, Trung Ương tất nhiên các con sẽ thấy điều chi? Đó là tâm hỏa, tâm hỏa tất nhiên sẽ chứa nhiều sân nộ, khi sân nộ là do nơi các con đem tâm để chuyển pháp, chớ không để “Pháp chuyển Tâm”, cho nên lòng vẫn rộn ràng vì thế tục. Vọng pháp nhưng chưa chắc đã đoạt được chánh pháp cao siêu. Lời Thầy truyền  cho các con ngày hôm nay phải ghi nhớ, đừng để tâm chuyển pháp, để cho Thầydùng huyền nhiên chi khí trong những ngày giờ giây phút mà các con luyện Đạo. Đó chính là pháp chuyển tâm. Các con mới phát phần huệ điển, nếu để tâm chuyển pháp các con cũng phát huệ nhưng huệ trong một thời gian, cũng hiểu nhưng hiểu với trí phàm tục, cũng biết nhưng biết với lòng nhân thế cuồng si. Điều đó là Tâm chuyển Pháp, chớ nếu để tự nhiên cho Thầy, Thầy sẽ dùng huyền diệu cao siêu chơn truyền chánh yếu ban cho con, tuy chậm mà đến nơi, tuy xa vời mà kề cận hơn là tâm chuyển pháp gần bên mà linh hồn không thoát khỏi ngoài thể xác khó được ngao du.
“Tâm chuyển Pháp thường sanh sân nộ,
Pháp chuyển Tâm công khổ đắc thành”
          Con ơi! nếu ngày nay còn danh, còn lợi, còn tất cả điều trần trược phàm gian dính líu nơi thân tâm thì tâm chuyển pháp của các con, đó là điều hại vậy. Để tự nhiên cho Thầy điểm Đạo, để hư-không cho các bậc Thiêng-Liêng mới ban huyền diệu vào trong, đừng để tâm chuyển pháp mà nơi lòng sanh ra vọng hỏa, Thầy khó cứu kịp buổi Long-Hoa! Pháp chuyển tâm. Thầy giảng: nếu các con để tự nhiên ngày nầy, tháng nọ, từ điễn của Thầy truyền ra hào quang của Di-Đà ban xuống, lần hồi biết một, rồi mới đến hai, biết hai tất nhiên các con sẽ biết lần đến muôn triệu, điều biết của các con trong hư vô trong luyện pháp, trong những giờ minh tánh kiến tâm. Đó là “Pháp chuyển Tâm”,tuy lâu nhưng vẫn là chơn chánh, tuy các con thấy xa vời nhưng là đường thành tựu chẳng chút cam go, còn để tâm chuyển pháp chẳng dò được máy huyền vi thì ngày kia khó suy được lý mầu-nhiệm, không phát huệ, chẳng được huyền thông. Thầy khó cứu đến ngày Long-Hoa Đại-hội. Pháp chơn thường siêu lý của Thầy là để cho lý tự nhiên, đúng ngày giờ Thầy điểm Đạo, các con sẽ được thần thông cao huyền đại điểm, đừng để cho tâm trần cuộn rối, điều nào thấy được trong hư linh, điều biết được ngày nay chưa phải là của tự mình mà của Thiêng-Liêng ban xuống, các con cũng vẫn yên lặng tu trì, tất nhiên sẽ đắc thành  trong ngày giờ cuối cùng Thầy ân thưởng. Muốn đắc ngày nay, muốn thành Đạo ngày mai, muốn huyền thông trong phút chốc, tất nhiên Tâm chuyển Pháp sẽ sa vào chốn ác trược ma-vương. Thầy dặn dò các con kỷ lưỡng.
          Trong lúc Tân niên Thầy chẳng biết ban chi cho các con, Thầy sẽ dùng huyền nhiên truyền từ linh đài, huyền quang khiếu. Vậy mỗi con định thần tập trung tư tưởng, đem lằn điển ngay huyền quang khiếu cảm nghĩ nơi đó, Thầy sẽ truyền huyền nhiên cho, sẽ thấy huyền diệu nơi trên.

     Tiêu diêu nước nhược non bồng,
Luyện thành Đạo quả cõi lòng không vương.
     Giờ nầy Đạo-pháp con nương,
Ngày sau chánh lý chơn thường hoằng khai.

Niên Ngọ Thầy truyền pháp huệ linh,
Cho con nam nữ thọ siêu hình,
Đường về Thượng giới không xa lắm,
Tiên Phật từ nay cũng tại mình.

     Mình con luyện pháp Tam Thiên,
Di-Đà lục tự thoát miền tử sanh,
     Con ơi! chánh diệu từ lành,
Hào quang Thầy chuyển đắc thành hậu lai.
          Trong giờ phút các con tịnh tọa dùng tất cả Đạo pháp siêu thâm luyện được sẽ tập trung nơi huyền quang khiếu. Có nhiều con đã cảm thấy nơi đó lằn từ nhiên quay quần truyền xuống. Lành thay! Lành thay!
          Tân niên Thầy ngự Siêu đài,
Lục Long vừa hạ vào ngày sơ giao.
     Hào quang tỏa trước sau đài nội,
     Nữ nam triều nhạc trỗi mười phương,
          Con ơi! Thầy nhỏ tình thương,
Điểm hòa huyền diệu từ-chương đêm nầy.
     Con đã biết lòng Thầy thương xót,
     Thừa Lục Long cởi hạc lâm trần,
          Vì rằng đeo đẳng xác thân,
Nên Thầy không thể triệu thần xuất du.
     Về nơi cảnh thanh-u tao nhã,
     Bỏ kiếp nầy kịp khá nêu gương,
          Xuân qua là lắm đoạn trường,
Bao nhiêu Xuân nữa thoát đường tử sanh.
      Con thọ được Đạo lành cao diệu,
     Có Thầy truyền chiếu triệu hào quang,
          Thường đêm chuyển hóa chánh đàn,
Thần, Tiên, Thánh, Phật hội hàng nơi đây.
     Con bình tâm nghe Thầy giảng giải,
     Đạo-pháp truyền nào phải cao xa,
          Nhìn người nhìn lại thân ta,
Nhìn đời con thấy ngày qua dập dồn.
     Xem cuộc thế hàn ôn đã diễn,
     Rõ máy Trời luân chuyển mười phương,
          Xuân nầy Thầy trải tình thương,
Còn bao nhiêu nữa thoát đường nguy vong.
     Thầy ban tứ Lạc-Hồng Huỳnh Đạo,
     Các con giờ nầy tạo siêu quang,
          Hiện trong chánh-pháp Đạo Vàng,
Từ-Bi nhuần gội trong hàng căn duyên.
     Thầy đã sắc-lịnh truyền khắp chốn,
     Tính lại coi còn bốn năm vừa,
          Mùi thiền cam chịu muối dưa,
Đó là nền tảng thượng-thừa con ơi!
     Mặc nhân thế cõi đời tranh lấn,
     Con giữ lòng cẩn thận đừng than,
          Trước kia Thầy mở Đạo Vàng,
Thường hành nhắn nhủ con tàng hay chưa?
     Đời, Đạo khảo gió mưa luân chuyển,
     Hể bốn mùa hóa biến tiếp nhau,
          Bình yên rồi đến ba đào,
Thanh nhàn rồi cũng khổ đau trăm lần.
     Đạo lúc thạnh cũng cần lúc hạ,
     Lúc cao thanh, lúc rã lúc hòa,
          Con ơi! Con phải nhìn xa,
Có chơn, có chánh, có ma có người.
     Lúc con được vui cười hạnh hưỡng,
     Có lúc thì vô lượng khổ đau,
          Mẹ Thầy thường nhủ trước sau,
                             Là cơ thử thách bước vào Thượng-Nguơn.
     Xuân nay đến tiếng đờn huyền  diệu,
     Thầy trỗi lên Ngọc kiệu từ nay,
          Rước con về đến Liên-Đài,
Rồng Thiên còn đợi hạc rày còn trông.
     Kìa những cảnh bá tòng sương đượm,
     Buổi bình-minh vừa nhuốm mầm non,
          Đợi chờ đưa rước các con,
Hồn linh thong thả vuông tròn Đạo Cha.
     Xuân nay đến gọi là cao diệu,
     Pháp con hành Thầy chiếu huyền năng,
          Xuân nay cố gắng Đạo hằng,
Qua hồi khảo đảo thoát lằn đạn tên.
     Xuân bước đến đừng quên nghĩa vụ,
     Trả cho tròn hội đủ từ-bi,
          Xuân về chớ có màng chi,
Con ơi, sắp cảnh loạn ly hầu kề.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
     Xuân Thượng-Nguơn khai kỳ Đạo quả,
     Sống muôn năm thong thả theo Thầy,
          Xuân trần hỏi có chi đây,
Mỗi lần qua lại đưa tay con lường.
     Xuân hễ đến đau thương cũng đến,
     Con tính coi gần bến luân hồi,
          Xuân nầy con tính kỹ rồi,
Xuân sau đắc quả con ơi thanh nhàn.
     Lời Thầy dạy trang hoàng tất cả,
     Bính-Ngọ niên đại xá Tam-kỳ,
          Lời Thầy dạy đủ từ-bi,
Mong rằng con trẻ dự thi bước vào.
     Tiên tri để lời trao con hiểu,
     Bính-Đinh cùng hỏa liệu Nam-Phương,
          Ngày nay Thầy mở Đạo trường,
Cứu con qua khỏi con đường nguy cơ.
     Xuân đã đến chẳng chờ chi nữa,
     Buổi tàn thu dậy lửa biên thùy,
          Tam phân thiên-hạ ai-bi,
Đô-thành máu lệ còn chi cuộc trần.
                  Thăng
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
HỒNG QUÂN-THƯỢNG-TỔ

******************************************






SỰ  CẢM  ỨNG
                                7.7.năm Bính Ngọ         (22.8.1966)
                   THẦY mừng chung.
THẦY       xuống cuộc trần bởi các con,
THƯỢNG       thừa cố gắng luyện chu toàn,
TỔ            hành Đạo-pháp thông Tam giới,
GIÁNG     bút Đài-Liên lắm mõi mòn.
NGỰ         tứ giờ lành ban siêu pháp,
SIÊU         hoa Long-Hội lập Năm non,
THIÊN      thời địa lợi kỳ phong vũ,
ĐÀI           Thượng con ơi, gắng vẹn tròn!

Tròn luật Thiên-thơ đến với Thầy,
Lòng mong trẻ dại thượng Cung mây,
Thời cơ mạt hạ nhiều cay đắng,
Không lẽ trầm luân mãi thế nầy?

Nầy hỡi con hiền gắng, gắng thêm!
Có Thầy chuyển tứ ở bề trên,
Tam-Tòa thường hộ con cầu nguyện,
Chí Đạo Từ-bi mãi vững bền.

Bền vững chơn duyên với Mẹ Thầy,
Thương con trần-tục dạ nào khuây,
Bao nhiêu lời dạy con chưa đủ,
Cố gắng đêm thanh xuống cõi nầy.

Nầy đây Thầy dạy gắng nghe con!
Thế sự từ nay sắp mõi mòn,
Chểnh mảng không rồi duyên Đạo Pháp,
Thuyền từ tách bến khó, nghe con!

Con tưởng rằng đây được cảnh nhàn,
Quên rằng cuộc thế sắp thương tang,
Dại gì bỏ việc muôn ngàn kiếp,
Danh lợi mà chi với bạc vàng?

Vàng bạc từ đây chịu đắng cay,
Thương Thầy vì Mẹ chớ kêu nài,
Đợi kỳ ban thưởng cho con trẻ,
Ơn đức từ-bi lắm lắm dày.
          Thầy miễn lễ con Tam-Giáo cùng các con tọa thính nghe Thầy giảng về Tâm-pháp siêu vi.
          Nầy các con ơi! lòng Thầy từ-bi vô lượng, các con thường vọng ngưỡng Thiêng-Liêng, nhìn cảnh thế-sự đảo huyền mà lòng Thầy thêm chua xót. Đôi điều ngon ngọt Thầy đã dành dỗ các con. Kìa là cảnh thế-sự dời đổi, núi non điêu tàn trong binh lửa, chỉ tan tành trong một bữa là dựng lập lại Thượng Nguơn. Các con ơi! đừng vì chút mê si mà đeo theo vòng vọng tưởng, nào các con có được hưởng gì đâu? Toàn là những chuyện khổ sầu chìm sâu vào vòng trầm lụy. Thầy thương con nên truyền lời cao quý mong các con tỉnh ngộ buổi kỳ cùng, hợp sức hòa chung vẹn tâm đại-hùng theo Thầy qua bến giác. Ngày kia, con thông đạt sẽ đứng trước đài liên nắm máy diệu huyền cùngThống Qui Tam Ngũ. Đến giờ đó, các con sẽ được hòa quang chói rạng, là do công đức ngàn đời mật pháp siêu vi. Trong buổi hạ kỳ là thời hỗn mang của thế-sự, nào là những việc dữ mang mang, điều thiện chẳng được chu toàn, biết bao nhiêu là giả cảnh trái ngang, người tu thường mang lấy hàm oan khảo thí. Các con đừng suy nghĩ nên cố gắng nhứt tâm, vì thế tục nên mới lạc lầm, thôi các con nên từ-bi hỷ xả. Đã là người Đạo-pháp cao siêu thì nên tính việc thương yêu, còn ít nhiều vọng tưởng ơn kia Thầy sẽ ban vô-lượng với kiếp sống trường miên hơn là cảnh oán cừu của trần nhơ tục-lụy. Thầy vì các con nên hạ phàm chuyển bút, đôi khi các con có vài phút nghĩ suy chẳng biết Thầytừ đâu đến, Thiêng-Liêng từ cõi hư-vô là nơi nào truyền xuống? Thầy giảng về tâm-pháp đôi vần cho  các con nghe về phần cảm ứng.
          Cảm ứng từ hư-không cao diệu, từ chốn vô-vi như hiện thời đây các con hãy bình tâm ngheThầy hỏi, rồi trả lời cho thông suốt hầu đoạt lấy Tâm-pháp nhiệm mầu với lý cao sâu mà Thầy truyền cho các con hiện tại. Như giờ đây, các con nghe kỹ Thầy ban cho một trái chanh. Trái chanh kia sẽ vắt thành nước, Thiên-Vân từ từ uống vào, trái chanh đó thật là chua mà con phải uống. Con nghe kỷ để trả lời Thầy: chanh kia Thầy vắt từ nơi trái chanh để con thọ lấy nước thật chua, con từ từ uống vào. Con nghe Thầy nói như thế, con cảm thấy thế nào, trả lời chung được rõ. Chanh chua Thầyvắt  nước cho con uống vào con cảm thấy thế nào? – Thiên Vân: -Cảm thấy chua. Tự nhiên con nghe Thầy nói truyền rao con thọ nước chanh chua con cảm thấy chua. Tất cả các con hiện tiền, Trung Tôn Bửu vị cũng cảm thấy như thế vì chanh chua. Vậy Thầy hỏi:- Chanh chua hay là cảm thấy chua? Thiên Vân trả lời: …..
          Con cảm thấy chua, tự nhiên tân dịch từ nơi lưỡi chảy ra có phải chăng? Vậy thì chẳng phải chanh chua mà do đâu chua vậy? Thế là con cảm thấy nơi lưỡi chua có tân dịch tiết ra, tại vì chanh chua, nhưng chẳng phải chanh chua. Vì đâu con cảm thấy chua? Vì con nghe Thầy nói. Thì tiếng nói đó do đâu mà có vậy? Phải chăng là do tai nghe? Con nghe, tai nghe sao lưỡi tiết ra tân dịch, mà tai không tiết ra tân dịch thì cũng chẳng phải tại tai nghe. Con nghe Thầy giảng: chanh không phải chua, nếu chanh chua thì chanh đã nói chua; cũng không phải tai nghe chua, nếu tai nghe chua thì tại sao tai không tiết ra tân dịch? Nếu nói tại lưỡi cảm thấy chua nên tiết ra tân dịch, thì tại sao lưỡi không nghe mà tai lại nghe? Điều đó cũng như là lằn Thiên-điễn Thầy truyền xuống cho các con vậy. Hễ cảm tất nhiên là có ứng; điều cảm là các con tưởng rằng một trái chanh chua rồi tự nhiên tân-dịch tiết ra nơi thân bằng hữu chất, còn lời nói của Thầy từ hư-không truyền xuống bằng tai nghe chớ chẳng phải bằng lưỡi nghe, thì nơi đây các con cầu nguyện với tâm-linh, từ hư không Thầytruyền xuống quang điển: điều kết quả là tân dịch tiết ra, đó cũng như công tu hành của các con ngày nay vậy. Không thấy chanh chua nhưng biết chanh chua, biết chanh chua tự nhiên tân-dịch tiết ra. Đó là kết quả ngày sau của các con vậy. Hễ có cảm tất nhiên là có ứng.
          Giờ thiêng các con cầu nguyện, Thầy động tâm-linh hạ phàm là vì thế đó vậy!
          Từ nay các con nên suy nghiệm lẽ huyền vi của Tạo-hóa. Điều ứng vận của Thiêng-Liêng, đừng ưu phiền vì việc nhỏ nhen của trần-tục. Chung quanh các con hiện giờ đây  có muôn Đạo hào quang, mỗi tia vi-trần của hào quang đều có vị Bồ Tát Thiên-Tinh lâm phàm triều ngự Thầy vậy. Tuy các con mang xác trần còn tính điều phải quấy, nọ kia chớ phần Thiêng-Liêng cao diệu hễ cảm tất nhiên là có ứng vậy. Phải ráng cầu nguyện thành tâm để có ứng linh vị quả cho các con.
          Vì thời cơ sắp đến, cảnh biến thiên đã gần kề, Thầy sắc-lịnh cho các con lập thành nơi TRUNG, HẬU-GIANG. Không phải đó là Tòa Đại Diện như con tưởng, Thầy sẽ chuyển sau, phải cố gắng trang hoàng. Thầy truyền Di Lạc lâm phàm sẽ ban pháp-chỉ sau cho các con thi hành cho kịp kỳLong-Hoa Đại Hội.
          Hễ các con cầu nguyện Thầy, tất ứng chứng minh lễ “Vu Lan” dầu không thượng sớ Thiên Đình cầu nguyện Thầy cũng hoãn cho đôi lần ngoạt. Vì các con là nguyên căn đại kiếp ngàn đời Thầychọn lựa phẩm vị Thiên-ngôi để chờ ngày đắc thành Đạo quả. Cố công kỳ cuối cùng để biết đâu là vàng đá, đừng tưởng việc mịt-mờ rồi quên cội cả e rằng sa đọa thiên thu. Thầy vì thương các con mà xuống cõi mịt mù, các con cũng phải thương Thầy mà cố công lập cho thành Long-Hoa Đại Hội vậy.
          Nhiều con thắc mắc, Long-Hoa Đại Hội to rộng vô ngần tại sao Thầy phân cùng các con hầu có dựng gầy nên đại nghiệp. Đúng thời kỳ chuyển tiếp mỗi các con đều là mỗi vị Đại-Tiên mượn lấy diệu-huyền để dựng thành Bát Quái. Các con cố gắng giờ nay hầu ngày sau hưởng lấy kiếp duyên tạo hiện giờ trong muôn đời ngàn kiếp vậy.
BÀI

     Trên Thượng giới Thầy truyền quang điển,
     Hạ hồng trần vài chuyện cho con,
          Đường tu thì phải vẹn toàn,
Đời mê nào biết Đạo Vàng cao siêu.
     Con đã hưởng được nhiều ân huệ,
     Có biết đâu dâu bể khắp cùng,
          Như người nghèo khó cần dùng,
Bạc vàng ham muốn góp chung cho mình.
                             ***
     Cũng như con hiện tình  giàu có,
     Của dư muôn mắc mỏ sá gì,
          Đạo Vàng tìm chỗ huyền vi,
Nay thành giàu có nghĩ suy đâu màng.
     Khi tầm Đạo buộc ràng công khổ,
     Lúc được rồi thấy chổ cao thanh,
          Thường nhiên sự việc tu hành,
Con nào có biết Đạo lành cao siêu.
     Lúc nghèo khó thấy nhiều tiền bạc,
     Đến lúc giàu được đoạt huyền vi,
          Cơ bần nào có nghĩ suy,
Con giàu Chánh Đạo bước đi một đường.
     Thuở chưa đến còn vương đây đó,
     Mối Đạo lành công khó tìm ra,
          Như người sang cả có nhà,
Lâu đài khuê các xa hoa muôn vàn.
     Đâu tưởng việc khổ nàn khi trước,
     Nay được rồi mực thước phải lo,
          Chớ cao vọng chớ hẹn hò,
Con luôn tưởng có con đò từ-bi.
     Thầy thấy con nhiều khi đeo đẳng,
     Bước xa vời nào đặng gì đâu?
          Con ơi! mối Đạo nhiệm mầu,
Thầy đây truyền xuống địa-cầu hôm nay.
     Đừng mơ tưởng ngày rầy đây đó,
     Tìm nơi nào đâu có, con ơi!
          Càng xa, càng mãi tách rời,
Chơn duyên càng mất trong thời Hạ-Nguơn.
     Con chớ có giận hờn nhỏ nhặt,
     Để tâm thành định đặt có Thầy,
          Dầu cao trên chín từng mây,
Hễ con cầu nguyện là Thầy chứng minh.
     Con thương Thầy vẹn tình Đạo quả,
     Hễ khi đời tan rã kề bên,
          Thuyền Từ Thầy sẽ bước lên,
Nay đây Thầy hứa vững bền nghe con!
     Còn một việc vuông tròn Thầy dặn,
     Giữ lòng tin cho đặng yên nhàn,
          Hễ con luyện Đạo trang hoàng,
Chơn-Như hiện xuống hào quang chiếu lòa.
     Thần Thánh phải chung hòa hộ trợ,
     Nhờ Pháp huyền che đỡ mai sau,
          Giờ đây Đạo cả giồi trau,
Quả công cố gắng kịp vào, nghe con!
     Đường tục lụy mỏi mòn binh lửa,
     Thầy hạ trần điểm sửa cho con,
          Đời mê gặp cảnh héo von,
Người tu được Đạo, mất còn sá chi!
     Nhìn cuộc thế lâm ly thống thiết,
     Dạ từ-bi nào tiếc chi đâu,
          Thấy con trần thế lắm sầu,
Thầy toan chuyển xuống địa cầu rước đưa.
     Nhưng quả công không vừa công đức,
     Thầy làm sao ra sức đưa về          ,
          Tâm trần con mãi hôn mê,
Pháp-huyền chưa tựu nào về được đâu.
     Thầy gọi con nhiều câu tha thiết,
     Con vì Thầy nhứt quyết quả công,
          Kìa đời thay đổi núi sông,
Giựt giành nhân-loại còn trong mấy hồi.
     Nhìn thảm cảnh đứng ngồi không vẹn,
     Ráng hôm nay vun quén Đạo mầu,
          Việt Nam khởi điểm Năm-châu,
Làm cho tất cả đâu đâu điêu tàn!
     Sài-Gòn sẽ ngộ hàn cơ đến,
     Cảnh khốn cùng là bến trầm hôn,
          Các con cứ luyện anh hồn,
Còn phần thể xác bảo tồn nơi đây.
     Thầy sẽ chuyển như vầy Phật Thánh,
     Hiện kim quang con lánh hội nầy,
          Kỳ sau lần cuối là đây,
Hạ-Nguơn tiêu diệt là Thầy định phân.
     Nhưng chờ đến Long-Vân hội hiệp,
     Chờ các con nối tiếp Đạo-mầu,
          Pháp huyền đắc quả cao sâu,
Rồi Thầy mới chuyển địa cầu trả vay.
     Con an hưởng thế nầy nên nhớ:
     Thầy thương con che chở khắp cùng,
          Tưởng rằng đây đó là chung,
Nào hay riêng lẽ tâm hùng là con.
     Ơn vô lượng Thầy còn ban xuống,
     Chứng lễ nầy con hưởng đức lành,
          Từ đây ráng vẹn tâm thành,
Thầy mừng đại-lễ con dành pháp nguyền.
     Buổi hôm nay cơ duyên đại ngộ,
     Đợi Long-Hoa cảnh khổ gần kề,
          Biết rằng ai tỉnh ai mê,
Biết ai về được vẹn thề hay không?
     Hiện giờ đây quang hồng điểm tứ,
     Nơi diệu đàn được chữ hòa tâm,
          Hưởng phần phước huệ âm thầm,
Thầy truyền Tam Giáo tay cầm bầu linh.
     Điểm mỗi con nơi mình công đức,
     Để thi tài ra sức quả duyên,
          Các con cố gắng từ thuyền,
Lễ nầy Thầy chứng nơi miền Nam bang.
     Giã các con đại đàn lo liệu,
     Thầy ngự hồi sắc chiếu ân phê,
          Thượng Tòa Tam Giáo đề huề,
Thầy còn chứng lễ hầu kề Thượng Thiên.
     Để Di Lạc đơn truyền diệu lý,
     Pháp chỉ nầy cao quí Thầy ban,
          Vung tay truyền xuống đại đàn,
Dư ân cho trẻ Thượng phang Thầy hồi./.
                     Thăng

Ảnh động "tôn giáo" thiên chúa giáo


21 – 11 - Năm Bính Ngọ
(01.01.1967)

          Trăng vàng soi tỏ Nam Phương,
Động lòng Chúa mới hiện đường pháp linh.
                                      Mừng chung nguyên-vị Bửu-Đình,
Lập công bồi đức Đạo Huỳnh Thượng-Nguơn.
                                      Giờ nay Chúa ngự ban ơn,
Ngày mai tựu hội Cấm-Sơn một đoàn.
                                      Vì chưng chánh pháp Đạo Vàng,
Nhiều phen khổ sở lớp màn qua truông.
                                      Khuyên chung Linh-Tử chớ buồn,
Trước kia Chúa cũng cội nguồn hy-sinh.   
          Thân phàm đâu phải của mình,
Hỡi này tất cả hãy nhìn nén hương.
                                      Sắp tàn vì đốt nén hương,
Như Trời Phật thấy xót thương kiếp trần.
                                      Lời vàng Chúa hạ tường-vân,
Đúng ngày Nguyên-Đán để phân vài lời,
                                      Tây-Phương cung kỉnh tầng Trời,
Nam-Phương vì Phật noi đời Long-Hoa.
                                    THI
GIA    Huỳnh thức tỉnh hiện Đài-liên,
     nhập hàm thông phỉ ý nguyền,
GIÁO tận Tây-Phương hòa Đạo đức,
CHỦ tâm bình tịnh thọ chơn duyên.

Duyên lành CHÚA  ngự giảng đôi điều,
Giờ gắng tu hành vẹn mến yêu,
Một thuở muôn năm còn Đạo sử,
Ngàn đời thanh thoảng tại Linh-Tiêu.
                                 
                                  Linh-Tiêu danh thị ký Trung-Tôn,
Trước phải trau thân luyện lấy hồn,
Đừng để nước tràn cơn thảm họa,
Đó là đại chuyển thị hàn ôn.

Hàn ôn Linh-Tử gắng bền tâm,
Giờ nguyện một thân chẳng lạc lầm,
Gương trước không cần là Chúa hiện,
Để cho thế-tục chẳng mê lầm.

Lầm lạc đời mê vạn kiếp sầu,
Đạo Vàng vô nhiễm thị vô  câu,
Một mai xa bước không người dắt,
Luân đáo thiên niên tại địa-cầu.

Địa-cầu Chúa hiện tại Tây-Phương,
Chịu tội chúng-sanh ấy lý thường,
Thân-thể không ta nào tiếc rẻ
Thì nay luyện pháp gắng nêu gương.

Gương trước Chúa bày, phải khắc ghi,
Thân này tạm giả chớ màng chi,
Một mai bịnh tử già đem đến,
Thử hỏi Long-Hoa được hưởng gì?

Hưởng gì chỉ mấy tấc hơi dài,
Trần-tục ai người thức tỉnh ngay,
Nhỏ nhặt ngày qua đừng liệu lượng,
Đó là tất cả việc cùng sai.

Sai chạy ngày qua uổng cuộc đời,
Đây là Chơn-Giáo phải tuân lời,
Đừng mê huyển hoặc theo thân xác,
Muôn thuở đâu còn việc thảnh thơi.

Thảnh thơi là ngự tại tâm-linh,
Gắng gắng Thiên-Phong vẹn Đạo-Huỳnh,
Chúa nhận huyền-linh đây có sẳn,
Thì nên tiến bước thọ uy-linh.

Nầy các Linh - Tử Nguyên-Căn: giờ lành động linh-quang Chúa hạ phàm truyền đôi lời Tâm-pháp.
          Hễ con người sanh ra trên trần thế bị tạp nhiểm trần nhơ, tâm người xao xuyến, trí thế nắn nhồi, hỡi ôi! Cuộc đời quanh đi lộn lại, khi thức tỉnh rồi thì chồn chân mõi gối sự đời kẻ sau tiếp nối, còn riêng mình chịu họa phước hai đường, sa thăng đôi nẻo. Giờ đây nên khôn khéo hầu học lấy pháp huyền-vi, để đúng buổi hạ-kỳ trở về nơi Thiên-đường Kim-Khuyết. Con người dầu cho có biết cũng chẳng biệt phân khi oan trái nợ nần ngày ngày đeo đẳng. Hễ lòng trong yên lặng thì trí sáng quang minh, hễ tâm bình tịnh tất nhiên đạt huệ. Người trên dương thế lo lắng lợi danh tất tạp nhiểm hôi tanh chịu nhiều điều điên đảo. Vậy con người vì Đạo, huyền kĩnh Thiêng-Liêng, tâm tịnh toàn nhiên Thần Tiên thường tá ngự, chọn điều lành xa điều dữ được gặp nhiều phước duyên nơi trần tục; người vì dục vọng thường chịu khảo nhồi, thân xác nổi trôi tâm-linh xao động. Người luyện Đạo thì đừng để cho tâm mình sa vào dục vọng cuồng loạn say mê, e khó trở về mà phải xuôi theo điều hữu-chất.
Nay cuộc đời có hai lẽ là còn hay mất. Còn, tại sao không nhồi nắn Đạo pháp cao siêu, không rèn luyện huyền-linh tại thế, không nghĩ mình là chơn-linh của Thượng-Đế rồi ngày kia cũng chỉ hoàn nguyên trên thế chẳng phĩ nguyền vì trăm năm không mấy chốc, nén hương tàn, linh-tử nguyên-nhân nên nhìn đọc thấu hiểu là hữu vô như cuộc đời người, nén hương kia sẽ cắm trên nén hương nầy tàn, nén hương kia sẽ cắm trên bàn của Thiêng-Liêng phưởng phất; Như Trời Phật nhìn một kiếp người như một nén hương, ráng vẹn đường kẽo tàn đời không được hưởng. Nay là ân vô lượng cho nên Chúa ngự phàm ban Thánh-huệ huyền-tâm cho chung được hưởng nhờ đức ân đại-hùng của Chúa từ xưa truyền lại.
Đời vẫn thường cho là lý phải theo tâm tục phàm nhân cứ mãi lựa lần rồi xa niềm vô-vi Đạo-pháp. Vì còn xác thân, vì dục vọng cho nên phù hợp với lý hữu sắc của trần đời, khổ lắm linh-tử ơi! Phải dày công tu-luyện, phải trọn vẹn tinh sương, đừng để hoạn trường, mà muôn đời sau khó gặp. Nay là Chúa hiện phàm, vậy trong hàng linh-tử cố gắng lo toan đừng để phụ công Thánh Thần Tiên Phật. Sa Tăng hiện thế, lẽ thật của đời bày biện khắp nơi để mê hoặc người tu hành luyện-pháp, điều chi cũng cho là phù hợp nhưng theo thế tục hữu hình, lời này Chúa dạy phải khắc in kẻo ngày sau tiếc hối. Tuy không là phạm lỗi nhưng xa đường Đạo cao siêu một giai đoạn bỏ liều để mười năm tiếc rẻ.
     Chúa ngự bút đêm vàng diệu lý,
     Xuống hồng-trần pháp-chỉ sắc phê,
          Nay đây chánh-pháp Đạo-vàng,
Nữ  nam cố gắng trang hoàng y-sa.
     Mượn hữu sắc gọi là triều bái,
     Để vô-vi không sái diệu-mầu,
          Ngày kia đứng trước Năm-châu,
Ngự đền Tam-Thế ứng chầu Phật-Vương.
     Đều Đại-phục Tòa-Chương ưng lảnh,
     Nay máy huyền sắp cạnh kề duyên,
          Đó là hoạch định Cơ Thiên.
Mong sao tất cả căn duyên thi hành.
     Đời đã tận chiến tranh tiêu biểu,
     Đạo-đức mau kéo níu cơ duyên,
          Thiên-Phong trước Điện thệ nguyền,
Ngày nay luyện Đạo qui nguyên cứu đời.
     Xưa Chúa chịu rã rời thân xác,
     Nhỏ máu hồng lác đác lệ tuôn,
          Thân đau nhưng trí không buồn,
Buồn là thế tục cội nguồn chưa thông.
     Đinh dầu đóng lệ hồng tuôn đổ,
     Máu dầu rơi không khổ tâm-linh,
          Vì thương tất cả nhân-sinh,
Nên chi Chúa chịu hủy mình ngày xưa.
     Để tiêu biểu Thượng-Thừa Chơn-Giáo,
     Để ngày nay Huỳnh-Đạo noi truyền,
          Thân này đã biết không yên,
Thì nên hủy kiếp về miền Linh-Tiêu.
     Trong trăm năm không nhiều chi đó,
     Hỏi căn duyên thử ngó lại coi,
          Trần gian Chúa ngự không đòi,
Sanh vào máng cỏ hẹp hòi chi đâu!
     Đã biết thế cơ cầu đau khổ,
     Dầu giàu sang cũng chổ trược trần,
          Biết rằng nhập thế một lần,
Đài-trang làm bụi cũng phần thai-nhi.
     Khi lớn lên đương kỳ sanh hóa,
     Đã ra đời nào sá chi đời,
          Đây nầy mượn mấy tấc hơi,
Mượn thì phải trả cõi đời tiếc chi.
     Thử hỏi ai chuyện gì trần-tục,
     Mượn của người  vọng dục phàm nhân,
          Thì là phải trả một lần,
Cũng như nguyên-vị mượn thân cõi phàm.
     Dầu có phải luyến tham ngàn kiếp,
     Nhưng đời nầy nối tiếp được sao?
          Pháp tâm Chúa ngự tay trao,
Mong rằng Linh-tử trước sau thọ hòa.
     Chúa thoảng thấy thiết tha tâm não,
     Dầu Thượng-Thiên trí hão vẫn còn,
          Xác thân trần-tục mõi mòn,
Chơn-linh vô động vẫn còn Thiên thâu.
     Muôn việc tại địa-cầu sanh hóa,
     Hễ có sanh tất khá có tan,
          Thân nầy mượn của trần-gian,
Mượn điều Đạo-đức hầu hoàn vị ngôi.
     Mượn chiếc ghế tạm ngồi dở đó,
     Mượn nén nhang hầu có kĩnh thành,
          Dời đi ghế đó để dành,
Nhang kia tàn lụn mây lành nương theo.
     Mượn tấc hơi để neo xác thể,
     Mượn cửa nhà là để trú thân,
          Toàn điều tạm giả dương trần,
Có đau có khổ mấy lần tang thương.
     Nay xét thấy trên đường Đạo-đức,
     Cảnh nghèo giàu nô-nức đua chen,
          Lợi danh lại muốn làm quen,
Chúa khuyên nguyên-vị trước đèn hư-linh.
     Phải dọn dẹp tâm mình cho sạch,
     Thì Thần Tiên một mạch ngự vào,
          Nếu tâm danh lợi trước sau,
Thì đâu tỏ ngộ được vào Tam-Huê.
     Cảnh thế-tục chớ hề lôi cuốn,
     Cuộc trần duyên vô lượng khổ đau,
          Đã mang một chiếc Đạo bào,
Tâm từ nên quén vun vào chơn duyên.
     Kìa Trời rộng máy huyền cao cả,
     Một mảy hào chẳng khá bỏ rơi,
          Cỏ cây dầu bốn phương Trời,
Nơi nào sanh hóa trên đời nhân duyên.
     Cũng có lý diệu huyền Tạo-Hóa.
     Cũng sanh ra rồi trả về nguyên,
          Xác trần mai mốt không yên,
Đó là báo hiệu trả duyên trở về.
     Đã biết thế, sao còn mê thế?
     Hỡi Nguyên-căn Thượng-Đế định rồi,
          Nghèo giàu thân thể pha phôi,
Biết rằng nghèo khó đứng ngồi không yên.
     Nhưng chớ có tham tiền tham bạc,
     Tham  chi nhiều vĩnh đạt mà chi?
          Càng nhiều tiền bạc càng ly,
Càng xa Đạo-đức càng nguy thân trần.
     Lòng ham muốn như vầng mây phủ,
     Hễ càng to càng vũ vần thêm,
          Khuất che trăng tỏ Trời êm,
Làm sao sáng rọi bên thềm Hư-Linh.
     Nay Chúa ngự Bửu-Đình khuyên tất,
     Đây lời phân lẽ thật  thi hành,
          Hiện giờ Chúa ngự đài danh,
Chính là Linh-Tử đã thành NGÔI-HAI.
     Khuyên lời thẳng công dày dẫn dắt,
     Có lẽ nào định đặt thân phàm,
          Vì chưng trần tục còn ham,
Làm sao Chúa rước Thiên-Đàn hiện nay.
     Lời sắp mãn Chúa quày Thiên-cảnh,
     Vậy nữ nam đại lãnh cơ mầu,
          Hào quang hiện xuống địa cầu,
Di-Đà sắp ngự ngõ hầu giảng khuyên.
     Tạm bút tuệ chơn-truyền Đạo quả,
     Lý hôm nay kịp khá thi hành,
          Từng cao trăng tỏ đêm thanh,
Đạo bào phơ phất mây lành nương chơn.

          A-Di-Đà Phật, Bần Đạo hoan hỉ Trung Tôn nguyên vị, Tôn Sư mừng đệ tử.                         
                                  VÔ THƯỢNG Y VƯƠNG ngự Bửu Đài,
                                  A-DI-ĐÀ PHẬT hiện hồng-oai,
                                  Giáng lâm trần-thế vì môn-đệ,
                                  Ngự tứ Siêu Thiên hiện Bửu-đài.

          Nầy các nguyên-căn, nầy các môn đồ đệ tử! Bần-Đạo miễn lễ cùng đệ tử định tâm tọa thính nghe Bần-Đạo cùng Tôn-Sư giảng về phần tâm pháp.
           Lý tuần hoàn của Tạo hóa, lẽ mầu nhiệm Thiên công hễ người cố gắng một lòng sẽ được đáp đền mai hậu. Nầy môn đồ đệ tử! Tôn-Sư khuyên phải bình tâm suy nghiệm lý Đạo cao siêu đừng có bỏ liều một ngày một xa, nếu hôm nay tâm không hòa, ý không hiệp thì ngày mai càng nối tiếp vì dục vọng cuồng say, như ngọn lửa ở trên đời gặp dầu nên lan dần dần ngoài thế tục. Đời là vọng dục, tâm của các con còn cao ngút, lửa lòng còn thôi thúc tự tâm linh, ráng dùng nước tịnh bình để Tôn-Sư phóng hào quang cứu về nơi Cực-lạc. Lời Tôn-Sư là lời Cam lồ diệu mát từ Thượng đảnh đến Trung Huỳnh, lời của trần tục hãy khắc in; đó là lửa trần gian hỏa diệm. Nếu Đạo mầu nhị khiếm e mất việc cao thâm, Tôn-Sư khuyên đệ tử chớ lạc lầm, một lòng tinh tấn, vì cuộc trần hễ chen lấn đều phải chịu cảnh đảo điên, một ngày một lụy phiền. Tại nghe thì tất nhiên ý phải đảo điên; mắt thấy thì tâm xao động, người tu diệt dục vọng, tai tuy nghe mà trí không động, mắt tuy thấy mà tâm chẳng đảo điên, đó là chánh pháp diệu huyền mà Tôn-Sư truyền cho đệ-tử, như việc đời nhiều điều dữ hãy để ngoài tai, dẫu rằng thân xác mượn ở cảnh trần phải nghe, phải thấy. Nghe thì vẫn nghe nhưng không nhập vào trí Đạo, thấy thì vẫn thấy nhưng không thâu vào Tâm pháp cao siêu, không chất nơi lòng Đạo đức. Tôn-Sư khuyên, Tôn-Sư nhủ, Tôn-sư dùng hào quang diệu huyền để ban cho đệ tử. Tôn-Sư phóng hào quang muôn nơi thấy toàn điều dữ, nơi đây nhiều đệ tử bí pháp cao thâm, thì cố gắng luyện tâm cho tròn “Song tu tánh mạng”.
          Nơi nầy, nơi kia, Tôn-Sư         phóng hào quang nhìn xuống tuy bên ngoài toàn là bảng vạn như tâm chẳng chút tịnh yên, pháp chẳng nhiếp thọ được diệu huyền thì làm sao về Niết Bàn, Bạch Ngọc. Thôi; Tôn-Sư khuyên đời ô trọc, nếu đệ tử thương Thầy, vì Đạo, vì Bí-pháp cao siêu chớ có bỏ liều, ngày qua một niềm tin mất, phải xa rời lẽ thật về với hữu sắc đó đây, Thượng Thừa chánh pháp như thế nầy từ từ Tôn-Sư truyền thêm cho đệ tử. Đừng xa rời e gặp nhiều chuyện dữ, đừng mê điều huyển  hoặc đó đây. Tôn-Sư cho hay tà luân phiếm Đạo nổi dậy khắp trời cũng dùng cơ chuyển bút, nhiều lý lẽ trần nhơ, để lôi cuốn hững hờ, lấy danh quyền của Đạo, để cho người gây tạo hầu xa bí-pháp cao siêu, Tôn-Sư khuyên đệ-tử chớ bỏ liều e ngày kia chút niềm tin nhỏ nhặt nhưng chưa phải là sự thật rồi xa bổn vị nguyên lai, cố gắng tại Bửu đài, có hào quang Thiên-Điễn trợ.
          Tôn-Sư giải về phần Thiên-Điễn cho các Trung-Tôn cùng đệ tử nghe rành:
          Thiên-điễn của Tôn-Sư cùng Thượng-Tổ hay các bậc Thần, Tiên, Thánh, Phật, mỗi khi triệu dụng đều soi rọi cơ duyên diệu diệu huyền huyền, cũng là dùng người có duyên trong ngàn kiếp để nối tiếp, từ pháp tướng, Đạo tướng, thể tướng cho xứng danh vị Long Hoa, dầu cuộc trần gian chánh chánh tà tà nhưng Tôn-Sư chọn tâm linh là gốc. Tuy cuộc đời cũng cần điều ăn học. Nhưng chẳng phải thế tục đua bơi mà dùng để phụng sự Phật Trời, đó mới diệu huyền cao cả vậy. Tôn-Sư thường thấy trong hàng đệ-tử đôi lúc thầm than, nên cố gắng Đạo Vàng, Tôn-Sư sẽ thưởng ban trong ngày Long Hoa Đại Hội. Nếu từ đây đệ tử nào muốn cầu xin về hữu  chất, Tôn-Sư sẽ ban bằng sự thật nhưng giảm mất ở vô vi, đúng lúc Hạ kỳ sẽ có toàn nơi Long-Hội vậy.
                                                  BÀI
     Động Linh Quang bút vàng vội chuyển,
     Hạ trần gian vài chuyện môn đồ,
          Từ nay cố gắng nam mô,
Tôn-Sư thường chỉ Hà-đồ luyện nhanh.
     Đường Đạo-đức trược thanh con rõ,
     Phần Bửu-Liên công khó chớ nài,
          Lời xưa chỉ rõ không sai,
Chưởng ân đức để hậu lai hưởng nhờ.
     Thì nay đây vần thơ dạy dỗ,
     Tuy ngày rày công khổ đừng than,
          Để cho Thượng ngự Tòa Vàng,
Lấy công đắp quả mới hoàn Thượng-Thiên.
     Có ai đâu chơn duyên một buổi,
     Được đắc thành không tuổi không tên,
          Liên-đài một phút bước lên,
Mà không chịu khảo chỉ bền dày công.
     Nay tử-đệ ân hồng điểm-Đạo,
     Hạ bút huyền chỉ bảo cho chung,
          Hễ tu thì giữ tâm hùng,
Đừng nên mê muội thính tùng đó đây.
     Luôn ghi khắc lời Thầy dạy dỗ,
     Dầu muôn nơi không chỗ nào thanh,
          Vì chưng luyện pháp không rành,
Tam-Thiên bí-chỉ thọ hành nơi đâu.
     Dầu có luyện Địa-cầu thân xác,
     Tôn-Sư đâu định đoạt mà truyền,
          Con là thượng tứ Bửu-Liên,
Thì nên nhiếp thọ lời khuyên của Thầy.
     Hạ bút ngọc lời nầy lần chót,
     Khuyên nhủ hoài thánh thót đêm thâu,
          Thấy đời mê muội Thầy sầu,
Thấy trần thãm khổ Thầy rầu Hư-cung.
     Tôn-Sư  xuống Đại-hùng đại-lực,
     Đại từ-bi ra sức Hạ-kỳ,
          Đời tàn nào có luận chi,
Chỉ trao mật-pháp là đi về Thầy.
     Mặc tình ai đó đây ràng buộc,
     Phần quả-công vị thuốc Thiêng-Liêng,
          Pháp là nhiếp thọ chơn truyền,
Cũng như người bịnh phục quyền vị xưa.
     Dạy cho con chưa vừa tâm ý,
     Bởi lời nầy cao quí tuyệt luân,
          Dạy cao con chẳng khâm tuân,
Vì là lý lẽ không ngừng cơ duyên.
     Dạy hạ thế chơn truyền rất dễ,
     Thì con nghe vội để ngoài tai,
          Con ơi! hiện trước Bửu-đài,
Tôn-Sư chua xót hằng ngày Hư-linh.
     Đã ban xuống Đạo-Huỳnh khâm diệu,
     Đã truyền cho sắc chiếu ân phê,
          Vài con thế tục còn mê,
Tôn-Sư không trách chẳng phê lời nào.
     Nhưng con xét lời trao diệu quả,
     Thương tình thương thì đã tỏ bày,
          Lẽ đâu hiện xuống hằng ngày,
Bằng thân thế tục hằng ngày hay sao?
     Dầu nhỏ lệ trên cao tuôn xuống,
     Bằng từ-bi vô lượng con ơi!
          Hễ nghe lời Phật sắc Trời,
Thì nên vững dạ coi đời Thượng-Nguơn.
     Một ngày qua dừng chơn con nghĩ,
     Nếu không Thầy điểm chỉ hôm nay,
          Tôn-Sư không hiện hằng ngày,
Thần Tiên không hiện quằn vai giúp đời.
     Con đâu được thảnh thơi tâm trí,
     Con ra đời cao quí chi đâu?
          Hôm nay hồi tưởng con sầu,
Nếu không có Đạo con cầu được chi?
     Thử tưởng tượng nhiều khi bỏ dỡ,
     Con ra đời Tần Sở đua chen,
          Lợi danh con lại làm quen,
Khổ đau chồng chất như đèn trước giông.
     Hạnh-phúc chi mà hòng cao hưởng,
     Sung-sướng gì vô lượng đó con,
          Tâm-linh càng mãi mõi mòn,
Thượng-Thiên khó trở cuốn tròn trầm-luân.
     Lằn gió thoảng không ngừng thổi tới ,
     Như bụi trần danh lợi phủ giăng,
          Con ơi! kìa ánh Đạo hằng,
Như đèn ngọn nhỏ dưới trăng đêm vàng.
______________ “ *”_______________
                                      PHẬT-TỔ DI-ĐÀ


01 - 01 - Năm Đinh Mùi
(09 – 02 - 1967)
NHO  -  Tông chuyển thế Đạo Hoằng khai,
GIÁO    huấn toàn dân ngộ Bửu-Đài,
CHỦ      hiện Tân niên ban đức cả,
GIÁNG lâm Siêu-Điện hộ Thiên-Khai.
SIÊU     thừa chánh pháp hòa tâm ấn,
THIÊN địa minh minh chiếu vị lai,
ĐÀI       nội nữ nam niên thượng hưởng,
BAN      ấn hành hóa hội Bồng-Lai.
Lão giờ lành thọ điệp-sắc ngự trần khai bút giao thừa Tân niên, hỉ hạ nam nữ Thiên-Phong giờ thiêng triều kiến Đại-lễ Tân niên. Vậy Lão có đôi lời cho chung hầu suy nghiệm lý cao sâu huyền diệu của Đạo pháp thâm-uyên tùy duyên nhiếp thọ.
Đời đến lúc Tàn-nguơn, thế gặp kỳ Mạt-pháp, cho nên Thần, Tiên, Thánh, Phật vâng đápTHƯỢNG-HOÀNG hạ thế-gian: nơi thì chuyển bút đàn hóa hoằng sanh chúng , nơi lại dụng huyền điễn cao siêu nhứt thiết lập giáo điều hầu độ muôn loài cho đến ngày Thượng-Nguơn Thánh-Đức. Buổi tàn nguơn dầu người có ra sức, lý mạt hạ vẫn tiêu tan, nay Thầy đã khai mối Đạo-Hoàng thì tùy duyên các nguyên-nhân thọ trì chánh pháp cho phù hạp với Thiên-Cơ. Long-Hoa sợ trể giờ, đừng sợ ngày không tới. Dầu người mong đợi mà chẳng luyện pháp nguyên, kiếp nầy, kiếp nọ huyên thiên, thì kỳ Đại-Hội Long-Hoa sau đó là A-TĂNG-KỲ kiếp vậy.
Lão giải rõ về phần Long-Hoa Hội-Thượng: Phật đã có chuyển pháp-luân hóa hằng trong thời kỳ Trung-Nguơn giải lý. Vì thấy căn cơ con người đà xét kỹ chẳng có bấy nhiêu, nên đã truyền pháp điều rằng: Long-Hoa vạn vạn niên sau mới diễn! Đó là Nhị-Kỳ Long-Hoa Hội-Thượng cho bực tiểu kiếp thiểu căn luân-hồi để báo đền nhân-quả, còn thời kỳ Long-Hoa gần kề ngày nay chẳng còn bao xa, là dành cho Đại-Linh chứng vị nhiếp thọ Thiên-Ân hầu trở về Thượng-Giới. DI-LẠC sẽ cầm cân trong thời gian ngự điều Thượng-Nguơn Thánh-Đức, dầu người đời có ra sức tầm lấy kệ-kinh, pháp-cú từ-chương, suy gẫm lời xưa cũng chưa tạng điều tâm pháp, ráng tầm lấy pháp nguyên hầu báo đáp lời Thiêng-Liêng, nhứt khắc sẽ rõ lý diệu-huyền của Thiêng-Liêng ban tứ vậy.

Thế hạ Tân Niên hưởng lạc quan,
Đời tàn ma quỉ hiện trần gian,
Bất tu tâm tánh, tu thân thế,
Đại-Hội Long-Hoa lãnh khổ nàn.


Khổ nàn Lão chỉ rõ nơi đây,
Quyền quản muôn nơi chứng có Thầy,
Trên, dưới xét phân DI-LẠC định,
Long-Hoa Đại-Hội cũng gần đây.
                                                    
TA       là Thái-Tử hiện trần-gian,
       giới đương nhiên chịu ách nàn,
GIÁO vận huyền thông linh sắc ấn,
CHỦ   tâm độ thế thọ bằng an,
MÂU   tiền Hà hậu  thông thời kiến,
NI        chúng kiên tâm lãnh Đạo Hoàng,
ĐẲNG thượng Huyền-Khung khai Thượng-Đức,
GIÁC tâm viên tánh lập Nam-bang.
Bần-Đạo THÍCH-CA GIÁO-CHỦ ĐẲNG-GIÁC MÂU-NI mừng chung Thiên-Phong nam nữ Tân niên triều kiến. Vậy giờ lành giao-thừa Đinh-vị, Bần-Đạo chuyển bút huyền để cho hàng Thiên-Phong hiểu rõ cơ nguyên ngày Long-Hoa Đại-Hội. Nếu giờ đây không kịp tự mình cứu rỗi, ngày nọ khó ăn năn, hễ chí quyết Đạo hằng, thì dầu năm này tháng nọ cũng không bỏ, đường công quả vẫn như như, Bần-Đạo chuyển tả lời thư để cho chung cùng suy nhiệm lý.
Đường còn xa, nhưng xa với phàm-nhân thế-tục, nẻo quanh co với sắc giới luân-hồi, người Đạo pháp đã thông suốt rồi thì không bao giờ nghinh ai phải hiểu rành lý đời cho tạng, lý Đạo cho sâu, thông tường nẻo nhiệm-mầu, bất cầu, bất chấp, thọ lấy pháp-nguyên thì đừng phân cao hay thấp, vẫn một mực tu hành, trên chứng có Tam-Thanh, đem tất cả lòng thành để hiến dâng choTHẦY MẸ.

Đạo- lý siêu thâm tại pháp huyền,
Ngày xưa Bần-Đạo thọ cao nhiên,
Chỉ cho sanh chúng đường Long-Hội,
Tiểu kiếp thiểu căn khó đoạt liền.
Đoạt liền Tâm-pháp phải Thiên-Tinh,
Bửu-vị  ngàn năm hiện sắc Huỳnh,
Đài thượng nhiếp hòa tâm ý thọ,
Đời sau mới thấy rõ huyền-Linh.

Huyền-Linh ngày trước có chi đâu!
Nhân chúng mang khai giữa địa-cầu,
Giờ đến Long-Hoa đường ngắn ngủi,
Nên chi Trời Phật thế-gian thâu.

Thâu trọn thời gian lập Đại-đồng,
Chuyển Thần xuất Thánh thị Hoa-Long,
Tân-niên Bần-Đạo ban ân cả,
Nam nữ Thiên-Phong mỗi hưởng phần.
…………………………………………………………………………….
Tiếp cầu………..
ĐẠO         thị do tâm nhiệm nhiệm mầu,
TỔ            truyền mật-pháp ý cao sâu,
THÁI        tâm ngự tánh Long-Hoa nhập,
THƯỢNG tứ huyền vi ngự Ngọc-Lầu.
GIÁNG     hạ trần gian niên phước tải,
BÚT          thừa chơn pháp đãi trân châu,
SIÊU         đài nhập lý phong Thiên-Tướng,
THIÊN      hạ đoản vui, định vĩnh sầu.
Lão THÁI-THƯỢNG ĐẠO-TỔ mừng chung Thiên-phong nam nữ, mừng Tân-niên chuyển tứ, toàn tất được ban phước ngày Xuân, chánh pháp chấn hưng, vui mừng mùa hoan lạc, nhưng phải thương đời, cần luyện kỷ pháp-nguyên, dọn cho xong tâm viên ý mã, thống cho được Tam-Bửu Ngũ-hành, hiển hóa vẹn chơn như, đó là những lời của Lão truyền chung để thọ kỳ Thượng-bang Thánh-đức. Vậy: Người chẳng quí chi bằng Tam-bửu, thế không trọng chi bằng Tam-Tài, Đạo không lường khi hữu thành Tam-Công, người vẹn vẻ chín rồng tất nhiên Hội-Hoa-Long được toại. Lời Thiêng-Liêng từ xưa đến nay chỉ dạy không bao giờ sái, chỉ có người hành theo bản ngã mà thôi. Đừng vì thế cuộc cuốn lôi hay lấy lý đời mà suy xét vô-vi, hữu-thế hai đường kia rõ ràng là đôi nét đừng suy luận theo phàm-gian, đây là mối ĐạoVàng tuyển toàn Thiên-Tinh, Bửu-vị. Ráng đại lãnh kỳ công xét kỹ, dầu khảo đảo cam tâm chớ đừng để ý si sân e mắc vào Tam-Độc.
Ngày nay vừa học Đạo, vừa trả nợ đời, tránh một kiếp luân vơi, ngày sau miên trường đại hưởng. Hỡi Thiên-phong! Đức ân vô lượng cao cả pháp-nguyên, nếu không trọn duyên, trọn kiếp e rằng phải nối tiếp trong vạn đời sau. Được ân thưởng hoàng-bào là ngày nay gần đến kỳ Long-Hoa Đại-Hội.
Pháp chánh Long-Hoa điểm sắc ân,
Trì duyên tạo đức hội Long-Vân,
Ngàn mây cao cả người tu pháp,
Hiển Thánh thần thông hóa xuất Thần.
……………………………………………………………………………
Tiếp cầu………………….
A-DI ĐÀ-PHẬT mừng chung. Tôn-Sư  mừng môn-đồ đệ-tử.
Bần Đạo đại hỷ Tân-niên  Thiên-phong cùng đệ-tử. Người Đạo đã biết điều lành dữ, nay thọ lấy siêu thâm để luyện pháp nguyên, suy tầm điều chơn giáo, đó là lý Đạo, phải cố gắng bước lên, ngày Long Hoa Đại Hội, pháp nguyên ấy là nền, đức kia ấy là tảng . Nếu thời kỳ bom đạn không lo liệu tịnh yên, không toàn thân, không vẹn thể, đó là nhân quả luân hồi trong thời kỳ mạt-hạ. Dầu Thần Tiên Thánh Phật có nương theo thời gian đại xá, cũng khó độ người ít phước trần gian .
Nầy hỡi Thiên Phong cùng đệ tử! Cố gắng bảo toàn thân thể trong thời kỳ Ngọc-Đế đại hồng ân, đó cũng là nhân quả chuyển vần, có vay, có trả cũng đừng xa lạ, cũng đùng chấp nê, dầu sao cũng trở về nhưng người đi trước, kẻ đến sau, vì chưng ít phước hoặc luyện Đạo không đều, Bần-Đạo thấy một vài Thiên-phong tuy hiểu lý cao sâu nhưng vẫn còn chấp nhứt. Đạo là đại-hùng, đại-lực, vô chấp, vô cầu, luật của vô-vi rất cao sâu, luật của thế đời hữu hình cũng cần quyền biến. Hễ người nhứt nguyện thì Thần Thánh đều cảm ứng giá lâm, Bần-Đạo khuyên chớ lạc lầm, phải giử lòng thanh tịnh, lý cao nhiên, phải suy tính hầu đoạt lấy huyền-cơ, Thần Tiên Thánh Phật vẫn đợi chờ, đúng giờ sẽ trương bảng. Nay! Nếu Bần-Đạo có quyền hạn thì sẽ trương đúng giờ khắc Long-Hoa, nhưng vìĐại-xá tước Chương-Tòa, Ngọc ân không lẽ bỏ qua điều độ dẫn. Thiên-cơ tuy huyền vận nhưngHuỳnh-Đạo lý siêu thâm, ráng tìm lại Thánh-Ngôn, Phật-Huấn để suy tầm kẻo hoài công trong muôn một nầy vậy.
Trọn năm qua cuộc đời biến chuyển, Bần-Đạo khuyên từ nay phải tìm hiểu Thánh-Ngôn, Phật-Huấn, nghiên-cứu sám kinh, suy tầm điều cao nhiên huyền diệu kẻo điễn tà xâm nhập vậy./.
Thăng
15 Tháng 9 Đinh Mùi
(18-10-1967)
THI
THƯỢNG-TỔ Thầy trao pháp nhiệm huyền,
HỒNG-QUÂN tam đô lý Tam Thiên,
GIÁNG LÂM ngọc bút hòa nam nữ,
ĐÀI THƯỢNG SIÊU THIÊN ý mật truyền.

Nầy các con! Thầy miễn lễ chung các con tọa thiền nghe Thầy giảng về mật-pháp siêu-vi hầu chứng lễ cho các con khai cơ huyền mật diệu nơi  chí viện toàn siêu.
Thầy dạy các con ngày nay chỉ có một điều là: giữ làm sao cho pháp-nguyên đừng u-trệ, thân nầy đừng buộc ràng bởi ngoại cảnh cãm-luân. Thầy rất vui mừng vì thấy các con một lòng thành kỉnh. Thành kỉnh với Thầy cũng chưa phải là điều đại ngộ, thành kỉnh với con mới chính là điều huyền-diệu cao siêu. Con kỉnh Thầy là ngoại vật, là hữu- chất, là cãm nhiên. Nhưng con kỉnh con là vì con có công-phu vẹn vẻ, con công trình không nệ gian nguy, con công quả không bao giờ tiếc rẻ. Chừng nào con hiểu rõ lòng kỉnh riêng đối với con, đó là bởi con kỉnh Thầy ngoài hư-cãm.
Lòng của các con là lòng Thầy, tâm của các con là tâm Thầy, thân của các con là thân của Thầyhóa sanh nhưng đời của các con tạm mượn chốn luân-hồi là vì các con cảm cảnh mê đồ sa trầm ác-trược, tạo nghiệp riêng cho các con. Các con không ra khỏi vòng lẩn quẩn của vô-minh, đó là các con tự ràng buộc tâm-linh. Các con ràng buộc tâm-linh các con, tất nhiên là ràng buộc một phần chơn-linh của Thầy, để cho lòng thương của Thầy truyền quang nhập diệu. Các con không chịu tìm hiểu, không chịu suy nghĩ cho cùng tận lý chơn-như “thiệt thiệt hư hư” là thế nào? Thầy giảng cho các con nghe:
Thiệt Thiệt” là vì các con cảm biết trong trăm tuổi nầy thân xác sẽ về nơi cát bụi. Thiệt thiệt là ngoài thể chất còn có hư-vô, ngoài thân xác còn có tâm-hồn, ngoài vũ-trụ còn có Thầy trên quản xuyên. Đó là “thiệt thiệt” thiệt trong việc thiệt. Các con ngày hôm nay bươn chảy nơi thế-gian tìm sự sống, việc làm hằng ngày của các con là tìm ra sự sống, nuôi sự sống. Đó là một phần thiệt nhưng chưa phải thiệt. Sự sống của các con không phải hoàn toàn lệ thuộc vào việc ăn-mặc nơi trần-gian mà sự sống các con là hơi thở, hơi thở không phải do ăn mặc mà tạo nên, hơi thở đó là huyền-nhiên chi-khí. Trong không-gian nầy đây các con đã thọ bẩm khí huyền-nhiên của Thầy, âm-dương hai nẻo hòa hợp nơi thân, vì khi sinh ra đời thân con là phàm thân, con phải thọ bẩm giả thân cho nên phải cần ăn mặc, để rồi khi hiểu được lý-Đạo cao siêu, sự sống của con không thể nuông chiều nơi thể-xác mà do phần chơn-thể hư-linh, nhưng phải có phần thiệt là hữu-hình để cho các con noi theo đó mà truy tầm ra huyền-cơ diệu-pháp. Đó là cái thiệt trong cái thiệt của con.
Nhưng “Hư Hư” là đời đã cám dỗ các con, việc nào nhìn thấy trước mắt con mới tin, việc nào đến với mình, con mới cho là vẹn vẻ. Đó là một điều hư trong những việc hư. Không phải đến với con mà hoàn toàn thiệt của con, đó là hư vọng; đến với con bằng một ngày nay, rồi ngày mai sẽ qua, ngày mai sẽ đến, việc đến của con là trong hư-hư, ảo-ảo. Hư-hư ảo-ảo truyền từ ngày nầy đến ngày nọ, một ngày qua rồi thử hỏi các con có tìm lại được chăng? Họa chăng là đợi ngày mai, nhưngThầy cho con biết mỗi một ‘sát-na’ hay một giây, một phút đã qua thì quả địa-cầu nầy thay đổi, vạn vật đều dổi thay, thân con phải chìm trong thay đổi, từ tâm, từ ý của các con cũng như quả đất đương quay vậy. Đó là những điều hư hư mà Thầy giảng cho các con đừng để việc hư là trần-gian cám cảnh, con cho là thiệt, thật sự điều con thấy là hư, nhưng hư trong những việc hư là con cho việc hư-ảo nầy là hư, nhưng chưa hư bằng muôn đời vạn kiếp. Hư hư là vì con không tỏ ngộ được chân duyên muôn đời ngàn kiếp. Thế gian hư là hư-ảo, thân con cũng là hư-ảo, việc các con nhìn cũng là hư-ảo, những việc các con tin tưởng mà dòng tin tưởng chưa đúng với lý cao-nhiên, đó mới gọi là hư-hư.
Thiệt Thiệt, Hư Hư” nghĩa là ‘Chơn Chơn, Giả Giả’. Chơn chơn Thầy đà giảng nghĩa cho các con phải tìm chơn trong nẻo chơn, phải rõ giả trong điều giả.
Nầy các con! mỗi các con đều hơn Thầy tất cả. Các con hơn Thầy là vì các con nhiều dục-vọng trầm-kha ác-trược. Các con hơn Thầy là vì các con sống trong đời được hạnh hưởng buổi tàn duyên Mạt-Pháp, các con hơn Thầy  là các con được dìu dẫn, có Đại Tôn-Sư lâm phàm chuyển thế, cóNgọc-Đế đại xá-ân, là hơn Thầy trước kia trong lúc Thầy tu tỉnh vậy. Các con có những điều màThầy không có, nhưng các con rõ những điều trần-ai nầy không bằng Thầy hiểu rõ. Đời các con đã hưởng, Đạo các con đã suy, lý các con đã nghĩ. Nhưng đời các con vẫn chưa thỏa mãn vì các con chưa hưởng tận; Đạo các con đã suy nhung các con chưa suy cùng tột; lý các con đã biết nhưng trong cái biết của thường nhân văn vật, không phải biết trong lý chơn-như. Thầy giảng cho các con là tìm “việc biết” trong muôn ngàn “sự biết”, đừng biết theo thường nhân thế-tục, đừng biết theo kinh sách lưu truyền, phải biết con, phải biết hồn con, phải biết con sẽ luân-hồi hay được về nơiThượng-giới? Nếu biết theo lý thường-nhiên của vạn vật là con chìm trong cái biết của truyền lưu thiên hạ vậy.
CHỮ VẠN
Con nhìn thấy chữ “VẠN” của Thầy truyền ban chẳng phải chư “Vạn”; thời Trung-nguơn xoay vòng theo luân-hồi dịnh-luật, chìu hướng Hóa-Công. Nay Thầy ngược lại có nghĩa là “thối hành chuyển”, con suy nghĩ lại từ nay mà không phải định ở tương-lai, con phải rõ ràng hiện tại, dụng hiện tại làm nấc thang để trở ngược về quá khứ. Vì con là nguyên-nhân từ trên đi xuống, con đâu phải cần nhìn xuống mãi mãi mà làm chi? Thầy chỉ cần con nghĩ suy nhìn lên, nhìn nấc thang đã qua rồi, nhìn trong kiếp luân-hồi cho sáng tỏ, nhìn cho thấy Bạch-Ngọc Hư-Cung. Đó là con nhìn trở lại, dụng hiện tại làm chuẩn để suy về quá khứ muôn đời, đừng định đặt hay lo âu cho tương-lai, vì tương-lai của con là tương-lai sa-đọa, tương-lai của trầm-kha ác-trược. Nếu các con vô phước luân chuyển vào đời theo thế-nhân thường tình ngoài tục lụy, đó là đi xuôi về địa-ngục sa trầm nơi cảnh lao lung vậy.
Ngày nay các con luyện Đạo là dừng lại để nhìn về quá khứ, nhìn trên chót ngọn thang mà từ khi con chuyển phàm hạ-thế, từ khi con xa Ngọc-Đế để bước lại trần-gian. Con ơi! Thầy là Đại Linh-Quang, còn các con là tiểu diệt, vậy thì các con phải trở về với Thầy.
 “KHÔNG” TRÙM “HỮU”
Ngày giờ nay các con đã suy lý Đạo, lời của các con, tâm của các con ứng hiện đều còn nơi đây, còn nơi không-gian nầy, không-gian nầy vì là không, cho nên chứa dầu cho A-Tăng-kỳ vật số, cũng vẫn còn mãi, vì là không, nhưng còn mãi mãi. Còn hữu-thể, dầu con nhìn thấy quả địa-cầu to rộng nhưng không thể chứa được A-Tăng-Kỳ đại số nhân-sanh là vì là hữu-chất. Cũng như lòng con, lòng con không không thì con có thể chứa được vạn vật muôn loài hay gom trọn bầu vũ-trụ vì là hư-không. Nếu lòng con hoàn toàn hữu-chất, định đặt lý tự nhiên như muôn loài vạn vật, thì các con cũng chẳng để được mảy lông.
Nầy con! Con có nhìn thấy chăng đời văn-minh khoa-học tiến-bộ,vật-chất đang lên con nhìn thấy, suy cho kỹ quả địa-cầu nầy đây có chi chứa đựng?  Phải chăng là hư-không chứa đựng?  Hư-không còn trùm quả địa-cầu, chẳng phải một quả địa-cầu mà các con hiện sống, còn hằng hà sa số quả địa-cầu tinh tú muôn nơi, nhưng đều vẫn chứa trong một không. Không đó là chi? Không đó là hơi thở của con hiện tiền, không đó là Thầy dùng huyền-nhiên chuyển hóa vậy.
Ngày nay con chứa “không” để con trùm “hữu” con chứa không để con đứng trên muôn loài vạn vật, con chứa không để con gom bầu vũ-trụ vào không, nếu lòng con không được không, con không thể chứa được một mảy lông hồng. Vậy thì Thầy khuyên thế nào phải là “không”? Trước chưa không con phải ở trong không mới được, cũng như Thầy ngày nay muốn gom toàn vũ-trụ, hằng hà sa số tinh-tú địa-cầu chỉ một nắm tay thâu. Không phải Thầy nói nắm tay trần tục đâu con! nắm tay nầy là nắm tay ‘huyền-nhiên chi-khí’, xòe ra bằng không không, vì trong không không con mới chứa được hữu-chất toàn nhiên, còn hữu-chất toàn nhiên con chỉ giới hạn một phần nào chớ không quyền ôm trùm cả vũ-trụ.
Con ơi! Con hãy gắng hiểu lời tâm-pháp của Thầy để lòng cho rộng rãi, cố thâu khí huyền-nhiên để một phần không nhỏ, con sẽ rõ đâu là Đạo-lý thâm uyên, đâu là con đường siêu việt?
Khả-hỉ! Khả-hỉ!.. Thầy nhận chung lòng thành nhưng Thầy vẫn còn buồn các con chưa rõ thông điều Tâm-pháp. Thầy dạy các con như ở trường đời, như ở thế-gian, Thầy chỉ mong các con trong những giờ rỗi nhàn hãy suy cho rõ lẽ, vì khi con suy nghĩ Thầy đã truyền quang điễn cho con, con đọc “Thánh-huấn kỳ-ngôn”, Thầy sẽ truyền hào quang cho con, lằn hào quang đó nhiếp thọ từ tư-tưởng hư-không của con, con không thể nào một giây con đi chung quanh quả đất được, nhưng con có thể trong một “sát-na” con xuyên qua Tam-Thiên Đại-Thiên thế-giới là nhờ có tư-tưởng của các con. Tư-tưởng của các con là khí Tiên-Thiên hòa-hợp với Hậu-Thiên, Hậu-Thiên ngày nay con đã thấy! Từ Á sang Âu, chỉ một giây phút trên địa-cầu nối liền hai nơi thành một. Đó là “huyền-nhiên”tạo nên “Hậu-Thiên” hữu-chất, cũng do khối óc, tư-tưởng mà tạo thành. Thì ngày nay, con chẳng cần tạo thành hữu-chất mà chi! Con cứ dùng huyền-vi gom vào tư tưởng của con, gom vào chơn-thể của con, trong một “Sát-Na-Lâu” con sẽ vòng quanh Tam-Thiên Đại-Thiên Thế-giới. Sở dĩ con chưa thấy được bằng phàm nhãn của con là vì con chưa mở được khiếu huyền-nhiên, con chưa thoát được ngoài thể-xác, con chưa gạn lọc được khí Hậu-Thiên trần trược. Nếu xong rồi, các con dầu ngồi nơi nầy nhưng Tam-Thiên Đại-Thiên thế-giới không xa vậy! Vũ-trụ Kiền-Khôn chứa trong tay áo của các con vậy! Tiếc rằng áo của các con vẫn còn là hữu-chất, lòng của con vẫn phàm tục đặc dầy. Nếu lòng của con rộng rãi như Trời mây, tay áo của con như hư-không của Thầy truyền xuống thì chỉ có huyền-pháp một giây con có thể thâu hằng hà sa số vậy!
THI BÀI
     Lời Tâm-pháp Thầy truyền con trẻ,
     Lý cao siêu trăm lẽ vạn đường,
          Ngàn năm muôn kiếp tình thương,
Nên chi mới xuống hạ trường pháp-nguyên.
     Con thọ lý Tam-Thiên mật-chỉ,
     Ráng công hành cho phỉ lòng Thầy,
          Vạn đời triệu kiếp là đây!
Nhỏ to từ lúc gặp Thầy Long-Vân.
     Nay đúng buổi Phong-Thần treo bảng,
     Cảnh thế-gian hoạn nạn khắp cùng,
          Lòng con rộng rãi hòa chung,
Thì đâu còn chấp bão bùng nhỏ to.
     Kìa, có một chiếc đò thẳng tấp,
     Chở muôn ngàn Thầy sắp chơn-linh,
          Hư-không hòa một mối tình,
Còn phần hữu-chất tự mình giồi trau.
     Về bước Đạo kịp vào tinh-tấn,
     Vẹn ý Trời huyền vận cơ-quan,
          Con tu lắm lúc tai nàn,
Vì chưng chấp hữu Đạo vàng chưa thông.
     Nếu con để cõi lòng rộng rãi,
     Để trống không lẽ phải ghi vào,
          Dầu cho muôn vạn vì sao,
Chứa trong lòng dạ lẽ nào không to.
     Nhưng chỉ sợ con lo trần tục,
     Để lòng mình vọng-dục lan tràn,
          Nào là tim, phổi, ruột, gan,
Thì đâu còn chứa Đạo Vàng cao siêu.
     Con nên biết Linh-Tiêu hư-cảnh,
     Dầu nơi đâu cũng lãnh huyền-vi,
          Một giờ, một khắc ra đi,
Tinh thần nhiếp-hội Thượng-kỳ phong quang.
     Con không thể Tòa Vàng thượng xác,
     Chỉ chơn-linh điều hạc ngự vào,
          Lời nầy Thầy dặn trước sau,
Huyền-nhiên hạo-khí cần trao mới thành.
     Nay Hậu-Thiên xoay quanh con đó,
     Tiếc rằng con không rõ cơ-huyền,
          Nếu là mượn lý từ-nhiên,
Con thâu phàm nhãn diệu-huyền mới thông.
     Nay chơn-lý đại-đồng muốn tỏ,
     Bởi vì con chưa rõ ngọn ngành,
          Dầu cho trong vạn đêm thanh,
Thầy truyền chánh pháp không thành con ơi!
                        Thăng

                                      ------------------------------------------------
                             HỒNG QUÂN THƯỢNG TỔ




SỰ HUYỀN DIỆU CỦA BÍ PHÁP TAM THIÊN
1 Tháng 2 Đinh Mùi
(11.3.1967)

Mừng thay CHƠN vị hội đài liên,
Phước cả THÀNH quang hiện bệ tiền,
Mượn đuốc ĐẠO Vàng linh nhập ứng,
Tự thừa NHƠN thế hội kỳ duyên.

          Chơn Thành Đạo Nhơn, Bần Đạo chào mừng chung đẳng đẳng Thiên Phong Huỳnh Đạo nữ nam.
Từ trước dày công luyện pháp Thầy,
Giờ đây chiếu triệu vượt ngàn mây,
Gia-đình còn hỡi nhiều thương tiếc,
Cố gắng trì tâm tạo quả dày.

Dày công tạo đức hội Long-Hoa,
Gắng chí tầm tu pháp nhiệm hòa,
Thoát khỏi trần gian minh thế cuộc,
Cao-đài, Huỳnh-Đạo ấy nào xa.

Xa bởi phàm tâm chấp bởi lầm,
Giờ nay đắc Đạo lý huyền thâm,
Gởi chung huynh đệ Tam-thanh pháp,
Cố gắng tầm tu chớ biếng trầm.

Trầm biến đời nay thấy rõ ràng,
Trong vòng nhị ngũ thảm trần gian,
Nếu không thọ được chơn-như hiện,
E khó về nơi cõi Niết-Bàn.

Niết-Bàn Tam-bộ đắc Như Lai,
Nhị Thánh hòa nguyên hiển thế tài,
Nhược thức thời cơ qui Chánh pháp,
Công Thầy cố gắng, mựa hề sai.

Sai bởi tâm trần khác ý Tiên,
Khi nào thoát xác mới hoàn nguyên,
Thông điều chơn giả phàm, Tiên, Tục,
Huynh đệ lo tu chớ lụy phiền.

Trước kia, Bần Đạo cũng vì bí pháp Tam-Thanh trì công Đạo quả hầu luyện Thánh-thể Kim-Thân, nhưng Nhị-bộ vẹn phần Tam hòa chưa đủ, ngày giờ chiếu triệu đơn phê Tam-Tòa hội đủ mới thoát khỏi chốn trần nhơ Hư Cung đến kịp giờ nhưng tiếc vì kỳ duyên không được ngộ. Lần nầy được Thượng-tổ truyền ban cho bí-pháp Tam-Thiên, rất diệu huyền để lập thành Long-Hoa đại hội. Trợ kiếp tạo duyên thượng kỳ dựng lập, thì ngày nay các nguyên-căn phải thi hành cho vẹn vẻ. Một ngày qua thật là mau lẹ tựa thể vó câu, đừng sầu, đừng não, đừng phiền vì cuộc đời chinh nghiêng gần đến.
          Nếu trọn tin nhứt dạ hy sinh, nếu không thành Tiên tác Phật thì chính Bần-Đạo đây xin luân hồi thay thế vậy. Nếu tu hành nữa nghi, nữa ngờ, không trọn lòng vì pháp, chẳng vẹn dạ với Thầy, còn chấp nê như hàng thế tục, e rằng pháp cao có lúc nhưng chỉ đắc Thánh Thần. Đôi điều Bần-Đạovừa phân, các nguyên-nhân nên giữ lấy. Triều nghinh Thầy ngự giá…
__________________

                   THẦY mừng các con.
NGÔI HAI GIÁO CHỦ hiện cơ Huỳnh,
Đài Thượng cao siêu lý biện minh,
Bí pháp Tam-Thanh truyền thế hạ,
Long-Hoa Huỳnh-Đạo ký huyền linh.

          Giờ lành Thầy ngự trần-gian mừng chung các con. miễn lễ tọa thiền nghe Thầy giảng đôi điều về pháp nguyên cho các con tận tường siêu-lý.
          Nầy các con nam nữ: HUỲNH ĐẠO THIÊN KHAI truyền ban thế tục là để dụng ngày Long-Hoa đại hội, chuyển tứ huyền linh, lập Tòa-Đình Thượng Ngươn Thánh Đức. Giờ đây các con ra sức luyện pháp Tam Thiên rất diệu huyền nếu trọn niềm tin tưởng. Đức ân của Thượng Đế là vô lượng thì các con cũng cố gắng hành theo. Nầy các con ơi! cảnh ngặt nghèo của Nam Việt sắp diễn biến gần đây, ráng tin tưởng nơi Thầy mà luyện thành Đạo-quả.
          Ngày xưa Thầy chuyển xác hạ trần thong thả trong thời kỳ chuyển pháp luân, đó là cơ huyền để cho các con ngày nay mới điểm thiệt.
          Trong phần bí pháp Tam Thanh vừa trao Nhị-bộ, Thầy phải trở về ngôi là vì phần Tam-Thiên sắp ra đời nên Thầy mới vội vã cỡi rồng về Bạch-Ngọc. Trên Thầy lại có Tôn-Sư, huyền-linh ân tứ, còn có Thượng Tổ Hồng Quân, các con chớ tưởng lầm rằng Thầy chính là Thượng Đế Kim triêu đại triều khuyết ngự. Thầy là một điểm linh quang trọn giữ truyền hạ trần gian, cũng như các con ngày nay luyện mối Đạo Vàng xuất một phần chơn thân để thi hành công đức vậy.
          Thầy giảng cho các con về phần bí-pháp Tam-Thiên từ sơ đẳng nhứt nguyên cho đến phần Thượng đẳng là trong thời kỳ chuyển tiếp để cho thân xác các con được nhẹ nhàng, một là trả quả trần gian, hai là tập tành cho thông được lằn Thiên-điển. Điều Thượng Tổ giảng phân rất cao siêu huyền diệu, Thầy thấy trong các con chỉ một phần hiểu, còn một phần cũng vẫn lửng lờ, Thầy thương thay! Nếu đọc thơ phải tầm lý hầu cứu rỗi thân mình. Ngày xưa, kẻ sĩ đọc thư cứu quốc, các  con ngày nay kiến Thánh-ngôn Phật huấn tự cứu chân thân, tự thi hành công đức, có khó gì đâu miễn các con vẹn toàn thi hành thì Niết-Bàn, Bạch-Ngọc nào có xa chi, niềm tin vững chải, Đạo VàngTHẦY phổ hóa, THƯỢNG TỔ ban truyền không có chi là trở ngại, chẳng lẽ khắt khe, nhưng một là các con thành tựu trở về nơi Niết Bàn, Bạch Ngọc. Hai là các con vẫn luân hồi nơi thế gian, trầm kha trong vòng tục lụy.
            Huỳnh-Đạo sáng khai trong cơn loạn lạc mạt-kỳ biến chuyển, phong ba tứ hướng nổi lên, lòng người tán loạn, cho nên, nếu các con xuất gia hành Đạo, đoạn tuyệt trần gian thì chưa phải là chánh pháp Đạo-Vàng. Trước khi ngọc kia muốn trưng bày rạng rỡ thì phải chịu giũa mài, bùn nhơ nước đọng qua nhiều lớp khổ lao, cũng như các con ngày nay mặc dầu đoạn thất tình lục dục, chẳng luyến tiếc trần gian, nhưng các con phải trả nợ cho chu toàn mới trở về THẦY thong thả vậy. Không phải các con phế đời hành Đạo, nhưng các con đã vẹn Đạo lánh đời, không phải các con quá vì đời nhưng phải nương đời để tu thành Đạo-quả. Trong hai điều chơn giả các con phải suy tầm ra lý pháp cao siêu.
          Nầy các con! dầu sớm, dầu chiều, các con cũng cố gắng hòa thuận thương yêu để tận tường đời là tạm giả, đôi khi các con quá vì bản ngã, những ngỡ rằng hiện tiền chấp hữu cho là trường tồn vĩnh cửu, một hai con tuy biết rằng đời là tạm giả, miệng nói giả giả, tạm tạm mà lòng vẫn cho là cửu cửu miên miên, THẦY thấy thế lắm lụy phiền mới  truyền quang cho các con được rõ. Nếu gọi là giả, phải nghĩ rằng từ chơn-thân hiện giả, trí huệ huyền thông đừng để cho nơi lòng biết giả mà không phải lánh giả lại nương giả để thi hành rồi gặp vòng giả diệt!
          Đời có chi đâu, các con ơi! tuy quả đia cầu nầy văn-minh thế hạ đoản lạc trường khai, nhưng chỉ có một ngày đúng giờ, đúng khắc, Thần, Tiên, Thánh, Phật ra oai trợ kỳ Thượng Nguơn đáo đầu, đó là luật: “Thiên Địa tuần hoàn châu nhi phục thỉ”. Nay các con nên tầm suy tột nghĩ lời của THẦYgiảng lý cao siêu, phải tưởng vào tâm ý cho thật nhiều, phải suy nghĩ mỗi ngày cho rõ lẽ. Mỗi điều chi trước mắt của các con cần phải tọa thiền suy nghiệm, nếu không phải trọng giờ luyện pháp thì các con cũng vẫn ngồi yên để suy cho ra lý, tự hỏi thì chơn tâm của các con sẽ tự trả lời, chừng nào rốt ráo là các con sẽ đoạt được lý của THẦY truyền ban trong thời kỳ mạt luân đáo thể.
BÀI
     THẦY ngự bút đêm vàng chuyển tứ,
     Hạ hồng trần dạy chữ thương yêu,
          Con ơi, công quả sớm chiều,
Lo tu là để thoát điều trầm luân.
     Kìa! Nghe chăng tưng bừng tao-loạn,
     Con thấy không nhiều đoạn thương tâm?
          Đời mê thì chớ lạc lầm,
Quyết đem Đạo-cả soi tầm chơn-duyên.
     Dầu muôn việc lụy phiền đây đó,
     Ráng bền tâm nếu có đau thương,
          Khổ lao con hãy xem thường,
Long-Hoa gần đến là đường cao thanh.
     Đôi lời dặn chí thành nghe trẻ!
     Bước đường tu không lẽ thẳng ngay,
          Muôn năm chịu cảnh u-hoài,
Ngàn năm thong thả thoát ngoài tử sanh.
     Vậy hỏi con điều lành Thầy giảng,
     Nếu tròn tin cố-ráng thi hành,
          Đời tàn ai cũng đua tranh,
Riêng con trả nợ không giành giựt chi.
     Thường nguyện lấy từ-bi làm trọng,
     Soi đuốc Vàng để gióng chuông linh,
          Luôn luôn nên xét nơi mình,
Phần cao vị cả trần tình bao nhiêu?
     Kể từ nay ít nhiều nên nhớ,
     Tròn nghĩa nhân đừng lở con ơi!
          Ngày kia dầu tới cõi Trời,
Hiếu trung nhân nghĩa mấy lời làm gương.
     Thầy giáng bút đêm trường to nhỏ,
     Sợ rằng con vội bỏ công trình,
          Mãng mê trong cõi phù sinh,
Ham điều danh lợi buộc mình thiêu thân.
     Đức tin phải ân-cần trau luyện,
     Các con ơi, biến chuyển gần đây,
          Nhìn chung đau xót lòng Thầy,
Khuyên con vì Đạo hội nầy gắng công.
     Trong Trung-Tôn mấy dòng Thầy dạy,
     Buổi kỳ cùng nào phải xa vời,
          Pháp huyền năng luyện con ơi!
Chuyên hành cho đúng chiều mơi Thầy truyền.
     Ngày thập bát y nguyên Thầy dạy,
     Thượng-đẳng hòa triêm trải cai nhiên,
          Truyền cho Chưởng-Giáo diệu huyền,
Sẽ ban tất cả cao nhiên con hành.
     Phần nữ phái Thầy dành ngọc vị,
     Bí-pháp kia cao chỉ huyền linh,
          Quả công toàn tất Bửu-đình,
Sau ngày Đại-hội công trình điểm phê.
     Sẽ ban thêm tựu tề Bí-chỉ,
     Sẽ tùy duyên mà chỉ cho đều,
          Lòng Thầy vẹn vẻ thương yêu,
Các con đồng đẳng sớm chiều lo toan.
     Đừng để đứa phàn nàn bổn phận,
     Đừng để cho đứa giận người hờn,
          Bao nhiêu lời dạy ban ơn,
Mong con tinh tấn nghe đờn Lôi-Âm.
     Chung công quả tay cầm giềng mối,
     Nầy các con kịp lối lo lường,
          Ngày nay Huỳnh-Đạo phô trương,
Là nhờ Tam-Thế soi đường Như-Lai.
…………………………………………………………………………….
NGÔI-HAI GIÁO-CHỦ
user3 pic3210 1262369415
1 Tháng 1 Mậu-Thân
(30.1.1968)
A        niệm từ-bi chiếu bút lành,
DI        truyền đệ-tử hiệp chơn thành,
ĐÀ      tâm tịnh thất duyên ngàn kiếp,
PHẬT lý chơn ngôn trọn Đạo lành.
         
          Vậy miễn lễ đệ-tử tọa thiền nghe Tôn-Sư giảng về phần Tâm-pháp.
          Bí-pháp của Tôn-Sư còn nhiều phần huyền huyền diệu diệu, nhưng duyên của các con thì chưa thông hiểu đoạt tới cao lý siêu thâm. Vậy Tôn-Sư truyền cho pháp niệm danh Tôn-Sư mà chẳng mê lầm, để khỏi có quên lời Tôn-Sư nhắn nhủ:
“ Nhứt cú DI-ĐÀ vô biệt niệm,
Bất lao đàn chỉ đáo Tây-Phương”
Nghĩa là: chỉ niệm một hồng danh của Tôn-Sư rồi, chẳng cần phải lao nhọc điều chi cũng trở về Tây-Phương Phật-Quốc. Đó là niệm như vầy; Khi ngồi tọa thiền, muốn niệm danh Tôn-Sư, các con cứ tưởng rằng thân của các con đang chơi vơi giữa biển, thể của các con sắp sa vào ác trược cuồng si, sắp sửa bị ma quỉ lôi đi làm cho con xúc tình cảm động, đó là tính hiệp hòa không, con như người lạc lỏng mênh mông giữa rừng Thiêng nước độc, hay sa-mạc âm-u, con tưởng chừng như trong một khám tù không bao giờ thoát khỏi, phát động từ tâm cảm xúc kêu cứu nơi Tôn-Sư thì cảm ứng trong giờ khắc đó. Con niệm làm sao nơi Linh-Đài của con, nơi huyền-quang-khiếu có lằn hào quang chiếu thấu Tam-Thiên Đại-Thiên Thế-Giới, như tiếng chuông gióng cõi Hư-linh, nghe tiếng niệm A-DI ĐÀ-Phật ….từ trên truyền xuống, con không phải niệm bằng tâm, chẳng quán tưởng bằng trí, chẳng nghe bằng tai, nhưng khi con muốn niệm sự cảm Huyền-nhiên sẽ ứng ở Tam-Thiên cho các con thấy Tôn-Sư thiệt tướng vậy.
          Tôn-Sư ban ân đệ-tử, A-DI ĐÀ Phật chiếu hào quang ban ân lành cho toàn gia nam nữ hưởng Xuân Mậu Đạo-đức uy phong hòa nguyên Bửu-vị. Triều nghinh…
……………………………………………………………………………………




1-1 Mậu Thân
(30-1-1968)
                        T H I
HỒNG     diệu hòa quang chuyển bút vàng,
QUÂN     lai Xuân Mậu phất tràng phang,
THƯỢNG thừa Huỳnh-Đạo qui Tam Ngũ,
TỔ           ng truyền minh lập Thánh-Hoàng.
KHAI       chưởng Long-Hoa hòa thế-giới,
XUÂN      niên Thánh-Đức đại trường an,
MẬU        duyên pháp chỉ tăng niên lục,
THÂN      tại trần gian bất nhiễm hoàn.
         
Thầy mừng các con! Thầy miễn lễ các con tọa thiền nghe Thầy khai Xuân giáo chỉ.
          Nầy các con, giờ lành Thầy hạ phàm, lòng của các con vì Thầy tin tưởng, vì Đạo triều nghinh, lòng Thầy vừa vui vừa buồn! Các con ôi, Xuân của trần gian là mấy chốc, xác pháo tan-tành như cuộc vui đùa của thế tục. Lòng Đạo-đức của các con là vàng đá, trường vĩnh lưu luân, ngày nay các con chớ có vui mừng chỉ có đôi ngày Xuân rồi để cho lòng các con chìm sâu trong thê thảm!.... đời của các con vẫn thấy là ãm-đạm, luật vô-thưng bao phủ phút giây, nay các con vì Thầy, vì Đạo, vì chính bản thể hư-linh của các con mà các con thọ pháp mầu siêu, hành tàng máy diệu trở về ngôi một muôn đời.
          Nầy các con, không có điều gì thế-gian chia hai mà gọi là tồn tại, không có sự việc nào ở thế-gian chia hai mà gọi là vẫn còn vững vàng lưu hậu thế. Duy có một, một là một chơn lý, một linh phách của các con, một ngôi Thái-Cực, dầu các con là lưỡng-nghi âm-dương mới biến sanh ra thế hạ, nhưng âm-dương vẫn còn biến, thế hạ vẫn còn suy, luật vô-thường vẫn còn tồn tại. Thầy chẳng bảo các con cần tuyệt âm, tuyệt dương hay là các con luyện thuần dương, thuần âm mà gọi là trở về với Thầy. Ngày nay trong đạo phu thê của các con là ngôi “Lưỡng-Nghi”, các con có thấy tồn tại chăng. Một ngày kia âm tán dương suy, chết chồng, xa vợ, điều đó các con hiểu rõ lý âm, dương là thế nào? Ngày nay trong tình yêu thương đã có con cháu lưu truyền, đó là luật âm dương luân chuyển sanh hóa của Thầy truyền xuống cho các con. nhưng càng sanh lại càng diệt, càng chìm trong tứ khổ vô thường, nay các con muốn không diệt, tất nhiên chẳng sanh cũng như lòng của các con vậy. “Tuyệt thị thúc dục” là các con sẽ yên thân. “Tuyệt thính phàm ngôn” là các con sẽ yên tâm, các con không còn xao động bởi trần-gian vì các con trở về với ngôi Một. Các con đừng nghe, đừng thấy, đừng hiểu, đừng biết mà chi!... Nhưng các con phải biết, phải hiểu, phải nghe, nghe không phải để các con vui đùa nơi thế hạ hay phân chánh, lọc tà, hay các con suy trước luận sau, mà nghe là vì thân của các con Thầy sanh ra nơi giác quan để nghe, nghe để tâm suy chơn lý, chẳng phải ái-ố như thế nhân, các con biết nhưng chẳng phải là cái biết của thường nhân hữu học mà cái biết của Đạo lý siêu thâm, biết từ muôn kiếp luân-hồi tồn tại, đó mới là thiệt biết, cái hiểu của các con đừng hiểu trong vòng trăm năm, hoặc hiểu biết nhứt thời năm nầy, tháng nọ, hiểu thế sự quẩn quanh thường tình, rồi các con quên rằng Thầy là Vô-Vi, vô-vi là không mất, còn tồn tại trường miên, lòng hiểu của các con cũng vẫn là vô-vi, nếu các con hiểu sai, chẳng tròn tinh vạn tấn, thì các con sẽ tự tạo lấy địa-ngục riêng cho các con, chẳng phải có Diêm-Vương ngự trị, chẳng cần phải Ngạ-quỉ kéo lôi mà các con tự mở Địa-ngục bước sâu vào A-TỲ thảm lụy vậy.
          Nầy các con, lời Thầy giảng là lời khai Xuân cũng như khai huyền-quang-khiếu các con một lần nữa. Đây các con nên nhớ: ham muốn nhiều nơi trần-gian là phiền lụy nhiều, các con nghe nhiều, cảm giác nhiều, thích điều mới lạ nhiều là các con vẫn phải khổ tâm nhiều. Nay Đạo pháp trường lưu, cơ-huyền diệu hóa, chẳng phải các con lánh xa nơi trần tục, bỏ tất cả nhân gian, nhưng các con lánh tâm hồn, xa trí tục để dành cho ngọn đèn sáng của lương tri, dành nơi chốn trường miên vĩnh cữu. Tinh, Khí, Thần các con là hữu chất, tham, sân, si của các con là vô-vi. Tại sao các con luyện Tinh, Khí, Thần mà vẫn còn Tam-Độc, không luyện Tam-độc thành Tam-Bữu để mãi mãi như Thầy lang cho thuốc người bịnh trầm kha thêm vào thuốc độc. Thầy thương thay! Trong hàng các con nam nữ có luyện, có công khó giồi mài, nhưng một sớm, một chiều, sáng mai rồi bỏ mất, vì lòng trần chất ngất mà tâm Phật, trí Tiên bỏ xa ngoài thể xác, Thầy buồn thay!... Nầy các con: rồi đây cơ rơi rụng lác-đác như chiếc lá của mùa Xuân sang mùa Hạ vậy.
          Trong hàng các con cuối cùng trong thời Long-Hoa chỉ còn có mười hai nam nữ. Các con cố gắng phải giữ, giữ cho kỳ được một đại hồng thệ siêu-vi, một tâm thành quán triệt, một chánh pháp nguyên-y là các con mới thượng ngai nhập vị vào buổi Long-Hoa đại kỳ mà an hưởng.

Thầy Thăng.